Tòa Thánh tạm tại làng Long Thành (HT. Huỳnh Tâm)


Tòa Thánh Tây Ninh, còn được gọi là Đền Thánh, là Tổ Đình, Trung Ương của Đạo Cao Đài, hiện nay tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách Thị Xã Tây Ninh khoảng 5 Km về hướng Đông Nam, thuộc Miền Nam nước Việt Nam.

I - Tìm đất Thánh Địa.
Đạo Cao Đài làm Lễ Khai Đạo ngày 15-10 Bính Dần (dl 19-11-1926) tại Thánh Thất tạm đặt tại Chùa Từ Lâm Tự (tục gọi là Chùa Gò Kén, Tây Ninh).

Nguyên ngôi chùa nầy do Hòa Thượng Như Nhãn (cũng gọi là Hòa Thưởng Giác Hải) góp tiền bổn đạo mua đất và xây dựng nên. Kịp khi Đức Chí Tôn giáng cơ mở đạo,
Đức Chí Tôn dùng huyền diệu cơ bút độ được Hòa Thượng Như Nhãn theo Đạo Cao Đài và trở thành một vị Chức sắc Đại Thiên phong của Đạo Cao Đài, nên Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm Tự cho Hội Thánh Cao Đài làm Thánh Thất tổ chức Lễ Khai Đạo. Thế nhưng sau ngày Lễ Khai Đạo, Hòa Thượng Như Nhãn có những áp lực bên ngoài, bởi lúc bấy giờ nhà cầm quyền Pháp dụng ý xấu, xúi giục và đe dọa an ninh của Hòa Thượng, cùng lúc áp lực thứ hai, đến từ những đệ tử và người dâng hiến công quả xây dựng Chùa, đưa đến kết cục sự kiện Hòa Thượng Như Nhãn mất đức tin không theo Đạo Cao Đài, nhất quyết đòi lại chùa, không hiến cho Hội Thánh Đại Đạo.

Hội Thánh Cao Đài phải trả chùa lại cho Như Nhãn và hứa trong 3 tháng sẽ tìm đất để dọn đi.
" Kể từ Rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926) tới Rằm tháng Giêng Đinh Mão (1927) là đúng kỳ hứa trả chùa Từ Lâm Tự (Gò Kén) là 3 tháng, nhưng tới tháng 2 năm Đinh Mão, đã quá kỳ hạn 1 tháng mà Hội Thánh chưa trả chùa lại được, vì chưa kiếm được đất để mua, còn Ông Hòa Thượng Giác Hải thì cứ đòi chùa lại hoài." (ĐS.I.51)


                         Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư đứng ra xây dựng Tòa Thánh tạm đầu tiên.

Vì sự đòi chùa ấy nên Đức Lý Giáo Tông giáng dạy tại chùa Gò Kén ngày 20-2-1927 (âl 19-1 - Đinh Mão) như sau: " Ngày nay Lão nhứt định chùa nầy trả lại. Xong trước khi trả, phải cất Thánh Thất cho xong y như lời dạy. Chư Đạo hữu phải hiệp sức nhau đặng lập thành Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi, vì là Thánh địa, vả lại phong thổ thuận cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học đạo. Lão muốn nơi khác mà Chí Tôn không chịu. Thượng Trung Nhựt ! Phải làm thế nào chừa đất dư ra ít nữa là 50 mẫu là cả trọn bản đồ Bạch Ngọc Kinh và cho đủ Thánh địa ấy. Hiền hữu đi chọn đất về cho Lão hay, cầu khẩn Chí Tôn nghe ! " (Trích ĐS. II. 222)

Ngày hôm sau, cũng tại chùa Gò Kén, ngày 21-2-1927 (âl 20-1-Đinh Mão), Đức Chí Tôn giáng dạy như sau :

" Các con nghe ! Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh địa. Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh dạy dỗ dân vô đạo, Thầy ban đặng quyền thưởng phạt, đặng răn làng ấy cho đến ngày chúng nó biết ăn năn cải hóa. Vậy thì Làng Long Thành, các con khá an lòng.


