Song đó chỉ là thuật điều chỉnh tư tưởng mà thôi,
chỗ yếu nhiệm song song kế đó là trong tâm mình phải có đức tin và lòng trông
cậy vào quyền năng của Bát Quái Đài. Không có đức tin có nghĩa là không sống
thực với lòng mình thì sự tập trung tư tưởng cầu nguyện, lễ bái không có thần
lực của mình phát ra cao độ cũng như máy thu thanh thiếu điện đương nhiên không
có cảm ứng,
cúng lạy suốt đời cũng chỉ lòng vòng với hình tướng mà thôi không
có bí pháp ứng hiện.
"Đạo
gốc bởi lòng thành tín hiệp..."
Khi bắt đầu đọc kinh đã có sự nhắc nhở như vậy. Có
đức tin mới có lòng thành khẩn và sự kính trọng thật sự trong tâm. Không tin,
không kính thì sự kính trọng làm ra vẻ bề ngoài và những lời vái van lấy lệ
trên đầu môi chót lưỡi chỉ là giả tưởng mà thôi, xét trên quan điểm cao tầng
huyền linh quả nhiên như vậy, tuy rằng lời thật hay mất lòng.
Tóm lại cúng kiến, cầu nguyện phải đúng với chơn
pháp và phải có đức tin mãnh liệt mới có ấn chứng tâm truyền khi mình đủ công
đức.
1 / Ý nghĩa
Đọc kinh cần phải hiểu ý nghĩa của lời kinh vì lý
trí có hiểu đặng ý nghĩa mới điều khiển thân xác hành động theo chánh tín đặng.
Quan niệm sống của người tín đồ thể hiện qua tư tưởng và hành động của họ,
không hiểu ý nghĩa lời kinh việc sùng tín dễ rơi vào mê tín dị đoan và lòng
nhiệt thành hăng say vì Đạo dễ bị lạm dụng không đúng chỗ. Ý nghĩa lời kinh
trong các tôn giáo thường diễn tả vũ trụ quan và nhân sinh quan của nền triết lý
đạo giáo ấy.
Việc cầu lý bao gồm từ thấp đến cao, tùy theo căn
cơ và trình độ của mỗi cá nhân người giảng và nghe, cần có những hình thức diễn
giảng khác nhau mới đáp ứng đủ mọi trình độ hiểu biết của nhơn sanh.
Triết lý của Tam Kỳ Phổ Độ tổng hợp tinh hoa các
giáo thuyết đông tây kim cổ gọi là Qui Tam Giáo hiệp Ngũ Chi nên chúng ta không
lạ gì khi thấy, chẳng hạn một vấn đề ăn chay thôi mà lý giải của nó do những
người đi trước truyền đạt cũng không đồng nhất. Người truyền giáo hiểu đến đâu
thì diễn giảng theo mức ấy và người nghe tùy trình độ nhận thức của mình cũng
hiểu và tin vấn đề một cách khác nhau. Tinh thần tổng hợp chấp nhận tất cả
những sự khác biệt ấy đều hữu dụng cho nhơn sanh tùy căn duyên của mỗi người.
Cũng lẽ ấy mà về hình thức nghi lễ tất cả các vị giáo chủ cổ kim đều được tín
đồ Cao Đài thờ chung trên một bàn thờ dù trước kia chủ trương hành động của họ
đối với cuộc đời không đồng nhất khi độ rỗi nhơn sanh. Về phương diện cầu lý
phương tu của người tín đồ Cao Đài chủ trương làm người phải tìm hiểu lý đạo
sâu xa sửa lòng mình cho trong sạch khi tụng kinh.
"Làm
người rõ thấu lý sâu,
Sửa
lòng trong sạch tụng cầu Thánh Kinh" (Trích bài Khai Kinh)
Trong Tân Luật điều thứ hai mươi ba, Chương VI ghi
rõ trong Đạo sẽ mở trường dạy chữ và dạy Đạo. Dạy Đạo là giảng dạy về môn giáo
lý Cao Đài trong học đường. Điều mong ước ấy của các bậc tiền bối đã ghi thành
luật nhưng trên thực tế chẳng thực hiện được bao nhiêu hầu đáp ứng nhu cầu tìm
hiểu lý Đạo cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
2 / Các hình thức cầu lý
Để tìm hiểu ý nghĩa của lời kinh, thông thường
người ta áp dụng những hình thức sau đây:
a) Truyền giảng trực tiếp bằng lời nói giữa người
và người, mặt đối mặt với nhau. Hình thức nầy trong Đạo Cao Đài gọi là thuyết
đạo, thường thấy trong các đàn cúng do chức sắc hay chức việc thực hiện khi vừa
mãn lễ trước số đông tín đồ tham dự đàn cúng vào các ngày sóc vọng hay lễ vía
hoặc ngày thường.
Hình thức nầy truyền thụ kiến thức một chiều giữa
người nói và người nghe. Đôi khi cũng có những buổi thuyết giảng ngoài giờ cúng
trong đó người nghe có cơ hội nêu thắc mắc để được giải đáp hay thảo luận.
b) Dùng phương tiện sách báo, phim ảnh, băng ghi
âm, làn sóng điện truyền thanh truyền hình để truyền bá đạo lý trong đó có ý
nghĩa lời kinh. Người giảng chỉ nói một lần và lời nói hay văn tự được giữ lại
để truyền đạt cho tín đồ nhiều lần về sau.
c) Hình thức học hỏi bằng cách thông công hay tham
thiền, sinh hoạt loại nầy thuộc cao cấp và có nhiều nguy hiểm. Các Đấng Thiêng
Liêng trợ thần cho người tìm hiểu tự khám phá lấy hoặc giảng dạy trực tiếp trên
chơn thần bằng âm thanh hay hình ảnh về ý nghĩa của lời kinh và những vấn đề
khác. Trong bước đầu tu học người tín đồ nên áp dụng hai phương thức trước dễ
dàng hơn. Nghe giảng, đọc sách, tham khảo, tra cứu, tự tìm tòi bằng lý trí bình
thường của mình ngoài giờ cúng là lối học hỏi dễ có kết quả. Có nhiều người đốt
giai đoạn dùng giờ cúng tứ thời để suy ngẫm ý nghĩa lời kinh tiếng kệ trong khi
thần trí chưa quen an tĩnh kết quả chỉ là tình trạng đi rong của tư tưởng về văn
từ nghĩa lý từ câu nầy sang câu khác, không đạt đến kết qủa cao đặng và dễ bị
mõi mệt thần kinh.
Đành rằng Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã thành công nhờ thiền
định nhưng khi chúng ta chưa đạt đến tình trạng tấn hóa như Ngài nên áp dụng
phương pháp tu học từ thấp lần đến cao hay hơn chạy nhanh rồi vấp ngã.
LÀM
CÔNG QUẢ
I - ĐỊNH NGHĨA
Thế thường người ta vẫn quen gọi đi làm công quả là
đi làm công việc cho nhà Chùa, Thánh Thất hay một cơ quan từ thiện và không
nhận lương bổng hay thù lao gì sau khi làm công việc đó.
Phân tách hiện tượng nầy chúng ta thấy hai tiếng
công quả bao hàm những tính chất sau đây:
* Công việc làm có tính cách tự nguyện Đi làm việc
cho nhà Chùa hay cơ quan từ thiện, hành động đó hoàn toàn do ý muốn của mình,
khác hẳn với công tác đi làm xâu mà nhà nước cai trị trước đây thời Pháp thuộc
thường hay bắt dân làng đi công tác đắp đồn lũy, đốn cây phá rừng, mở đường...
cũng không nhận thù lao, nhưng do sự cưỡng bách của quyền lực, nghĩa là không
làm sẽ bị một hình phạt nào đó.
