Minh xác giáo lý - Phần 5 / 6 ( Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Gabriel Gobron )

Một trong những thân hữu theo Đạo Cao Đài của chúng tôi, ông Gabriel Abadie de Lestrac, có trình độ hiểu biết nhiều hơn những đại ký giả ở Ba-lê (Kinh đô ánh sáng) dành cho tờ báo "VU" ngày 7-9-1932 một bài báo có kèm theo tài liệu và tranh ảnh nói về Đạo Cao Đài. Khác hơn những kẻ giàu có nhờ phục vụ điều sai trái và dối trá, ông Gabriel Abadie có thể chứng minh với biết bao nỗi đau khổ khi ông bắt đầu nói sự thật về Đạo Cao Đài.

Khởi đầu từ năm 1926, trong một căn phố ở bên cạnh Chợ Bến Thành Sài Gòn, tụ tập vài trí thức trẻ, tất cả đều là tín đồ Phật giáo, để nghiên cứu Thần linh học trong khi nhàn rỗi. Tư  tưởng đó dẫn họ đi đến những cuộc xây bàn, để nghe những tiết lộ của một vị trong những vị thầy của họ là nhà Thần linh học xác tín, đại diện Hội Thần linh học quan trọng nhứt của nước Pháp.

Những buổi khởi đầu xây bàn chưa thể kết luận được, nhưng dần dần, với sự kiên nhẫn cao độ, đặc tánh của người phương Đông và loại ra những người nào không có "điển" để thay thế những bạn khác có khả năng tiếp điển khá hơn, họ ghi nhận được nhiều kết quaû phi thường.

Lúc khởi đầu, họ thú nhận đã thông công được với chơn linh của một vị hiền triết của nước Trung hoa thời xưa là Đức Lý Thái Bạch (thế giới thường gọi Ngài là Li-Tai-Pé), một vị Homère của nước Trung hoa, Ngài đã canh tân văn chương Trung hoa dưới triều đại thứ 13 nhà Đường (713-742), và Ngài là một tín đồ nhiệt thành của Lão giáo, đã viết ra cho  những trí thức trẻ nói trên một vài bài Thánh giáo. Họ cũng tiếp tục nhận được như thế vài bài Thánh giáo của Đức Quan Thánh Đế Quân, một vị Turenne của Trung hoa.

Lúc đầu những tín đồ mới nầy của Thần linh học hình như xem việc xây bàn là một trò giải trí và sau đó nhanh chóng trở thành một công việc huyền bí : sự đối thoại với các Đấng chơn linh thượng đẳng của thế giới vô hình, nơi đây họ cầu xin những lời chỉ giáo của các Đấng ấy.

Nhưng việc dùng cái "bàn xây" để liên lạc với thế giới huyền bí dường như  ít tiện lợi, họ bộc bạch với các Đấng thiêng liêng và họ được chỉ dạy dùng "Ngọc cơ", giống như một cái mũ bằng mây và đồng thời noi theo sự hướng dẫn của một trong những đồng bào của họ là ông Phủ Chiêu, rất thông thạo về Thần linh học. Ông Phủ Chiêu theo giáo lý của Đức Phật Thích Ca và thực hành đạo đức của Đức Khổng Tử, ông đã thông công được với các Đấng nầy từ nhiều năm qua và nhận được một tiết lộ: Sự hiện hữu của Đấng Thượng Đế tối cao, Chúa tể càn khôn vũ trụ, và Ngài là Đấng Cao Đài. Ông Phủ Chiêu chỉ dạy cho các vị trẻ tuổi nầy cách sử dụng cây Ngọc cơ và tham dự vào các đàn cầu cơ.

Theo những lời khuyên nhủ của Đấng chơn linh, họ tự giới thiệu với một người trong những đồng bào của họ, ông cựu quan chức Nam kỳ và là Nghị viên Hội Đồng Chánh phủ, ông Lê Văn Trung, trong lúc ông nầy đang có một cuộc sống phóng đãng và hưởng thụ tha hồ, không chuẩn bị vai tuồng mà ông sắp được gọi đến để giao phó.

Sự nhập đạo của ông Lê Văn Trung thật huyền diệu.
Được hưởng ơn huệ, người ghiền thuốc phiện bỏ hút, người ghiền rượu bỏ nhậu, người ấy ngưng ăn thịt cá, từ bỏ những thú vui xác thịt, trở thành một người ăn chay trường và thực hành khổ hạnh giống như những nhà sư khắc khổ nhứt.

Tiếp theo, trong một đàn cơ đáng ghi nhớ, tập hợp nhiều người, cây ngọc cơ truyền lịnh cho Ngài Lê Văn Trung lãnh việc truyền bá Đạo Cao Đài và ban cho Ngài danh hiệu “Giáo Tông” của một nền tôn giáo mới.

Về vấn đề đại đồng của Đạo Cao Đài, đạo huynh của chúng tôi (ông Gabriel Abadie) giải thích rất hay  ý nghĩa của từ ngữ Cao Đài:
- Cao Đài là danh từ  tượng trưng Đấng Chí Tôn  mà trong kỳ ba nầy, Đấng ấy sẽ hiển thị ở Đông phương.

Ý tưởng của các tín đồ Cao Đài về đức tin mới là Đấng Thượng Đế, sự giáo huấn của Ngài tùy theo mức tiến hóa của tinh thần nhơn loại; tinh anh hơn thuở xưa, lần nầy Đấng Thượng Đế biểu thị bằng đường lối thông công với các đồng tử, Ngài không muốn chấp nhận một người nào đặc ân sáng lập Đạo Cao Đài. Hình thức mới mẻ về sự biểu thị của Đấng Chí Tôn làm cho tất cả tôn giáo chịu dưới quyền lực của một vị sáng lập, là người cõi phàm, thì không thích hợp tánh cách đại đồng, bởi vì các nhà tiên tri (tức là những vị lãnh đạo tôn giáo) nổi lên chống lại những giáo lý được tuyên bố bởi các tôn giáo khác, đối với những giáo lý mà họ chứng tỏ một sự không dung thứ  đáng kể.

Giáo lý của Đạo Cao Đài phần lớn được trích ra từ ba chánh đạo xưa của Á Đông : Phật giáo,  Lão giáo, Khổng giáo. Đạo Cao Đài giữ lại những nguyên tắc thuần túy được nhìn nhận như là những chơn lý vĩnh cửu, bất biến của Thiên điều. nhưng Đạo Cao Đài buộc phải khôi phục trong ý nghĩa chơn thật của nó  một vài giáo điều đã bị biến đổi.

Được canh tân như thế  nên giáo lý nầy dung hợp được tất cả tín ngưỡng tôn giáo và thích ứng với những trình độ khác nhau của sự tiến hóa tâm linh.

- Về phương diện luân lý, Đạo Cao Đài nhắc nhở con người bổn phận và nghĩa vụ của mình, dạy con người biết cách cư xử đối với chính bản thân mình, đối với gia đình, xã hội và đối với toàn nhơn loại.

- Về phương diện triết lý, Đạo Cao Đài giảng giải sự khinh thường công danh quyền thế, sự phú quí xa hoa, tắt một lời là giải thoát con người khỏi nô lệ vật chất để tìm kiếm sự sự yên tịnh tràn ngập trong tâm hồn.

- Về phương diện thờ cúng, Đạo Cao Đài khuyên nhủ thờ phượng Thượng Đế và tôn sùng các Đấng chơn linh thượng đẳng, lập thành hệ thống thần bí uy nghiêm. Đạo Cao Đài nhìn nhận sự thờ cúng Tổ tiên được thiết lập theo nguyên tắc của Phật giáo, nhưng chống lại sự dâng cúng các thứ thịt cá và việc sử dụng các loại giấy vàng bạc.

- Về phương diện tâm linh, Đạo Cao Đài đồng ý với các tôn giáo khác về sự hiện hữu của linh hồn sau khi thoát xác, sự tiến hóa của linh hồn bởi nhiều kiếp luân hồi liên tiếp, những hậu quả sau khi chết của những hành động do con người gây ra theo đúng luật Nhân quả báo ứng.