Còn Tòa Thánh thì muốn để cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước. Từ Thầy đến lập Đạo cho đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì là đẹp lòng Thầy.
Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi.
Các con đã hiểu Thánh ý Thầy, phải cần kiệm mỗi sự chi về phương tiện mà thôi.

Thơ ! Thầy giao cho con góp tư bổn trong một tháng cho rồi, dặn các em con rằng : "Danh thể Đạo nơi Tòa Thánh, nghe à !"

Toàn thể Chức Sắc, Cữu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài và đạo hữu chụp ảnh chung làm kỷ niệm khánh thành Thánh Thất tạm đầu tiên tại Thánh Địa

Sau Thái Bạch sẽ dạy con kiểu vở:
" Cẩm Giang thì các con phải chịu khổ về phần ăn uống, Bén Kéo thì địa thế hẹp hòi, chớ chi các con khôn ngoan lấy cớ rằng, vì ích lợi lương sanh, vì đạo đức mà ký Chánh phủ cho các con mé rừng cấm bên kia đường thì đẹp lắm. Các con liệu thử.

Thơ ! Suối Vàng thì đặng, phương chuyên chở không thuận tiện, song phong thổ tốt đẹp. Con cũng yêu cầu Hội Thánh xét nét, nghe à ! Thầy ban ơn cho các con." (ĐS. II. 223) & [TNHT. I. 98]

Tiếp theo, cũng tại chùa Gò Kén, ngày 22-2-1927 (âl 21-1-Đinh Mão), Đức Lý Giáo Tông giáng :
" Thượng Trung Nhựt ! Thái Thơ Thanh ! Cười ! Nhị vị Hiền hữu muốn cho Đạo phải mang tiếng rằng : Trốn lánh hay sao mà tính dời Tòa Thánh xa dữ vậy hử ? Tỷ như Lão muốn lập Tòa Thánh gần bên thành binh, chư Hiền hữu tưởng sao ?"

Trung bạch : " Có hai làng cúng đất.
- Mua thì đặng, khó gì ! Một nơi chí Thánh trước mắt mà chư Hiền hữu chẳng biết xem, ấy cũng còn 2 phần phàm.
Thái Thơ Thanh ! Lão cậy Hiền hữu một phen nữa, mai nầy đi lên đường trên gọi là dây thép, nhắm địa thế dài theo cho tới ngã Ao Hồ, coi Hiền hữu thấy đặng chăng cho biết.
Lão đã nói rằng : Mỗi sự chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết. Chư Hiền hữu đừng sợ ai hết, hễ sợ thì chối quyền thiêng liêng của Chí Tôn thì còn gì Đạo ! nghe à !" (ĐS. II. 224)

Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương Hiếu thuật lại buổi Hội Thánh đi tìm mua đất cất Tòa Thánh ngay ngày hôm sau, theo lời dạy của Đức Lý Giáo Tông như sau :
" Qua ngày sau, quí ông đi tìm đất, Ông Thái Thơ Thanh cho mượn một chiếc xe, Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh cho mượn một chiếc.

Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng ngồi trên 2 chiếc xe hơi, thì có : Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm, Anh Cả Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, Anh Thái Thơ Thanh, Anh Thượng Tương Thanh, Anh Ngọc Trang Thanh.

Khi xe chạy tới cửa số 2 hồi trước còn rừng rậm, cạnh góc ngã ba có cây vừng, Đức Cao Thượng Phẩm ngó thấy nơi cây vừng có tấm bảng treo đề tên Cao văn Điện, ông nầy là bạn học của Đức Cao Thượng Phẩm hồi thuở nhỏ.


Trong lúc bối rối kiếm đất không được, Thượng Phẩm bất ngờ thấy tên bạn mình đứng tên trên miếng đất nầy, nên Đức Cao Thượng Phẩm nói với Hội Thánh rằng : Để tôi đi tìm ông Cao văn Điện, nhờ bạn tôi điềm chỉ giùm chủ đất nầy, và cũng nhờ ông Cao văn Điện điềm chỉ mới biết ông chủ đất nầy là ông Kiểm lâm người Pháp tên là ASPAR.

