Tòa
Thánh Tây Ninh, còn được gọi là Đền Thánh, là Tổ Đình, là Tòa Thánh Trung Ương của Đạo Cao
Đài, hiện nay tọa lạc tại xã Long
Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách Thị Xã Tây Ninh khoảng 5 Km về hướng Đông Nam, thuộc Miền Nam nước Việt Nam.
Đây là một ngôi Đền đồ sộ,
nguy nga, đặc sắc, để thờ phượng Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị Giáo
chủ Tam Giáo và Ngũ Chi Đại Đạo, cùng các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Gọi Tòa Thánh Tây Ninh là
Tổ Đình, vì đây là nơi phát xuất của Đạo Cao Đài, là nơi đặt các cơ quan trung
ương của Hội Thánh Cao Đài, tức Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, để điều hành
toàn bộ các hoạt động truyền giáo và cứu độ nhơn sanh.
Tòa Thánh được khởi công
xây dựng từ năm 1931 (Tân Mùi), hoàn thành vào năm 1947 (Đinh Hợi), và được
khánh thành vào dịp Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất Mùi
(dl 1-2-1955).
Tòa Thánh được cất theo
kiểu vở của Thiên đình, quay mặt về hướng Tây, có kích thước theo dự tính ban
đầu của Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch là :
- Bề dài : 135 mét.
- Bề ngang : 27 mét.
- Bề cao tại Lầu chuông và
Lầu trống : 36 mét.
- Bề cao tại Nghinh Phong
Đài : 25 mét.
- Bề cao tại Bát Quái Đài
: 30 mét.
Việc chọn đất Thánh địa làm
nơi xây dựng Tòa Thánh và kiểu vở xây cất Tòa Thánh đều do Đức Chí Tôn và Đức
Lý Giáo Tông giáng cơ chỉ dạy tỉ mỉ.
I . Tìm đất Thánh Địa.
Đạo Cao Đài
làm Lễ Khai Đạo ngày 15-10 Bính Dần (dl 19-11-1926) tại Thánh Thất tạm đặt tại
Chùa Từ Lâm Tự (tục gọi là Chùa Gò Kén, Tây Ninh).
Nguyên ngôi
chùa nầy do Hòa Thượng Như Nhãn (cũng gọi là Hòa Thưởng Giác Hải) góp tiền
bổn đạo mua đất và xây dựng nên. Kịp khi Đức Chí Tôn giáng cơ mở đạo, Đức Chí
Tôn dùng huyền diệu cơ bút độ được Hòa Thượng Như Nhãn theo Đạo Cao Đài và trở
thành một vị Chức sắc Đại Thiên phong của Đạo Cao Đài, nên Hòa Thượng Như Nhãn
hiến chùa Từ Lâm Tự cho Hội Thánh Cao Đài làm Thánh Thất tổ chức Lễ Khai Đạo.
Nhưng sau ngày Lễ Khai Đạo, Hòa Thượng Như Nhãn (cũng gọi là HoThượng Giác Hải)
một phần bị mất đức tin, một phần bị nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ xúi giục và
hăm dọa, nên Hòa Thượng Như Nhãn không theo Đạo Cao Đài nữa và đòi chùa lại,
không hiến cho Hội Thánh.
Hội Thánh Cao Đài phải trả
chùa lại cho Như Nhãn và hứa trong 3 tháng sẽ tìm đất để dọn đi.
" Kể từ Rằm tháng 10
năm Bính Dần (1926) tới Rằm tháng Giêng Đinh Mão (1927) là đúng kỳ hứa trả chùa
Từ Lâm Tự (Gò Kén) là 3 tháng, nhưng tới tháng 2 năm Đinh Mão, đã quá kỳ hạn 1
tháng mà Hội Thánh chưa trả chùa lại được, vì chưa kiếm được đất để mua, còn
Ông Hòa Thượng Giác Hải thì cứ đòi chùa lại hoài." (ĐS.I.51)
Vì sự đòi chùa ấy nên Đức
Lý Giáo Tông giáng dạy tại chùa Gò Kén ngày 20-2-1927 (âl 19-1-Đinh Mão) như
sau: "Ngày nay Lão nhứt định chùa nầy trả lại. Xong trước khi trả, phải
cất Thánh Thất cho xong y như lời dạy. Chư Đạo hữu phải hiệp sức nhau đặng lập
thành Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi, vì là Thánh địa, vả
lại phong thổ thuận cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học đạo. Lão muốn nơi
khác mà Chí Tôn không chịu. Thượng Trung Nhựt ! Phải làm thế nào chừa đất dư ra
ít nữa là 50 mẫu là cả trọn bản đồ Bạch Ngọc Kinh và cho đủ Thánh địa ấy. Hiền
hữu đi chọn đất về cho Lão hay, cầu khẩn Chí Tôn nghe ! " (Trích ĐS. II.
222)
Hôm sau, cũng tại chùa Gò
Kén, ngày 21-2-1927 (âl 20-1-Đinh Mão), Đức Chí Tôn giáng dạy như sau :
" Các con nghe ! Nơi
nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh địa. Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành
thăng lên chức Văn Xương vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh dạy dỗ dân vô đạo, Thầy
ban đặng quyền thưởng phạt, đặng răn làng ấy cho đến ngày chúng nó biết ăn năn
cải hóa. Vậy thì Làng Long Thành, các con khá an lòng.
Còn Tòa
Thánh thì muốn để cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, là hạnh của Thầy, các con
nên xem gương mà bắt chước. Từ Thầy đến lập Đạo cho đến giờ, Thầy chưa hề một mình
chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì là đẹp
lòng Thầy.
Các con phải chung hiệp
nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi.
Các con đã hiểu Thánh ý
Thầy, phải cần kiệm mỗi sự chi về phương tiện mà thôi.
Thơ ! Thầy giao cho con
góp tư bổn trong một tháng cho rồi, dặn các em con rằng : "Danh thể Đạo
nơi Tòa Thánh, nghe à !" Sau Thái Bạch sẽ dạy con kiểu vở.
Cẩm Giang thì các con phải
chịu khổ về phần ăn uống, Bén Kéo thì địa thế hẹp hòi, chớ chi các con khôn
ngoan lấy cớ rằng, vì ích lợi lương sanh, vì đạo đức mà ký Chánh phủ cho các
con mé rừng cấm bên kia đường thì đẹp lắm. Các con liệu thử.
Thơ ! Suối Vàng thì đặng,
phương chuyên chở không thuận tiện, song phong thổ tốt đẹp. Con cũng yêu cầu
Hội Thánh xét nét, nghe à ! Thầy ban ơn cho các con." (ĐS. II. 223) &
[TNHT. I. 98]
Tiếp theo, cũng tại chùa
Gò Kén, ngày 22-2-1927 (âl 21-1-Đinh Mão), Đức Lý Giáo Tông giáng :
"
Thượng Trung Nhựt ! Thái Thơ Thanh ! Cười ! Nhị vị Hiền hữu muốn cho Đạo phải
mang tiếng rằng : Trốn lánh hay sao mà tính dời Tòa Thánh xa dữ vậy hử ? Tỷ như Lão muốn lập
Tòa Thánh gần bên thành binh, chư Hiền hữu tưởng sao ?
Trung bạch : Có hai làng
cúng đất.
- Mua thì đặng, khó gì !
Một nơi chí Thánh trước mắt mà chư Hiền hữu chẳng biết xem, ấy cũng còn 2 phần
phàm.
Thái Thơ Thanh ! Lão cậy
Hiền hữu một phen nữa, mai nầy đi lên đường trên gọi là dây thép, nhắm địa thế
dài theo cho tới ngã Ao Hồ, coi Hiền hữu thấy đặng chăng cho biết.
Lão đã nói rằng : Mỗi sự
chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết. Chư Hiền hữu đừng sợ ai hết, hễ sợ thì
chối quyền thiêng liêng của Chí Tôn thì còn gì Đạo ! nghe à !" (ĐS. II.
224)
Bà Nữ Đầu Sư Nguyễn Hương
Hiếu thuật lại buổi Hội Thánh đi tìm mua đất cất Tòa Thánh ngay ngày hôm sau,
theo lời dạy của Đức Lý Giáo Tông như sau :
" Qua ngày sau, quí
ông đi tìm đất, Ông Thái Thơ Thanh cho mượn một chiếc xe, Bà Nữ Đầu Sư Lâm
Hương Thanh cho mượn một chiếc.
Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu
Trùng ngồi trên 2 chiếc xe hơi, thì có : Đức Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm, Anh
Cả Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, Anh Thái Thơ Thanh, Anh Thượng Tương Thanh,
Anh Ngọc Trang Thanh.
Khi xe chạy tới cửa số 2
hồi trước còn rừng rậm, cạnh góc ngã ba có cây vừng, Đức Cao Thượng Phẩm ngó
thấy nơi cây vừng có tấm bảng treo đề tên Cao văn Điện, ông nầy là bạn học của
Đức Cao Thượng Phẩm hồi thuở nhỏ.
Trong lúc bối rối kiếm đất
không được, Thượng Phẩm bất ngờ thấy tên bạn mình đứng tên trên miếng đất nầy,
nên Đức Cao Thượng Phẩm nói với Hội Thánh rằng : Để tôi đi tìm ông Cao văn
Điện, nhờ bạn tôi điềm chỉ giùm chủ đất nầy, và cũng nhờ ông Cao văn Điện điềm
chỉ mới biết ông chủ đất nầy là ông Kiểm lâm người Pháp tên là ASPAR.
Khi kiếm được đất rồi, tối
lại quí Ông cầu Đức Lý về dạy coi Hội Thánh đi kiếm đất như vậy có trúng không.
Đức Lý giáng dạy như vầy :
(Đó là đêm 24-2-1927, âl
23-1-Đinh Mão, tại chùa Gò Kén) " THÁI BAÏCH. Hỷ chư Đạo hữu, chư Đạo
muội. Lão khen Thái Thơ Thanh, phải đó đa không, tưởng chư Hiền hữu không thấy
nữa.
Lão cắt nghĩa vì sao cuộc
đất ấy là Thánh địa ?
Sâu hơn 300 thước, như con
sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn, làm như 6 con rồng đoanh
nhau. Nguồn nước ấy trúng ngay đỉnh núi, gọi là LỤC LONG PHÒ ẤN. Ngay miếng đất
đó đặng 3 đầu : Một đầu ra giếng mạch Ao hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia.
Người Lang sa chỉ đòi 20
ngàn, nói rồi trả đúng có 15 ngàn, Lão dặn thì thành trả 17 ngàn, 18 ngàn thì
đặng vậy.
Còn xin khai khẩn miếng
đất rừng bên kia nữa mới trọn. Đất nay còn rẻ, miếng đất chung quanh Thánh địa
ngày sau hóa vàng. Chư Hiền hữu biết lo lập, ngày sau rất quí báu. THĂNG."
(ĐS. II. 225).
" Khi phá đám rừng
nầy thì đàn Thổ (người Miên) xuống cả ngàn người để phá rừng, làm cho ông Chánh
Tham Biện (Tỉnh Trưởng Tây Ninh) người Pháp nghi ngờ, mời Đức Thượng Phẩm ra
Tòa Bố.
Ông hỏi Đức Thượng Phẩm :
Chớ làm cái gì mà đông đảo như vậy ?
Đức Thượng Phẩm trả lời
rằng : Tôi mua miếng đất đó đặng trồng cao su. Ông Tham Biện hỏi : Trồng mấy
mẫu ?
Đức Thượng Phẩm trả lời :
Tôi trồng hết sở đất tôi mua, phá tới đâu tôi trồng tới đó.
Nên ngày nay, trong Nội Ô
có cây cao su là do đó." (trích ĐS. I. 52)
Tóm tắt diễn tiến mua đất cất Tòa Thánh :
1/. Sau khi làm Lễ Khai
Đạo tại chùa Từ Lâm (Gò Kén) ngày 15-10-Bính Dần (dl 19-11-1926), chủ chùa Từ
Lâm là Hòa Thượng Như Nhãn (Giác Hải) đòi chùa lại, không hiến cho Hội Thánh
Cao Đài nữa, kỳ hẹn trong 3 tháng phải dời đi.
2/. Ngày 19-1-Đinh Mão (dl
20-2-1927), tại Từ Lâm Tự, Đức Lý Giáo Tông giáng cơ quyết định trả chùa lại
cho Hòa Thượng Như Nhãn, rồi dạy Hội Thánh đi chọn mua đất cất Tòa Thánh, phải
chọn đất tại Tây Ninh nầy mà thôi. Đức Lý xin mua đất nơi khác nhưng Đức Chí
Tôn không chịu, bởi vì Tây Ninh là Thánh địa, nơi đây phong thổ thuận tiện cho
người ngoại quốc đến học Đạo.
3/. Ngày 20-1-Đinh Mão (dl
21-2-1927), cũng tại Từ Lâm Tự, Đức Chí Tôngiáng cơ xác định : " Các con
phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh
nầy mà thôi."
Đức Chí Tôn còn phân tích
và gợi ý :
Nếu cất Tòa Thánh nơi :
- Cẩm Giang thì nhơn sanh
phải chịu khổ về phần ăn uống.
- Bến Kéo thì địa thế hẹp
hòi.
- Suối Vàng thì phong thổ
tốt đẹp nhưng phương tiện vận chuyển không thuận tiện.
- Chỉ có khu rừng cấm phía
bên kia đường thì đẹp lắm !
4/. Ngay sáng hôm sau là
ngày 21-1-Đinh Mão (dl 22-2-1927), Hội Thánh đi tìm mua đất, nhưng không được.
Tối lại, cầu Đức Lý Giáo
Tông tại chùa Gò Kén thì Ngài giáng dạy rằng : Ngày mai, Hội Thánh cần đi xem
đất một lần nữa, xem từ Mít Một, cặp theo đường dây thép đến làng Long Thành,
coi có thấy được không ?
5/. Ngày 22-1- Đinh Mão
(dl 23-2-1927), Hội Thánh vâng theo lời chỉ dạy của Đức Lý, đi tìm đất một lần
nữa thì gặp được một miếng đất là khu rừng rậm do ông ASPAR làm chủ, nằm kế khu
đất của ông Cao văn Điện, bạn của Đức Cao Thượng Phẩm.
Tối lại, lập đàn cơ cầu
hỏi Đức Lý Giáo Tông, Ngài giáng khen Hội Thánh đã tìm đúng, cuộc đất ấy là
Thánh địa, vì bên dưới, trong lòng đất sâu 300 thước, có 6 nguồn nước tụ lại,
gọi là Lục Long Phò Ấn.
Đức Lý cho biết trước,
người Pháp chủ miếng đất rừng ấy đòi bán 20 ngàn, trả giá chừng 17 hay 18 ngàn
là họ bán.
Đức Lý còn dặn : Mua xong
miếng đất ấy rồi, phải xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa, nhập vào mới
trọn để cất Tòa Thánh theo kiểu vở của Bạch Ngọc Kinh.
Đức Lý cho biết, đất bây
giờ còn rẻ, nhưng ngày sau khai khẩn xong rồi, lập nên Tòa Thánh, Đạo phát
triển thì chung quanh đất ấy sẽ rất quí báu, đất mắc hơn vàng.
Như vậy, chúng ta nhận
thấy rằng việc tìm ra cuộc đất để lập thành Thánh địa, xây cất Tòa Thánh là
hoàn toàn do Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông chỉ dạy và hướng dẫn, chớ không
phải do Hội Thánh tự ý đặt ra.