- Về phương diện tâm truyền, Đạo Cao Đài giảng đạo cho các tín đồ đã được xét đoán là xứng đáng, những giáo huấn khải thị để cho phép họ đạt đến hạnh phúc hoàn toàn bởi một tiến trình tiến hóa tâm linh.

Căn bản của giáo lý Cao Đài là thực hành điều thiện và đức hạnh. Làm thế nào biết được bằng cách khác trong một tôn giáo hỗn hợp ba hệ thống lớn của Đông phương : Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, để chỉ giữ lại những giáo huấn cao siêu nhứt  và loại bỏ những giáo huấn lạc hậu xem như  là những yếu tố mê tín và dốt nát ?
I. Đức Phật từ bi giảng dạy lòng tín ngưỡng và từ thiện.
II. Giáo lý của Đức Lão Tử qui định sự tôn thờ chơn lý và khuôn khổ đức tánh.
III. Đức Thánh Khổng Tử vạch ra con đường Trung Dung.

Đấng Cao Đài gom lại các nguyên tắc lớn về bác ái và nhân từ, do ba Đấng Giáo chủ Tam giáo giảng dạy, để thuyết giảng giáo lý của tôn giáo mới, mà nơi đó, con người của tất cả các màu da, phải tiến đến những khuôn khổ mới cho sự tạo lập một thế giới tốt hơn, một thế giới không có chiến tranh và chinh phục và nơi đó các chủng tộc sẽ là huynh đệ với nhau.”

Đạo huynh của chúng tôi (ông Gabriel Abadie)  trả lời điều phàn nàn của một ký giả  cho rằng, trong Đạo Cao Đài, Đức Chúa Jésus Christ chỉ là một Đấng thiêng liêng thuộc hàng thứ nhì:
" Đấng Christ dùng làm gạch nối giữa Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Ngài được đặt dưới các Đấng thiêng liêng ở viễn đông là vì Ngài đến thế giới nầy sau các Đấng kia nhiều thế kỷ."

Vào năm 1932, ông Gabriel Abadie tiên đoán sẽ có việc hà hiếp, ngược đãi không kềm chế  liên tiếp lâu dài và đau khổ đối với các tín đồ Cao Đài, và những thứ đó không thể nào trốn khỏi, phần ông vẫn không hơn:
Tôn giáo mới hay Phật giáo canh tân, do sự khoan dung nổi tiếng của các dân tộc viễn đông, không gây ra một cuộc tranh cãi nào giữa sự thờ cúng xưa và sự thờ cúng cải cách ngày nay, bởi vì Đạo Cao Đài không cố chấp tuyên bố rằng: trừ ra đạo đức và giáo lý của Đạo Cao Đài, thì bên ngoài chỉ có những sai lạc và trừng phạt.

Trái lại, Đạo Cao Đài chứng tỏ sự tôn kính các tôn giáo khác đã có những giáo huấn xứng đáng để nó tôn thờ và nó không ngần ngại đặt hình ảnh Đấng Christ một cách vinh quang bên cạnh Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử và Đức Khổng Tử. Đạo Cao Đài  muốn truyền bá một nền đạo đức có giá trị chơn thật hơn là lo ngại về nguồn gốc. Không còn thiếu, bản chất của giáo lý mới là luật pháp của ba Đấng Giáo chủ Tam giáo, nên Đạo Cao Đài bảo toàn các tín ngưỡng xưa, những phong tục và những lễ nghi.

Người ta có thể tự hỏi, nhứt là những năm gần đây, những nguyên nhân sâu xa nào thúc đẩy tâm hồn của dân chúng bản xứ, cho đến lúc nầy vẫn còn yên ngủ, hướng về lòng mộ đạo đến nhiệt thành  tin tưởng thần bí của những thời kỳ tín ngưỡng.

Người ta sẽ tự hỏi: Tại sao có sự canh tân tôn giáo ?
Giáo lý của Đạo Cao Đài hướng về các hoạt động xã hội và luân lý, bằng cách lấy lại cho dân tộc Việt Nam ý thức truyền thống của đời sống đơn giản đạm bạc và lo xa, dưới sự hướng dẫn của những người ưu tú của họ.

Người ta cũng có thể ngạc nhiên khi thấy nước Pháp, hay đúng hơn là vài vị quan chức người Pháp, quá hăng hái, và chắc chắn bị kẻ xấu xúi giục, chống lại những người tà giáo của một ngoại giáo cải cách  để lợi dụng, hơn nữa giống như  những tín ngưỡng xưa không đòi hỏi cái lợi đó, và yêu cầu giáo lý chính thống của Phật giáo xưa phải được tôn trọng, không sửa đổi, không tiến hóa một cách nào hết để thích hợp với những quan niệm mới mẻ hơn.

Giải thích về cuộc vận động chống lại Đạo Cao Đài được tìm thấy ở trong sự sùng bái Đạo Cao Đài mà tôn giáo canh tân nầy đã thâu phục được một số tín đồ ở Nam Kỳ hơn một triệu người trên tổng số 3 triệu rưỡi dân.

Cựu Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse ngày hôm nay bị bêu xấu vì đã tuyên bố  cho phép tôn giáo mới nầy tồn tại trong phạm vi quyền hạn của ông. Nhưng lại báo động có một cuộc vận động bài trừ, mưu hại những kẻ tà giáo.

Báo Le Cygne (Bạch Nga, gần Hà Nội) đã công bố một loạt bài nhan đề : Bộ mặt thật của Đạo Cao Đài (tháng 9 năm 1936), nơi đây, chúng tôi chỉ  trích ra những đoạn kỳ lạ nhứt. Như cái tựa đã chỉ rõ,  đây là một bài phóng sự khách quan. Chúng tôi chỉ biết khen ngợi vì chơn lý cũng phụng sự Thượng Đế.

Xin các bạn yên tâm ! Thay vì bĩu môi khi đọc đầu đề của cuộc điều tra, nhìn tôi với con mắt ngạc nhiên, hoài nghi hay chế giễu, lằm bằm những lời nguyền rủa, xin các bạn hãy bình tỉnh nghe lời tâm sự của một người  giống như các bạn, cũng gần giống như tất cả những trí thức ở Bắc Kỳ, sẵn sàng nhạo báng một tôn giáo mới phát sinh trong đất nước của quí bạn, một cách rất đơn giản là vì họ không biết gì cả về tôn giáo nầy. "Mới phát sinh" thì không đúng với từ ngữ : theo đạo lịch Cao Đài, nhơn loại ở vào năm thứ 10 của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, như vậy tôn giáo nầy đã được lan truyền từ 10 năm rồi.

Một nhà xã hội học lão luyện phải chú ý rằng, từ một phần tư thế kỷ nầy, nước Việt Nam phải chịu một cuộc rung chuyển thình lình. Một cuộc xáo trộn toàn diện xảy ra trong định mạng của dân tộc, trong tư  tưởng và trong tín ngưỡng. Sự trở về của hai vị họ Phan (*) báo hiệu triệu chứng đầu tiên của cơn sốt nầy, cứ tăng dần mỗi ngày.
Về phương diện chánh trị, đây là một cuộc cách mạng trong trí não và trong tâm hồn.

Về phương diện kinh tế, đây là một cuộc phát triển mãnh liệt của kỹ nghệ, sự thành hình các hợp tác xã và những nghiệp đoàn.

(*) Hai nhà cách mạng: Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.
Về phương diện văn học, đây là sự cải cách tận gốc rễ về ngôn ngữ, sự dẫn nhập những tư  tưởng mới về thi văn và nghệ thuật cho đến trong lãnh vực tôn giáo, đây là sự phát sinh một đức tin mới.
Trách cứ rằng Đạo Cao Đài chỉ gồm những khối tín đồ dốt nát và mê tín, bị bốc lột một cách khéo léo bởi những tay lừa đảo bịp bợm.  Lời kháng biện như sau :
Hàng ngàn tín đồ Đạo Cao Đài, không phải tất cả mọi người đều nhẹ dạ dễ tin hay mê tín dị đoan. Một số đông người trong họ theo đạo mới ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung hoa, Pháp, đều là những trí thức thượng lưu như : Giáo sư, Trạng sư, Nhà văn, Ký giả, Dân biểu.