* Không vì tư lợi cá nhân
Ý nghĩa rõ rệt nhứt biểu lộ trong hành động người
đi làm công việc không hưởng một khoản lương bổng hay thù lao nào sau khi hoàn
tất công việc. Chẳng những người làm công quả không nhằm đến mục đích thu lợi
cho cá nhân mình mà họ còn muốn công việc làm của họ không bị kẻ khác lợi dụng.
Họ muốn rằng hành động của họ phải là sự hy sinh đúng nghĩa, đúng chỗ, nghĩa là
nhơn sanh phải hưởng nhờ tiện ích do công việc làm của họ tạo nên.
So sánh hành động làm công quả cho nhà Chùa với
công việc làm của một người lao công cho một ông chủ hãng buôn không nhận thù
lao, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ rệt, một đàng nhắm tới lợi tức của một
người là ông chủ hãng, một đàng nhắm tới lợi ích của nhiều người tức là nhơn
sanh nói chung.
Nhà Chùa, Thánh Thất, Đình, Miễu, Nhà Thờ hay các
cơ quan từ thiện xã hội là những tổ chức mà mục đích là phụng sự cho nhơn sanh
chớ không phụng sự cho quyền lợi tư riêng của người đang cầm quyền làm chủ. Dù
cho trên thực tế, những tổ chức nầy có bị lợi dụng vào mục đích tư lợi cho cá
nhân đi nữa, việc ấy xảy ra trong bóng tối chớ ý nghĩa của những tổ chức nầy
vẫn là không vì tư lợi cho cá nhân.
Do đó người ta mới tìm đến các tổ chức tôn giáo, từ
thiện để làm công quả, ý nghĩa của sự tìm tới nầy là muốn rằng hành động của họ
không bị lợi dụng.
* Ý hướng tu hành
Người làm công quả mang ý hướng tu hành trong tâm tư của họ, đôi khi
chính họ không nhận thức được rõ rệt ý hướng nầy, nhưng bao giờ cũng cảm thấy
tính chất thiêng liêng cao thượng trong hành động đó. Họ làm việc với tất cả
tâm thành, ý vẹn trong niềm tin rằng hành động của họ sẽ được Thần linh chứng
giám, hoặc nếu không rõ rệt như vậy cũng tin tưởng rằng sẽ được đền bù tương
xứng theo đúng luật công bình, khách quan, vô tư và tự nhiên. Lẽ dĩ nhiên luật
công bình thiêng liêng ấy phải khá hơn luật công bình của tòa án và cảnh sát do
các nhà cai trị tạo nên. Do đó tâm trạng của người làm công quả tìm đến nhà
Chùa thường ở trong những trường hợp sau đây:
- Hoặc để sám hối ăn năn về một việc lỗi lầm nào đó
và họ muốn lập công chuộc tội.
- Hoặc để tìm sự yên ổn trong tâm hồn, tránh sự
buồn chán tuyệt vọng vì một sự thất bại nào đó.
- Hoặc để tạo những nguyên nhân tốt hầu ngày sau
được đền bù bằng những phần thưởng xứng đáng mà họ may mắn gặp trong cuộc sống,
tức là có ý hướng cầu phước.
- Hoặc hơn cả các trường hợp trên đây, họ làm việc
vì đã ý thức được thiên chức của mình, vì sự thức tỉnh hay giác ngộ thì chung
qui cũng do niềm tin vào định luật tấn hóa tự nhiên của Trời Đất. Ý hướng tu
hành trong trường hợp nầy mới là siêu đẳng.
II - TẠI SAO PHẢI LÀM CÔNG QUẢ
Ngay từ buổi khai Đạo có nhiều người khi vừa thức
tỉnh giấc mộng trần ai, tâm hồn liền hóa ra chán ngán cảnh thế tình, muốn bỏ
hết chuyện nhơn sự tìm chỗ yên thân tu luyện những mong thành Tiên, hóa Phật
cho cá nhân mình. Đức Chí Tôn liền ngăn cản và dạy phải làm công quả trước
tiên:
"Trong
các con có nhiều đứa lầm tưởng hễ vào Đạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng
nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân
luyện Đạo.
Thầy
nói cho các con biết nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong thì không thể nào
các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ
độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm
chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao. Các
con phải hiểu Thánh ý Thầy mà trau giồi chí lớn. Dầu đi lối nào cũng phải cần
cái đèn thiêng liêng chiếu rõ mới đặng vững bước.
Làm
Vua, làm thầy, làm công nghệ, làm đạo sĩ cũng cần phải có cái chí lớn mới mong
thành tựu đặng. Các nghề dưới thế không có nghề nào là vô dụng, mà vô dụng là
tại người không chuyên vậy".(TNHT QI. 1969. trg.101-102)
Đức Chí Tôn lại còn xác nhận rằng lập Tam Kỳ Phổ Độ
nầy, Ngài đã mở một trường thi công quả cho nhơn sanh đến mà tranh thủ địa vị,
Ngài dạy:
"
Thầy hằng nói cùng các con rằng một trường thi công quả các con muốn đến đặng
nơi cực lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi". (TNHT QI. 1969. trg.34)
Rồi Ngài lại chỉ cho cách làm công quả là phải độ
rỗi chúng sanh:
" Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu
mà đắc Đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải chưa thoát
khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi ".(TNHT QI.1969. trg.34)
Ngài lại dạy rõ: ít nữa mỗi tín đồ phải độ đặng 12 người.
" Hễ bao nhiêu môn đệ độ rỗi của mỗi đứa thì là họ hàng
của mỗi đứa. Hiểu à! Chừng ấy về đến Bạch Ngọc Kinh thì gia tộc mỗi đứa đều
phân biệt, nếu chẳng độ rỗi thì về với hai tay không.
Còn
chư môn đệ đã lập minh thệ rồi ngày sau tùy âm chất mỗi đứa mà thăng hay là tội
lỗi mà giáng, song buộc mỗi đứa phải độ cho đặng ít nữa là 12 người". (TNHT QI.1969.
trg.42)
Tuy vậy nhiều tín đồ vẫn còn sụt sè chưa dám dấn
thân tích cực. Đức Chí Tôn lại dạy về sự công bình của Tạo Hóa buộc rằng nếu
không lập được công quả tại thế gian nầy thì địa vị Thần, Thánh, Tiên, Phật dầu
có thương cũng không ban cho được.
"Thầy
đã nói cho các con hay trước rằng : nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy là
cái đời tạm của các con thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng.
Ấy vậy cái vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó". (TNHT QI.1969.
trg.105)
Về sau Đức Phạm Hộ Pháp có giảng rõ về vấn đề tự
lập nầy là phải lập công, lập ngôn, lập đức và coi đó như là ý nghĩa của đời
sống con người. Mỗi người đều phải có đủ tam lập ấy mới tròn thiên chức làm
người, khi chết linh hồn sẽ trở về cảnh thiêng liêng hằng sống. Ấy là gia tài,
là sự nghiệp thiêng liêng của mỗi người phải biết tạo ra mới có được. Bởi vì:
"
Người ở thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần
xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả". (TNHT QI. 1969.
trg.27)
Tam Thế Phật (trên nóc Bát
Quái Đài)
KINH
THẾ ĐẠO
I -
GIỚI THIỆU CÁC BÀI KINH
Ngoài các bài kinh Thiên Đạo đọc trong các thời
cúng tại Thánh Thất hay tư gia mà nội dung ca ngợi công đức của các Đấng Trọn
Lành hay kêu gọi đến năng lực thần bí của thế giới thần linh, để hỗ trợ cho các
pháp bửu bí truyền được ứng hiện linh diệu, người ta nhận thấy còn có rất nhiều
bài kinh gọi là Kinh Thế Đạo, dùng để đọc trong những dịp sau đây:
1 / Tang tế
Thí dụ bài kinh dùng để tỏ cái tình, cái nghĩa của
người còn sống với kẻ quá cố. Thuộc loại nầy, nghi lễ Cao Đài đã có những bài
kinh sau đây:
- Kinh tụng khi vua thăng hà.