Khi kiếm được đất rồi, tối lại quí Ông cầu Đức Lý về dạy coi Hội Thánh đi kiếm đất như vậy có trúng không."

Vào đêm 24-2-1927, (ÂL 23-1-Đinh Mão), tại chùa Gò Kén. Đức Lý giáng dạy như vầy :
" Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo muội. Lão khen Thái Thơ Thanh, phải đó đa không, tưởng chư Hiền hữu không thấy nữa.
Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy là Thánh địa ?
Sâu hơn 300 thước, như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn, làm như 6 con rồng đoanh nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi, gọi là LỤC LONG PHÒ ẤN. Ngay miếng đất đó đặng 3 đầu : Một đầu ra giếng mạch Ao hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia.
Người Lang sa chỉ đòi 20 ngàn, nói rồi trả đúng có 15 ngàn, Lão dặn thì thành trả 17 ngàn, 18 ngàn thì đặng vậy.
Còn xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh Thánh địa ngày sau hóa vàng. Chư Hiền hữu biết lo lập, ngày sau rất quí báu. THĂNG." (ĐS. II. 225).

" Khi phá đám rừng nầy thì đàn Thổ (người Miên) xuống cả ngàn người để phá rừng, làm cho ông Chánh Tham Biện (Tỉnh Trưởng Tây Ninh) người Pháp nghi ngờ, mời Đức Thượng Phẩm ra Tòa Bố.
Ông hỏi Đức Thượng Phẩm : Chớ làm cái gì mà đông đảo như vậy ?
Đức Thượng Phẩm trả lời rằng : Tôi mua miếng đất đó đặng trồng cao su. Ông Tham Biện hỏi : Trồng mấy mẫu ?
Đức Thượng Phẩm trả lời : Tôi trồng hết sở đất tôi mua, phá tới đâu tôi trồng tới đó.
Nên ngày nay, trong Nội Ô có cây cao su là do đó." (trích ĐS. I. 52)

Chức sắc và toàn Đạo hành lễ Đức Chí Tôn.

Tóm tắt diễn tiến mua đất cất Tòa Thánh :
1 /. Sau khi làm Lễ Khai Đạo tại chùa Từ Lâm (Gò Kén) ngày 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926), chủ chùa Từ Lâm là Hòa Thượng Như Nhãn (Giác Hải) đòi chùa lại, không hiến cho Hội Thánh Cao Đài nữa, kỳ hẹn trong 3 tháng phải dời đi.

2 /. Ngày 19-1-Đinh Mão (dl 20-2-1927), tại Từ Lâm Tự, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ quyết định trả chùa lại cho Hòa Thượng Như Nhãn, rồi dạy Hội Thánh đi chọn mua đất cất Tòa Thánh, phải chọn đất tại Tây Ninh nầy mà thôi. Đức Lý xin mua đất nơi khác nhưng Đức Chí Tôn không chịu, bởi vì Tây Ninh là Thánh địa, nơi đây phong thổ thuận tiện cho người ngoại quốc đến học Đạo.

3 /. Ngày 20-1-Đinh Mão (dl 21-2-1927), cũng tại Từ Lâm Tự, Đức Chí Tôngiáng cơ xác định: " Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi."

Đức Chí Tôn còn phân tích và gợi ý :
" Nếu cất Tòa Thánh nơi :
- Cẩm Giang thì nhơn sanh phải chịu khổ về phần ăn uống.
- Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi.
- Suối Vàng thì phong thổ tốt đẹp nhưng phương tiện vận chuyển không thuận tiện.
- Chỉ có khu rừng cấm phía bên kia đường thì đẹp lắm !"