Không phải không có lý do cho rằng, Đạo Cao Đài được nói tới nhiều trên khắp thế giới, rằng nhiều tạp chí nổi tiếng ở Ba-lê, Luân đôn, Lisbonne, Varsovie, đến các tạp chí ở La Mã, Buenos-Ayres, đều nghiên cứu giáo điều và giáo lý  của Đạo Cao Đài.

Tác giả bài điều tra nầy được đặc quyền hiếm có, lục soát các văn kiện của Tòa Thánh Tây Ninh, nơi đó tác giả được đọc các thơ từ  và tài liệu quí báu, những giấy xin nhập môn cầu đạo gởi đến Đức Giáo Tông, của những nhân vật ngoại quốc ở nhiều thủ đô khác nhau nơi Âu Châu và Mỹ Châu. Đến nước Nhựt, một nước tự hào về Võ sĩ đạo, cũng phái nhiều người đến Tây Ninh để nghiên cứu tìm hiểu những điều về đức tin mới, đã làm chấn động dư luận thế giới.
Tờ báo La Vérité (Sự thật) bên cạnh đó có một phóng sự đăng từ ngày 11 đến 13-5-1938, được lấy in thành sách  (xuất bản đặc biệt của nhựt báo ấy tại Nam Vang) mà chúng tôi sẽ thuật lại những trích đoạn sau đây :
" Từ 12 năm nay, Đạo Cao Đài phát triển ở Đông Dương, người ta chú ý rằng, không có một nghiên cứu khách quan và trọng yếu nào được công nhận. Tuy nhiên, phong trào tôn giáo và xã hội nầy liên quan đến hàng trăm ngàn người trên một phạm vi càng lúc càng rộng hơn. Nền Tân tôn giáo tự cảm thấy nhỏ hẹp trong giới hạn của nơi phát khởi, Nam Kỳ, đã gởi các nhà truyền giáo sang nước Cao Miên, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Tại những nơi nầy, họ đạt được vài thành quả.

Đạo Cao Đài có một Thánh Thất tại Ba-lê và có tham vọng không bao lâu nữa sẽ đem lời lành đến các nơi rất xa như : nước Trung Hoa, Thái Lan, Ấn  Độ và Âu Châu.

Như thế, sự tự hào  của người Việt Nam phô diễn một cách bất ngờ trong một trường hoạt động mà con cháu của giống dân Giao Chỉ chưa biết đến. Họ không có một chút gì mang đến cho nền tư  tưởng của nhơn loại ?  Tại sao ?  Bí mật.

Đạo Cao Đài dường như xem thường sự bí ẩn đã được đặt ra như thế, bởi vì Đạo Cao Đài mong ước được kính trọng về mặt tôn giáo với cùng một danh hiệu ngang hàng như  Phật giáo. Vả lại, Đạo Cao Đài không vô ích khi tự nhận là Phật giáo canh tân ?

Cái ước vọng duy nhứt nầy của đức tin mới gồm hằng triệu tín đồ, trong đó có nhiều người trí thức khuyến khích chúng tôi nghiên cứu rõ ràng Đạo Cao Đài.

Hôm nay, vâng theo mệnh lệnh của vài thân hữu, chúng tôi quyết định trình bày với công chúng quan tâm  muốn hiểu biết vài sự thật của nền Tân tôn giáo nầy, những đoạn văn ngắn về quan sát và phân tách khách quan.
Báo La Vérité (Sự thật)

Trong lời tựa của quyển sách, nhựt báo thêm vào những nhận xét :
- Trên nguồn gốc Thần linh học của Đạo Cao Đài, người ta dễ dàng có nhiều lời mỉa mai, người ta toan tính dập tắt dưới sự buồn cười những bài Thánh giáo tiếp được bởi cái bàn xây và cây Ngọc cơ.

Có gì là kỳ lạ bất ngờ, khi Chơn lý vĩnh cửu mượn cái phương tiện ấy, thay vì phát biểu trên núi Sinai giữa hào quang và sấm chớp; thay vì bày tỏ qua tiếng nói của các nhà Tiên tri cảm hứng hay sự xuất hiện huyền diệu ?

Sự môi giới thông công của một đồng tử, được tuyển chọn cho sứ mạng cao quí nhứt, phải chăng cũng không hợp pháp ? không cung cấp một sự bảo đảm nào, một tiếng nói được lựa chọn nào cho đến bây giờ để thông công giữa Trời với Người ?

Về phần những sự ngược đãi mà Đạo Cao Đài đã gánh chịu và thời kỳ nầy có lẽ không đóng lại, có thể không thấy được nơi đó những bằng chứng tốt nhứt về nguồn gốc thiêng liêng và tính chất phi phàm của Đạo Cao Đài ?

Tất cả tôn giáo đều truyền giảng sự công bình, lòng nhân từ, đặt trên sự hy sinh và lòng bác ái, biết sự thù nghịch của con người, sự oán hận của những thế lực, sự giận dữ và sự chê bai tất cả mà các tôn giáo đến làm xáo trộn tính ích kỷ thỏa thích, làm rung động quyền lực và chống lại lòng kiêu căng và bạo lực.
Là người hành hạ hay bị hành hạ, là người thống trị bởi sức mạnh hay là nạn nhân của bạo lực, bắt buộc đức tin  bởi vũ khí hay nhận chịu khổ nhục, trong lịch sử, không có một lựa chọn nào khác đối với những tôn giáo mới phát sinh.

Đạo Cao Đài có lựa chọn nào ?
Cái vũ khí duy nhứt của đạo là sự hiền từ ôn hòa, sức mạnh duy nhứt của đạo là ngự trị trong sự mềm yếu. Đạo chỉ có thể chống lại những kẻ nghịch bằng sự nhẫn nhục và tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của công lý; nó chỉ có thể tuyên bố tất cả bằng sự phục tùng luật pháp, không yếu hèn, sự ràng buộc không thể bác bỏ vào chơn lý xuất phát từ Thượng Đế, nó chỉ có thể cố gắng chứng minh bởi sự kiên quyết và sự bền vững, sự chân chính của sứ mạng thiêng liêng. Đó là cái mà đạo đã làm.

Và sức mạnh sử dụng nơi những kẻ ngược đãi  phải bị khuất phục trước lòng can đảm anh hùng và trầm tĩnh, thừa nhận quyền sống của đạo, quyền hưởng tự do, tài sản duy nhứt mà đạo đòi hỏi.
Chiến thắng của bạo lực, hôm nay đã bị giải giới,  chỉ còn lại nơi Đạo Cao Đài sự chiến thắng cái ngu dốt của con người, sự mù quáng, sự hoài nghi của họ. Đó là những kẻ thù khác đáng ghê sợ !

Những tôn giáo khác, mà Đạo Cao Đài là tổng hợp, đã đương đầu với những kẻ nghịch  trước Đạo Cao Đài, họ đã đạt đến thành công. Tại sao Đạo Cao Đài không thành công nơi đó, cũng như họ ?

Người ta có thể trách cứ Đạo Cao Đài điều gì ? Quá ư thiện tâm, quá ư thành thật, quá ư khoan dung ?  Có phải do đặt ra một ý tưởng quá rộng rãi, quá nhiều tình huynh đệ mà người ta có thể làm cho đạo tổn hại ?

Trái lại, phải chăng trong sự dung hợp các tôn giáo khác nhau, mỗi tôn giáo vẫn giữ đức tin ban đầu của nó, cái đó là tinh túy tạo thành cho tất cả một loại sản nghiệp chung, mà nó phải tìm kiếm phương cách để ngự trị giữa nhơn loại, tình huynh đệ và hòa bình thế giới ?