- Kinh tụng khi thầy qui vị.
- Kinh cầu tổ phụ qui liễu.
- Kinh tụng cha mẹ qui liễu.
- Kinh cầu bà con cố hữu qui liễu.
- Kinh tụng huynh đệ mãn phần.
- Kinh tụng khi chồng qui vị.
- Kinh tụng khi vợ qui liễu.
Lời lẽ trong bài kinh khác nhau tùy theo mối liên hệ giữa người quá cố và kẻ
sanh tiền, nhưng nội dung có điểm tương đồng là ca ngợi công ơn của người đã chết, nhắc nhở vong linh luôn luôn nhớ đến
Đức Chí Tôn, và sau cùng là lời cầu khẩn cùng Đức Ngài từ bi cứu độ.
2 / Hôn phối
Chỉ có một bài kinh duy nhứt gọi là kinh Hôn Phối đọc tại Thánh Thất khi
đám cưới được Hội Thánh nhìn nhận hợp pháp và có chức sắc làm phép Hôn Phối.
3 / Nhóm họp
Trong các buổi họp đông người, hoặc để thuyết pháp cũng có các bài kinh như:
- Kinh nhập hội đọc lúc khai mạc buổi họp.
- Kinh xuất hội đọc vào lúc bế mạc buổi họp.
- Kinh thuyết pháp đọc trước khi giảng đạo, thuyết
pháp.
4 / Các hoạt động thường ngày
Xen vào các hoạt động thường ngày như ăn ngủ, đi
đứng có bài kinh sau đây:
- Kinh thức dậy.
- Kinh đi ra đường.
- Kinh khi về.
- Kinh vào ăn cơm.
- Kinh khi ăn cơm rồi.
- Kinh khi đi ngủ.
Và sau cùng là bài kinh cứu khổ dùng để đọc trong
những dịp bất thường, khi người tín đồ cần kêu gọi đến năng lực của Thần linh
giúp họ vượt qua vài trở ngại nào đó trong cuộc sống, mà xét ra lời yêu cầu rất
nên chánh đáng.
Tất cả các bài kinh nầy đều có trong quyển "Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo" do
Hội Thánh ĐĐTKPĐ Tòa Thánh Tây Ninh xuất bản.
II - CÁCH ÁP DỤNG
Có một điều lầm lẫn rất tai hại là người ta vẫn
thường cho rằng các bài kinh Thế Đạo liên quan đến các hoạt động thường ngày
như ăn ngủ, đi đứng... chỉ áp dụng cho trẻ con mà thôi, còn người lớn thì đã
“hiểu đạo” rồi. Đành rằng khi người ta đã thấm nhuần tư ttưởng cao siêu trong
các bài kinh ấy và đã thật sự sống với những điều mà tư tưởng ấy muốn diễn tả,
thì hình thức đọc kinh có lẽ cũng không còn cần thiết nữa. Kẻ đã qua sông được
thì cần gì phải mang chiếc bè trên lưng, thế nhưng nhìn kỹ lại trong hàng tín
đồ có bao nhiêu người có được trình độ tâm linh như vậy? Phải thành thật thú nhận rằng có rất ít người
đạt đến mức độ ấy sau nửa thế kỷ truyền giáo.
Cho nên sự áp dụng một cách nghiêm chỉnh những bài
kinh Thế Đạo vẫn cần thiết và rất cần thiết như cơm ăn, áo mặc hằng ngày vậy.
Đọc kinh chỉ là làm thể pháp mà thôi, cần đạt đến
nội dung là cái tác dụng của lời kinh ấy giúp ích được gì cho tâm hồn của chúng
ta lắng đọng những tư tưởng trần tục và khơi dậy những tư tưởng thanh cao thánh
triết. Cho nên nếu người tín đồ chịu khó suy nghiệm sẽ thấy các áp dụng như
sau:
+ Đối với trẻ con cần có sắc tướng âm thanh rõ rệt
chúng mới hiểu được nên cần phải đọc ra lời, lại nữa cũng là phương bắt chúng
học thuộc lòng.
+ Còn đối với người lớn thì chỉ đọc trong trí mà
thôi, nghĩa là tâm mình tưởng đến những lời kinh trước khi ăn cơm, sau khi ăn
xong, trước khi nhắm mắt ngủ, khi vừa tỉnh giấc, khi đi ra đường, khi trở về
nhà. Phương thức nầy áp dụng được cho tất cả mọi người, mọi nơi, mọi lúc... Bên
ngoài dường như không ai hay biết gì cả về thế giới nội tâm sinh động của mình.
Chỉ thoáng mấy giây đồng hồ chúng ta có thể tưởng xong một bài kinh, nghĩ cũng
chẳng khó gì, mà ít ai làm được!
III - TÁC DỤNG TÂM LÝ VÀ THẦN
QUYỀN
Có lẽ nguyên nhân chính của sự lười biếng nầy là
người tín đồ không hiểu rõ, và cũng không được chứng nghiệm về tác dụng hữu ích
của lời kinh tiếng kệ, do đó không có đức tin vững mạnh đối với Thần linh,
những bậc chơn tu đều có một niềm thương xót vô biên đối với chúng sanh khi
thấy họ không hiểu gì về thế giới thần linh cả. Muốn nắm tay dẫn đến tận nơi,
vén bức màn thiêng liêng chỉ cho ngó thấy tận mắt, sợ e vì kinh hãi mà loạn
thần hóa ra ngây dại, còn dùng lý lẽ mà nhủ khuyên thì lý cãi lý già đời không
hết.
Nếu biết rằng người có xác và hồn, xác biết ăn còn
hồn chẳng biết ăn sao? Xác biết lựa món ăn ngon còn hồn chẳng biết món ăn ngon
sao? Chẳng lẽ xác biết lựa cao lương mỹ vị cho béo bổ khỏe mạnh còn hồn thì cho
nó ăn những tư tưởng thấp hèn, oán ghét, thù hận, đố kỵ, tham lam, ích kỷ hay
sao? Vậy mà con người vẫn thường hay đắm mình trong những tư tưởng hắc ám ấy.
Muốn xua đuổi những tư tưởng oán thù, tham lam, ích
kỷ... ra khỏi tâm thần người tín đồ, các bậc Thánh hiền đã đặt ra các bài kinh
Thế đạo để ngày ngày áp dụng dường như có một người nhắc nhở bên tai mình vậy.
Không chịu áp dụng thì kể như không còn ai nhắc hết. Nghĩ về điều tốt tức là
không nghĩ về điều xấu, ít ra cũng trong khoảnh khắc nào đó, rồi những tư tưởng
thiện ấy sẽ từ từ hướng dẫn thể xác có những hành động lành. Ấy là một cái phép
của Trời đất, phải tập cho con người có suy nghĩ tốt trước đã, rồi ý nghĩ ấy sẽ
dẫn dắt hành động trở nên tốt. Tác dụng tâm lý rõ ràng như vậy, muốn cùng chẳng
muốn là tại mình làm mà thôi.