4 /. Ngay sáng hôm sau là ngày 21-1-Đinh Mão (dl 22-2-1927), Hội Thánh đi tìm mua đất, nhưng không được.
Tối lại, cầu Đức Lý Giáo Tông tại chùa Gò Kén thì Ngài giáng dạy rằng : "Ngày mai, Hội Thánh cần đi xem đất một lần nữa, xem từ Mít Một, cặp theo đường dây thép đến làng Long Thành, coi có thấy được không ?"

Đức Quyền Giáo tông Thượng Trung Nhật quỳ hàng đầu hành lễ Đức Chí Tôn.

Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh quỳ hàng đầu hành lễ Đức Chí Tôn.

5 /. Ngày 22-1- Đinh Mão (dl 23-2-1927), Hội Thánh vâng theo lời chỉ dạy của Đức Lý, đi tìm đất một lần nữa thì gặp được một miếng đất là khu rừng rậm do ông ASPAR làm chủ, nằm kế khu đất của ông Cao văn Điện, bạn của Đức Cao Thượng Phẩm.
Tối lại, lập đàn cơ cầu hỏi Đức Lý Giáo Tông, Ngài giáng khen: " Hội Thánh đã tìm đúng, cuộc đất ấy là Thánh địa, vì bên dưới, trong lòng đất sâu 300 thước, có 6 nguồn nước tụ lại, gọi là Lục Long Phò Ấn."
Đức Lý cho biết trước: " Người Pháp chủ miếng đất rừng ấy đòi bán 20 ngàn, trả giá chừng 17 hay 18 ngàn là họ bán."
Đức Lý còn dặn : " Mua xong miếng đất ấy rồi, phải xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa, nhập vào mới trọn để cất Tòa Thánh theo kiểu vở của Bạch Ngọc Kinh."
Đức Lý cho biết: "Đất bây giờ còn rẻ, nhưng ngày sau khai khẩn xong rồi, lập nên Tòa Thánh, Đạo phát triển thì chung quanh đất ấy sẽ rất quí báu, đất mắc hơn vàng."

Ngày nay, Đạo phát triển không phải những tại VN mà còn truyền ra khắp thế giới. Nhận thấy việc tìm ra cuộc đất để lập thành Thánh địa, xây cất Tòa Thánh là hoàn toàn do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông chỉ dạy, hướng dẫn. Chớ không phải do Hội Thánh tự ý đặt ra.

Câu nói mà Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông cùng xác nhận là : " Chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi." Đó là Thiên Điều, bất di bất dịch, của Đạo Cao Đài, tức là của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Cho nên chúng ta thấy các Tòa Thánh khác của các Chi phái Đạo Cao Đài lập ra ở những nơi khác, đều không thể tồn tại lâu dài được. Đó chỉ là nhất thời trong sự bất đồng cũng nhất thời, để rồi ngày sau cũng phải qui hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh, chỉ có một gốc Tây Ninh mà thôi.


Buổi sơ khai Đạo còn nghèo, cho nên Đức Cao Thượng Phẩm dắt người Miên đi phá rừng cho trống và lấy cây tạo tác Tòa Thánh tạm bằng tranh. Kúc bấy giờ, ai hảo tâm cúng hiến vật chi đều công bố minh bạch để là niềm tin, và hai cây cột nội tâm có hai đồng hồ bằng giấy để cho công quả người Miên ghi nhớ giờ cúng; còn tấm treo trên La-phong làm bằng đệm để che bụi rơi xuống Bửu Điện.

Hình của Chư Chức Sắc Thiên phong Hiệp Thiên và Cửu Trùng chụp kỷ niệm nơi mặt tiền Điện Thánh tạm hồi còn bằng tranh, do Đức Cao Thượng Phẩm tạo lập.

Chúc sức Nam-Nữ Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài chụp ảnh chung trên đất Thánh Địa mới.




Lúc bấy giờ Đạo gặp mọi thử thách, trải qua quá nhiều chông gai, nhiều đường khổ hạnh, Cần tránh mọi cản trở để vượt qua.
HT. Huỳnh Tâm
Về Cội Ngu