Đây là cách thức mà Đức Chí Tôn, trong một Thánh giáo, giải thích sự cần thiết phải dung hợp các tôn giáo :
- Thuở xưa, các dân tộc không hiểu biết nhau và thiếu phương tiện vận chuyển. THẦY bấy giờ lập ra, vào những thời kỳ khác nhau, Ngũ Chi Đại Đạo gồm : Nho giáo, Thần giáo, Thiên Chúa giáo, Lão giáo, Phật giáo, mỗi tôn giáo đặt căn bản trên tập quán và phong tục của mỗi giống dân, được kêu gọi một cách đặc biệt để áp dụng những giáo lý ấy.

Ngày nay, tất cả các phần trên thế giới đều được khám phá, nhơn loại tự hiểu biết mình hơn, mơ ước một nền hòa bình thực sự. Nhưng vì lý do có nhiều tôn giáo như thế nên loài người không luôn luôn sống trong hòa hợp cùng nhau. Cho nên  THẦY quyết định  thống nhứt tất cả tôn giáo thành một mối duy nhứt để đem chúng nó trở về cái duy nhứt nguyên thủy.

Hơn nữa, Thánh giáo của các mối đạo trải qua nhiều thế kỷ, càng lúc càng bị biến đổi bởi chính những người lãnh sứ mạng truyền đạo, đến nỗi ngày nay THẦY nhứt định đến chính mình THẦY hướng dẫn các con.

Như vậy, toàn thế giới ngày nay phô bày sự truyền bá Đạo Cao Đài, thừa kế những giáo lý xưa đã chinh phục gần như toàn thể nhơn loại.

Nhiệm vụ sẽ khó khăn vất vả, vì như Thánh giáo mà chúng ta vừa đọc, loài người đã quên hết những nguyên tắc, quên cả giáo lý mà họ mong  muốn chủ trương. Họ đôi khi  bảo toàn từng chữ nhưng thường thường làm mất hết cái ý nghĩa tinh thần.

Nhiệm vụ sẽ khó khăn vất vả, vì nếu mảnh đất, nơi những nhà truyền giáo phải đến để chuẩn bị cho sứ mạng của họ, bị bỏ hoang mọc đầy cây cỏ vô ích hay độc hại, hơn thế nữa, mãnh liệt và đâm rễ vững chắc hơn nhờ tất cả dục vọng xấu xa của con người dùng bón phân cho các thứ cây đó.

Không bao giờ, tuy nhiên, nhu cầu cần thiết cảm thấy ích lợi là nhắc nhở người đời biết rằng, tất cả mọi người đều là con của một Đấng Cha Chung, và rằng những vụ huynh đệ tương tàn rùng rợn diễn ra hôm qua thì nó sẽ sẵn sàng khai diễn ngày mai, gây ra sự đổ nát và đau khổ không chỉ cho chính họ mà còn cho con cái và cháu chắt của họ.

Đạo Cao Đài đồng nghĩa với hòa bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Có thể hàng triệu tín đồ Cao Đài sẽ dự tính một ngày nào đó, hy vọng gần đây, hồi tưởng và khuyên nhủ hướng dẫn họ vâng theo những phương ngôn bất hủ, được tìm thấy trong những Thánh thư bất cứ lúc nào, trong đó tóm tắt tất cả tri thức và tất cả minh triết : " Hãy thương yêu nhau."

Quan điểm của Hội Thánh Cao Đài về bài phóng sự nầy như thế nào ?  Nhựt báo La Vérité cho chúng ta biết :
- Công việc nghiên cứu của chúng tôi có tính khách quan, cho biết rõ về Giáo hội chính thống của Đạo Cao Đài, nhận được của vị lãnh đạo cao cấp nhứt của Đạo Cao Đài là Ngài Phạm Công Tắc một bức thơ thú vị mà chúng tôi trích lục ra sau đây lời đính chánh về sự liên hệ của Đạo Cao Đài với Đạo Minh Lý.

Quí độc giả sẽ thừa nhận qua bức thơ nầy, sự khoan dung rộng rãi của tinh thần Cao Đài, không chống lại một tín ngưỡng nào khác vì lý do không hợp thời hay không chính thống. Một thái độ như vậy làm vẻ vang cho các tín đồ Cao Đài, không cần tất cả quan điểm khác về xã hội hay triết lý. (Lời Tòa soạn)

Ngài Phạm Công Tắc, vị lãnh đạo cao cấp của Đạo Cao Đài hay Phật giáo canh tân, Tòa Thánh Tây Ninh, gởi ông Chủ nhiệm nhựt báo La Vérité, Nam Vang.

Kính ông Chủ nhiệm,
Hội Thánh Cao Đài và tôi, chúng tôi cảm động sâu xa về cảm tình cao cả của quí báo đối với tôn giáo của chúng tôi. Chúng tôi đã đọc bài phóng sự của quí báo với sự thích thú. Hơn nữa, đây là cơ quan duy nhứt đã binh vực một cách dũng cảm quyền lợi của chúng tôi từ lúc khởi đầu. Chúng tôi có thể nói rằng, quí báo là bạn thân của chúng tôi.

Bài phóng sự nầy rất hay trên mọi phương diện, chỉ trừ vài sai sót nhỏ về tài liệu khảo chứng mà chúng tôi xin quí báo vui lòng cho chúng tôi đính chánh :
- Đạo Cao Đài không xuất phát từ Minh Lý Đạo. Chúng tôi thừa nhận rằng Minh Lý Đạo được thành lập trước chúng tôi, nhưng khác biệt với chúng tôi về phương diện thần bí và triết lý. Sự thật là phong trào Thần linh học Việt Nam xuất hiện một cách tự nhiên, không có sự giúp đỡ của một khái niệm, một giáo lý hay một giáo điều ngoại quốc nào cả. Phong trào xảy đến không thể đoán trước được. Người ta có thể nói rằng, phong trào nầy gần như rất huyền diệu, như bị lôi kéo bởi một năng lực vô hình, sự biểu lộ tiềm ẩn. Hơn nữa, người ta cảm thấy phong trào nầy  xảy ra trong khắp thế giới. Tất cả các tổ chức Thần linh học được tạo ra sau chiến tranh đều được phát sinh có lẽ  từ  một năng lực huyền bí.

Bên cạnh Đạo Cao Đài, một nhóm trí thức tự lập ra để tìm hiểu sự khả dĩ để hòa hợp hai nền văn minh Đông phương và Tây phương. Trong trường hợp nầy, họ thử đem lại gần nhau hai triết lý : Triết lý của Thiên Chúa giáo và triết lý của Khổng giáo. Sự toan tính thực hiện đáng được khuyến khích, vì lẽ đạo đức cao siêu của những nhà đại tư tưởng luôn luôn hướng về điều Thiện và Mỹ. Như vậy là có một nơi để cho các tư tưởng có thể gặp nhau và có thể hợp nhứt.

Biết được điều đó, nhóm trí thức Việt Nam ấy tự đặt ra cho mình bổn phận là chuẩn bị một mảnh đất cho sự hòa hợp thông đồng. Họ bắt đầu rất khiêm tốn, trước hết là làm một cuộc so sánh hai triết lý bằng cách tìm kiếm một trung gian. Họ thỏa mãn thấy được những tư  tưởng vĩ đại không xa rời những nhà tư  tưởng của loài người.

Phần đạo đức thì duy có một, chỉ có phần thực hành là khác nhau. Nơi đây, đối với họ có một trở ngại hay một vướng mắc. Năng lực hành động không ở trong tầm tay của những người phàm như họ, mà nó ở trên trí tuệ của họ. Một phong trào nhỏ ngưng trệ xảy ra trong phong trào Cao Đài. Các nhà trí thức ấy tìm ra được một con đường: sự thống nhứt của đức tin và của sự  thực hành tất cả tôn giáo.