Về phương diện thần quyền chúng ta há chẳng thường
thấy có những người mà tinh thần bạc nhược, lờ đờ, uể oải, hiện rõ trên nét
mặt... người đời chẳng từng gọi họ là những kẻ “không hồn” hay sao? Chẳng cần
phải luận giải chi dài dòng về việc linh hồn có hay không, vậy chớ thực thể
sinh động nào làm cho cái xác của con người biết cựa quậy và khôn ngoan, làm
cho chúng ta phân biệt được giữa một tử thi và một con người sống? Chúng ta coi
đó là dấu hiệu, là chứng tích của một chơn thần đang ngự trị trong xác thân.
Người đời vẫn thường gọi linh hồn là tất cả những gì của con người khác hơn
phần xác chết của họ. Phần linh hồn ấy sẽ rời khỏi xác thân vào lúc mà người ta
gọi là chết, và người sống có giao tiếp với nó được.Thuật cầu cơ chấp bút trong
Cao Đài được xây dựng trên nền tảng nầy, người sống có thể thông công với người
chết (dĩ nhiên với một số điều kiện nào đó không mấy dễ dàng).
Kết quả của sự thông công nầy là Đạo Cao Đài được
thành hình. Linh hồn của thi hào Lý Bạch, của Thái Tử Sĩ Đạt Ta, của Khổng Tử,
Lão Tử, của Jesus Christ, của Victor Hugo, của Tôn Dật Tiên, Trạng Trình, và
biết bao nhiêu người khác nữa mà danh tánh dường như xa lạ, đã đến để nói chuyện
với người tín đồ Cao Đài, làm chứng rằng thế giới vô hình có thật và linh hồn
bất tử. Tất cả những vị nầy đều kính nhường một Đấng mà người ta gọi là Ông
Trời, là Thượng Đế, là Đức Chí Tôn. Rồi chính mình Đức Chí Tôn cũng đến nói
chuyện với loài người nữa.
Bây giờ chỉ còn vấn đề là con người có chịu đặt
mình trong mối tương giao mật thiết với Thượng Đế và Thần linh hay không?
Tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với bạn nếu tôi
nghĩ rằng bạn không có mặt ở trước tôi, hay ít ra sự hiện hữu của bạn không có
trong tầm giao tiếp của tôi. Đối với Thượng Đế hay Thần linh cũng vậy, người
tín đồ sẽ không thể nào cảm ứng được nếu họ không tin rằng có các Đấng ấy trong
thế giới vô hình. Đức tin là đầu mối, là điều kiện tối quan hệ để thiết lập
tương giao giữa người và Thần linh, ý nghĩa sau cùng của đạo giáo là đặt đời
sống con người trong sự hòa hợp với siêu nhiên, và quyền lực tối trọng kia được
mô tả bằng hai tiếng “Thượng Đế”.
Thượng Đế và Thần linh sống động, luôn luôn ảnh
hưởng trên đời sống trần tục của con người, và nếu con người thiết lập được
tương giao với các Đấng ấy, đời sống của họ sẽ đi đúng trong thiên cơ và sẽ đảm
bảo cho họ chân hạnh phúc. Vì vậy đức tin là điều cần phải củng cố trước tiên,
vì người ta không thể tin mà không có chứng nghiệm. Sự cầu nguyện và đức tin sẽ
giúp người ta có được những chứng nghiệm, một vài lần trong cả tháng hay đôi
khi cả năm, còn quá ít nếu không nói là không đủ để bắt gặp đời sống của các
Đấng Thiêng Liêng. Tỉ như chiếc radio bỏ túi với vài cục pin bé nhỏ làm sao có
thể bắt được những làn sóng điện của anh phi hành gia từ cung trăng gởi về.
Phải có một đức tin rất mạnh mới chứng nghiệm được
thế giới vô hình, và một khi đặt mình trong mối tương giao ấy, đời sống của
người tín đồ sẽ trở nên phi phàm. Tác dụng thần quyền của những bài kinh Thế
Đạo là để buộc tâm, thần người tín đồ luôn luôn hướng về Đức Chí Tôn cao cả,
lòng chân thành và tư tưởng của họ là những tín hiệu gởi đến Thần linh lời cầu
xin giúp đỡ. Mối tương giao thiết lập được thì hai thực thể hữu vô sẽ là một.
Người tín đồ sẽ trở thành “người Thần”, “người Thánh”, “người Tiên”, “người
Phật” trong tất cả mọi hành động của họ, lúc ăn, lúc ngủ, lúc thức, lúc đi ra
đường, lúc trở về... họ luôn luôn phối hợp với Thần linh trong mọi hoạt động và
những tín hiệu ấy phải được đánh đi đều đều thì hai thực thể mới không tách rời
nhau. Đó cũng là ý nghĩa của tiếng Phật Trời phò hộ, hay ban ơn vậy.
THÁI TỬ SHIDARTA ĐI TẦM
ĐẠO
ĐỜI
SỐNG HÔN NHÂN
I -
LUẬT VỀ HÔN PHỐI
Hôn phối là
việc rất hệ trọng trong đời người, thiết nghĩ ai cũng biết điều đó, nhưng không
phải ai cũng đủ khôn ngoan, sáng suốt khi quyết định về hôn nhân. Bởi vậy ngoài
yếu tố tình yêu, tâm lý của gia đình rất nhiều người còn tìm đến những nhà bói
toán để xem tuổi với hy vọng sẽ gặp được người phối ngẫu thích hợp với mình. Sự
việc bói toán đúng hay sai không bàn nơi đây, nhưng ghi nhận ý nghĩa trong hành
động tìm đến bói toán như là một sự đắn đo trước khi quyết định vì đã ý thức
được sự quan trọng của hôn nhân.
Luật Đạo Cao Đài buộc phải chọn người phối ngẫu
cùng trong tôn giáo.
"
Việc hôn là việc rất quan trọng trong đời người. Phải chọn hôn trong người đồng
đạo, trừ ra khi nào người ngoài ưng thuận nhập môn thì mới kết làm giai
ngẫu". (Điều 6. Chương Thế Luật. Bộ Tân Luật).
Vấn đề nầy vẫn gây nhiều thắc mắc cho các thanh
niên nam nữ. Tình yêu đâu phải như bài toán có đáp số dễ dàng sau khi đã cộng,
trừ, nhân, chia thì phải ra như vậy. Có biết bao trường hợp cô hay cậu yêu
người không phải đồng đạo mới tính sao đây?
Sự ràng buộc của luật pháp có vẻ nghiêm khắc đã
được nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt tâm lý từ nửa thế kỷ trước và tới nay vẫn còn
hiệu dụng. Ý nghĩa của hôn nhân là sự hòa hợp giữa người với người. Sự hòa hợp
ấy đến tuyệt đỉnh khi hai thân xác hiệp làm một, tình cảm cũng một, mà tinh
thần cũng một. Còn có tai hại nào hơn khi hai người phải sống chung với nhau
suốt đời mà từng giây từng phút mỗi người là một thế giới riêng? Ấy là một kiếp
sống cô đơn, quạnh quẽ trong khi thân xác vẫn bị buộc ràng. Xác thân có thể vì
những định luật vật chất buộc nó phải phối hợp với nhau, tình cảm cũng có thể
vì những khêu gợi chung quanh nhất thời chia sẻ cùng nhau được, nhưng niềm tin
sâu thẳm trong tâm hồn con người thì không dễ gì lay chuyển. Niềm tin về đạo
giáo thuộc về loại nầy. Bởi vậy thái độ khôn ngoan là thái độ của người thấy
trước được điểm tâm lý khó khăn nầy.