Câu nói mà Đức Chí Tôn và
Đức Lý Giáo Tông cùng xác nhận là : " Chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà
thôi." Đó là Thiên Điều, bất di bất dịch, của Đạo Cao Đài, tức là của Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Cho nên chúng ta thấy các Tòa Thánh khác của các Chi phái
Đạo Cao Đài lập ra ở những nơi khác, đều không thể tồn tại lâu dài được. Đó chỉ
là nhất thời trong sự bất đồng cũng nhất thời, để rồi ngày sau cũng phải qui
hiệp về Tòa Thánh Tây Ninh, chỉ có một gốc Tây Ninh mà thôi.
II. Định vị trí và kích thước Tòa Thánh.
Ngày 28-2-
1927 (âl 27-1-Đinh Mão), Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy về vị trí xây cất Tòa
Thánh và kích thước Tòa Thánh như sau :
" THÁI BAÏCH. Hỷ chư
Đạo hữu, chư Đạo muội. Bình thân.
Bính Thanh ! Hình Phật
Thích Ca trước Hiệp Thiên Đài đó, phải làm thế nào cho đừng hư gãy, vì Chí Tôn
đã trấn Thần chính nơi tay Người nghe. Quả Càn Khôn cũng vậy, khi tháo ra rồi
ráp lại y như vậy, khi tháo ra phải cầu Lão đưa Thần một đổi, rồi mới đặt tay
người vào, nghe à ! Dặn đến Thánh Thất mới, phải cầu Chí Tôn trấn Thần lại nữa.
Thánh Thất tạm phải cất
ngay miếng đất trống, còn Hiệp Thiên Đài tạm phải cất trước Thánh Thất tạm. Đạo
hữu lại phải khai phá đám rừng trước miếng đất . Như vậy, ngay trung tim rùng,
cách miếng đất trống chừng 3 thước rưỡi, đóng một cây nọc, đo Hiệp Thiên Đài
như vầy : Ngoài Bàu Cà Na đo chừng 30 thước đóng một cây nọc. Ấy là khuôn viên
Tòa Thánh. Lão lại dặn, từ cây nọc bên phía miếng đất phải đo vô Bàu Cà Na 27
thước Lang sa, nghe à ! Tư vuông 27 thước, mỗi góc của Đài Bát Quái, nghĩa là
hình nhà tròn có 8 nóc, cao từ đất lên thềm 9 thước Lang sa, làm 8 góc rộng bao
nhiêu tùy ý, trên Điện Bát Quái bề cao 9 mét, hình nóc tròn mô lên chỉ 8 nóc
cho phân minh, trên đầu đài phải để cây đèn vàng.
Kế nữa là Chánh Điện, bề
dài 81 mét, bề ngang 27 mét. Lão phải vẽ mới đặng.
Kế nữa Hiệp Thiên Đài tư
vuông 27, hai từng, mỗi từng 9 mét, hai bên Hiệp Thiên Đài, bên mặt có Lôi Âm
Cổ Đài, bên tả có Bạch Ngọc Chung Đài. Lão phải vẽ mới đặng.
Hộ Pháp, Thượng Phẩm ! Nội
trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ, lấy một miếng giấy lớn vào Điện phò
loan cho Lão vẽ. Bính Thanh phải có mặt, còn kỳ dư không cho ai vào Điện hết,
nghe à !
Phải mua khoảnh đất Bàu Cà
Na làm Động Đình Hồ, nghe à ! THĂNG. (ĐS. II. 226) [ HTĐ tư vuông 27 : tức là
HTĐ cất trên miếng đất hình vuông, mỗi cạnh 27 mét ].
Theo bài Thánh giáo của
Đức Lý Giáo Tông thì Tòa Thánh cất gồm 3 phần :
- Bát Quái Đài, xây trên
khoảnh đất hình vuông, mỗi cạnh 27 mét, nền cao 9 mét.
- Cửu Trùng Đài, là phần
Chánh Điện, xây nối theo, bề ngang 27 mét, bề dài 81 mét.
- Hiệp Thiên Đài, xây nối
theo Cửu Trùng Đài, trên hình vuông, mỗi cạnh 27 mét.
Tổng cộng thì bề dài của
Tòa Thánh là : 27 + 81 + 27 = 135 mét và bề ngang của Tòa Thánh là : 27 mét.
Những chi tiết khác thì
Đức Lý vẽ và dạy riêng cho Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm và Ngài Phối
Sư Thái Bính Thanh.
Chúng ta nhận thấy các con
số về kích thước của Tòa Thánh đều là những bội số của một số căn bản là 9.
Cũng trong ngày hôm đó,
Đức Chí Tôn giáng dạy tiếp như sau :
"Thơ ! Thái Bạch muốn
lập Thánh Thất coi cho tốt đẹp, chẳng tưởng sự khó nhọc của các con, Thầy chẳng
đành. Thoảng như tốn kém nhiều, các con coi theo họa đồ, tính làm theo thước
mộc, nghe à ! Tắc ! Con vẽ trúng, nhưng con Long mã làm sao thêm cho 3 ngọn đèn
bằng nhau. Thơ ! Con khá chịu cực nhọc với Đạo một phen, liệu lượng thế nào,
Thầy giáng tâm dạy dỗ, nghe à ! Các con lo làm, Thái Bạch xem sóc các con. Nhớ
rằng danh Đạo do nơi Tòa Thánh, làm thế nào danh các con cùng Vạn quốc thì làm.
Thầy ban ơn cho các con. " (ĐS. II. 227)
CHÚ THÍCH :
Thơ : là Ngài Đầu Sư Thái
Thơ Thanh.
Tắc : là Đức Hộ Pháp Phạm
công Tắc.
Thước mộc : là cây thước
làm bằng gỗ thuở xưa của dân ta, có bề dài bằng một chống cánh chỏ. Theo Từ
Điển Tiếng Việt, thước mộc có bề dài khoảng 0,425 mét.
Thước Lang sa : Cây thước
Tây, dài 1 mét.
Theo bài Thánh giáo trên
của Đức Chí Tôn, Đức Chí Tôn thấy Đức Lý Giáo Tông ra kích thước cất Tòa Thánh
lớn lao quá, sợ quá hao tốn tiền bạc của nhơn sanh, nên gợi ý với Ngài Đầu Sư
Thái Thơ Thanh là thay vì thực hiện họa đồ của Đức Lý bằng thước Tây (mét), thì
nên thực hiện theo thước mộc, như vậy kích thước của Tòa Thánh sẽ giảm nhỏ lại,
đỡ tốn kém hơn.
Sau đó, đến ngày 8-3-1927
(âl 7-2-Đinh Mão), tại chùa Gò Kén, Đức Chí Tôn giáng cơ dạy tiếp về việc xây
cất Tòa Thánh :
" Cư ! Con vẽ Thánh
Thất phải, song nơi con để con Long mã, con nên làm một cái đài nhỏ có cửa sổ
cho hơi không khí thông thương vô Đại điện tốt hơn. Thơ bạch : Xin đúc nền Tòa
Thánh bề cao 9 mét theo kiểu của Đại Tiên cho.
- Tốn kém nhiều lắm con ơi
!
Bính ! Con nên đo từ mé
rừng dưới vào cho tới 50 mét, rồi kế 81 mét, rồi kế 27 mét, làm như vậy, Thánh
Thất nằm trọn vào rừng mà thành ra như bao quanh một Vườn Thiên nhiên rất đẹp.
Thầy tưởng khi con cũng thấy sái, con cứ lấy đường con cất, đo vô rừng 27 mét
mà phát trống thì Chùa nằm tại chỗ, còn khi cất, con nhắm thế nào cho nọc Bát
Quái Đài và Hiệp Thiên Đài cho ngay mặt Trời phía Tây thì trúng. Con nhớ nghe !
Thầy ban ơn cho các con." (ĐS. II. 229) Đức Đại Tiên Lý Thái Bạch giáng cơ
dạy tiếp :
" Cười … Họa đồ của
Lão, Chí Tôn chê và trách rằng : Hao phí vô nền nặng lắm. Chí Tôn sửa lại mỗi
cấp 3 tấc Tây mà thôi, dưới đất 5 tấc, chín cấp 3 tấc là 2 mét 70, cộng là 3
mét 20, còn 10 mét thì chí đầu trong nền Bát Quái Đài, trên đầu song chí nóc 13
thước mới khỏi mưa nước đọng mà phải mục, nóc của Đại điện và của Hiệp Thiên
Đài cũng y mực như vậy, phải làm plafond hai đài chuông trống cao hơn nóc Hiệp
Thiên Đài 6 thước.
1) Đèn xanh ngay giữa Đại
điện làm hình Long mã phụ Hà đồ.
2) Điện BQĐ để cây đèn
vàng ngay nóc.
3) HTĐ để cây đèn đỏ.
THĂNG."
(ĐS. II. 230)
III. Lịch sử kiến trúc Tòa Thánh.
Như phần trên đã trình bày,
Đức Chí Tôn và Đức Lý Giáo Tông đã dạy tất cả chi tiết, kích thước trong họa đồ
xây cất Tòa Thánh từ tháng Giêng năm Đinh Mão (1927), nhưng lúc đó Đạo còn quá
nghèo, số tín đồ chưa đủ đông, nên việc xây cất Tòa Thánh bằng vật liệu kiên cố
chưa
thể thực hiện ngay được.
Hiện thời chỉ có thể cất
Tòa Thánh tạm bằng mái tranh vách ván, để có ngay nơi thờ cúng Đức Chí Tôn, và
gấp rút dời Thánh Thất từ chùa Gò Kén về đây để trả chùa lại cho Hòa Thượng Như
Nhãn.
Ngày 13-2-Đinh Mão (dl
16-3-1927), Hội Thánh quyết định trả chùa Gò Kén cho Hòa Thượng Như Nhãn, thỉnh
cốt tượng Thái Tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa Kiền Trắc về Thánh Thất tạm cất trên đất
mới, gọi là Thánh địa.
Các cơ quan khác của Đạo
cũng lần lượt được xây dựng tạm với mái tranh vách đất, để có nơi làm việc và
nghỉ ngơi cho chư Chức sắc. Công việc tiến hành dần dần đi vào ổn định để lo
xây dựng Tòa Thánh bằng vật liệu nặng với qui mô lớn lao mà Đức Lý Giáo Tông đã
định.
Nhưng rồi sau đó, nội bộ
của Hội Thánh rạn nứt, có một số ít Chức sắc tách riêng ra lập Chi phái, trở
lại công kích Hội Thánh, toan phá Đạo, nên việc xây dựng Tòa Thánh không thể
khởi công được, mà phải gác lại nhiều năm.
1/. Mãi đến tháng 10 năm
Tân Mùi (1931), Ngài Thái Thơ Thanh (lúc đó còn ở phẩm Thái Chánh Phối Sư) mới
đứng ra khởi công đào móng làm nền, đào hầm Bát Quái, công việc không tiến
triển được nhiều, rồi vì thiếu thốn tiền bạc nên phải tạm ngưng. (Đó là Kỳ
nhứt).
2/. Năm 1933 (Quí Dậu),
Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt hiệp cùng Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh
tiếp nối công trình, làm thêm được một ít rồi cũng phải ngưng lại, (Đó là Kỳ
thứ nhì), kế Đức Quyền Giáo Tông lâm bịnh và đăng Tiên ngày 13-10-Giáp Tuất
(1934).
3/. Năm 1935 (Ất Hợi),
Ngài Tiếp Thế HTĐ Lê thế Vĩnh nông trang, chấp chưởng vận động tiền bạc, nhờ
Bác Vật Phan hiếu Kinh từ Sài gòn lên làm Cố vấn, khởi làm được lầu Hiệp Thiên
Đài, đúc cột đổ plafond đặng chút ít nữa, rồi cũng phải ngưng công việc lại.
(Đó là Kỳ xây dựng thứ ba).
4/. Sau khi Đức Quyền Giáo
Tông đăng Tiên, Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc được giao nắm quyền Hội Thánh, chưởng
quản Nhị Hữu hình Đài : Hiệp Thiên và Cửu Trùng, Đức Hộ Pháp mới trù tính kế
hoạch tiếp tục xây cất Tòa Thánh cho đạt được thành công.
Đức Ngài huy động được 500
công quả hiến thân nơi Phạm Môn làm lực lượng công thợ nồng cốt, khởi công tiếp
nối việc xây cất Tòa Thánh vào ngày 1-11- Bính Tý (dl 14-2-1936).
Đức Ngài buộc các vị công
quả công thợ, Nam và Nữ, phải lập Hồng thệ, trong suốt thời gian xây cất Tòa
Thánh, không được cưới vợ hay lấy chồng, đặng đủ tinh khiết mà tạo tác Tòa
Thánh.
Đức Ngài cũng ban lịnh cho
các Châu đạo và Tộc đạo Hành Chánh và Phước Thiện, Nam phái và Nữ phái, nổ lực
lo tiền bạc, vật liệu, lương thực, gởi về Tòa Thánh liên tục để công cuộc tạo
tác Tòa Thánh không bị gián đoạn. Nhờ khéo tổ chức như thế, nên công việc tạo
tác Tòa Thánh được tiến hành liên tục trong suốt 4 năm rưỡi, thì Đạo Cao Đài bị
chánh quyền Pháp khủng bố, vào Tòa Thánh bắt Đức Phạm Hộ Pháp ngày 4-6-Tân Tỵ
(dl 28-6-1941) và đày đi hải đảo Madagascar ở Phi Châu.
Công việc tạo tác Tòa
Thánh đã hoàn thành được phần căn bản, chỉ còn phần đắp vẽ trang trí nữa là
xong, nhưng tất cả đều phải ngưng lại, vì chánh quyền Pháp đã bắt Đức Phạm Hộ
Pháp, nhà binh Pháp chiếm đóng Tòa Thánh làm nhà xe, và chỗ ở cho lính Pháp,
đuổi các công thợ và Chức sắc ra khỏi Tòa Thánh.
Quân đội Pháp còn lén chôn
dưới nền Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh một trái mìn rất lớn, chứa 1000 kg chất nổ, ý đồ giựt cho nổ sập Tòa Thánh trước khi
chúng rút đi và đầu hàng quân đội Nhựt. Nhưng ý đồ đen tối của chúng không
thành công. [Xem : Phần VII phía sau]
Ngày 4-8-Bính Tuất (dl
30-8-1946), Đức Phạm Hộ Pháp được Chánh quyền Pháp đưa trở về Tòa Thánh, sau
hơn 5 năm bị lưu đày nơi hải ngoại.
Ngay sau đó, Đức Phạm Hộ
Pháp liền huy động số công thợ công quả trở lại để sửa chữa những chỗ hư hỏng
của Tòa Thánh do lính Pháp gây ra, rồi lo đắp vẽ, sơn phết, trang trí gấp rút
hoàn thành nội trong năm Bính Tuất, tức là đến Tết Đinh Hợi phải xong.
Ngày mùng 3-Giêng-Đinh Hợi
(dl 24-1-1947), Tòa Thánh được hoàn thành. Tổng Giám Lê văn Bàng, các Phó Tổng
Giám và Tá Lý, đại diện các công thợ Nam Nữ làm Lễ Bàn giao Tòa Thánh cho Hội
Thánh, được Hội Thánh tiếp nhận vô cùng hoan hỷ.
Ngày mùng 6-Giêng-Đinh Hợi
(dl 27-1-1947), tức là 3 ngày sau khi làm Lễ Bàn giao Tòa Thánh, Đức Phạm Hộ
Pháp làm Lễ Trấn Thần Tòa Thánh.
Ngày mùng 8-Giêng-Đinh Hợi
(dl 29-1-1947), Đức Phạm Hộ Pháp làm Lễ rước Quả Càn Khôn (đã gởi nơi Báo Ân Từ
khi tạo tác Tòa Thánh) về thờ nơi Tòa Thánh, để khuya hôm đó, giờ Tý cúng Đại
Lễ Vía Đức Chí Tôn.