Không cần thuật lại, quí vị có thể tiên đoán cái giá trị của sự toan tính như thế.
Một trong những người bạn thân của nhóm trí thức từ nước Pháp thân hành đến là Đại úy Monet. Ông là nhà Thần linh học. Ông chú ý đến sự tìm tòi của nhóm trí thức nầy, nhưng sự thông thạo trong thực hành tất cả đức tin tôn giáo, ông cũng không thể biết hết. Ông khuyên các trí thức nên hỏi  ý kiến của các Đấng Thần linh. Ông nói rằng, cần phải cầu viện sự giúp đỡ của cõi vô hình để chia bớt các khó khăn.

Lần thông công Thần linh học đầu tiên được ban cho bởi các Đấng Thần linh dưới hình thức là lời khuyên, trao cho họ cái chìa khóa mở các bí ẩn.

Như thế, câu kết luận là : Đức tin có được từ Lương tâm, Lương tâm không thể tùy thuộc. Lương tâm có khác nhau tùy theo trạng thái tinh thần của mỗi cá nhân. Nó có tính vô ngã và không thể nhượng lại, bởi vì nó phát xuất từ Thượng Đế (Đại hồn của vũ trụ). Như vậy, sự tự do của Lương tâm cho tất cả mọi người được công bố, nhưng sự thống nhứt trong tinh thần của Thiện và Mỹ bị bắt buộc, nơi đó phát sanh giáo lý mới của Đạo Cao Đài : giáo lý của sự khoan dung rộng rãi.

Người ta có thể nói rằng, Đạo Cao Đài là một tôn giáo thuần túy triết học, trong khi đó, Minh Lý Đạo là một tổ chức chỉ có thờ phượng Tam giáo Đông phương: Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo, pha lẫn chút  ít  thần bí  thôi miên.

Minh Lý đối với Đạo Cao Đài là một bạn thân trong sự biểu lộ về mặt xã hội, nhưng không là  anh em ruột thịt.
Chúng tôi ước mong có thể hội ngộ cùng Minh Lý Đạo trong việc thực hành điều Mỹ và Thiện mà chúng tôi đang làm nhiệm vụ truyền giáo."
                                               Ký tên : Phạm Công Tắc.

Và đây là một trong những đàn cơ nổi tiếng tại điểm gốc xuất phát Đạo Cao Đài :
Đó là vào năm 1926, tôi cư ngụ trong một căn phòng của tòa nhà Audouit, hôm nay trở thành tòa nhà Huỳnh Đình Khiêm. Tại nhà tôi, có nhiều thanh niên nam nữ tới lui với tôi, họ là cựu học sinh trung học, chiến sĩ  cộng hòa, đảng viên cấp tiến hay cách mạng.

Một sáng Chúa nhựt, một thanh niên lạ mặt tiến vào văn phòng tôi, ngồi xuống ghế đối diện và nói một cách tự nhiên, những lời nói không làm tôi ngạc nhiên: Thật vậy, tôi đã quen với cách viếng thăm và sự phát biểu ý kiến của kiểu người nầy.

- Thưa ông, bạn thân mến, nếu ông  muốn thì chúng ta sẽ kết thân để cùng nghiên cứu triết lý và chánh trị. Ông hẳn biết hơn tôi những sự tương quan gắn liền hai hoạt động nầy.

Trong hoàn cảnh cơn sốt xã hội và chánh trị mà chúng ta sống trong thời kỳ đó, hình như xa cách lạ lùng với tôi, tôi không mấy ngạc nhiên khi đọc danh thiếp của vị khách viếng thăm : Nhà cách mạng Việt Nam.

Sắp trải qua kỳ thi Tú Tài phần thứ nhứt, cậu con trai bạo dạn nầy bị đuổi học. Tội của cậu ? Cậu đã viết thơ cho ông Cognac, lúc đó là Thống Đốc Nam Kỳ, để phản kháng vài lời tuyên bố của ông. Kể từ lúc đó, cậu cựu học sinh trung học bắt đầu đọc rất nhiều sách, chuyên sâu vào nhiều hệ thống triết lý khác nhau, tự thuyết phục mình cần phải làm cách mạng. Để biểu thị đức tin mới mẻ của mình, cậu không ngần ngại in danh thiếp của cậu  như tôi vừa chỉ bên trên.
Sự bồng bột của hạng người như bạn ấy thì rất nhiều mà ý tưởng làm tôi nghi ngờ  bạn ấy là kẻ khiêu khích.

Sau đó, tôi mới nhận thấy bạn mới ấy là người rất thông thái, cậu ấy thông thạo triết lý tâm linh và đặc biệt Thần linh học làm cho cậu thích thú. Nhờ thế mà tôi biết được phong trào xây bàn và sự thông công bằng đồng tử.

Vào một buổi chiều tối của tháng 11, bạn tôi lập lại cho tôi nghe nhiều lần sự huyền diệu của cái bàn xây mà cậu đã học trong các tác phẩm của những vị chủ xướng Thần linh học Pháp mà ngày nay đã mất: Allan Kardec và Léon Denis; bấy giờ tôi tỏ ra một nghi ngờ quả quyết trên sự xác thực của các hiện tượng nầy, thách đố cậu ta thử thí nghiệm. Tức thì cậu dẫn tôi đến nhà của vị cầm đầu chánh thức của trường phái thần bí  mới được phát sanh, mà diễn tiến về sau có ảnh hưởng lớn đến sự thành lập và phát triển Đạo Cao Đài: phái ấy tự xưng là "Minh Lý Đạo" có thể dịch nghĩa từng chữ: con đường của lẽ phải rõ ràng.

Tôi vội vàng nhìn nhận ở đây rằng, tôi được hiện diện với những người vô cùng dễ thương và chơn thật. Đó là những công chức  khiêm tốn của các cơ quan hành chánh và thương mại, khao khát học tập và tự vươn mình lên trong xã hội, nhờ vào các nổ lực thường xuyên của họ. Họ được 10 người và tự kết thành nhóm như một loại câu lạc bộ để bàn cãi về triết lý tâm linh và kế đó, khi những lý thuyết đã được đồng hóa, nhờ vào một qui tắc mà họ tự tạo ra để tổ chức và tôn thờ những vị Thánh Hiền của họ.

Tôi rất ngạc nhiên về kiến thức tâm linh cao siêu và rộng rãi của họ. Tất cả họ đều có khả năng thuật lại cho tôi nghe những Thánh giáo trong các tác phẩm lớn Thần linh học.

Hơn các thầy người Pháp của họ, họ thúc đẩy với sự táo bạo sử dụng Henri Durville, một nhà thần bí nổi tiếng, trong công việc tìm kiếm chơn lý.

Như thế, một trong những vị đứng đầu là ông Xung, rất  muốn mở đầu mối quan hệ giữa tôi và nhóm của họ, bởi một thí nghiệm thôi miên trên người tôi, tác giả của những dòng chữ nầy. Tuy nhiên tôi thú thật rằng, tôi không có một điều gì đặc biệt để kết luận một cách xác thật.

Sau khi bảo tôi nhắm mắt lại, ông ta làm những động tác khác nhau trong không khí với hai bàn tay mở rộng chung quanh cái đầu của tôi mà không chạm vào đầu. Sau 15 phút của sự sửa soạn thôi miên nầy, ông ra lịnh cho tôi, với một tiếng nói êm dịu và rõ ràng, nghiêng đầu qua một phía nào đó, hay thi hành vài cử chỉ với hai cánh tay, điều nầy tôi làm không khó khăn.

Những người tham dự là thành viên của nhóm, và bạn tôi, ông Xung, tỏ ra hài lòng thấy rõ về cuộc thí nghiệm. Tôi yêu cầu tham dự một đàn cơ quan trọng, ông Âu Kích, người được kính mến nhứt của nhóm, lo sửa soạn đàn cơ nầy.

Trên một cái bàn dùng làm bàn thờ, ông Âu Kích cắm 9 cây đèn cầy theo hình tam giác. Sau diễn biến nầy, ông giải thích cho tôi biết, số 9 mà sự sắp đặt theo hình học đó bao hàm con số 3 (thật vậy, 3 góc trong tam giác) có một sự quan trọng tượng trưng, chỉ có những người đã thọ giáo mới có thể hiểu được. Lúc đó, các lễ dâng cúng khởi sự liên tiếp. Những tín đồ của nhóm làm lễ trước bàn thờ, ông trưởng nhóm Âu Kích quì ở chính giữa. Họ tụng kinh cầu nguyện Đấng Thượng Đế và các Đấng thiêng liêng. Sau khi dâng hiến tâm hồn thì tiếp theo là lễ Dâng Hoa, Dâng Rượu và Dâng Trà.