Đành rằng
triết lý Tam Kỳ Phổ Độ vẫn dạy rằng các Đạo giáo vốn từ một gốc sanh ra, nhưng
sự hiểu biết lẽ thật của người tín đồ đâu phải ai cũng có trình độ như các hiền
triết cả để có thể thông cảm cùng nhau dễ dàng. Thế nên, tốt hơn nên chọn người đồng đạo với
mình, hy vọng sẽ tránh được nhiều phiền toái hơn. Bậc chơn tu khi đặt ra một
điều luật cho tín đồ, hẳn đã nghiên cứu kỹ lưỡng rồi.
Còn việc chọn người ngoài làm phối ngẫu với điều
kiện ưng thuận nhập môn, xét về mặt chánh trị đạo là một phương thức dụng tình
yêu đưa người vào cửa đạo. Ý hướng dụ dỗ tín đồ ở các đạo khác theo đạo Cao Đài
bằng ngõ hôn nhân không cần thiết nơi đây. Điều kiện “ưng thuận nhập môn” nầy
không nhằm mục đích làm gia tăng số tín đồ, mà chính vì muốn bảo đảm hạnh phúc
cho hai người. Trong Cao Đài giáo, qua hôn nhân, con người không phải là công
cụ để củng cố chế độ chánh trị đạo, cũng không phải là phương tiện tranh đấu để
bành trướng số tín đồ, hôn nhân có ý nghĩa thiêng liêng của nó, biểu lộ thân
phận làm người của người tín đồ.
“Cơ
sanh hóa càn khôn đào tạo,
Do
âm dương hiệp Đạo biến thiên.
Con
người nắm vững chủ quyền,
Thay
Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân”. (Kinh Hôn Phối)
Chính con người, hạnh phúc trong hôn nhân mới có ý
nghĩa nơi đây chớ không phải chánh trị hay chế độ. Sự ràng buộc của luật Đạo
tuy có nghiêm khắc thật nhưng là phương thức hữu hiệu, là chỉ dẫn cần thiết cho
thanh niên nam nữ. Ngoài điều luật về sự lựa chọn người phối ngẫu trên đây còn
có các điều luật khác liên quan đến sự đề phòng gian dối, nghi lễ hôn phối,
cưới hầu thiếp, ly dị.
"
Tám ngày trước lễ sính, chủ hôn trai phải dán bố cáo nơi Thánh Thất sở tại cho
bổn đạo hay sau khỏi điều trắc trở". (Điều 7. Thế Luật)
"
Làm lễ sính rồi hai đàng trai và gái phải đến Thánh Thất mà cầu lễ chứng hôn." (Điều 8. Thế
Luật)
"
Cấm người trong đạo kể từ ngày ban hành (1927) luật nầy về sau không được cưới
hầu thiếp. Rủi có chích lẽ giữa đường thì được chấp nối. Thoảng như phụ nữ kia
không con nối hậu thì Thầy cũng rộng cho đặng phép cưới thiếp, song chính mình
chánh thê đứng cưới mới đặng." (Điều 9. Thế Luật)
"
Trừ ra có ngoại tình hay là thất hiếu với công cô, vợ chồng người đạo không
được để bỏ nhau." (Điều 10. Thế Luật)
II - PHÉP HÔN PHỐI
Sau khi làm lễ sính hôn rồi, luật lệ buộc hai đàng
trai và gái phải đến Thánh Thất cầu lễ “chứng hôn”. Cô dâu và chú rể sẽ quì
trước Thiên Bàn, bốn tay nắm chéo lẫn nhau, vai kề vai, đầu chạm đầu trước sự
chứng kiến của họ hàng đôi bên. Cử chỉ nầy biểu lộ ý nghĩa tâm đồng ý hiệp và
sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa hai người như một.
Một vị chức sắc chứng lễ đứng trước mặt cặp vợ
chồng hành pháp hôn phối trong khi đồng nhi đọc kinh. Bí pháp nầy có tác dụng
giải trừ bớt những mầm xung khắc đã có sẵn trong tâm hồn của hai người do tiền
khiên nghiệp chướng của họ gây ra, giờ đây sẽ có cơ hội vay trả lẫn nhau trong
đời sống vợ chồng. Những mầm mống xung khắc nầy có thể khó nhận thấy vì trong
buổi đầu của cuộc yêu đương sự bồng bột của tình yêu có thể lấn lướt và làm lu
mờ tất cả các yếu tố khác. Khi yêu nhau thắm thiết người ta tha thứ cho nhau và
chiều ý nhau một cách dễ dàng, sẵn sàng kềm chế những thói hư tật xấu của chính
mình để làm vừa lòng người yêu. Thế nhưng sau một thời gian chung sống sự bồng
bột trong buổi đầu không còn nữa khi sự thật đã hiện nguyên hình thì những xung
khắc có cơ hội nổi dậy làm thành một cuộc trả vay khóc cười lẫn lộn ngay trong
đời sống yêu đương.
Tác dụng giải trừ bớt nghiệp quả xấu nầy gọi là ban
ơn, là sự ân xá của Đức Chí Tôn trong Tam Kỳ Phổ Độ. Nhiều người tín đồ không
hiểu rõ về tác dụng thần quyền nầy lại cũng không có đức tin vững mạnh nên đã
xem phép hôn phối là một nghi lễ thêm phiền phức, họ quan tâm đến tiệc tùng,
lời chúc tụng và sự vui thích trong ngày hôn lễ hơn. Đó là một sự thiệt thòi
rất lớn trong suốt kiếp sanh của họ mà họ không hề hay biết vì không hiểu đạo.
Đức Chí Tôn đã ân xá cho tội tình của họ mà họ lại khước từ ân huệ ấy qua hành
động từ chối phép hôn phối và dễ gì có được cơ hội thứ hai khi dịp may kia đã
lỡ rồi.
Hành pháp xong, vị chức sắc sẽ dặn dò vợ chồng mới
cưới vài lời về cách ăn ở với nhau cho phải đạo làm người. Sau khi bái lễ Đức
Chí Tôn, vị chức sắc sẽ nắm tay cô dâu, chú rễ đưa ra Thánh Thất, người đi
giữa, cô dâu chú rễ hai bên. Có nhiều trường hợp chẳng may không gặp được vị
chức sắc có đủ khả năng hành pháp hôn phối, hai đàng trai và gái vẫn đến Thánh
Thất cầu nguyện nhưng không có hành pháp. Dĩ nhiên nếu lời cầu nguyện chân
thành vẫn có sự cảm ứng của thiêng liêng nhưng chắc chắn ân huệ sẽ không được
đủ đầy như trong trường hợp có hành pháp linh hiển.
III - VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MẸ ĐỐI
VỚI CÁC CHƠN LINH GIÁNG TRẦN
Vai trò nầy được ví như “bụng mang đầy quyền phép
nắn đời” bởi vì người mẹ có thể làm cho đời trở nên hiền lương nhưng ngược lại
người cũng có thể làm cho đời trở nên quỉ mị. Người mẹ giữ vai trò của cơ quan
sản xuất ra nhơn loại, phép uốn nắn trẻ thơ nơi tay người không ít. Người có
thể sản xuất ra hạng hiền nhân quân tử, tài trí thông minh, nhưng cũng có thể
tạo ra hạng đàng điếm lưu manh.