Nhưng mãi đến 8 năm sau,
Đức Phạm Hộ Pháp mới tổ chức Đại lễ Khánh Thành Tòa Thánh vào dịp Vía Đức Chí
Tôn ngày mùng 9-Giêng-Ất Mùi (dl 01-02-1955). Đây là một cuộc lễ vĩ đại nhứt
của Đạo Cao Đài kể từ trước tới nay.
Người Tín đồ Cao Đài rất
hãnh diện có được một ngôi Tòa Thánh đồ sộ, nguy nga, tráng lệ, do Thiên ý hợp
cùng nhơn lực tạo nên, xứng đáng là Bạch Ngọc Kinh tại thế, tiêu biểu cho một
nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ : Qui nguyên Tam giáo và Phục nhứt Ngũ
Chi. Trong cuộc Lễ Bàn giao Tòa Thánh cho Hội Thánh, Tổng Giám Lê văn Bàng có
viết một bài Diễn văn ghi lại các giai đoạn tạo tác Tòa Thánh một cách khá chi
tiết, xin chép lại nguyên văn sau đây : (Tài liệu của Ban Kiến Trúc, ấn hành
năm Tân Hợi 1971).
Ngày 3 tháng Giêng năm
Đinh Hợi (dl 24-1-1947) Đúng 8 giờ ban mai, khi Đức Hộ Pháp đến Bửu điện, có cả
Chức sắc Thiên phong Nam Nữ và một số Chức việc, Đạo hữu, độ 300 vị tề tựu đủ
mặt.
Vị Tổng Giám Lê văn Bàng
xin phép Đức Hộ Pháp cho toàn thể nhơn công Nam Nữ làm lễ ra mắt những vị tiền
vãng.
Đoạn Đức Hộ Pháp mời cả
Chức sắc Nam Nữ vào lạy Chí Tôn xin ban ơn huệ cho cả gia quyến các công thợ và
những thiện tâm hỷ cúng vào sự tạo tác Tòa Thánh.
Khi bái lễ xong, Đức Hộ
Pháp nhơn danh Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài, để lời cảm tạ tấm
lòng thiết thạch của những môn đệ chí hiếu và tận trung, kẻ công người của, mà
đã trải qua biết bao thời gian nguy biến và gian lao gìn giữ đức tin, mới lần hồi
kiến tạo nên một Đền Thờ vĩ đại oai nghiêm, tráng lệ dường nầy.
Vị Tá Lý Lê ngọc Lời, thay mặt Tổng Giám Lê văn Bàng, dọc lời chúc mừng Đức Hộ Pháp :
" Tòa Thánh là cái
hồn của Đạo hoặc là khối đức tin lớn, xuất hiện tại vùng Á Đông, là cuối kỳ Hạ
nguơn hầu mãn, nhờ nơi huyền diệu thiêng liêng mà Đạo đặng phổ thông mau chóng,
biết bao nhiêu tín đồ đã tùng giáo. Đạo phải có một Thánh thể của Chí Tôn thiệt
hiện tại thế, là khối đức tin của toàn nhơn loại, để chú trọng và tín ngưỡng .
Bởi lẽ ấy mà nguyện vọng thiết tha của bao nhiêu tín đồ đòi hỏi ở chỗ phải cất
Tòa Thánh, và biết bao người Đạo ở các nơi cứ trông ngóng hỏi Tòa Thánh cất rồi
chưa ?
- Vì lẽ đó mà Đức Quyền
Giáo Tông , ba vị Chánh Phối Sư, thi hành theo tiếng gọi của chúng sanh để làm
Tòa Thánh, thì biết bao nhiêu hăng hái vui mừng của người Đạo chung hợp cùng
nhau để làm Tòa Thánh cho mau đến ngày kết quả.
Ngày …… tháng 10 năm Tân
Mùi (1931) thì khởi công tạo tác, nào đào hầm Bát Quái đổ bê-tông, rồi không
hiểu tại sao phải ngưng làm, thì cái hầm ấy cũng là một di tích, hay là một cái
mầm móng của bước đầu tiên đã sáng tạo nên , đành chấm một dấu hỏi để sau nầy ?
Từ ấy, Đức Quyền Giáo Tông
cứ ung dung lo phổ thông nền Chơn giáo.
- Qua kỳ thứ hai thì lo
tiếp tục lại để làm Tòa Thánh nữa. Hội đồng cả Chức sắc HTĐ và CTĐ lại để chung
trí đặng tạo thành. Ông Tiếp Thế Lê thế Vĩnh chấp chưởng vận động, mướn Bác vật
Phan hiếu Kinh, người lãnh la-tách, khởi làm lầu HTĐ, đúc cột và đổ la-phong
đặng chút ít, lại cũng ngưng công việc làm, đành chịu một chấm hỏi thứ hai nữa
?
Lúc ấy nhằm lúc khó khăn,
cơ đời biến đổi, làm cho thuyền Đạo lắm lúc ngửa nghiêng, cũng bởi nhân tình
thế thái kích bác chê bai, vu cáo Đức Quyền Giáo Tông đủ lẽ, nhân nơi lẽ ấy mà
Ngài chán nãn cõi đời vô vị, chỉ đem lại cho Ngài những mỉa mai của miệng thế,
vì lẽ ấy mà Ngài sớm lìa cõi trần, hồi về cựu vị.
Ôi thôi ! Cũng do nơi cái
Tâm của nhơn loại đãi Ngài, từ đó mất hết một tay rường cột của nền Đại Đạo.
Khi ấy, Sư phụ ( Đức Phạm
Hộ Pháp) phải thay thế gánh vác cả nhiệm vụ mà chính Chí Tôn phú thác, thống
nhứt Nhị Hữu hình Đài, thực hiện mối Đạo nhơn nghĩa, mới trúng theo Thiên ý mà
Đức Chí Tôn gọi là Phổ độ chúng sanh. Sư phụ thi hành triệt để theo ý của Đại
Từ Phụ, phổ thông Chơn giáo cho cả Chức sắc Nam Nữ CTĐ đi hành đạo các tỉnh.
Đạo phổ thông mau chóng,
hàng triệu tín đồ tùng giáo. Sư phụ đinh ninh rằng : Công cuộc tạo tác Tòa
Thánh chắc chắn sẽ tiếp tục làm lại ở sau nầy. Còn một mặt, Sư phụ sắp đặt cho
những người ở bên Phạm Môn, chính hai chữ Phạm Môn ở trong phạm vi eo hẹp về
kinh tế, làm cho lắm người ngờ vực mà các con không thể nói đặng.
Hại thay ! Chánh trị bên
ngoài lại còn nghi kỵ hơn nữa, bắt buộc phải giải tán hai chữ Phạm Môn, treo
bảng cấm nhặt các cơ sở Phạm Môn.
Do nơi ấy mà Sư phụ mới
day trở, cái cớ để lập ra Cơ Quan Phước Thiện, dạy những người Phạm Môn cứ đi
các tỉnh Nam Kỳ để khai mở Cơ Quan Phước Thiện và Lương Điền Công Nghệ, vv…
Những người lãnh cả sứ
mạng ấy thật là dốt nát, chơn chất thật thà, có người không biết chữ quốc âm
nữa là khác, nhưng cũng nhờ tánh chất ấy mà Cơ Quan Phước Thiện mở mang một
cách mau chóng, biết bao người mang cả sự nghiệp, đồn điền để hiến làm một cái
nhà chung, trong khi ấy, Đạo có đến 3 triệu người tùng giáo. Sư phụ nhận thấy
chắc chắn làm Tòa Thánh đặng, không thất bại nữa.
Trong 3 triệu người, mỗi
người chung hiệp 1 đồng bạc cũng làm được, nên Sư phụ không ngần ngại gì cả mà
không tạo tác Tòa Thánh, để đáp lại cái nguyện vọng của chúng sanh mong đợi.
1. Giai đoạn thứ nhứt :
Đến ngày mùng 1 tháng 11
năm Bính Tý (dl 14-12-1936), Sư phụ khởi công làm Tòa Thánh.
Ngày mà khởi mua đồ thì
trong tủ Hộ Viện không tiền, lại còn lưu lại nợ ăn trước nữa là khác. Song le,
nhờ sự tổ chức của Sư phụ rất biệt tài, nào xe bò, xe camion vận tải đồ đạc,
trong các Châu, các Tộc, các Làng, kẻ của người công, đủ dùng không thiếu.
Trên thì có Sư phụ làm
hướng đạo, dưới thì các con đồng tâm hiệp lực, bao quản nhọc nhằn, nắng mưa bao
ngại, cơm còn phải thiếu ăn, hẩm hút cháo rau từ bữa. Nhưng các con cứ phấn tâm
nung chí, rán sức bền lòng lo tô điểm nhà thờ chung cho mau chóng. Đó là 2 năm
đầu.
2. Qua giai đoạn thứ nhì :
Trải qua 3 năm sau, biết
bao lần đau khổ, ngoài thì nghịch Đạo phá rối đủ điều, còn trong thì thiếu
thốn, tình thế khó khăn, các vật liệu bị Chánh phủ hạn chế. Lúc ấy, Sư phụ sợ Tòa
Thánh làm không rồi, mà nếu Tòa Thánh biếng trễ một ngày là một hại cho nhơn
sanh vậy.
Vì thương Thầy mến Đạo,
nên lúc ấy các con tình nguyện lãnh làm Tòa Thánh và có dâng Tờ Cam Kết với Sư
phụ và Hội Thánh rằng : Các con vì Đạo, vì nhơn sanh, nên mới làm Đền Thờ Đức
Chí Tôn, sau khi hoàn thành thì các con không đòi hỏi điều chi với Hội Thánh
cả.
Khi Tờ Cam Kết đã nạp rồi
thì các con lại càng hăng hái làm việc thêm nữa, nhưng mà lẽ Thiên cơ dĩ định,
sức phàm khó thắng với sức thiêng liêng, nên sự tạo tác đành cam ngưng trệ.
Lệnh Chánh phủ bắt buộc
Tòa Thánh phải đình công. Tin đó đưa ra như đất bằng sóng dậy, sét đánh vào
tai, toàn Đạo nghe qua rất nên não nuột, đã vậy mà còn bắt Sư phụ lưu đày sang
hải ngoại.
Giai đoạn nầy, các con lấy
làm thảm đạm, là Thầy xa trò, thì có mong chi Tòa Thánh đoạt thành.
Nơi Tòa Thánh từ đó Quân
đội Pháp đã đóng binh, các Chức sắc còn lại lo trù hoạch, tìm phương lo Đạo.
Lúc ấy, các con như gà mất
mẹ, như chim lạc đàn, bơ vơ chiu chít, không còn phải lắng nghe tiếng còi đặng
trở về chuồng, rồi kẻ một nơi, người một ngã, lăn lóc với cuộc đời sầu khổ.
Ôi ! Các con tưởng rằng
không còn trở lại Tòa Thánh lần thứ hai nữa, nhưng các con còn nhớ lời tiên tri
của Thầy rằng : Sau đây các con còn trở lại làm Tòa Thánh nữa. Lời tiên tri ấy,
các con vẫn đinh ninh để an ủi lấy lương tâm chờ đợi.
May thay ! Tin Hội Thánh
cho hay rằng : Ông Giáo Sư Đại biểu (Trần quang Vinh) lo tổ chức cơ phục quốc,
trước là lo cho nước đặng tự do, sau là đòi Sư phụ trở về Tòa Thánh. Từ đó, các
con cũng hăng hái lo hiệp tác với anh em, trải qua mấy năm, các con cũng giữ
tròn nhiệm vụ.
3. Qua giai đoạn thứ ba :
Rất may mắn thay, nhơn
nguyện Thiên tùng, lẽ Thiên cơ biến chuyển thình lình, tới ngày 24 tháng Giêng
năm Ất Dậu (dl 8-3-1945), Việt Nam được nắm chánh quyền thì nền Đại Đạo được
phục hồi, Tòa Thánh mở cửa.
Lúc nầy Ông Giáo Sư Khí
thay mặt cho Hội Thánh lo kiến thiết lại. Kế Ông thì có Thừa Sử Huỳnh hữu Lợi
tận tâm sát cạnh với Ông Lâm tài Khí rất hoạt động, vận tải đồ đạc đặng làm Tòa
Thánh, thì các con chung tâm hiệp trí lo làm theo di tích của Sư phụ còn lưu
lại nơi Đền Thánh.
Nhưng mà vận Đạo còn ở
trong đám mây mờ, nên sự tạo tác chỉ lây lất cho qua ngày đặng đợi Thầy về. Tùy
theo thời thế xây trở theo chiều, nào là tiền bạc, nào quyền thế, mà còn chỗ
phân tâm, nên dân thợ làm Tòa Thánh đình công một ngày. Ông rất ôn tồn hòa nhã
mà nhẫn nại khuyên nhủ anh em làm Tòa Thánh, và có nhắc lời tiên tri của Thầy
để lại rằng còn nhiều nỗi khó khăn nữa, mấy em phải rán nhẫn nại mà nghe lời
Qua thì sau sẽ gặp Thầy.
Ngày Chánh phủ Pháp sắp
đến, Ông truyền lịnh cả chu vi Tòa Thánh phải treo cờ Tàu, thì các con lấy làm
ngạc nhiên, nhìn thấy lá cờ Tàu bay phất phới theo chiều gió. Đó là do nơi lời
tiên đoán của Thầy để lại, nên gió Thánh đã xủ phất lá cờ hộ mạng che phủ cho
Tòa Thánh. Trường hợp nầy rất nên mắc mỏ, một đàng trì một đàng kéo, ông ở giữa
phải giao thiệp cả hai bên, nào là ruồng rừng lấp lộ, nào làm cống đào mương,
đã vậy mà Ông Lâm tài Khý còn phải bị nạn trong 3 tiếng đồng hồ nơi khám Tây
Ninh.
Ôi ! Biết bao nỗi khổ, Ông
là người Tàu mà dám hy sinh với Đạo và một phần Chức sắc cùng đàn em theo tùng
sự với Ông nên rất đau đớn. Ấy chẳng qua là Thiên cơ tiền định, nhờ sự ủng hộ
của thiêng liêng, dầu việc dữ cũng hóa ra hiền, sự rủi hoá may, nhiều điều rất
kinh tâm tán đởm, mà rồi cũng đặng dung hòa.
4. Qua giai đoạn thứ tư :
Cơ Chuyển thế xây vần, lẽ
Thiên cơ biến tướng, nên Ông Giáo Sư Đại biểu và cả Chức sắc Thiên phong ở Sài
gòn phải thọ khổ, cũng nhờ thọ khổ mới toan giải khổ, Ông sẽ đòi sự tự do của
Đạo lại và đem Sư phụ trả về Tòa Thánh.
Ngày mà đặng tin Sư phụ
khải hoàn thì toàn Đạo ai cũng đều hớn hở vui mừng. Hội Thánh thì lo sắp đặt
sửa soạn huy hoàng đặng rước Đức Giáo Chủ qui hồi cố quốc.
Thế nên Đạo đã đến kỳ tăng
tiến, nhơn sanh đổi họa ra phước từ đây. Đã trên 10 năm, thuyền Đạo bị truân
chuyên trắc trở, biết bao bão táp mưa sa, nay Trời êm sóng lặng, Sư phụ đã qui
hồi thì sự hy vọng của toàn Đạo nay đã mãn nguyện.
5. Qua giai đoạn thứ năm :
Ngày Sư phụ về Tòa Thánh
đến nay, Ôi ! Thân già sức yếu, gối mỏi da dùn, phần thì 5 năm xông pha trên
bước lao trường, lẽ thì phải an dưỡng một thời gian mới phải, nhưng mà Đền
Thánh còn lưu lại sự tô điểm sờ sờ nơi góc Trời Nam kia, nhơn sanh đã trông
ngóng từ lâu, nên Sư phụ cho lịnh đòi cả anh em, chị em tạo tác Tòa Thánh ban
sơ mau trở lại, sự đoàn kết khi xưa đã qui hợp, nhưng mà cái số 500 dân thợ khi
trước, nay chỉ còn không đặng phân nửa cái số ấy, kẻ thì mắc phải gia đình ràng
buộc, người thì lo việc khác, người thì qui liễu, nghĩ có đáng buồn chẳng ?