Tôi để ý trong các câu kinh  của họ có những đề mục được biết của các tôn giáo khác ở Á Châu. Hơn nữa, giáo lý đại cương của họ không che đậy triết lý của họ là tổng hợp các tôn giáo: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.

Nhưng ở đây, thình lình, người đứng đầu vẽ trong không khí những cử động lạ thường với cánh tay mặt của ông. Tất cả đều im lặng như bị phù phép. Ông Xung nói vào lỗ tai tôi rằng các Đấng thiêng liêng sắp thông công qua trung gian của ông Âu Kích. Thật vậy, ông Âu Kích cầm một cây bút chì lớn mà người ta đặt trước trên một cái bàn nhỏ với giấy trắng, tự đặt mình phận sự viết lại những lời nói thiêng liêng, đôi mắt nhắm lại. Người ta giải thích cho tôi biết rằng, ông ấy là đồng tử được các Đấng thiêng liêng ưa thích, được tôn kính bởi các tín đồ, rằng Đức Quan Âm Bồ Tát đã đề tặng cho tôi, nhờ bởi phương cách của người đầu nhóm nầy.

Quả thật tôi rất hãnh diện được báo cho biết, qua những tiền kiếp của tôi, tôi đã hoàn thành nhiều công trình lớn lao và tôi bị đày xuống thung lũng đầy nước mắt nầy (cõi trần) để đền cái tội kiêu căng mà tôi đã phạm phải. Tôi là một kẻ kiêu căng khó chịu nổi  trong nhiều kiếp liên tiếp.
Như thế, các bạn tôi tin tưởng đồng cốt, nghĩa là sự thông công với thế giới vô hình, do đó tin tưởng sự tồn sinh của linh hồn.

Khác với các tín đồ Công giáo, họ không nói về Địa ngục vĩnh cửu, nhưng nói về sự chuyển dịch của linh hồn, nó rời bỏ thể xác, có thể sống trên các địa cầu khác hơn địa cầu mà chúng ta đang sống. Họ tương đồng với các tín đồ Phật giáo, song với một hạn chế quan trọng là : Khi các tín đồ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhìn nhận linh hồn con người có thể trở lại cõi trần ở trong thể xác của một con thú, thì những tín đồ của Minh Lý, tân thời hơn, chống lại lý thuyết nầy. Luật hấp dẫn thay thế sự chuyển dịch linh hồn theo Phật giáo, một cách bất ngờ  trong đức tin mới của họ.

Như thế, không cần thiết làm cho một người hung dữ trở lại kiếp sống trong lớp da của con heo hay con chó nơi cõi trần để đền những tội lỗi của kiếp trước. Hơn nữa, đó là trình bày Đấng Tạo Hóa dưới hình thức một quan tòa quá hung dữ !

Không ! Luật hấp dẫn ngự trị trong không gian  đủ cho sự công bình thiêng liêng. Người nào có một đời sống hy sinh sẽ thành Thần linh sau khi chết và nhờ Luật hấp dẫn, người đó sẽ đến một thế giới thanh cao trong vũ trụ. Trái lại, người hung ác, kẻ gian tham, tự họ sẽ rơi xuống, sau khi khởi hành từ trái đất, vào một hành tinh có điều kiện sinh tồn còn khổ cực hơn nữa. Tất cả diễn ra một cách tự nhiên và tự động, để có thể nói được như thế.

Mặc dầu những dòng chữ sau cùng nầy không mấy rõ ràng hay chưa chắc chắn về phương diện Thần linh học Latinh (Thần linh học anglo-saxon xác định không có sự trở lại địa cầu, nhưng có sự tiến hóa trong các địa cầu của vũ trụ).

Chúng ta hãy đi đến phần hữu ích của Đạo Cao Đài :
- Trong lúc đó, với sự chiến thắng của chủ nghĩa tư bản, cơ cấu kinh tế tộc trưởng cổ xưa của xứ Nam Kỳ bị tan rã. Bộ luật Gia Long chỉ công nhận pháp nhân tập thể của các làng xã và của gia đình, chính thật là chống lại chủ nghĩa cá nhân, và Bộ luật nầy hầu như bị bãi bỏ ở Nam Kỳ, nơi đây sự tự do cá nhân được công nhận nhiều hay ít bởi luật pháp tu chính, nó là lý do làm mất ảnh hưởng của Khổng giáo. Dù sao, Khổng giáo lập thành một tôn giáo với luật pháp, giáo sĩ, đền thờ, chớ không phải chỉ là một nền luân lý.

Rõ ràng là trong các điều kiện ấy, uy quyền của người cha, cũng như uy quyền của người chồng, uy quyền của địa chủ ở Nam Kỳ có thể bị đe dọa nhiều hơn ở trong các nơi khác của nước Việt Nam, mà nơi đó Bộ luật Gia Long và

Khổng giáo vẫn còn giữ được tất cả quyền hành.
Theo ý tôi, đây là lý do duy nhứt để cho "đức tin mới" có chỗ phát sinh trong 20 tỉnh của Nam Kỳ.
. . . Nếu giáo lý của Đức Phật Thích Ca có thể chia nhỏ ra làm hai tông phái lớn : Đại thừa hay còn gọi là Bắc tông gồm Đông Dương với đông đảo tín đồ Phật giáo, và Tiểu thừa hay Nam tông ảnh hưởng lên nước Cao Miên và Lào. Tại sao giáo lý ấy không thể khoát lên cái hình thức tân thời của Đạo Cao Đài ? Chúng tôi bỏ qua những vụ ngược đãi Đạo Cao Đài trong quyển sách nầy.

Về tương lai của Đạo Cao Đài, có hai điều chú ý :
1.- Tuy rằng người ta có thể nói Khổng giáo là quốc giáo của nước Trung hoa và Việt Nam. Trong các nước nầy, quyền hành thiêng liêng và thế tục nhập chung lại trong tay của cùng một người: Hoàng đế, con của Trời, do đó Ngài là người chủ của linh hồn và thể xác  của các thần dân. Để có một tôn giáo, phải có những đền thờ hay những giáo đường, những luật pháp tôn giáo và một giới giáo sĩ. Các điều kiện nầy được tập hợp trong giáo lý của Nho giáo. Đền thờ, phải chăng ở ngay trong nhà của người cha ? Trong lúc đó, bộ sách Tứ Thư và Ngũ Kinh tóm tắt giáo lý đại cương  của vị Thánh nước Lỗ: Đức Khổng Tử.  Giới giáo sĩ là đoàn thể các Nho sĩ,  họ nắm hai quyền : tâm linh và thế tục, giống như là một loại Hoàng đế, Thiên tử, hay Giáo Hoàng.

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản tại Nam Kỳ, xem như là hậu quả, hủy bỏ Bộ luật Gia Long, và sự hủy bỏ nầy là ưu đãi chủ nghĩa cá nhân, làm thiệt hại chủ nghĩa tập sản của Khổng giáo, làm sụp đổ các điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của Nho giáo. Vì vậy, một cách lịch sử, nó giải thích sự nẩy nở của nhiều giáo phái mới và đáng kể nhứt là Đạo Cao Đài.

2.-  Đặc biệt là vào thế kỷ của chủ nghĩa tư bản quốc tế, sự phục hưng tôn giáo ở Việt Nam chúng ta thì đồng thời với phong trào Á Châu cũng cùng một bản chất, cùng một sứ mạng lịch sử.  Bởi vì ở Nhựt bổn và Trung hoa, những phần tử bị dày xé bởi giai cấp trưởng giả phong kiến  tìm cách tạo lập một siêu cấu trúc xã hội, lập ra một ngàn lẻ một chi phái Tân Phật giáo.  Những tín đồ Cao Đài và Minh Lý ở nước ta nên đối chiếu giáo lý của mình với giáo lý của các tôn giáo phục hưng ở Trung hoa và Nhựt bổn.