Nếu hiểu được Đạo là máy Trời vi diệu, chúng ta
cũng có thể nương theo đó mà thay đổi số kiếp của con người được phần nào. Phép
sanh hóa của người mẹ thật hệ trọng đối với các chơn linh giáng trần. Hễ cái
máy xấu thì khó lòng sản xuất được vật tốt. Một người gọi là tốt thì phải tốt
cả hình hài lẫn tâm hồn, hai yếu tố ấy tương liên mật thiết với nhau. Hồn tốt
mà xác xấu sẽ không đủ sức làm nổi việc thế gian, xác tốt mà hồn xấu thì chỉ vụ
đường vui chơi. Cái phép sửa đời tệ hóa ra hay của Đạo Cao Đài còn ngó đến tận
chốn phòng the trong việc ăn ở với nhau giữa vợ chồng cho phải phép của Đấng
Hóa Công thì mới mong gặp được hạng Thánh Thần giáng thế. Nếu như tâm hồn của
người mẹ thấp hèn nhơ nhớp quá, thể xác ô uế, tiều tụy quá làm sao hy vọng có
đủ điều kiện sản xuất được hình hài tốt đẹp cho các chơn linh cao trọng giáng
ngự.
Ấy vậy vai trò của người mẹ đã thay nửa quyền Tạo
Hóa vẽ nên hình tướng của cuộc đời nầy.
IV - ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỜI SỐNG
TÌNH DỤC
Xin tóm tắt nơi đây những lời giảng dạy của Đức Hộ
Pháp về vấn đề nầy:
" Hồn và xác của con người tương liên mật
thiết với nhau. Tinh thần của người mẹ như thế nào trong khi mang thai thì đứa
con sẽ chịu ảnh hưởng giống như thế đó không ít. Ấy là một phép truyền thần,
dầu chẳng linh hiển trọn vẹn, nhưng rất quan hệ. Bởi vậy trong việc ăn ở của vợ
chồng, ảnh hưởng tinh thần của cha mẹ rất hệ trọng, cần phải tập đứa con trong
tương lai được thông minh bằng cách chính cha mẹ phải sống với tinh thần cao
thượng, để tinh thần ấy nhiễm vào bào thai từ từ.
Bần
Đạo đâu vọng ngữ nói chơi,
Dạy
vợ chửa tức thời dạy trẻ.
Những
trí thức tinh thần có lẽ,
Nhiễm
vào tâm chửa đẻ trọn tinh thần.
Có
tinh thần mới có xác thân,
Biến
thân đủ tinh thần quán chúng.
Trí
cao thượng nhiễm từ trong bụng,
Con
đẻ ra chắc đúng bực thông minh.
Tỉ
khác nào tấm kiếng chụp hình,
Có bóng chói đã in mọi vật.
Đầu mới tượng, óc còn thiếu chất,
Phần thông minh lật đật bỏ vào.
Cây hưởng phân, quí sẽ dường
bao,
Thì
cha đã thông minh mẫn đạt.
Con chắc là bác lãm quần thi,
Thần mẹ thêm cách vật trí tri.
Con ắt đặng quản tri thế sự,
Dầu vợ dốt hay là hay chữ.
Nghe điều hay cư xử gia đình,
Phép truyền thần dầu chẳng đặng
linh.
Việc dạy dỗ vợ mình còn chế sửa,
Để ý thấy trẻ thơ nhiều đứa.
Tánh thông minh từ thuở mới lên
ba,
Ấy là nhờ tính chất mẹ cha.
Gặp phải phép hiệp hòa sanh đặng
vậy." (Phương Tu Đại Đạo.
Phạm Công Tắc)
Ấy là tích cực, còn tiêu cực thì vợ chồng nên tránh giao hoan trong lúc thể
xác yếu đau và tinh thần bất ổn như đang lúc say rượu hay là vừa khi nguôi cơn giận.
Bởi vì bào thai của đứa trẻ tượng hình do nơi tinh khí của cha mẹ là những chất
liệu đầu tiên tạo nên hình hài nhục thể nó. Vậy nếu tinh suy nhược, khí rối
loạn thì cha mẹ làm sao tạo được hình hài hoàn hảo cho đứa trẻ, vừa ý với những
chơn linh cao trọng giáng trần.
Lúc
vợ chồng giao tình tua để dạ,
Luyện
trí thức thông minh hòa nhã.
Tứ
đổ tường chớ khá nên gần,
Hễ
thân mình thiếu khí, loạn thần.
Thọ
khí bẩm nhâm thần, con dại dột,
Cữ
hoa nguyệt, bớt đi thì tốt.
Tinh
khí đầy, hài cốt trẻ tráng cường,
Khi
giao hoan có độ, có lường.
Vợ
bịnh, yếu chớ thường lân cận,
Đừng
nhè lúc vợ chồng đương giận.
Mới
vừa vui, vầy trận tam bành,
Cũng
đừng quen theo phép dỗ dành.
Ép
buộc vợ thỏa tình hoa nguyệt,
Khi
thấy dáng nhụy hoa quả kết.
Thì
phải toan dứt tuyệt đường ong,
Nghén
ba trăng phải gắng gia công.
Dạy
con trẻ còn trong bụng mẹ". (Phương Tu Đại Đạo. Phạm Công Tắc)
Đành rằng sự tấn hóa của đứa trẻ còn tùy thuộc
nhiều yếu tố khác nữa như cách dinh dưỡng của người mẹ trong khi mang thai, sự
dinh dưỡng của đứa bé từ khi ra đời, sự giáo dục của gia đình trong tuổi ấu
thơ, sự giáo dục của học đường, ảnh hưởng của xã hội. Những yếu tố ấy cấu kết
với nhau làm thành một phần nào số phận của nó. Thế nhưng, một khi đã hiểu lý
đạo nhiệm mầu, con người vẫn có thể chủ định được phần nào tương lai của chính
mình bằng thái độ tích cực loại trừ bớt những mầm mống của đau khổ bất kỳ lúc
nào có thể làm được.
Đức Hộ Pháp đã nhắc nhở tín đồ cần loại trừ bớt
những mầm đau khổ ấy ngay từ trong việc ăn ở của vợ chồng với nhau, tưởng cũng
nên để ý lắm vậy.
LUẬT
PHÁP ĐẠO
Căn bản về luật pháp đạo của Đại ĐạoTam Kỳ Phổ Độ
có hai phần chính là Pháp và Luật.
* PHÁP là Pháp Chánh Truyền
Bất di bất dịch, do Đức Chí Tôn chỉ dạy từ buổi mới
mở Đạo. Đây là một văn kiện qui định các phẩm vị, quyền hạn, bổn phận, đạo phục
của chức sắc. Về sau Đức Hộ Pháp có chú giải thêm nhiều chi tiết rõ ràng hơn,
viết thành quyển "Pháp Chánh Truyền chú giải". Lời chú giải này đã
được Đức Lý Đại Tiên chỉnh lại.
* LUẬT là Tân Luật và Đạo Luật
Tân Luật đã được Hội Thánh lập thành và Đức Chí Tôn
phê chuẩn từ năm 1927. Năm Mậu Dần (1938) quyền Vạn Linh có lập thêm bộ luật
nữa gọi là Đạo Luật ban hành ngày Rằm tháng Giêng năm ấy.
Ngoài ra Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp còn ký ban
hành sáu Đạo nghị định nữa vào năm 1930, và hai Đạo nghị định nữa vào năm 1934,
cộng chung là tám Đạo Nghị Định thường gọi là "Bát Đạo Nghị Định".
Bổn phận của người tín đồ là phải tuân theo luật
pháp Đạo và bảo vệ luật pháp ấy để cho đời sống chung trong tôn giáo khỏi bị
rối loạn.Chi tiết về các điều luật có đầy đủ trong các quyển:
- Pháp Chánh Truyền Chú Giải.
- Tân Luật.
- Bát Đạo Nghị Định.
- Đạo Luật Mậu Dần (1938).
Tôi chỉ xin ghi lại nơi đây những điều luật căn bản
mà bất kỳ người tín đồ nào cũng phải gìn giữ.