Nhưng mà các con cũng cố
gắng theo Thầy lo tô điểm đã ngoài 4 tháng, nhằm ngày 30 tháng Chạp mới hoàn
tất.
Vậy ngày nay, các con xin
giao Tòa Thánh lại cho Hội Thánh.
6. Qua giai đoạn thứ sáu :
Chúng con xin dâng những
nguyện vọng của các con sau nầy. Từ buổi ban sơ đến nay, các con được hấp thụ
những lời giáo hóa của Sư phụ thì Đền Thờ Đấng Cha Lành là của chung toàn nhơn
sanh, nay mà làm đặng trong xứ Nam nầy tức là nguồn cội của dân Nam.
Các con đây, tuy là phận
ngu hèn dốt nát mặc dầu, cũng hiểu biết ít nhiều Đạo lý.
Đền Thờ là của chung, các
con đây là con của Đức Chí Tôn, nên các con phải nhịn ăn nhịn mặc, sự làm dầu
khó khăn nhọc nhằn đến mấy thì các con cũng cương quyết.
Ngày nay, Đền Thờ đã kết
liễu, thì sự vui mừng của các con đã mãn nguyện, nên các con đây cũng không vì
công làm bấy lâu mà nài xin với Hội Thánh điều chi hết. Các con có một điều hy
vọng là ngày nào đời đặng thái bình, dân Nam đều biết Đạo, thì các con chí
hướng đi tu mà thôi.
Hiện nay Sư phụ đã già, mà
sự tạo tác cũng còn, thì các con cũng tình nguyện theo chơn Thầy mà làm việc.
Ngày nào Sư phụ giao việc lại cho Hội Thánh thì các con cũng xin thôi, hầu có
lo cơ bảo tồn. Đó là nguyện vọng của các con như thế.
Nhân dịp ngày Xuân, các
con đồng chúc Sư phụ muôn tuổi, Chức sắc HTĐ, Chức sắc CTĐ, Chức sắc Phước
Thiện, đều đặng trường cửu, Thượng Hạ Sĩ quan Quân đội vạn sự hòa bình, Tòa
Thánh mới đặng thất ức niên.
Tổng Giám Lê văn Bàng
HỰU BÚT :
Theo lời vừa mới đọc qua,
đó là nguyện vọng chung, còn phần riêng của anh chị em nào muốn cầu xin Hội
Thánh điều chi thì làm, nạp cho Tá Lý và Tổng Giám xét công dâng lên Hội Thánh
định đoạt. "
Tòa Thánh, ngày
mùng 3 tháng Giêng năm Đinh Hợi.
(dl 24-1-1947)
TỔNG GIÁM
Lê Văn Bàng
Tá Lý Lê ngọc Lời đọc
xong, Đức Hộ Pháp đáp lại, với vẻ cảm động và vui mừng, rằng :
" Những công trình
kiến tạo nầy, nếu không phải có Thiên cơ tiền định thì chưa mấy ai tạo đặng,
bằng cớ là khi Đạo đặng thạnh hành, nhơn sanh hằng triệu, Ông Chánh Phối Sư
Thái Thơ Thanh đảm đương khởi tạo, rốt cuộc cũng thất bại.
Sau, Đức Quyền Giáo Tông
Thượng Trung Nhựt hiệp cùng bà Nữ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh kế tạo cũng
không thành.
Sau nữa, Ông Tiếp Thế Lê
thế Vĩnh cũng hăng hái nông trang, lại cũng không kết quả.
Sau bao lần bất thành, Bần
đạo đứng ra hiệp cùng những môn đệ trung thành còn sót lại mà lần hồi tạo tác
cho đến ngày nay được kết quả với một kỳ công xứng đáng.
Khi khởi công, trong tủ
không có một đồng, phải chăng Đức Chí Tôn đã thử thách tấm lòng son sắt của
chúng ta.
Ấy vậy, tên tuổi của mấy
em và mấy con trong lúc kiến tạo nầy, sử Đạo sẽ lưu truyền nêu danh hậu
thế."
Cô thợ hồ Nguyễn thị Sen
đọc bài chúc mừng Đ. Hộ Pháp :
" Bạch Đức Hộ Pháp,
Thưa cùng chư Chức sắc
Thiên phong Nam Nữ,
Chúng con là thợ hồ phái
Nữ, xin kính lễ chào Quí Ngài, và có mấy lời biện bạch, cúi xin Quí Ngài niệm
tình tha lỗi.
Trong thời kỳ tạo tác Tòa
Thánh, chúng con không ngờ rằng một dịp may cho Nữ phái chung công hiệp sức
cùng Nam phái để tạo Đền thờ Đại Từ Phụ. Nếu được các Ngài nhìn nhận, chúng con
cũng dám tự nói rằng, trong sự đua tranh về hành vi giúp đời tạo thế, chúng con
dù phận liễu yếu đào thơ, cũng không đến nỗi thẹn cùng bạn mày râu Nam tử.
Hồi nhớ lại khi hẩm hút
tương rau, khi áo quần không đủ ấm, chúng con nhờ nương nơi chí thanh cao của
Đức Giáo chủ dắt dìu, chúng con lòng không sờn, chí chẳng đổi, dầu phải trải
qua bao phen khổ não về tinh thần lẫn vật chất, Ôi ! thời kỳ tạo tác Tòa Thánh,
nếu chúng con không đủ đức tính hy sinh, không đủ lòng kiên nhẫn, không đủ sức
thắng nổi phàm tâm, thì ngày nay, chúng con không còn đứng trước mặt Quí Ngài
mà tự hào công trạng.
Ấy vậy, Tòa Thánh ngày nay
được hoàn thành, chúng con rất vui mừng không xiết. Và ngày nay, tháng Giêng
năm Đinh Hợi, Bính Tuất đã dứt, Đinh Hợi vừa sang, chúng con cúi đầu chúc Sư
phụ năm mới được vạn sự an lành; nhân dịp, chúng con cúi đầu chúc chư Chức sắc
HTĐ và CTĐ được Đức Chí Tôn ban bố hồng ân hầu đủ phương thế cứu vớt nhơn sanh
thoát vòng khổ hải. Sau đây, chúng con cầu chúc quí vị Sĩ quan sang năm mới
được nhiều may mắn.
Xuân đi Xuân đến, đối với
các con đã gây biết bao mối cảm tình, hòa lẫn những dòng lệ ưu hoài cuộc thế
vần xoay, ngày nay chúng con cảm thấy bao nhiêu chuyện mới mẻ tươi cười, mà
cũng bao nhiêu điều cũ kỹ bi ai, các con hồi tưởng lại 5 năm vừa qua, trong lúc
vắng mặt Sư phụ, các con đây chẳng khác chim nọ lạc bầy, chiu chít nơi mây bạc
đầu non, chân trời góc bể, các con trên đường đời như cánh nhạn trời cao, mỗi
người một ngã, các con chỉ sống với một cái sống tạm thời, cũng như sương sa
gió thoảng, tìm đủ phương dẹp mối thê lương, song cũng không thể nào quên hết
những nỗi đau khổ của một ông cha hiền lành và rất kính mến, vì nhơn loại, vì
các con mà phải chịu cực khổ mấy năm trường, các con ở nơi nhà, hằng để tâm cầu
khẩn cùng Đức Chí Tôn, xin cho Sư phụ được trở về nơi Tổ quốc.
May mắn thay, Thiên ý chiều
người, Sư phụ đã trở về. Ngày nay, các con đặng gặp và tụ hội nơi đây để chúc
mừng Sư phụ trong ba ngày Xuân nhựt. Trong ba ngày, các con dọn cái bàn trong
tâm giới, đốt sáng ngọn đèn huệ minh, lau chùi sạch sẽ cái trí, lọc lừa trong
nước hằng sống của linh hồn, đặng đến trước Đền Thờ cầu nguyện cùng Đấng Chí
Tôn, cầu xin cả thế giới đặng hòa bình, khỏi nạn chiến tranh, và nền Đại Đạo
được mau chóng hoằng hóa. Các con đồng kính. "
Khi đọc xong, Đức Phạm Hộ
Pháp đáp lời rằng :
"Bần đạo không ngờ
mấy em phái Nữ mà đạt được một kỳ công đáng giá dường nầy. Hồi nhớ lại, khi mới
khởi công, Bần đạo đã chọn bên phái Nam tạo tác mà thôi, sau vì nhơn công không
đủ làm việc, nên mới lập cho mấy em, ban đầu trộn hồ gánh gạch, lần hồi xây đắp
vách tường, công việc của mấy em làm càng ngày càng tiến bộ, cũng như phần đông
Nam phái. Có phải mọi việc chi cũng có đủ Nam Nữ (Âm Dương) mới tạo thành lý
Đạo, ấy là định ý của Đức Chí Tôn đó vậy.
Khi ấy, vì lòng dè dặt của
Bần đạo, nên mới buộc mấy em và mấy con phải hồng thệ thủ trinh, đặng đủ tinh
khiết mà tạo nên Đền Thánh.
Ngày nay đặng hoàn thành
rồi, Bần đạo sẽ lần lượt giải thệ cho mấy em và mấy con nào muốn ra lập gia
đình tùy thích."
Đức Hộ Pháp kêu vị Tổng
Giám Lê văn Bàng đem TỜ GIAO LÃNH mà khi xưa mấy vị nầy đã ký giao ước với Ngài
lại với Hội Thánh, chư Chức sắc CTĐ Nam Nữ đồng ký tên nhận lãnh, có các Chức
sắc HTĐ chứng kiến, mà Đức Hộ Pháp lại ký tên với danh vị một người thợ hồ.
Ông Ngọc Chánh Phối Sư
thay mặt Hội Thánh CTĐ để lời cám ơn Đức Hộ Pháp và chư Đạo hữu Nam Nữ đã dày
công kiến tạo Tòa Thánh. Ông xin nhơn danh Hội Thánh CTĐ mà nhận lãnh Tòa Thánh
gìn giữ muôn đời.
Lập tại Tòa Thánh Tây
Ninh, ngày mùng 3-Giêng-Đinh Hợi.
(dl 24-01-1947 )
IV. Mô tả Tòa Thánh.
Đứng trước
Tòa Thánh, chỗ khoảng sân rộng có cột phướn, nhìn thẳng vào Tòa Thánh, chúng ta thấy nổi bật 2
tháp vuông lớn, cao vút, song song nhau. Đó là Bạch Ngọc Chung Đài và Lôi Âm Cổ
Đài, thường gọi là Lầu Chuông và Lầu Trống. Mỗi tháp đều có 6 từng không đều nhau,
có mái ngắn bao quanh phân chia các từng.
Từng dưới cùng (từng trệt)
của 2 tháp nầy có 2 khuôn bông lớn hình chữ nhựt, ở giữa có 2 chữ Nho lớn trong
hình bầu dục, bên Lầu Trống là chữ CAO ( ) và bên Lầu Chuông là chữ ĐÀI ( )
Bên trên khuôn bông nầy là
4 ô hình tròn có gắn 4 chữ Nho : Bên Lầu Trống 4 chữ LÔI ÂM CỔ ĐÀI ( ) và bên
Lầu Chuông 4 chữ BAÏCH NGỌC CHUNG ĐÀI ( ).
Từng kế bên trên, ở bên
Lầu chuông có đắp tượng Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung mặc Đạo phục đứng trên
quả địa cầu, tay mặt cầm quyển Thiên thơ; và ở bên Lầu Trống thì có đắp tượng
Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh, mặc Đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay mặt cầm
một nhánh bông, tay trái xách giỏ Hoa lam. (Xem Tiểu sử Đức Quyền Giáo Tông Lê
văn Trung và Tiểu sử của Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh trong Phần thứ sáu).
Từng thứ ba kế bên trên,
ngắn hơn 2 từng dưới, mỗi bên có gắn 2 bông gió để thông hơi.
Lên từng thứ tư, bề cao
dài nhứt, giữa hình chữ T rất lớn màu trắng có đắp hình một bó hoa lớn, màu sắc
sặc sỡ, như đang rơi xuống biển, dưới ánh bình minh, còn 3 phía hông còn lại
thì gắn những khung lá sách sơn màu xanh. (Xem Giải thích ý nghĩa Bó hoa trong
Phần thứ sáu).
Bên trong từng thứ tư nầy,
bên Lầu trống có đặt 1 cái trống lớn, gọi là Lôi Âm Cổ, và bên Lầu chuông đặt
một cái chuông lớn gọi là Bạch Ngọc Chung. Khi đánh chuông hay đánh trống, âm
thanh vang rền truyền đi rất xa để thức tỉnh những người đang còn chìm đắm
trong giấc mộng trần.
Từng thứ năm và thứ sáu có
4 cạnh dần dần nhỏ lại, và 4 bên đều có gắn các khuôn bông thông gió, trang trí
với nhiều màu sắc rất đẹp. Nơi từng thứ sáu là từng chót, cao nhứt, có làm lan
can bao quanh, để du khách có thể lên đứng trên đó nhìn thấy khung cảnh toàn
vùng Thánh địa.
Trên nóc Lầu chuông và Lầu
trống, mỗi bên đều có đắp hình 3 Bửu pháp : Bên dưới là Giỏ Hoa lam, bên trên
là cái Bầu Hồ lô và một cây Gậy. Hồ lô và cây Gậy là bửu pháp của Đại Tiên Lý
thiết Quả, đứng đầu Bát Tiên, mà trong thời ĐĐTKPĐ nầy, Ngài vâng lịnh Đức Chí
Tôn giáng trần là Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung; còn Giỏ Hoa lam là bửu pháp
của vị Long Nữ, đệ tử của Đức Quan Âm Bồ Tát, vâng lịnh Chí Tôn giáng trần là
Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh.
Giữa Lầu chuông và Lầu
trống là một kiến trúc 3 từng (một trệt, 2 lầu) gọi chung là Hiệp Thiên Đài, mà
phía trước có một bao lơn hình bán nguyệt rất lớn, gọi là Vinh Dự Công Lao Chi
đài, gọi tắt là Đài Danh dự. Trên bao lơn có dựng một cây cột cờ, hơi xiên ra
ngoài để treo lá cờ Đạo vào những ngày lễ trong Đạo. (Xem Giải thích ý nghĩa lá
cờ Đạo trong Phần thứ sáu).
Chống đỡ bao lơn nầy có 4
cây cột, chia ra mỗi bên 2 cây đặt kế nhau : Một cây có đắp hình con rồng đỏ
quấn xung quanh cột, một cây đắùp hình các hoa sen, lá sen và cọng sen quấn
chung quanh cột, để 2 cây cột rồng và sen đó ghép lại tượng trưng 2 chữ LONG
HOA. (Long là rồng, Hoa là bông) (Xem giải thích chi tiết chữ Long Hoa nơi Phần
thứ sáu).
Trên vành bao lơn có đắp 8
khuôn hình ghi lại 8 Điển tích tượng trưng 8 ngành nghề trong dân chúng : Sĩ,
Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục. (Xem 8 Điển tích nầy nơi Phần thứ
sáu).
Hai bên cửa chánh của từng
trệt HTĐ, sát vách Lầu chuông và Lầu trống, có đắp pho tượng 2 vị Thiên Thần :
Ác và Thiện, thường gọi là Ông Ác và Ông Thiện. (Xem sự tích Ông Ác và Thiện
trong Phần thứ sáu).
Tòa nhà HTĐ 3 từng ấy có
từng trệt được gọi là Tịnh Tâm Điện, lầu kế bên trên Tịnh Tâm Điện được gọi là
Lầu Hiệp Thiên Đài, vì có lập Bàn thờ 15 vị Chức sắc cao cấp nhứt của HTĐ, và
từng nầy thông ra bao lơn hình bán nguyệt như đã nói ở trên. Phía trước Lầu
HTĐ, ở 2 bên bìa có bông 2 chữ Nho đại tự là NHƠN và NGHĨA .
Phía dưới 2 chữ NHƠN NGHĨA
nầy là đôi liễn Hiệp Thiên Đài, khởi đầu bằng 2 chữ HIỆP và THIÊN :
Hiệp nhập Cao Đài, bá tánh
thập phương qui chánh quả,
Thiên khai Huỳnh đạo, Ngũ
chi Tam giáo hội Long Hoa.
Nghĩa là :
- Hiệp vào Đạo Cao Đài,
nhơn sanh khắp nơi được trở về ngôi Chánh quả,
- Trời mở Đạo Cao Đài, các
Đấng trong Ngũ Chi Đại Đạo và trong Tam giáo tham dự Đại Hội Long Hoa.
Từng lầu bên trên hết được
gọi là Phi Tưởng Đài, cũng gọi là Thông Thiên Đài, xưa gọi là Tiêu Diêu Điện,
nơi mặt tiền phía trước có đắp hình Thiên Nhãn rất lớn, chỗ lan can trước Thiên
Nhãn có đắp hình Cổ pháp Tam giáo : bình Bát vu (tượng trưng Phật giáo), cây
Phất chủ (tượng trưng Tiên giáo), sách Xuân Thu (tượng trưng Nho giáo).
Trên nóc của Phi Tưởng Đài
có đắp tượng của Đức Phật Di-Lạc (Di-Lạc Vương Phật) ngự trên tòa sen đặt trên
lưng một con cọp vàng. (Xem sự tích Đức Phật Di-Lạc nơi phần thứ tư). Con cọp
ấy tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm Khai Đạo Cao Đài.
Bước qua bên cạnh, nhìn
vào phía hông Tòa Thánh, chúng ta thấy bên trên có 3 từng mái đỏ cong cong, đúc
bằng bê-tông, nhưng trang trí như lợp ngói móc, bên trên nóc nhô lên 2 cái tháp
cao : một cái có hình vuông bên dưới hình tròn bên trên gọi là Nghinh Phong
Đài, và một cái hình tám cạnh gọi là Bát Quái Đài. Nghinh Phong Đài nằm ở chính
giữa Cửu Trùng Đài, và phần Cửu Trùng Đài gồm có 9 lồng căn có mái ngói đều sơn
màu đỏ, còn phần Bát Quái Đài, mái ngói đều sơn màu vàng.
Như vậy, Tòa Thánh gồm có
3 phần :
- Phần trước là Hiệp Thiên
Đài (HTĐ), 2 bên có 2 tháp vuông rất cao là Lầu chuông và Lầu trống.
- Phần giữa là Cửu Trùng
Đài (CTĐ) có tháp tròn là Nghinh Phong Đài.
- Phần cuối là Bát Quái
Đài (BQĐ), có tháp cao hình 8 cạnh Bát quái. (Xem giải thích ý nghĩa nơi Phần
thứ sáu)
Nóc của Nghinh Phong Đài
là một bán cầu úp xuống, trên đó có vẽ họa đồ Ngũ Châu và Ngũ Đại dương, để
tượng trưng Địa cầu của nhơn loại chúng ta đang sống, và trên bán cầu nầy có
đắp hình một con Long mã phụ Hà đồ, đang bỏ vó chạy về hướng Tây, nhưng ngoái
đầu lại nhìn về hướng Đông.
Ngay phía dưới Nghinh
Phong Đài là hai cửa hông ở hai bên đi vào Chánh điện Tòa Thánh.
Còn trên nóc của Bát Quái
Đài, đắp một tòa sen lớn, trên đó có 3 vị Cổ Phật la: Brahma Phật, Civa Phật,
và Christna Phật.
Bên dưới Bát Quái Đài, mỗi
bên có xây một cầu thang đi lên, hai bên mỗi cầu thang đều có đắp hình 2 con
Kim Mao Hẩu màu vàng, trông rất oai vệ.
Nơi 2 cửa hông Tòa Thánh
bên dưới Nghinh Phong Đài, cũng có làm 2 cầu thang đi lên , và mỗi cầu thang
đều có đắp hình 2 con Kim Mao Hẩu như nơi BQĐ.
Hai bên hông Tòa Thánh là
một dãy hành lang rộng, đi từ trước bọc ra sau, thông hai bên. Hành lang có
nhiều bực giống như bên trong Tòa Thánh, từ thấp ở phía trước, dần lên cao ở
phía sau.
Chống đỡ mái hiên hành
lang là một hàng cột tròn bao quanh Tòa Thánh , đếm được tất cả là 112 cây cột.
Dưới mái hiên, trên đường
viền giữa các cây cột, có trang trí hình dây nho, lá và trái nho; bên trên có
một khuôn tròn vẽ hình 2 con hạc bay lúc mặt Trời mới mọc. (Xem giải thích chi
tiết nơi Phần thứ sáu).
Phía trong hành lang là
vách Tòa Thánh, giữa mỗi căn có một khuôn bông sen rất lớn gồm những bông sen,
lá sen và cọng sen, đỡ một khung có hình Thiên Nhãn ở chính giữa một tam giác
đều, có làm những tia hào quang phát ra.
Chung quanh Tòa Thánh có
tất cả 23 khuông bông sen có hình Thiên Nhãn, hiệp với Thiên Nhãn trên Phi
Tưởng Đài phía trước Tòa Thánh, tổng cộng là 24 Thiên Nhãn.
Chúng ta trở lại phía
trước để chuẩn bị đi vào Tòa Thánh theo lối cửa chánh, quan sát bên trong Tòa
Thánh.
Chúng ta bước lên bực thềm
5 cấp bằng đá mài màu nâu. Năm cấp thềm nầy tượng trưng 5 cấp tiến hóa của
người tu phải trải qua khi đạt đến Phật vị. Đó là : Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh
đạo, Tiên đạo và Phật đạo.
Lên đến mí thềm, chúng ta
gặp ngay 4 cây cột lớn, mỗi bên 2 cây đứng kế nhau, một cây có hình rồng màu đỏ
quấn quanh, một cây có hình cọng sen và bông sen quấn quanh. Hai cây cột có
quấn rồng và bông sen nầy nầy tượng trưng 2 chữ LONG HOA (Long là rồng, Hoa là
bông). (Xem giải thích về Long Hoa trong Phần thứ sáu).
Chúng ta đứng ngước nhìn
lên phía trên, thấy một bức họa, trên đó vẽ một bàn tay từ trong mây đưa ra cầm
cây Cân đặt trên quả địa cầu của nhơn loại. Đó là bàn tay của Đấng Thượng Đế
cầm cây Cân Công Bình thiêng liêng để cân TỘI và PHƯỚC của mỗi người sau khi
qui liễu, để có sự thưởng phạt công bình cho mỗi linh hồn.
Hai bên cửa chánh, chúng
ta lại thấy 2 pho tượng lớn :
- Phía sát vách Lầu chuông
là tượng của vị Thiện Thần, mà người đạo quen gọi là Ông Thiện, có gương mặt
hiền từ, tay cầm cây siêu cán dài, đứng trên tòa sen (Liên đài).
- Phía sát vách Lầu trống
là pho tượng của vị Ác Thần, mà người đạo quen gọi là Ông Ác, có gương mặt dữ
tợn, tay mặt cầm một cái búa lớn, tay trái cầm cục Ngọc tỷ, đứng trên tòa lửa
(Hỏa đài).
Phía sau 4 cây cột tròn
sơn sọc xanh là tới cửa chánh làm bằng gỗ quí, gồm một cửa lớn ở giữa và hai cửa
nhỏ ở hai bên, được đánh vẹc ni màu sậm bóng láng. Hai cây cột hai bên cửa lớn
có hình vuông, trên đó có cẩn đôi liễn Hiệp Thiên Đài bằng chữ Nho, khởi đầu
bởi 2 chữ Hiệp Thiên :
- HIỆP nhập Cao Đài bá
tánh thập phương qui chánh quả,
- THIÊN khai Huỳnh Đạo,
Ngũ Chi Tam Giáo hội Long Hoa.
Bên trong cửa chánh là một
khoảng rộng, gọi là Tịnh Tâm Điện, là nơi để cho các tín đồ giữ lòng trong
sạch, loại bỏ các tư tưởng không tốt, trước khi vào Chánh điện bái lễ Đức Chí
Tôn.
Một bức vách chắn ngang
ngăn cách Tịnh Tâm Điện và phần Chánh điện bên trong, trên đó có một bức họa
thật lớn, gọi là bức họa TAM THÁNH KÝ HÒA ƯỚC.
Trên bức họa nầy có họa
hình 3 vị :
- Đức Trạng Trình Nguyễn
bỉnh Khiêm Thánh hiệu là Thanh Sơn Đạo Sĩ (hay Thanh Sơn Chơn Nhơn), mặc triều
phục Việt Nam, cầm bút lông, đang viết câu chữ Nho :
Thiên thượng Thiên hạ - Bác Ái Công Bình
- Đức Victor Hugo, đại văn
hào của nước Pháp, Thánh hiệu là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, mặc triều phục nước
Pháp, cầm bút lông ngỗng, đang viết câu chữ Pháp:
DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE
- Đức Tôn dật Tiên, tức là
Tôn Văn, nhà Đại Cách Mạng của nước Trung Hoa, Thánh hiệu là Trung Sơn Chơn
Nhơn, cầm nghiên mực đỏ, để cho 2 vị kia chấm bút lông vào đó mà viết chữ trên
tấm bia đá chiếu hào quang. Đó là bảng Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, tức là bảng
giao kết giữa Trời và Người. (Xem giải thích chi tiết trong Phần thứ hai). Cả 3
vị Thánh đều đứng trên mây, nghiên mực và bia đá đều tỏa hào quang.
TRUYỆN KÝ TAM THÁNH :
" - Cụ Nguyễn bỉnh
Khiêm, nhà Tiên tri danh tiếng lớn ở đời Mạc- Lê, thi đậu Trạng nguyên, tước vị
Trình Quốc Công, tục gọi là Trạng Trình, giáng cơ tự xưng là Thanh Sơn Đạo Sĩ,
tức là Sư Phó của Bạch Vân Động.
- Cụ Victor Hugo, nhà thi
gia trứ danh của Pháp quốc, giáng cơ tự xưng là Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tức là đệ
tử của Cụ Nguyễn bỉnh Khiêm ở Bạch Vân Động.
- Cụ Tôn dật Tiên, đại
cách mạng gia nước Trung Hoa, nhũ danh là Tôn Văn, giáng cơ tự xưng là Trung
Sơn Chơn Nhơn, tức là đệ tử của Cụ Nguyễn bỉnh Khiêm ở Bạch Vân Động.
Ba vị Thánh Nhơn trên đây
là Thiên Sứ đắc lịnh làm hướng đạo cho nhơn loại để thực hành Đệ Tam Thiên Nhơn
Hòa Ước. " (HỘI THÁNH)
Qua khỏi Tịnh Tâm Điện và
bức họa Tam Thánh Ký Hòa Ước, chúng ta bước xuống bực tam cấp đá mài nâu, thì
chúng ta đứng tại bực thấp nhứt của CTĐ. Đó là cấp 1 của CTĐ.
Quay mặt nhìn vào gian
giữa, chúng ta thấy 3 pho tượng to lớn đứng trên 3 tòa sen :
- Tượng của Đức Hộ Pháp
Phạm công Tắc ở giữa, mặc Đại phục, đứng trên tòa sen giữa Thất đầu xà ở bực đá
mài cao hơn hết, tay cầm cây Kim Tiên (Bửu pháp của Thái Sư Văn Trọng thời nhà
Trụ trao cho Đức Hộ Pháp).
- Tượng của Đức Thượng
Phẩm Cao quỳnh Cư ở phía tay mặt của Đức Hộ Pháp, đứng trên tòa sen trước cây
Phướn Thượng Phẩm, mặc Đại phục, tay mặt cầm Long Tu Phiến có gắn Phất Chủ, tay
trái cầm xâu chuỗi Từ Bi.
- Tượng của Đức Thượng
Sanh Cao hoài Sang ở phía tay trái của Đức Hộ Pháp, đứng trên tòa sen trước cây
phướn Thượng Sanh, mặc Đại phục, tay mặt cầm cây Phất Chủ, tay trái nắm xâu
chuỗi Từ Bi, sau lưng thì giắt Thư Hùng kiếm.
Ba tòa sen đặt trên 3 cái
đôn, một con rắn lớn, da màu nâu sậm, có 7 đầu gọi là Thất Đầu Xà, mình rất
dài, quấn vào cả 3 cái đôn nầy, đuôi rắn quấn tròn vào đôn của Đức Thượng Sanh,
thân rắn quấn vào đôn của Đức Thượng Phẩm, phần đầu quấn vào đôn của Đức Hộ
Pháp, còn 7 đầu rắn tượng trưng Thất Tình của con người, chia ra : 3 đầu Hỷ,
Lạc, Ái đưa thẳng lên cao sau lưng Đức Hộ Pháp giống như tạo thành chỗ dựa; 2
đầu Ố và Dục tẻ ra hai bên, gục xuống vừa tầm để Đức Hộ Pháp đặt 2 tay lên như
để chế ngự; 2 đầu Nộ và Ai ở dưới thấp, gục xuống vừa tầm để Đức Hộ Pháp đặt
chân lên khi Đức Ngài ngồi trên tòa sen. Như thế, 7 đầu rắn ấy kết hợp với tòa
sen đặt trên cái đôn, tạo thành như một cái ngai để Đức Hộ Pháp ngự trên đó,
với 2 tay kềm chế 2 đầu Ố và Dục, 2 chân đạp lên 2 đầu Nộ và Ai, không cho 2
đầu nầy ngóc lên, và 3 đầu Hỷ, Lạc, Ái cho cất lên cao như làm thành chỗ dựa
lưng cho Đức Hộ Pháp.
Trên vách phía sau ngai
của Đức Hộ Pháp là bùa chữ KHÍ ( ), vẽ màu vàng trên nền đỏ.
Sau lưng Đức Thượng Phẩm
có treo lá phướn Thượng Phẩm, trên đó có Cổ pháp Thượng Phẩm là Long Tu Phiến
và Phất Chủ.
Sau lưng Đức Thượng Sanh
thì có treo lá phướn Thượng Sanh, trên đó có Cổ pháp Thượng Sanh là Thư Hùng
Kiếm và Phất Chủ.
Chúng ta còn thấy trên 2
cây cột ở hai bên chữ KHÍ có đôi liễn Phạm Môn :
- PHẠM giáo tùy nguơn cứu thế độ nhơn hành chánh pháp,
- MÔN quyền định hội trừ tà diệt mị hộ chơn truyền.
Nghĩa là :
- Phật dạy tùy thời kỳ mà
cứu độ người đời thi hành theo Chánh pháp,
- Quyền lực của cửa Đạo
định ra thời kỳ trừ diệt tà mị bảo hộ chơn truyền.
Dưới 3 pho tượng của Đức
Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh là 5 bực đá mài màu nâu hình bán nguyệt, gọi
là Ngũ Lôi Đài, dành cho Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài đứng chầu lễ Đức Chí
Tôn.
Dưới 5 bực đá mài bán
nguyệt vừa kể ở trên là cấp thứ 1 (thấp nhứt) của CTĐ. Trong cấp nầy, phần giữa
dành cho các Chức sắc Pháp Chánh HTĐ đứng chầu lễ Đức Chí Tôn, và 2 phần 2 bên
dành cho các tín đồ Đạo hữu nam nữ chầu lễ.
Đứng tại đây nhìn vào Bửu
điện, chúng ta thấy 2 hàng cột rồng xanh thẳng tắp cao lớn, với nhiều bực từ
thấp lên cao. Mỗi hàng có 9 cây cột rồng xanh, hai hàng gồm 18 cây cột, tương
ứng với 9 cấp của CTĐ cao dần lên tới Bửu điện.
Đặc biệt có 2 cây cột rồng
xanh ở hàng thứ năm từ ngoài đếm vào, có xây 2 cái đài nhỏ hình xoắn ốc lên
cao, bằng phân nửa bề cao của cột rồng, được gọi là Giảng đài, dùng làm nơi để
Chức sắc lên đứng Thuyết đạo, hoặc làm nơi cho 2 vị Chức sắc đứng điều khiển
buổi lễ cúng đàn : Giảng đài bên Nam có vị Giáo Sư phái Ngọc đứng xướng lễ;
Giảng đài bên Nữ có vị Nhạc Sư Bộ Nhạc, cầm cái bông sen và có một đèn hiệu để
điều khiển ban nhạc, lễ và đồng nhi.
Dọc theo hai bên vách Tòa
Thánh, ngang với mặt bằng lầu một HTĐ, là 2 dãy bao lơn dài vô tới Bát Quái
Đài. Dãy bao lơn nầy được gọi là Bao lơn Thanh đẳng (Ngài Thời Quân Khai Đạo
dịch ra Pháp văn là Balcon des Innocents), dành cho phẩm Lễ Sanh chầu lễ Đức
Chí Tôn trong những kỳ Đại lễ có quá đông Lễ Sanh tham dự đàn cúng. Bao lơn bên
Nam phái dành cho Lễ Sanh và Giáo Thiện Nam phái, bên bao lơn Nữ phái dành cho
Lễ Sanh và Giáo Thiện Nữ phái.
Chúng ta đi lên đến bực
thứ 9 của Cửu Trùng Đài, chúng ta thấy nơi gian giữa có đặt 7 cái ngai sơn son
thếp vàng rất long trọng và rất đẹp, đặt trên bệ gỗ bóng láng.
7 cái ngai nầy dành cho 7
vị Chức sắc cao cấp nhứt của Cửu Trùng Đài, kể ra như sau :
- 3 ngai dưới dành cho 3
vị Đầu Sư 3 phái : Thái, Thượng, Ngọc.
- 3 ngai kế trên dành cho
3 vị Chưởng Pháp 3 phái : Thái, Thượng, Ngọc.
- 1 cái ngai lớn nhứt và
đẹp nhứt đặt sau cùng dành cho Đức Giáo Tông.
Hai bên 7 cái ngai nầy là
2 hàng tàn, lọng và Dàn Bát bửu.
7 cái ngai nầy ở cấp thứ 9
của CTĐ, tức là cấp cao nhứt của CTĐ. Qua khỏi 7 cái ngai là đến cấp thứ 10 làm
trung gian giữa Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài, nơi đây có khoảng rộng gọi là
Cung Đạo. Tại Cung Đạo, tiếp giáp với Bát Quái, chúng ta thấy có 2 cây cột quấn
rồng vàng.
Kể từ chỗ 2 cây cột có
quấn rồng vàng nầy, các bực đi lên được xây theo hình Bát Quái có 8 cạnh đều
nhau, bên ngoài lớn, bên trong cao lên và nhỏ dần, được làm bằng đá mài màu
vàng. Có tất cả 12 cấp Bát Quái, cấp trên cao hơn cấp dưới kế tiếp 10 phân. Cấp
thứ 12 cao nhất, có cẩn đủ 8 Cung Bát Quái : Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly,
Khôn, Đoài. Cung Đoài ở ngay hướng Tây, Cung Chấn ở ngay hướng Đông, Cung Khảm
hướng Nam, và Cung Ly hướng Bắc.
Ngay trung tâm của Bát
Quái có đúc một hình trụ tròn để giữ vững cây trụ của Quả Càn Khôn. Bên trên
cây trụ nầy là một Quả Càn Khôn thật lớn, hình cầu, đường kính 3 thước 3 tấc (3,30 m ), sơn màu xanh da trời, trên đó có vẽ rất nhiều
ngôi sao, (tổng cộng 3072 ngôi sao). Phía trước Quả Càn Khôn ngó ra Cửu Trùng
Đài có vẽ một Thiên Nhãn lớn tỏa hào quang, hiện ra giữa đám mây, ngay phía
trên ngôi sao Bắc Đẩu.
Phía dưới Quả Càn Khôn là
bàn thờ đóng bằng gỗ theo hình Bát Quái. Trên bàn nầy, theo 8 đường ly tâm ra 8
góc Bát Quái, có đặt 8 con rồng màu trắng bạc (Bạch long) đầu hướng ra ngoài,
trong tư thế như đang gìn giữ và bảo vệ nơi thờ phượng tôn nghiêm trong Bát
Quái Đài.
Cũng trên bàn thờ nầy,
phía dưới Thiên Nhãn, phần đối diện với CTĐ, có đặt nhiều Long vị viết bằng chữ
Nho, sơn son thếp vàng, thờ các Đấng Giáo Chủ, Tam Trấn, và các Thánh Tử Đạo,
kể ra sau đây :
- Long vị thờ Đức Phật
Thích Ca, Giáo Chủ Phật giáo, đề là Tây Phương Giáo Chủ
- Long vị thờ Đức Lão Tử,
hóa thân của Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Giáo Chủ Tiên Giáo, đề là: Thái Thượng Đạo
Tổ.
- Long vị thờ Đức Khổng
Tử, Giáo Chủ Nho giáo, đề là : Khổng Thánh Tiên Sư
3 Long vị của 3 Đấng Giáo
Chủ nầy đặt ngang hàng nhau, Long vị của Đức Phật Thích Ca đặt ở chính giữa,
Long vị của Đức Lão Tử đặt phía tay mặt của Đức Phật Thích Ca, và phía tay trái
là Long vị của Đức Khổng Tử.
Dưới 3 Long vị trên là 3
Long vị của Tam Trấn Oai Nghiêm ĐĐTKPĐ, kể ra:
- Long vị thờ Đức Lý Đại
Tiên Trưởng, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, đặt ngay phía dưới Long vị Đức Phật Thích
Ca, đề là : Thái Bạch Kim Tinh
- Long vị thờ Đức Quan Âm
Bồ Tát, Nhị Trấn Oai Nghiêm, đặt dưới Long vị của Đức Lão Tử, đề là : Quan Âm
Như Lai
- Long vị thờ Đức Quan
Thánh, Tam Trấn Oai Nghiêm, đặt dưới Long vị của Đức Khổng Tử, đề là : Quan
Thánh Đế Quân
Dưới Long vị của Đức Lý
Thái Bạch ở hàng giữa là :
- Long vị Đức Chúa Jésus,
Giáo Chủ Thiên Chúa Giáo, đề là : Gia Tô Giáo Chủ
- Dưới Long vị của Đức
Chúa Jésus là Long vị của Đức Khương Thượng, làm đầu Thần đạo Trung Hoa, đề là
Khương Thượng Tử Nha.
Hai bên Long vị của Đức
Chúa Jésus là 2 Long vị : Thánh Tử Đạo Nam phái và Thánh Tử Đạo Nữ phái.
Ngoài ra, bên Nam phái còn
có một Long vị nhỏ thờ Victor Hugo (Văn hào Pháp) đề là : Chưởng Đạo Nguyệt Tâm
Chơn Nhơn vì Ngài được Đức Chí Tôn giao nhiệm vụ Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại
Giáo. Bên cạnh phía dưới có một bài vị đề là : Thần vị Nourn Dinh.
Bên dưới các Long vị có
một đôi Qui Hạc khá lớn (hình con Hạc vươn cổ cao lên, đứng trên lưng con Rùa).
Ngoài ra còn có các dĩa
chưng trái cây, bình hoa, lư hương, chưn đèn, và các đồ thờ linh tinh khác.
Các Đấng có Long vị thờ
nơi Bát Quái Đài đều có tạc tượng trên tấm diềm chính giữa, phía trên Cung Đạo.
Tấm diềm nầy có hình chữ M ở khoảng giữa 2 cây cột rồng vàng tại Cung Đạo, có
đắp 5 sắc mây lành (Ngũ sắc tường vân), trên đó có đắp tượng các Đấng Giáo Chủ
và Tam Trấn, kể ra như sau :
. Nơi hàng giữa, trên hết
là tượng Đức Phật Thích Ca mặc áo cà sa vàng, ngồi trên tòa sen, kế dưới là
tượng Đức Lý Thái Bạch, Đức Chúa Jésus Christ, và Đức Khương Thượng Tử Nha.
. Phía tay trái của Đức
Phật Thích Ca là tượng của Đức Khổng Tử và Đức Quan Thánh.
. Phía tay mặt của Đức
Phật Thích Ca là tượng của Đức Lão Tử và Đức Quan Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen.
Hai bên tấm diềm chính
giữa, ở 2 căn 2 bên, cũng có 2 tấm diềm nữa, đặt xéo góc ôm theo hình Bát Quái,
cũng có dạng chữ M với 5 sắc mây lành, trên đó có gắn các tượng :
- Tấm diềm bên phía Nữ
phái có gắn tượng Bát Tiên, gồm : hàng trên 4 vị cỡi thú bay và hàng dưới có 4
vị cỡi thú chạy, kể tên ra như sau :
- Lữ Động Tân cỡi chim
hạc.
- Hà Tiên Cô cỡi chim
phụng.
- Hàn Tương Tử thổi sáo
cỡi con công.
- Lam Thể Hòa cỡi chim
trĩ.
- Tào Quốc
Cựu cỡi Mai Hoa Lộc.
- Lý Thiết
Quả cỡi voi.
- Hớn Chung
Ly cỡi Tứ bất tướng.
- Trương Quả Lão cỡi lừa
ngược.
- Tấm diềm phía bên Nam
phái có gắn tượng Thất Thánh hồi đời Phong Thần Trung Hoa, gồm :
- Lý Tịnh . Na Tra . Mộc Tra . Kim Tra
- Vi Hộ . Dương Tiễn . Lôi
Chấn Tử.
Bây giờ, chúng ta quan sát
những hình trang trí trên la-phông (Plafond) :
* Nơi la-phông dù của Cung
Đạo, ở giữa các vì sao trên bầu trời xanh, có một hình bầu dục, chung quanh có
12 tia hào quang dài xen kẽ 24 tia hào quang ngắn.
Bên trong hình bầu dục nầy
gồm có :
- Chính giữa là hình Thiên
Nhãn có hào quang tỏa ra xung quanh, tượng trưng Trời, tức là Thượng Đế.
- Chung quanh Thiên Nhãn
gồm : cây Đại Ngọc Cơ, Ống Xăm và 2 miếng âm dương, cây Tiểu Ngọc Cơ với vòng
cung mẫu tự ABC ..., một cái dĩa nhỏ để giao tiền quẻ, một cái bàn 3 chân dùng
xây bàn, một lỗ tai, một bộ sách buộc băng vàng đề chữ Tứ Kinh, hình một Ông
già có râu đen trên quả địa cầu, một cái bảng đá mở ra có 3 dòng chữ nôm đọc ra
là :
Muôn kiếp có Ta nắm chủ
quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân
Thiên.
Đạo mầu rưới khắp . . .
(có in trong TNHT.I.5)
một xấp giấy có cây bút
đang viết 3 câu thơ chữ nôm đọc ra là:
Viết thử Thiên thơ với nét
trần,
Hầu sau bền giữ nghiệp
Hồng Quân.
Chuyển luân thế sự . . .
(có in trong TNHT.II.121)
một bàn tay từ trong mây
đưa ra viết 3 câu thơ chữ nôm đọc ra là:
Ký thành một cuốn gọi
Thiên thơ,
Khai Đạo muôn năm trước
định giờ,
May bước phải gìn . . .
(có in trong
TNHT.I.115)
Ý nghĩa của
các hình vẽ nầy là :
Trời (Thiên
Nhãn) và Người (biểu tượng Ông râu đen trên quả địa cầu), có thể thông công với nhau
nhờ các dụng cụ như : - Đại Ngọc Cơ, - Tiểu Ngọc Cơ, - Xây bàn, - Chấp bút (biểu
tượng cái bàn tay cầm cây viết), - Ống Xăm với 2 miếng Âm Dương để xin keo,
gieo tiền quẻ trên dĩa. Nhờ đó, nhơn loại tiếp nhận được các bài Thánh giáo của
Đức Chí Tôn và của chư Thần Thánh Tiên Phật, để lưu truyền dạy dỗ nhơn sanh về
đường đạo đức.
Con mắt, lỗ tai và tay cầm
viết trong khuôn hình tượng trưng Trời thấy tất cả, nghe biết tất cả, biên chép
tất cả (Dieu voit tout, entend tout, écrit tout), không có chi trong CKVT nầy
mà giấu giếm được Trời.
* Nơi la-phông dù của 9
cấp CTĐ đều có trang trí hình 6 con rồng đoanh nhau: 2 rồng vàng, 2 rồng xanh
và 2 rồng đỏ, tượng trưng 2 câu kinh trong Bài Ngọc Hoàng Kinh :
"Thời thừa lục long,
Du hành bất tức."
* Nơi la-phông bằng phẳng
của 2 gian 2 bên Chánh Điện, mỗi ô đều có trang trí hình 3 con thú linh là :
Lân, Qui, Phụng. Ba con thú linh nầy kết hợp với Rồng nơi la-phông dù của gian
giữa thành Tứ linh : Long, Lân, Qui, Phụng.
Người xưa cho biết, khi
thú linh xuất hiện ở vùng đất nào là điềm lành báo trước có việc lành sắp xảy
đến.
V. Kích thước thực sự của Tòa Thánh.
Theo lời
giáng cơ dạy bảo của Đức Lý Giáo Tông thì họa đồ xây cất Tòa Thánh do Đức Lý
Giáo Tông vẽ theo kiểu của Thiên đình, có kích thước là :
- Bề ngang Chánh điện là :
27 mét.
- Bề dài Tòa Thánh là :
135 mét.
chia ra : Hiệp Thiên Đài
dài : 27 mét, Cửu Trùng Đài dài : 81 mét, Bát Quái Đài dài : 27 mét.
- Nền BQĐ cao 9 mét, nhưng
Đức Chí Tôn sửa bớt lại cho đỡ tốn kém: Nền cấp thứ 1 của CTĐ cao 5 tấc, mỗi
cấp CTĐ cao 3 tấc, 9 cấp thì cao 2,70 mét, cộng lại cao 3,20 mét.
- Bề cao Lầu chuông và Lầu
Trống là : 36 mét.
- Bề cao của Nghinh Phong Đài là : 24 mét.
- Bề cao của Bát Quái Đài là : 30 mét.
Nhưng sau đó, Đức Chí Tôn có giáng cơ dặn Ngài Đầu Sư
Thái Thơ Thanh rằng :
"Thơ ! Thái Bạch muốn
lập Thánh Thất coi cho tốt đẹp, chẳng tưởng sự khó nhọc các con, Thầy chẳng
đành. Thoảng như tốn kém nhiều, các con coi theo họa đồ, tính làm theo thước
mộc, nghe à !"
Do đó kích thước thật sự
của Tòa Thánh nhỏ hơn kích thước theo họa đồ của Đức Lý Giáo Tông.
Kích thước thật sự của Tòa
Thánh đo được với độ chính xác (sai số tương đối) từ 5 phần ngàn đến 10 phần
ngàn, kể ra như sau đây :
- Bề ngang Tòa Thánh kể cả
2 hành lang là : 22 mét.
- Bề ngang Chánh điện, đo
lọt lòng là : 15, 40 mét.