. . . Tôi xin thêm rằng, Minh Lý Đạo chỉ là một giáo phái mới trong những giáo phái khác đã mọc lên như nấm. nhưng giáo phái Minh Lý có kỷ cương nhứt, có kiến thức hơn hết về phương diện triết lý, có một lý thuyết được phô diễn hoàn toàn trong giáo lý đại cương của nó.

Đạo Cao Đài (nghĩa từng chữ : tôn giáo của Đài Cao) mà người sáng lập là Ngài Lê Văn Trung, liên hệ rất sớm với Minh Lý để mượn của giáo phái nầy: lý thuyết, sự thờ cúng, tổ chức nghi lễ. Nhưng trong lúc học phái tự hào của ông Âu Kích chỉ hướng đến đào tạo một lớp người ưu tú, thì Đạo Cao Đài hướng đến quần chúng. Nhờ thế, Đạo Cao Đài phô bày những nét đặc trưng của một tổ chức tôn giáo quần chúng.

Sự khác biệt và sự phức tạp của các trường phái tôn giáo mới ở Nam Kỳ đã thấy nẩy nở từ năm 1926  là những nét đặc biệt của thời kỳ tư  tưởng tự do và mãnh liệt.

Không thể kể hết các giáo phái, chúng ta chỉ kể các giáo phái quan trọng nhứt: Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân, Cao Đài. Đến lúc Đạo Cao Đài tự phân nhỏ ra thành trường phái chính thống và không chính thống.

Ngoài những giáo hội của “Phật giáo canh tân”, mà tôn giáo nầy có quyền cho là xứng đáng trong triết học, chúng ta sẽ dự vào sự  nẩy nở của một chi phái mà phần thực hành rất kỳ lạ. Không có một nghi ngờ nào, ở đây họ hoạt động trong sự hồi tưởng tính cách lãng mạn Trung hoa.

Thế nên, chúng ta đã thấy Nguyên soái Nguyễn Văn Điền  với các  tín đồ của ông, công khai chống lại giáo phái Tây Ninh. Được chất vấn bởi nhà cầm quyền về mưu toan xâm phạm Thánh địa Cao Đài, cả bọn họ đều  từ chối trả lời.

Cũng tò mò về chi phái của Nguyễn Kim Muôn, ông nầy không sợ phô bày những lời nói khó che đậy về tín ngưỡng kết liền với chủ nghĩa khoái lạc của Hồi giáo.

Tất cả những giáo phái mà chúng tôi đã nói trên đây, đều phát sanh gần như đồng thời. Những giáo phái nầy đều dựa vào, tất cả không loại trừ, sự phục hưng Phật giáo đã bị phán đoán là lỗi thời.

Điều ngạc nhiên là xứ Nam Kỳ, xứ duy nhứt trong các nước của Liên Bang, lãnh khởi xướng cách phục hưng tôn giáo mà nó dự phần, có lẽ nó không biết một phong trào rộng lớn hơn và tổng quát hơn bao gồm cả Trung hoa và Nhựt bổn.

Thật vậy, trong hai nước nầy, đáng kể là trong xứ mặt trời mọc, người ta chú ý sự nẩy nở của một ngàn  lẽ một giáo phái Tân Phật giáo mà nó thực hành Thần linh học.

Giáo sư Chamberlain đã trình bày trước công chúng Âu châu những triết lý khác nhau của phong trào tôn giáo ở Nhựt bổn.

Nội dung xã hội của Đạo Cao Đài ?
Đạo Cao Đài liên hệ hoàn toàn đến quần chúng, giới giáo sĩ mới lúc đó được kết nạp trong số cựu Đốc phủ sứ, những địa chủ, những công chức, những chánh trị gia, những nhà trí thức, những văn sĩ. Những chi phái khác thì gồm những người thuộc giới trung lưu.

Phong trào nầy làm lo ngại cho giáo hội Công giáo, bởi vì đối với họ và Chánh phủ, Đạo Cao Đài là một đối thủ quan trọng. Một nhà chách mạng Việt Nam, phải chăng quả quyết rằng, " Đạo Cao Đài là tôn giáo Gandhi mà không có Gandhi."

Vả chăng, giáo lý đại cương của tín ngưỡng mới nầy ở đó để chứng nhận ngược lại; sự lo âu lớn nhứt của tín đồ Cao Đài là tuân y theo luật pháp và các qui tắc hiện hành. Đạo Cao Đài khuyên bảo tín đồ không nên ganh tỵ với số phận của những kẻ giàu có. Thế rồi sao ? Tại sao có bao nhiêu nỗi lo âu có thể phát sanh tại nơi gốc của phong trào nầy ?

Đây là những lý do theo ý kiến của tôi. Trước hết, số đông đảo tín đồ là một trong những nguyên nhân chánh làm lay động chánh phủ kể từ lúc khởi đầu phát triển Đạo Cao Đài. Kế đó là sự hiện diện của các phần tử tiến bộ trong tân giáo hội  là mối lo âu của chánh quyền.

Thật vậy, một số cựu chiến sĩ dân chủ hay quốc gia không sợ gia nhập vào đức tin mới. Hơn nữa, họ lại giữ vai tuồng hệ trọng trong Đạo Cao Đài.

Số người nầy đếm được hàng trăm ngàn tín đồ được tuyển mộ nhứt là trong từng lớp nông dân và công thợ. Sự tiếp xúc hằng ngày với quần chúng và được cho biết về dĩ vãng của họ, những người lãnh đạo Cao Đài, một cách tự nhiên, bàn cãi những vấn đề xã hội, những vấn đề thời sự.

Đó là phần cốt yếu của bài phóng sự nầy của báo La Vérité, xuất bản ngày hôm nay bằng một quyển sách thật đẹp có tranh ảnh, - một trong những tài liệu khách quan đầu tiên và hiếm có về "Phật giáo canh tân".

Đạo Cao Đài, bởi đặc tính Thần linh học, thường lẫn lộn với những khuynh hướng tôn giáo mới của Trung hoa và Nhựt bổn về tính chất thần bí. Chúng tôi có được nhiều tài liệu rất rõ ràng không cho phép chúng tôi nghi ngờ :
Nước Trung hoa, từ nhiều thế kỷ, biết rõ về việc cầu cơ (báo Psychic News, Luân đôn, ngày 8-4-1939).
Sự thờ cúng các Đấng Thần linh và sự thực hành các phép thuật (báo Opinion, Saigon, ngày 1-7-1937).
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói bằng một thổ ngữ của nước  Đức (báo La Ricerca Psichica, Milan, tháng 11 năm 1938).
Về sự phục hưng tôn giáo ở Nhựt bổn (Vers une économie fraternelle, Kagawa, trang 18).
Sự chiếu hình tinh tú, sự chấp bút, sự biến đổi vật chất : Nam tước Meck chứng minh rằng, ở Trung hoa, người ta đã làm thí nghiệm với những đồng tử giỏi nhứt (báo The Two Worlds, Manchester, ngày 16-12-1938).
Nhà văn nữ Pearl Buck tuyên bố rằng, Đông phương và Tây phương phải dung hợp nhau (tạp chí The New-York Times Magazine (Nữu Ước thời báo) (ngày 20-11-1938).
Cuộc thám hiểm khoa học của người Đức ở nước Tàu và Thái lan (Gazette de Hongrie, Budapest, 29-10-38).

Cuộc tàn sát thú vật bởi người Do Thái (báo The Two Worlds, ngày 7-7-1939).
Những Đại nhạc hội của Wesak (đại lễ của Phật giáo) (The Occult Review, Luân đôn, năm 1939, trang 167).
Sự tồn sinh của quá khứ nơi người Nhựt (Tribune de Genève, ngày 25-4-1939).
Le Kuatsu  hay nghệ thuật của người Nhựt về việc gọi hồn người chết trở về (O Astro, Thánh Paul, Ba tây, 10-38).
Thần linh học ở Trung hoa : Họ hồi sinh người chết ! (The Two Worlds, ngày 7-7-1939).
Cây ma quái ở Viễn Đông (nước Tàu), (The Two Worlds, ngày 14-7-1939).
Thần đạo Nhựt bổn (Revue théosophique, Ba-lê, tháng 12 năm 1935).
Khổng Tử, Lão Tử và sự tồn sinh (báo Light, Luân đôn, ngày 20-7-1939).
Phật giáo trong miền Bắc Ấn Độ và Miến Điện (báo Light, Luân đôn, ngày 20-7-1939).      . . . vv . . . . . . . .

Nhưng sự chống đối giữa tinh thần Âu châu với những quan niệm tôn giáo của Á châu  thường bùng nổ luôn.

Trong tạp chí La Nouvelle Revue (ngày 1-9-1935), người ta có thể đọc thấy sự thú nhận về quyển sách tựa đề : Phật giáo,  của ông Entai Tomomastu :
" Khi giới thiệu với chúng tôi quyển sách Le Bouddhisme của ông Entai Tomomastu, bạn tôi, dịch giả là ông Kui Matsuo, cũng chính là tác giả quyển sách : Các chi phái Phật giáo của Nhựt bổn,  cũng như nhiều sách triết học và dịch thuật giá trị, ông Matsuo viết thơ cho chúng tôi : “Quyển sách nầy không phải là một tác phẩm thông thái của một chuyên gia, nhưng chỉ là một tác phẩm dành cho những người tân thời và những trí thức hoài nghi."

Mặc dầu giáo lý của Phật giáo được trình bày rất giản dị, đối với chúng tôi, nó dường như  không phải là tác phẩm nầy, và nhứt là cái triết lý mà nó  muốn đặt vào tầm tay của tất cả những người nào có thể thấu suốt sâu xa những khối quần chúng Âu châu, cái nguyên lý “vô ngã” và nguyên lý "nhân quả" mà những tín đồ Phật giáo lãnh hội được đối với tâm trạng của những người Tây phương, bởi quá đối nghịch với những quan niệm của đa số người luôn luôn thích ném lên  cái thực thể có tên là "Số phận", trách nhiệm của những đau khổ của họ, hơn là thừa nhận nơi đó cái chơn lý: "gieo nhân nào thì gặt quả nấy."

Trong tác phẩm của ông Entai Tomomatsu, những gì làm chúng ta phải ghi lấy sự chú ý một cách đặc biệt là: Ngoài tâm lý học của Đức Phật mà tác giả khôi phục lại cái ý nghĩa sâu xa của con người, sự trình bày ý định thực hiện bởi vài nhà trí thức Nhựt bổn muốn đem Phật giáo trở lại cái nguồn gốc cao thượng của nó bằng cách giải tỏa những quan niệm của vài chi phái liên hệ cho rằng, đối với các tín đồ, sự tụng kinh cầu nguyện, sự thiền định ngồi kiết già và nhứt là sự dâng cúng các  phẩm vật  tạo thành điều cốt yếu.

Phong trào nầy được nhiều người chấp nhận và có cảm tình, nó dựa vào sự kiện mà Đức Phật, kể từ khi đắc đạo, luôn luôn quan tâm đến công đức nơi các hoạt động xã hội hơn là sự tụng kinh cầu nguyện hăng hái hay là sự tu khổ hạnh chuyên luyện nhứt.

Phong trào nầy, khi nó còn thuần túy Á châu. Xứng đáng được mọi người trong nước chúng ta biết đến, bởi vì nó cho phép sự thích ứng của Phật giáo trong đời sống thực tế, nó có thể tạo được nhiều hậu quả quan trọng trong khắp thế giới.

Và nếu người ta xem xét không có một bản văn nào hiện hữu giúp dễ hiểu biết Phật giáo thì người ta phải cám ơn ông Entai Tomomatsu và dịch giả trung thực của ông đã cho chúng ta một tác phẩm để thế cho lời giới thiệu vào sự nghiên cứu một triết lý đủ khả năng xuyên suốt không chỉ một thời kỳ mà tất cả thời kỳ, như tác giả nói với chúng tôi.

Sự chống đối bùng nổ còn mãnh liệt hơn, khi có một tin vặt đăng trên báo như vầy : "Những bí mật của các vị Thánh ở Ba Tây" :
"Trong khi tờ báo "Bulletin des Amitiés spirituelles" (Tạp chí của tình thân hữu tâm linh) (số 40 trang 17) chú trọng làm giảm bớt đức tin của các siêu nhân và đem họ về nơi Tiểu Quỉ vương kiêu căng ở trong một góc trời của Đấng Tạo Hóa và  muốn soán ngôi Thượng Đế, O Pensamento, tạp chí lớn đầu tiên của Thánh Paulo (Ba Tây) kiểm điểm lại những năng lực phát triển bởi những vị đắc pháp thần thông, bị khinh thường bởi Sédir (trang 396) và giáo phái cơ đốc của ông :
1. Khả năng liên hệ với những vật thể hành tinh của hệ mặt trời;
2. Vũ trụ của chúng ta không còn bí ẩn đối với họ vì lý do sự nhìn thấy bên trong của họ;
3. Sự biết được tương lai;
4. Khả năng hành động trên vật chất;
5. Sự truyền âm thanh đến một khoảng cách rất xa;
6. Ảnh hưởng giới hạn trên hành động của người khác;
7. Đọc được tư  tưởng của người khác;
8. Hiểu được tự nhiên các thứ ngôn ngữ;
9. Khả năng kéo dài đời sống (thuốc trường sanh);
10. Sự lành khỏi các bịnh;
11. Năng lực phân thân. vv . . .

Đối với những kẻ tiểu đắc thần thông đáng khinh bỉ nầy, bị đóng trại trong một góc nhỏ của Đấng Tạo Hóa, cái nầy không phải quá xấu ! Nhưng có điều đau khổ - và người ta đóng vai trò gì - là lấy những khả năng của những vị Thánh chống lại đạo đức của Đấng Christ, cáo giác họ như là kẻ xung khắc, để rồi đi đến việc giữ vững tinh thần của giáo phái, bởi sự "dốt nát được vun trồng", thay vì mở rộng cánh tay về phía mọi người, không phân cao thấp khác biệt ! Có nhiều  người không sẵn sàng thể hiện tình huynh đệ khắp thế giới, người ta chỉ thấy quá nhiều bởi những giới hạn, bởi những che khuất mà họ tìm cách bắt buộc người khác.  

Báo O Astro ngày 1-5-1939 cho rằng vào năm 1926, ở Nhựt bổn còn 71.281 ngôi chùa Phật được quản trị bởi 54.495 nhà sư; năm 1928 có 41.148.000 tín đồ Phật giáo trên tổng số  58.621.000 cư dân. Nơi đó, Thiên Chúa giáo thì thế nào trong quần đảo Nhựt bổn ? Theo báo La Luz del Porvenir, có mượn các chi tiết trong tờ báo cáo về Đại hội Thần linh học Oomoto Internacia (bằng thế giới ngữ), hôm nay bị giải tán, chúng ta tin tưởng, và những vị lãnh đạo của họ bị truy nã và bị giam cầm, 60 năm truyền đạo bởi những nhà truyền giáo chỉ độ được 250.000 người Nhựt theo đạo, con số cố định mặc dầu có sự gia tăng vĩ đại về dân số trong những năm vừa qua. Cũng trong thời gian nầy, nhiều giáo phái mới và tôn giáo mới đặt căn bản trên Phật giáo và Thần giáo thâu hút hàng ngàn tín đồ mới: như đạo Oomoto chẳng hạn, có số tín đồ nhiều hơn Thiên Chúa giáo.
Tiếp Dẫn Đạo Nhơn Gabriel Gobron
Về Ci Nguồn                                            
                                                                     [1] [2] [3] [4] [5] [6]