I - GIỚI LUẬT CẤM RĂN
A / Ngũ giới cấm
Là năm điều cấm, nếu
phạm vào tùy theo nặng nhẹ có thể bị phạt từ hình thức cảnh cáo quì hương, sám hối, đến
bị ngưng quyền chức từ một đến ba năm. (Chương IV. Tân Luật).
NĂM ĐIỀU CẤM ẤY LÀ:
1) Nhứt bất sát sanh
Là chẳng nên sát hại sanh vật.
2) Nhì bất du đạo
Là cấm trộm cướp, lấy ngang, lường gạt của người,
hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sanh
lòng tham của quấy, để ý hại người mà lợi cho mình, cờ bạc gian lận.
3) Tam bất tà dâm
Là cấm lấy vợ người, thả theo đàng điếm, xúi giục
người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình
huê nguyệt (vợ chồng không gọi là tà dâm).
4) Tứ bất tửu nhục
Là cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn
tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ
vị.
5) Ngũ bất vọng ngữ
Là cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình,
bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng,
chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói
lỗ mãng, thô tục, chưởi rủa người, hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa.
B / Tứ đại điều qui
Là bốn qui điều lớn buộc phải tuân theo:
1) Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho
bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ lầm lỗi phải ăn năn chịu thiệt.
2) Chớ khoe tài, đừng cao ngạo, quên mình mà làm
nên cho người. Giúp người nên Đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền.
3) Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay
không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên
đừng thất khiêm cung.
4) Trước mặt
sau lưng cũng đồng một bực, đừng kính trước rồi khi sau. Đừng thấy đồng đạo
tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải, đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ
riêng mà bỏ việc chung. Pháp luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên dễ
dưới. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.
Nếu phạm vào
một trong bốn điều qui này sẽ bị hình phạt thuyên bổ đi nơi khác chỗ mình đang
hành đạo. Luật pháp Đạo tuy có nghiêm khắc thật, nhưng đó là phương pháp để kềm
chế, sửa trị phàm tâm của chúng ta rất hữu hiệu. Chưa ai có thể bước chân vào
lòng Thánh Điện mà không mang theo những vết nhơ bẩn trên người. Ấy vậy phải
thường xuyên xét mình mới tránh khỏi lỗi lầm đáng tiếc.
II -
PHÁP CHÁNH TRUYỀN
1 / Nguồn gốc
Pháp chánh truyền là bản văn qui định một cách tổng
quát cách thức tổ chức và điều hành tôn giáo Cao Đài, ấn định các phẩm tước,
quyền hạn, trách nhiệm, luật công cử của chức sắc các cấp trong Hội Thánh.
Đó là những bài Thánh giáo do Đức Ngọc Hoàng Thượng
Đế giáng cơ truyền dạy ngày 20-11-1926 về Cửu Trùng Đài, ngày 13-2-1927 về Hiệp
Thiên Đài và bài Thánh giáo do Đức Lý Thái Bạch dạy về nữ phái đồng tử thông
công là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
2 / Nội dung – đặc điểm
Nội dung Pháp Chánh Truyền có ba đặc điểm chính:
a) Không thay đổi
Bởi nguồn gốc Thiêng Liêng của nó không ai có quyền
thay đổi bất cứ điều khoản nào trong Pháp Chánh Truyền, khi viết bản pháp chánh
truyền Cửu Trùng Đài Đức Chí Tôn đã lập lại bảy lần mệnh lệnh của Ngài.
"
Chư môn đệ tuân mạng!" thì đủ rõ tính chất hệ trọng là dường nào.
b) Số chức sắc có giới hạn
Tổng số chức sắc Cửu Trùng Đài nam phái cầm quyền
hành chánh đạo trên toàn thế giới được ấn định 3115 vị cho 6 cấp từ Giáo Hữu
đến Giáo Tông kể ra như sau:
- Giáo Tông 1
- Chưởng Pháp 03
- Đầu Sư 03
- Phối sư 36
- Giáo sư 72
- Giáo Hữu 3000
Riêng cấp Lễ Sanh không giới hạn túc số. Dĩ nhiên
trong số 3115 vị này không kể những vị hồi hưu, hàm phong hay bị kỷ luật ngưng
quyền. Số chức sắc nữ phái không giới hạn.
c) Qui tam giáo hiệp ngũ chi
Đức Chí Tôn dạy lập Đạo Cao Đài với tôn chỉ qui
nguyên Tam Giáo (Phật, Lão và Nho Giáo), hiệp nhứt ngũ chi (Nhơn Đạo, Thần Đạo,
Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo) có nghĩa là tổng hợp các triết lý, nghi lễ, hình
thức, tổ chức sinh hoạt của các nền đạo giáo chính đã có trên toàn cầu, xác
định lại tất cả các đạo giáo đều có cùng một nguồn gốc là Thượng Đế và các vị
giáo chủ là người thay mặt Ngài giáo dân vi thiện.
Ngài chọn lấy tinh hoa của các đạo giáo tổng hợp
lại và lập thành đạo Cao Đài.Vì vậy về phương diện tổ chức Đạo Cao Đài là một
tôn giáo mới có một nền triết lý tổng hợp của các tôn giáo. Qui Tam Giáo hiệp
Ngũ Chi không phải là tổ chức thành một hiệp hội của nhiều tôn giáo.
Tinh thần tổng hợp là gom lại làm một, nên trong
Pháp Chánh Truyền không có điều khoản nào cho phép sự phân chia Đạo Cao Đài
thành nhiều chi phái, nhiều Hội Thánh hoạt động riêng lẻ. Đức Chí Tôn lập một
Đạo Cao Đài cho toàn thể các sắc dân trên thế giới và chỉ có một Giáo Tông cầm
quyền gọi là Anh cả.
3 / Chú giải của Đức Hộ Pháp về Pháp Chánh Truyền
Tuân theo Thánh ý của Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo
Tông, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã chú giải từng câu từng chữ trong bản Pháp
Chánh Truyền cho rõ nghĩa, viết thành bản ''Pháp Chánh Truyền chú giải "
đầy đủ chi tiết về sự phân quyền giữa ba đài: Bát Quái, Hiệp Thiên, Cửu Trùng,
về quyền hạn Đạo Phục, luật công cử của từng phẩm chức sắc cho cả nam và nữ.
Trong Đạo Nghị Định thứ sáu ngày 3-10 Canh Ngọ
(1930) Đức Lý Giáo Tông có nói rõ:
"
Nghĩ vì Pháp Chánh Truyền Lão đã dạy Hộ Pháp chú giải chẳng thi hành từ thử làm
cho Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài phản khắc Đạo quyền gây nên rối loạn chánh
giáo Đức Chí Tôn...".
Trong lời chú giải ở nhiều đoạn Đức Hộ Pháp đã cho
ghi lại nguyên văn những lời Thánh Giáo Đức Chí Tôn giáng bút chỉ dạy thêm về
Pháp Chánh Truyền.
III - BỘ TÂN LUẬT
1 / Nguồn gốc
So với CỰU LUẬT của các tôn giáo đã có từ trước, bộ
luật của Đạo Cao Đài mới được thành lập nên gọi là TÂN LUẬT.
Sau khi ban hành Pháp Chánh Truyền phong chức cho
chức sắc, Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh phải lập TÂN LUẬT để tu hành. Ngài dạy các
chức sắc cao cấp Cửu Trùng Đài soạn dự thảo luật đệ trình trước Hội Thánh để
bàn thảo và sửa đổi xong sẽ đệ trình lên Giáo Tông.