- Bề ngang của hành lang
đo lọt lòng là : 2, 40 mét.
- Bề dài Tòa Thánh :
. từ cuối BQĐ đến mặt tiền
Lầu chuông là : 93 m
. từ cuối BQĐ đến hết bực
5 cấp dưới bao lơn là : 97, 50 m
- Bề ngang của Lầu trống
hay Lầu chuông đo được : 4,30 m
- Cửu Trùng Đài có 9 cấp,
bề rộng mỗi cấp là : 7 mét.
- Bề rộng của gian giữa
(Chánh điện) đo được : 7 mét.
- Bề rộng của mỗi gian ở 2
bên là : 4, 20 mét.
- Bề rộng của Tịnh Tâm
Điện là : 5, 60 mét.
- Bề rộng của Cung Đạo là
: 2, 80 mét.
- Bề cao của Lầu chuông
bằng bề cao của Lầu trống :
. tính từ mặt đất lên đến
nóc là : 27 mét.
. tính từ mặt đất lên đến
miệng hồ lô là : 28, 20 mét.
- Bề cao của Phi Tưởng Đài
tính tới nóc là : 14 mét.
- Bề cao Nghinh Phong Đài
tới đỉnh Địa cầu là : 17 mét.
- Bề cao Bát Quái Đài tính
tới nóc là : 19 mét.
- 5 cấp dưới bao lơn, bước
lên cửa chánh Tòa Thánh, mỗi cấp có bề cao là 16 phân (16 cm ).
- 4 cấp dành cho Thập nhị
Thời Quân đứng chầu lễ Đức Chí Tôn, mỗi cấp có bề cao là 19 phân (19 cm ).
- 9 cấp của Cửu Trùng Đài,
mỗi cấp cao 18 phân.
- 12 cấp nơi Bát Quái Đài,
mỗi cấp cao 10 phân.
- Chung quanh Tòa Thánh có
tất cả 112 cây cột tròn để chống đỡ mái hiên nơi hành lang.
- Mặt tiền Tòa Thánh, dưới
bao lơn có 6 cây cột : 2 cây quấn rồng đỏ và 4 cây quấn bông sen.
- Tịnh Tâm Điện có 10 cây
cột sơn trắng sọc xanh.
- Cửu Trùng Đài có 18 cây
cột rồng xanh (Long trụ), chia làm 2 hàng, mỗi hàng 9 cây.
- Cung Đạo có 2 cây cột
rồng vàng.
- Bát Quái Đài có 8 cây
cột rồng vàng đứng theo 8 góc của hình bát Quái. Tổng cộng, ở từng trệt của Tòa
Thánh, bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cây cột lớn và nhỏ.
VI. Lễ Trấn Thần Tòa Thánh.
" Sớm mai ngày mùng 6
tháng Giêng năm Đinh Hợi (dl 27-01-1947), Đức Phạm Hộ Pháp hành lễ Trấn Thần và
thuyết minh.
(Lời ký chú của Chức sắc
HTĐ đã thừa lịnh Đức Hộ Pháp)
MINH TẢ : .
Đức Hộ Pháp mặc Tiểu phục,
dạy Thừa Sử Huỳnh hữu Lợi, Truyền Trạng Phạm ngọc Trấn và các Chức sắc có trách
nhiệm đồng theo Ngài đến Báo Ân Từ triều bái Đức Chí Tôn xong (vì Quả Càn Khôn
còn thờ nơi Báo Ân Từ), Ngài dùng nước Âm Dương cúng thời Mẹo hành pháp, xin
Cam Lồ Thủy và một nhành dương giao cho Thừa Sử Lợi. .
Đức Hộ Pháp lấy 3 bó
hương, hành pháp xong, Ngài giao cho Truyền Trạng Trấn. .
Đức Ngài ra đi thẳng lại
Đền Thánh là 9 giờ 28 phút. Ngài đứng ngay trước Đền Thánh, ngó ngay Thiên Nhãn
trước Phi Tưởng Đài rải Cam Lồ Thủy và cầm bó hương hành pháp Trấn Thần. Ý
nghĩa là từ đây, Đức Chí Tôn hằng để mắt dìu dẫn con cái của Ngài và mong mỏi
được vui thấy con cái của Ngài về chầu Ngài nơi Bạch Ngọc Kinh, sau khi làm
tròn nhiệm vụ thiêng liêng của Ngài phú thác. .
Đoạn tiếp hành pháp Trấn
Thần như thế lần lượt đến tượng Đức Phật Di-Lạc trên nóc Phi Tưởng Đài. .
Đức Hộ Pháp nói : Đức Phật
Di-Lạc đã ngự vào tượng, ngồi thị chứng cho nhơn loại thập phương thế giới day
hướng về Đền Thánh mà cầu nguyện Ngài ban ân huệ cho toàn sanh chúng. .
Tượng Đức Quyền Giáo Tông
và Bà Nữ Đầu Sư có ý nghĩa là : Nhị vị ngự thường xuyên trước Đền Thánh để tiếp
rước nhơn sanh tiến bước vào đường Chánh giáo, năng lo dìu dắt con cái Chí Tôn
mỗi khi vào cầu nguyện và chiêm bái Đức Chí Tôn. .
Pho tượng 2 vị Thiện Thần
và Ác Thần ở tại 2 bên trước mặt Tòa Thánh là cấp hạ của Tịnh Tâm Đài. Đức Phạm
Hộ Pháp nói : .
Đời thường lầm lạc, làm
điều ác cho là thiện và thường lấy điều lành cho là ác. Nên từ đây, năng lực
của Thiện Thần sẽ phô bày ra mặt đời, thế nào là chánh, việc nào là thiện, làm
thế nào là phước, cho thiên hạ rõ. .
Còn Ác Thần thì phô bày ra
mặt đời, thế nào là tà, việc nào là ác, sao gọi là tội, cho nhơn loại rõ. .
Hai Ông Thần nầy rất linh
hiển, dùng quyền năng thiêng liêng đưa ra thiệt tướng trong 2 con đường : Phước
và Tội, Siêu và Đọa, Sanh và Tử để cho con cái Đức Chí Tôn khỏi lầm lạc, hầu
tránh khỏi con đường tự diệt. Đi vào con đường sanh thì nhơn loại mới mong hòa
bình được. .
Đức Hộ Pháp vào cửa Đền
Thánh, đứng ngay ngó vào Tịnh Tâm Điện, trấn Thần cái Cân trên ngưỡng cửa. Ngài
nói : Từ đây, cái Cân Công Bình thiêng liêng của Đức Chí Tôn đã biến tướng
thiệt hiện ở thế gian nầy để phân công chiết tội mà định phẩm vị tòa sen cho
toàn con cái của Ngài. .
Đức Hộ Pháp sang bên Nam,
phía tả Đền Thánh, ngang Cửu Trùng Đài đúng 12 bước thẳng, trấn Thần con Long
Mã. Ngài giải : Long Mã tượng trưng Đạo là cơ sanh hóa vạn vật, trên lưng nó có
bộ Bát Quái Đồ thơ và cây bửu kiếm, nên có câu : Long Mã phụ Hà đồ. Ý nghĩa :
Đạo xuất từ Đông, đem từ Đông sang Tây cứu vớt chúng sanh, đem vạn linh trở về
nơi sanh hóa, tránh cơ tự diệt, nên hình Long Mã chạy về Tây mà đầu ngó ngoéo
về Đông. (Sau nầy Đức Ngài sẽ giải thêm hay là nhờ các bậc uyên thâm đạo đức
giải rõ)...
Đức Hộ Pháp đến Bát Quái
Đài, ngó lên trên, trấn Thần pho tượng Tam Thế Phật (Tam Thanh).
1. Brahma Phật đứng trên
lưng con Thiên nga (Ngỗng trời) ngó tới (ngó hướng Tây), ấy là ngôi thứ nhứt,
tượng trưng ngôi Thánh đức, thuộc về Cơ Sanh hóa, ấy là Đấng tự hữu hằng hữu,
hữu nguyên hữu thỉ của vạn vật.
2. Đức Phật Civa đứng trên
con Giao long (cá hóa rồng), ngó qua phía tả (hướng Nam), ấy là ngôi thứ 2
tượng trưng phần Âm Dương, Cơ Sanh, Cơ Diệt, ấy là ngôi Bảo tồn.
3. Đức Phật Christna đứng
trên con Giao long (Cá hóa rồng) ngó về phía tả, ấy là ngôi thứ 3 tượng trưng cuộc
tuần hoàn, tiên tri cho nhơn loại biết việc trí xảo thuộc Cơ Tranh đấu, cũng là
cuối Hạ nguơn, khởi Thượng nguơn Tứ Chuyển.
Đức Hộ Pháp trấn Thần 2
con Kim Mao Hẩu ở 2 bên nấc thang bên hữu Đền Thánh, rồi Ngài vào Cửu Trùng Đài
sang qua bên tả Đền Thánh trấn Thần 2 con Kim Mao Hẩu ở nấc thang luôn.
Giải : Con Kim Mao Hẩu rất
mạnh và khỏe, tượng trưng cái năng lực tinh thần người tu, nhờ nó mà qua các
từng Trời và về cùng Thầy.
Ngày nay, Đền Thánh cất
xong, Đức Chí Tôn cho 8 con Kim Mao Hẩu xuống trần để trấn Cửu Trùng Đài và Bát
Quái Đài tại thế, là không cho ai dùng bạo quyền nào mà chạm đến nó vậy.
Đức Hộ Pháp vào bên tả
CTĐ, trấn Thần Thiên Nhãn xung quanh Tổ đình, khởi từ giữa xuống đến BQĐ, rồi
sang qua bên hữu, hết thảy là 23 Thiên Nhãn ngó ra ngoài hành lang, rồi trở vào
trong cửa bên hữu CTĐ, trấn Thần tượng Tam giáo Ngũ Chi, sang bên hữu trấn Thần
tượng Bát Tiên : Hớn Chung Ly, Trương Quả Lão, Tào Quốc Cựu, Lý Thiết Quả, Hàn
Tương Tử, Lữ Đồng Tân, Hà Tiên Cô, Lam Thể Hòa.
Sang bên tả, Đức Hộ Pháp
trấn Thần Thất Thánh : Lý Tịnh, Vi Hộ, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử, Na Tra, Kim
Tra, Mộc Tra.
Trở xuống, Ngài trấn Thần
chữ KHÍ. Nơi ngai của Hộ Pháp ngự có một con rắn thần 7 đầu, quấn vào thân dưới
của ngai, ngóc lên sau lưng 3 đầu, gục xuống 4 đầu, cái mình quấn ngôi Thượng
Phẩm, cái đuôi quấn ngôi Thượng Sanh.
Rắn thần 7 đầu tượng trưng
con người có Thất tình.
3 đầu rắn ngó lên sau lưng
Hộ Pháp là : Hỷ, Lạc, Ái. Người tu nên luyện tập nâng đỡ 3 tình : Mừng, Vui,
Thương.
Còn 4 tình : Ai, Nộ, Ố,
Dục, thì đè nén xuống, đừng cho ngóc đầu lên.
Khi Đức Hộ Pháp trấn pháp,
hành Bí pháp cùng Thể pháp các Đàn Vía Sóc Vọng, khi Ngài đứng là Chuyển Pháp,
Ngài ngồi là Trụ Pháp, nên khi Ngài ngồi, 2 chân đạp lên 2 đầu : Ai tả, Nộ hữu;
2 tay đè : Dục tả, Ố hữu.
Đức Ngài nói : Khi Hộ Pháp
trấn trên Thất đầu xà là đè nén các vật dục ở thế nầy gom lại để đời khỏi cấu
xé nhau, để Mừng, Vui, Thương cho mọi người chung hưởng, để gìn giữ đạo đức, tu
hành dễ dàng, nước nhà thạnh trị.
E sau nầy Hộ Pháp xuất
ngoại, Thượng Sanh về ngự nơi đuôi, thì tự do Thất tình lôi cuốn cấu xé lẫn
nhau, không phương kềm chế. Ấy là cơ thử thách nội và ngoại, …
Ngày nào Hộ Pháp trấn lại
trên ngai thì mới có thể dễ dàng mọi việc cho Đời Đạo. Quyền thiêng liêng phải
vậy, đặng vay trả cho sạch oan khiên, mới đem thuần phong mỹ tục, vãn hồi hòa
bình trật tự, tháng Thuấn ngày Nghiêu, trở nên Thượng cổ.
Còn chữ KHÍ ở sau ngai Hộ
Pháp là Khí Sanh Quang của Càn Khôn Vũ Trụ. Vạn vật nhờ Khí Sanh Quang hiện
tượng ra mặt thế để bảo tồn Cơ Sanh hóa hay Tấn hóa của toàn thể vạn loại, tức
là hữu sanh.
Đã xong Lễ Trấn Thần, Đức
Phạm Hộ Pháp đứng giữa Đền Thánh, thì có Lễ Sanh Hương Tranh hỏi : Bạch Thầy,
còn 23 Thiên Nhãn ngó vào trong Đền Thánh, sao Thầy không trấn Thần luôn ?
Ngài dạy rằng : Thiên Nhãn
bên ngoài thì để cho thiện nam tín nữ quì ở ngoài, khi chầu lễ nếu chật chỗ thì
ở ngoài, xung quanh Đền Thánh lạy vào chiêm bái trong giờ hành lễ. Đó cũng là
nêu ra từ Đông, Tây, Nam, Bắc, dầu ven trời góc bể, nơi nào đến giờ lễ bái, day
về hướng Đền Thánh lạy thì đều có Thiên Nhãn cả. Ấy là Thể pháp tượng trưng Bí
pháp.
Còn Thiên Nhãn ở vách ngó
vô Đền Thánh, vì người đạo quì ngang, sợ ô uế, không coi sóc cho tinh khiết
được."
VII. Vụ trái mìn 1000 Kg chôn dưới nền Tòa Thánh.
Đây là một âm mưu thâm độc
cuối cùng của Chánh quyền Thuộc địa Pháp nhằm tiêu diệt Đạo Cao Đài.
Xin chép ra sau đây lời
tường thuật của Cựu Thiếu Tướng Cao Đài Lê văn Tất về vụ trái mìn 1000 kg của Quân đội Pháp bí mật chôn dưới nền Hiệp Thiên
Đài Tòa Thánh, cốt ý là để giựt cho nổ làm sập Tòa Thánh khi cần :
" Trong khi dốc hết
tâm sức để diệt Đạo, bắt lưu đày Đức Hộ Pháp và những Chức sắc Thiên phong lãnh
đạo cùng với một số đông tín đồ, người Pháp lại còn trù mưu đánh một đòn quyết
liệt cuối cùng nữa là đánh sập luôn Đền Thánh Cao Đài, một trung tâm tín ngưỡng
thiêng liêng của toàn đạo.
Nhân dịp đóng binh chiếm
đoạt cả châu vi Tòa Thánh (kể từ năm 1942), theo lịnh cấp trên của chúng, một
Tiểu đoàn quân Pháp ở đó, đã chôn một quả địa lôi (mine) nặng 1000 kí lô dưới
nền Tòa Thánh, để chờ dịp mà giựt cho nổ sập Tòa Thánh nầy.
Việc quân đội Pháp chôn
trái mìn 1000 kí lô nầy, toàn đạo không một ai hay biết cả, vì như trên đã nói,
Hội Thánh đã bị lưu đày, người đạo ở Thánh địa bị đuổi về quê quán, nhân công
xây dựng Tòa Thánh thì bị giải tán, không được ở lại Tòa Thánh nữa.
Tòa Thánh, tuy đã xây cất
xong, nhưng trên mặt nền chưa kịp lót gạch, nên khi quân Pháp chiếm đóng ở đó,
chúng đã lén chôn một trái mìn ở dưới nền mà không có gặp một sự trở ngại nào
cả và cũng không có ai hay biết gì cả, chỉ trừ có bọn họ mà thôi.
Nhưng nhờ có một sự huyền
diệu lạ thường mà người Pháp không thể thực hành được âm mưu thâm độc của
chúng, bởi lẽ Đức Chí Tôn đã đến khai Đạo tại nước Việt Nam, đã chọn làng Long
Thành tỉnh Tây Ninh làm nơi Thánh địa, đặt Đền Thờ của Ngài, thì thiết tưởng
những âm mưu của đám "Bạch quỉ" phàm phu ở mặt thế nầy để chống lại
và tiêu diệt mối Đạo của Ngài, nhứt định không thể thành tựu được.
Dưới đây là lời trần thuật
của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng người Pháp tên là Roubaud :
Thuở ấy y là viên Tiểu
Đoàn Trưởng cuối cùng đã chỉ huy một Tiểu đoàn quân Pháp đóng tại châu vi Tòa
Thánh. Thiếu Tá Roubaud đã ghi lại cho đăng trên Tuần báo Paris-Match, một tuần
báo rất nổi tiếng của Pháp, một câu chuyện rất ly kỳ và huyền diệu mà trong
thời gian sống lưu vong tại Phnom-Pênh (Cao Miên) (kể từ năm 1956), tôi (Cựu
Thiếu Tướng Lê văn Tất) đã có dịp đọc đến.
Đầu năm 1956, đúng vào
ngày mùng 3 Tết Bính Thân, tôi đã tự ý rời bỏ Miền Nam Việt Nam đang chịu dưới
ách thống trị của gia đình Ngô đình Diệm. Hai ngày sau, nhằm ngàu mùng 5 Tết
Bính Thân, Đức Phạm Hộ Pháp cùng 2 Cô con gái là Cô ba Cầm và Cô tư Tranh và
vài vị tùy tùng là Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa với con là Hồ thái Bạch và Anh Lê
văn Thoại (Út Thoại) cũng đã rời Miền Nam và sang trú ngụ tại Nam Vang.
Ít lâu sau, nhơn dịp mua
một tờ tuần báo Paris-Match để đọc như thường lệ, thì nơi mục dành riêng cho
độc giả (gọi là Courriers des Lecteurs), tôi bỗng gặp một bài báo của Thiếu Tá
Roubaud đăng nơi đó và nói về công việc của bọn họ vào những năm chiếm đóng tại
Tòa Thánh Tây Ninh. (Quân đội Pháp khởi đóng tại Tòa Thánh vào giữa năm 1942,
đến ngày 9-3-1945 thì họ bị Nhựt đảo chánh).
Thiếu Tá Roubaud đã viết
đại khái là :
"Trong vài tuần
trước, tôi có đọc một bài phóng sự của quí báo về một tôn giáo mới ở Việt Nam.
Đó là tôn giáo Cao Đài và những hình ảnh đăng kèm theo bài báo làm cho tôi nhớ
lại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, nơi mà chúng tôi từng đóng quân.
Khi phái quân đội vào trấn
đóng tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, nhà cầm quyền đã trù mưu triệt hạ Đền thờ
nầy và có ra lịnh cho chúng tôi chôn một trái mìn 1000 kí lô ở dưới nền, với
một nhiệm vụ đặc biệt như thế nầy : Ngày nào quân đội Nhựt kéo lên chiếm Tây
Ninh và vùng Tòa Thánh Cao Đài thì chúng tôi phải cho nổ trái mìn ấy để phá hủy
vĩnh viễn Tòa Thánh trước khi rút quân chạy đi nơi khác.
Khi viên Tiểu Đoàn Trưởng
đã đóng ở đây trước tôi được lịnh đổi đi lãnh một nhiệm vụ khác, ông ta có làm
một Biên bản bàn giao nhiệm vụ với tôi, nhưng không rõ vì nguyên do nào mà
trong Biên bản bàn giao ấy, ông ta bỏ sót cái khoản quan trọng nói về nhiệm vụ
của Tiểu Đoàn quân Pháp là phải giựt mìn cho nổ sập Tòa Thánh trước khi Tiểu
đoàn rút lui trước cuộc tiến quân của Nhựt.
Vì lẽ không có ghi điểm
trọng hệ nầy trong Biên bản giao lãnh, nên tôi và Tiểu đoàn của tôi là đơn vị
cuối cùng chiếm đóng Tòa Thánh, đã không cho nổ trái mìn nói trên.
Ngày nay, tôi tưởng trái
mìn vẫn còn nằm ở đó. Vậy, hôm nay, xuyên qua quí báo, tôi xin loan báo cho Hội
Thánh Cao Đài biết rõ tin nầy và ngày nào mà Hội Thánh Cao Đài liên lạc được
với tôi, tôi sẽ sẵn sàng chỉ chỗ chôn trái mìn ấy cho mà đào lấy lên."
Sau khi đã đọc bài báo của
Thiếu Tá Roubaud, tôi liền đi mua thêm một tờ báo Paris-Match khác nữa, đem vào
nơi Đức Hộ Pháp cư ngụ (là Thánh Thất của Hội Thánh Ngoại Giáo do Ông Giám Đạo
Huỳnh hữu Lợi và vợ là Bà Hương Nhâm trông coi) và trình cho Đức Ngài xem bài
báo của Thiếu Tá Roubaud.
Đợi đến lúc Đức Hộ Pháp
xem xong bài báo, tôi mới đề nghị với Đức Ngài như sau : "Xin Thầy cho
liên lạc với Thiếu Tá Roubaud, xuyên qua Paris-Match, để hỏi xem cho biết chỗ
chôn trái mìn ở dưới Đền Thánh đặng cho Đạo ở Tây Ninh đào mà lấy lên."
Đức Hộ Pháp cười và bảo :
"Không cần gì đâu con. Nếu không có ai câu điện mà giựt nó thì nó sẽ không
nổ, để lâu ngày rồi nó cũng sét và trở thành đất mà thôi."
Nghe Đức Hộ Pháp nói như
vậy, tôi hầu chuyện với Đức Ngài thêm giây lát nữa rồi xin cáo lui và để tờ báo
Paris-Match lại cho Đức Ngài tham khảo và sử dụng khi cần đến.
Xuyên qua sự việc nầy, tôi
nghĩ rằng đã có bàn tay vô hình của các Đấng Thiêng liêng sắp đặt để bảo vệ một
cách yên lành cái tòa ngự của Đức Chí Tôn. Nếu chẳng phải vậy thì thế nào mà
viên Thiếu Tá tiền nhiệm của Thiếu Tá Roubaud lại có thể bỏ sót cái mật lịnh
của cấp trên của họ là giựt sập Tòa Thánh Cao Đài khi nào quân Nhựt tiến lên
chiếm đóng Tây Ninh và vùng Thánh địa.
Cũng có thể cho rằng viên
Thiếu Tá nọ đã có ý tốt, đã có đạo tâm, nên không ghi cái mật lịnh ác độc nọ
vào Biên bản bàn giao đã kể trên. Nhưng người nhà binh mà không thi hành một
mệnh lệnh bí mật nào của cấp trên thì phải bị đưa ra trước Tòa án Quân sự
ngay.Và khi đã dám qua mặt thượng cấp như thế, viên Thiếu Tá nọ phải là một
người hết sức liều mạng, nên mới dám vi lịnh cấp trên một cách trắng trợn như
vậy. Cũng có thể nói là tình trạng Chánh quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương
chẳng khác nào như chỉ mành treo chuông. Do sự tiến triển của tình hình chiến
trận, Nhựt càng ngày càng siết chặt sự kiểm soát đối với Pháp. Còn ở chánh quốc
Pháp thì tình hình rất rối ren và đen tối, khiến cho tất cả người Pháp ở Đông
Dương, từ Toàn quyền Decoux xuống đến tên thuộc hạ nhỏ cấp nhứt, đều rủn chí
thối thần.
Bởi vậy nên trường hợp của
viên Thiếu Tá tiền nhiệm của Thiếu Tá Roubaud, hẳn là ông ta không còn có một
sự thiết tha nào đối với công việc diệt Đạo nữa để mà chác thêm tội tình và
mang lấy một cảm giác tội lỗi, nó sẽ dằn vật lương tâm của ông ta suốt cả đời.
Có lẽ do vậy mà ông ta
không khứng ghi cái mật lịnh ác độc nọ vào Biên bản bàn giao giữa ông ta và
Thiếu Tá Roubaud mà làm gì !
Có những hạng người nhà
binh từng lấy làm vinh diệu khi diệt những kẻ địch có súng trong tay hẳn hòi và
chống cự lại họ. Trái lại, họ cảm thấy nhục nhã khi bị bắt buộc phải đàn áp
những người nông dân tu hiền, không có một tấc sắt trong tay, hoặc phải giựt
sập một Đền thờ nguy nga, tượng trưng cho một nền văn hóa mới mà không có một
người lính nào bảo vệ cả. Có thể là viên Thiếu tá nọ thuộc về hạng người nầy,
nên khi gặp thời cơ thuận tiện (lúc Chánh quyền thuộc địa sắp tan rã), ông ta
mới lờ đi cái mật lệnh cấp trên.
Tôi cho rằng đây cũng là
một cách sắp đặt của các Đấng để giữ vẹn cái Đền thờ của Đức Chí Tôn.
VIII. Những sự kỳ diệu của Tòa Thánh.
Tòa Thánh
Tây Ninh là một công trình kiến trúc vĩ đại và kỳ diệu của Đạo Cao Đài. Nó kỳ
diệu về phương diện vị trí xây cất, kỳ diệu về kiểu cách hình dáng và kỳ diệu về
phương
pháp kiến trúc.
1/. Kỳ diệu về vị trí xây
cất, bởi vì Tòa Thánh được cất ngay trên cuộc đất Lục Long Phò Ấn. Đó là Thánh
địa, là đất linh trổ sanh các bậc Thánh, Tiên, Phật, là nơi mà Thượng Đế lựa
chọn để làm Đền Thờ cho Ngài đến ngự.
2/. Kỳ diệu về kiểu cách
hình dáng, bởi vì Đức Chí Tôn có nói : Đức Lý Thái Bạch cất Tòa Thánh theo kiểu
vở của Thiên đình.
Kiểu cách hình dáng của
Tòa Thánh là một sự phối hợp hài hòa của các văn minh kiến trúc của các nền Tôn
giáo lớn trên thế giới.
Khi mới thoạt nhìn vào Tòa
Thánh, chúng ta thấy nổi bật 2 Lầu chuông trống cao chót vót, tương tự như
những tháp chuông của các nhà thờ Thiên Chúa giáo.
Ở giữa 2 tháp có tượng Đức
Phật Di-Lạc ngự trên nóc với những mái ngói đỏ cong cong chập chùng, tương tự
như kiểu dáng của các chùa Phật giáo Trung Hoa.
Nghinh Phong Đài thì bên
dưới hình vuông, bên trên hình tròn, chóp tròn, có dáng như những cái tháp của
những ngôi Đền Á Rập của Hồi giáo. Ngoài ra còn gợi cho chúng ta hình ảnh Trời
tròn Đất vuông, với những liên tưởng về Vũ Trụ Quan trong Kinh Dịch của Nho
giáo. Các nhà Dịch học, nếu nghiên cứu sâu vào các con số về kích thước của Tòa
Thánh và những bố trí bên trong, sẽ thấy được những điều kỳ diệu bất ngờ trên
những con số dịch học.
Bát Quái Đài có hình dáng
làm chúng ta liên tưởng đến Bát Quái Đồ của Đạo Tiên, và trên nóc Bát Quái có 3
pho tượng của 3 vị Phật mà Đạo Bà-La-Môn tôn thờ.
Trong Cửu Trùng Đài có 9
cấp bậc từ thấp dần lên cao, giống như 9 bậc phẩm của quan lại trong triều đình
vua chúa theo Nho giáo thời xưa ở nước Trung Hoa.
Tất cả những hình thức
trên thể hiện rất rõ tôn chỉ của Đạo Cao Đài là: Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt
Ngũ Chi.
3/. Kỳ diệu về cách thức
kiến trúc, bởi vì sự tạo tác Tòa Thánh không giống với bất cứ một công trình
xây dựng lớn lao của người đời.
Thông thường, trước khi
xây dựng một công trình lớn nào, người đời phải nhờ kiến trúc sư vẽ kiểu dáng
tổng quát, những sự trang trí chi tiết, nghiên cứu nền móng và những kết cấu bê
tông, tính toán chọn lựa các thứ vật liệu xây dựng đúng chất lượng cần thiết,
vv… rồi phải xin phép cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng.
Đối với Tòa Thánh Tây
Ninh, Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng không có một đồ án chi tiết nào vẽ ra trên giấy
hết, cũng như không có sự tham dự của một kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng nào,
cũng không có một thứ máy móc nào giúp đỡ, chỉ toàn trông cậy vào 2 bàn tay với
sức lực của con người, những người thợ nam nữ làm không lãnh tiền công, ăn chay
trường với cháo rau đạm bạc và đặc biệt có lập thệ là không được cưới vợ hay
lấy chồng trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, để có đủ Âm Dương và đủ tinh
khiết trong việc xây dựng Đền thờ, cũng không xin phép xây dựng với một Chánh
quyền nào hết. (cũng tương tự như khi lập Tờ Khai Đạo), bởi vì đây là mối Đạo
Trời, mối Đạo của Thượng Đế, chỉ có Thượng Đế cho phép mà thôi.
Đức Lý Thái Bạch giáng cơ
dạy Đức Phạm Hộ Pháp về vị trí xây cất Tòa Thánh, về kích thước tổng quát : bề
dài, bề ngang, bề cao. Đức Hộ Pháp cứ theo đó mà chỉ bảo lại cho công thợ làm,
chỉ tới đâu làm tới đó, không biết gì thêm. Hết phần đó rồi, Đức Lý Giáo Tông
giáng cơ dạy tiếp, hoặc Đức Hộ Pháp ban đêm xuất chơn thần đi lên gặp Đức Lý để
nhờ Đức Lý chỉ dạy trực tiếp, hay Đức Hộ Pháp vào Bạch Ngọc Kinh quan sát tỉ mỉ
kiểu vở, ghi nhớ để về bắt chước làm giống theo.
Làm như thế trong suốt gần
5 năm, công trình mới hoàn tất. Tòa Thánh trở thành một kỳ quan về kiến trúc
của nước Việt Nam.
Sau khi xây dựng Tòa Thánh
xong, Ban Kiến Trúc mới đo đạc kích thước, vẽ lại họa đồ kiến trúc Tòa Thánh
theo đúng qui định của khoa Đại học Kiến trúc ngoài đời.
Tòa Thánh Tây Ninh là một
công trình kiến trúc độc đáo, duy nhứt, có sự phối hợp Trời và Người, Thiên
khiển Nhơn tạo, nên được mệnh danh là Bạch Ngọc Kinh tại thế, xứng đáng tiêu
biểu cho nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn Thượng Đế cứu thế kỳ ba.
Cho nên Tòa Thánh là một
nơi rất thiêng liêng huyền diệu, hấp dẫn được các bậc chơn tu khắp nơi trên thế
giới đến chiêm ngưỡng và lễ bái. Quí vị nầy, sau khi Thiền định trong Tòa Thánh
một khoảng thời gian ngắn để dùng huệ nhãn quan sát sự thiêng liêng của Tòa
Thánh, họ đều nhìn nhận rằng hồng ân của Thượng Đế bao phủ dẫy đầy Tòa Thánh,
và điễn lành từ cõi thiêng liêng ban rải xuống cho Tòa Thánh liên tục không
ngớt, hơn hẳn các Tòa Thánh khác làm Đền thờ Đấng Thượng Đế trước đây như ở
Jérusalem, ở La Mã, hay ở Tây Tạng.
Institute for Historic Caodai Religion