Ngày 20-11 Bính Dần (1926) Đức Chí Tôn giáng cơ dạy
về sự cần ích của Tân Luật như sau:
"Thầy tỏ thật cái luật lệ Thầy khiến các con
hiệp chung trí mà lập thành đây nó có ảnh hưởng về đạo đức Tiên phong Phật sắc
của các con nên Thầy buộc mình cam chịu vậy. Chẳng luật lệ thì là trái phép mà
trái phép thì làm thế nào vào Bạch Ngọc Kinh cho đặng. Vậy các con gắng làm
phận sự cho hoàn toàn rồi có Thái Bạch giáng cơ sửa luật".
2 / Thủ tục dâng luật
Sau khi hoàn tất bản dự thảo bộ Tân Luật lần đầu
tiên các chức sắc cao cấp Hội Thánh Cao Đài được Đức Lý Giáo Tông giảng dạy về
thủ tục dâng luật như sau:
Xin trích một đoạn trong Pháp Chánh Truyền chú
giải.
"Lại nữa buổi ba vị Chánh Phối Sư dâng luật,
Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan cho Đức Giáo Tông giáng sửa (13-12 Bính Dần)
Ngài có truyền dạy ba vị Đầu Sư và Chưởng Pháp phải ngự trên ngai đoạn đòi ba
vị Chánh Phối Sư vào hành lễ rồi kêu Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh mà dạy
rằng:
"
Hiền hữu coi Lão hành sự đây mà bắt chước ".
Ngài lại dạy
ba vị Chánh Phối Sư mỗi người phải dâng luật thế nào cho đủ sáu bàn tay nâng
luật ấy, chẳng nên cho hở đặng dâng lại cho Đầu Sư. Đầu Sư cũng phải cho đủ sáu
tay mà dâng lên cho Chưởng Pháp rồi Chưởng Pháp cũng phải đủ sáu tay mà dâng
lên cho Ngài.
Khi ấy Ngài dạy phải đi ngay lên Đại Điện đưa qua
khỏi đầu Hộ Pháp và Thượng Phẩm, Ngài hạ Ngọc Cơ xuống dưới đặng đi qua cho
khỏi Ngài nữa.
Hay... ( )
Chưởng Pháp tiếp luật rồi lại đưa ngay qua khỏi đầu
Khương Thái Công và Thánh Chúa Jésus nữa. Sau Hộ Pháp có để lời than cùng Thầy
về điều ấy thì Thầy cười mà phán dạy rằng:
"Mắc
Tiên vị của Thái Bạch còn ở dưới Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử bằng chẳng vậy
thì bộ luật cũng đi ngang qua đầu các Đấng ấy nữa vì nó là Thiên Điều đó
con".
Khi dâng luật Ngài lại giải thích ấy là cơ vô vi
Tinh Khí Thần hiệp nhứt nếu cả ba chẳng hiệp thì chẳng hề thành Đạo đặng.
Về phương diện hữu hình qua nghi thức ấy chúng ta
thấy Thánh ý Đức Chí Tôn buộc cả chức sắc Thiên Phong thuộc ba phái Thái Thượng
Ngọc phải chung tâm hiệp trí với nhau trên bước đường hành Đạo và phải tùng
luật pháp Đạo mới thành công đặng. Đức Thích Ca Mâu Ni khi thuyết về Di Lạc
Chơn kinh cũng có dạy:
"Tùng
thị pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ tất đắc giải thoát".
3 /
Nội dung
Gồm ba phần: đạo pháp, thế luật và tịnh thất.
a) Về đạo pháp : 8 chương, 32 điều
- Chương 1: nói về quyền hạn, trách nhiệm, luật
công cử của các hàng phẩm chức sắc Cửu Trùng Đài.
- Chương 2: về người giữ Đạo, thủ tục nhập môn,
trai giới hai bậc hạ thừa và thượng thừa.
- Chương 3: về việc lập họ Đạo, cách cúng kiến tại
Thánh Thất địa phương.
- Chương 4: về ngũ giới cấm.
- Chương 5: về tứ đại điều qui.
- Chương 6: về giáo huấn.
- Chương 7: về hình phạt. Hội Công Đồng Tòa Tam
Giáo.
- Chương 8: về việc ban hành luật pháp.
b) Về thế luật: Gồm 24 điều.
Qui định các bổn phận phải đối xử với nhau giữa
người đồng đạo trong sinh hoạt quan hôn tang tế.
c) Về tịnh thất: Gồm 8 điều.
Cách tổ chức và sinh hoạt nhà tịnh.
4 /
Ai có quyền lập luật và phá luật
Qua Pháp Chánh Truyền chúng ta nhận thấy:
- Giáo Tông và Đầu Sư có quyền lập luật.
- Đầu Sư có quyền phá luật.
- Giáo Sư Giáo Hữu có quyền xin chế giảm luật lệ.
Điện Thờ Phật Mẫu & Bá
Huê Viên
TỜ
KHAI ĐẠO
I -
AI ĐỨNG TÊN TRONG TỜ KHAI ĐẠO
TỜ KHAI ĐẠO được viết bằng Pháp Ngữ gởi cho quan
Thống Đốc Nam Kỳ LeFol ngày 07-10-1926 do 28 người đại diện ký tên kèm theo
danh sách 247 người nữa đứng tên trong Tịch Đạo tức là danh sách những người
tín đồ khai báo đầu tiên với chính quyền để làm yếu tố pháp lý cho sự thành
hình của một tôn giáo mới.
Bản văn này do Ngài Thượng Trung Nhựt soạn thảo.
Đặc biệt quan phủ Ngô Văn Chiêu mặc dù là môn đệ đầu tiên được Đức Chí Tôn độ
rỗi bằng huyền diệu không đứng tên chung trong danh sách 28 người đại diện này.
Từ tháng 4-1926 Ngài Ngô Văn Chiêu đã tách rời ra khỏi sinh hoạt của nhóm cầu
cơ do quí Ngài Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư , Cao Hoài Sang dẫn đầu.
II -
Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG
Ý nghĩa tờ khai Đạo là một bản tuyên ngôn về sự
thành lập một nền tôn giáo mới tại Việt Nam. Nó không mang ý nghĩa của một đơn
xin phép mà chính quyền Pháp có quyền cho hay là bác bỏ, nếu cho thì Đạo Cao
Đài thành hình không cho thì Thượng Đế đành bất lực. Thượng Đế đã dùng huyền
diệu cơ bút đến khai mở một nền Đạo mới để dìu dẫn buớc đi của con cái Ngài là
toàn cả nhơn loại và những môn đệ đầu tiên của Ngài có bổn phận phải thông
truyền với nhà cầm quyền tại Việt Nam buổi ấy vì đó là vấn đề an ninh trật tự
trong tổ chức xã hội loài người.
Nội dung tờ khai đạo gồm 4 điều chính:
1 . Từ xưa dân tộc Việt Nam vẫn sùng bái cả ba nền
tôn giáo là Phật, Lão và Nho giáo.
2 . Xã hội ngày nay mất đi cảnh thái bình nguyên
nhân do người hành đạo canh cải, làm thất chơn truyền và lòng người sống xa rời
tôn chỉ quí báu của Tam giáo.
3 . Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ dạy phải hiệp
Tam giáo lại lập thành Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ còn gọi là Đạo Cao Đài ý nghĩa là
đại ân xá lần thứ ba của Thượng Đế, mục đích là làm cho nhơn loại biết thương
yêu lẫn nhau, cư xử thuận hòa, làm lành lánh dữ để cộng hưởng cuộc sống hòa
bình như buổi trước.
4 . Hai mươi tám người đại diện đã long trọng công
bố: "Kể từ ngày nay chúng tôi đi phổ
thông Đại Đạo khắp cả hoàn cầu". (Trích bản dịch Việt Ngữ trong quyển
Đạo Sử -Hương Hiếu)
Về Cội Nguồn [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ]