Đặc San Cao Đài. Xuân Tân Sửu - 2021. [ 5/9 ]

N
ăm của những hy vọng Cộng đồng Tín đồ Cài Đài ở Hải ngoại hưng thịnh Đao đời đồng cảnh nhà phồn khởi nghiệp mới. Bầu trời của ta như những ngôi sao sáng lấp lánh hướng về tương lai, không tình nào hơn đồng Đạo gắn kết thành khối Đức tin Cao Đài truyền mãi sinh lực " Thất Ức Niên Dư ".
 
         Mỗi Tín đồ Cao Đài là biểu tượng của dấu ấn lớn mạnh theo luật yêu thương của Đức Chí Tôn ngự trị trong lòng của mỗi Tín đồ, từ ký ức nhỏ bé của một Đồng nhi cho đến trưởng thành Tín đồ trải nghiệm tam lập, Công quả, Công đức, Công ngôn lớn hơn b nước tràn đầy chí đức.
Mỗi năm trôi qua người Tín đồ Cao Đài thể hiện tinh thần sâu sắc phụng sự, dâng hiến vì Đại Đạo, những đầu tư cần thiết cho mai sau đời mình.
Hành Đạo trong tinh thần hưng khởi, thôi thúc bởi đam mê một viễn cảnh duyên ngộ lạc quan. Tất nhiên người Tín đồ Cao Đài có những yếu tố rất đặc trưng, tu tập là phương pháp phát khởi tâm hồn ẩn sâu trong trái tim biết rung động, càng vận dụng tâm đức, trăn trở cả hạnh phúc đến từng milimet của cuộc sống càng lạc quan trải nghiệm cõi đời thú vị.
Ồ nhĩ, có đồng đạo nào đã từng suy tư đời mình, khổ đau, buồn vui, cười ra nước mắt, vì đồng đạo thử thách, còn gọi là khảo đảo cũng là một thú vị đời này. Đó là trường thi công quả tất có cơ khảo thí theo phép công bình Thiên Đạo. Phàm muốn đoạt thủ địa vị nơi trường thi ấy, người hành đạo phải có công lao xứng đáng, và phẩm hạnh hoàn toàn. Chịu thử thách mà không sa ngã mới đáng đăng tên danh Nhân tịch, làm con cái của Đức Chí Tôn.
 
Tín đồ Cao Đài xem công quả là những lý thú cuộc đời, luôn giữ được tình yêu Đạo-đời thâm thúy, cũng như chấp nhận kiếp sống có đủ niềm tin, tiếng cười vui, nỗi buồn, và cả khổ đau. Tuy nhiên cuối đời hầu hết người Tín đồ nào cũng an lạc về ở với Thầy-Mẹ hưởng hồng ân của tuổi thơ về lại nhà xưa.
 
Người Tín đồ Cao Đài cũng cần sáng tạo cho mình một hình tượng có phong cách ẩn dụ của riêng mình. Đây là một cách tu tập truyền bá Đức tin, trao tận tay đồng sinh một ký ức Đại Đạo, độc đáo mọi thời đại trải rộng miên trường.

Vì mục đích trên, từ nay Công đồng Tín đồ Cao Đài không cần thiết để nhận những giọt nước làm tràn ly, khiến cho sự bất hòa trong nội bộ cộng đồng đáng lẽ không nên có. Cộng đồng Tín đồ Cao Đài là nơi để tự hào gắn kết tình thương yêu đồng Đạo.
Cũng từ mùa Xuân Tân Sửu này, đồng đạo từ chối những ai hỉ, nộ, ái, ố, và những tình huống đau khổ, cười ra nước mắt, bởi nó không có giá trị nào cho không gian nhân ái mà đồng đạo đang tha thiết.
 
Mỗi đồng đạo cần thay đổi mới cho mình, một hành trình và chân dung cảm xúc chân thực, nói lên đời sống yêu quý thực tại, và lòng tha thiết dâng hiến tinh thần Đại Đạo. Đạo là lẽ tự nhiên không cưỡng cầu nó sẽ đến tự nhiên và biến hóa lòng nhân đức, khi đồng đạo muốn hiểu Đạo thì hãy đặt mình vào vị trí giá trị nhất của Đạo sẽ thành.
Cũng cần tu tập theo phong cách giải tỏa những vấn đề tâm sinh lý của mọi lứa tuổi, đặc biệt chia sẻ tâm tư tình cảm về tâm linh và khuyến khích đồng đạo tập luyện sức khỏe. Mọi tâm tư chia sẻ thực tâm, đen đến cho nhau những cảm thông gần gũi, mọi gắn kết đồng đạo, ngồi lại xây dựng Đạo là chuyện cổ kim muôn đời tiếp nối. Đồng đạo tiếp nhận được giây phút thiêng liêng đó, nhất định hạnh phúc vô cùng.
 
Đồng đạo cần tránh những trường đoạn đau đớn, đứt từng khúc ruột, bởi những bí danh ấy không cần thiết để mình quan tâm. Đôi khi chúng ta gặp phải những trường đoạn xúc động nhất mà ta có thể cảm nhận được, lấy sự dịu dàng tinh tế, với ánh mắt hồn nhiên, tâm hồn chân thực, bỏ xuống tất cả những bụi đời xả thải, chỉ có như vậy mới giải tỏa, và đem lại cảm xúc thư giãn, rung động xúc cảm thật sâu lắng, càng thấu hiểu tình người sâu sắc hơn để chúng ta hướng về phía trước tương lai, mở rộng tâm hồn đầy tràn ánh sáng Đại Đạo.
 
         Đồng đạo đến Thánh Thất để tâm sự với Đức Chí Tôn, Phật Mẫu cùng quý đấng thiêng liêng và bầu bạn với đồng đạo qua lời kinh tiếng kệ và giáo lý, như vậy sẽ vơi hết những ẩn giấu nỗi cô đơn, phương thức hành lễ, tiếng kinh lời kệ chuyển lưu thanh thoát tuyệt vời, không gò bó, gợi cảm giác nhẹ nhàng, tạo ra thanh tú, bỏ xuống những khúc mắc không cần động tâm, tinh thần sẽ thanh thản, cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.
 
Tuy nhiên cũng có những Thánh Thất mà đồng đạo không muốn đến vì có nhiều lý do bất hòa không xả giải được, bởi đồng tiền nào cũng có hai mặt hành vi cử chỉ thiếu văn hóa tu tập Đại Đạo, bởi họ chỉ biết lập Thánh Thất mà không biết lập tăng chúng!
Tệ hại nhất hành Đạo cảm tính, có những tính toán không minh bạch, cuối cùng Thánh Thất biến thành của riêng không đem lại hạnh phúc cho đồng đạo, những nơi đây chỉ tạo thêm buồn tủi. Hy vọng năm Tân Sửu những Thánh Thất ấy, cần phùng hưng tinh thần đồng đạo, đó mới là cảnh giới cao nhất của gắn kết.
Tất nhiên Cộng đồng Tín đồ Cao Đài ở hải ngoại cần những động lực văn hóa tổ chức trở nên sống động, và hình tượng Cao Đài luôn luôn phải tuyệt đẹp, bởi mỗi Tín đồ chính là biểu tượng con cái của Đức Chí Tôn nhập thế. Cho nên Thánh Thất là nơi người Tín đồ thực hiện luật yêu thương Cao Đài.
 
Ngôi Thánh Thất nào thực hiện được luật yêu thương của Đức Chí Tôn hào quang sẽ chói lọi rực rỡ, đồng đạo đầm ấm, trong ngoài cửa Đạo hòa thuận nhất ý. Nếu trái lại, Thánh Thất ấy từ xa đã hiện ra toàn u ám và thiếu sức sống của Đạo, bởi Chức sắc, Chức việc, Ban Trị Sự thiếu nhân văn đạo đức, và thiếu cả văn hóa tổ chức theo truyền thống tam lập của Đạo Cao Đài.  
 
Gương mẫu của Đạo, trước nhất Chức sắc, Chức việc, Ban Trị Sự phải biết luật yêu thương của Đức Chí Tôn, biết dung hòa đồng đạo, thi thố Đạo hạnh, tương kính lẫn nhau, trân quý đồng đạo, minh bạch, chân thành và lương thiện, bằng không xây dựng Thánh Thất kết quả trở thành hoang phế, bởi không tạo được lòng tín. Hy vọng mùa Xuân Tân Sửu Cộng đồng Tín đồ Cao Đài ở Hải ngoại mở rộng lạc quan, đầy tràn hạnh đức, dâng hiến lên Đức Chí Tôn, Phật Mẫu và quý đấng Thiêng Liêng, đồng ban bố hồng ân chan rưới khắp cùng hạnh phúc đến với đồng đạo cộng hưởng an lành sung mãn.
" Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát "
* HT / Huỳnh Tâm
03/01/2021 Tân Sửu.
*   *   *

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ VIỆN ĐẠI HỌC CAO ĐÀI. * Thừa Phong.
Hình ảnh Viện đại học Cao Đài khi đang được xây dựng. Từ buổi đầu của nền Đại Đạo, Hội Thánh Cao Đài cùng các bậc chức sắc Đại Thiên Phong tiền bối đã để nhiều tâm huyết trong việc giáo dục con em nhà Đạo, ngõ hầu đào tạo nhiều nhân tài có đủ khả năng trình độ, đạo đức để giúp ích cho Đạo và Đời. Trong công cuộc giáo dục đào tạo nhân tài ấy, Hội Thánh đã tạo lập trường Đạo Đức Học Đường, sau này có thêm trường Trung Tiểu học Lê Văn Trung cũng như các Học đường tại các Châu Đạo, Tộc Đạo địa phương, các trường Minh Đức Tân Dân (quen gọi là trường Đại Đồng).
Hình ảnh Viện Đại Học Cao Đài khi đang được xây dựng.
 
Khi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cầm giềng mối Đạo, Thánh ý của Đức Ngài muốn đào tạo trình độ nâng cao hơn nữa, vì lúc này các trường của Đạo chỉ mới giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học. Do đó, trong tiến trình kiện toàn và phát triển đạo Cao Đài, Đức Phạm Hộ Pháp khi quy hoạch vùng Châu Thành Thánh Địa Tây Ninh, đã chỉ định một khu đất rộng 7 mẫu nằm trên đường Ca Bảo Đạo (ngoại ô Tòa Thánh Tây Ninh) để xây cất ngôi trường giảng dạy bậc đại học với tên gọi Đạo Đức Đại Học Đường, đó chính là tên gọi cũng như là bước đầu tiên trong việc hình thành Viện Đại Học Cao Đài sau này. Tuy nhiên, vì lý do thời cuộc mà ý định của Đức Phạm Hộ Pháp vẫn chưa thực hiện được cho đến tận lúc Đức Ngài triều thiên vào năm 1959. Khi Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang lên chấp chưởng Đạo quyền sau khi Đức Hộ Pháp triều thiên, Đức Ngài đã tiếp tục xúc tiến công cuộc xây dựng Viện Đại học Cao Đài theo Thánh ý của Đức Phạm Hộ Pháp lúc sanh tiền.
Ngày 8 tháng 8 năm 1970, phiên nhóm của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tại Giáo Tông đường dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Sanh thảo luận việc xây cất ngôi Đại Học Đường. Ngày 14 tháng 9 năm 1970, tại Đại hội Hạ Bán Niên của Hội Thánh Cửu Trùng
Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang ( áo trắng )
 
Đài, việc xây cất Đại Học Đường tiếp tục được đề cập với toàn hội. Đến ngày 3 tháng 12 năm 1970, phiên nhóm của Hội Thánh lưỡng đài Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện đồng quyết nghị thành lập Viện Đại học Cao Đài. Nhưng chỉ mới vừa thành lập Ban nghiên cứu kế hoạch xây cất Đạo Đức Đại Học Đường ngày 06 tháng 12 năm Canh Tuất (dl: Thứ Bảy, 02–01–1971) thì Đức Cao Thượng Sanh cũng đăng Tiên không lâu sau đó. Sau cuộc lễ Thánh tang Đức Cao Thượng Sanh, Hội Thánh lúc này do ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức - Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài cầm giềng mối Đạo đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng Viện Đại Học Cao Đài để hoàn thành Thánh ý của Đức Hộ Pháp cũng như hoài bão lúc sanh tiền của Đức Thượng Sanh trong việc kiến tạo nhơn tài cho đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Hội Thánh cùng sự chung tay của toàn đạo và sự giúp sức các vị nhân sĩ trí thức, cuối cùng Viện Đại học Cao Đài cũng được thành lập theo giấy phép số: 7999/GD/VP ngày 29–09–1971 của bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa với hai phân khoa: Nông lâm mục và Thần học Cao Đài giáo, đích thân Tổng trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh lên Tòa Thánh Tây Ninh để trao văn kiện thành lập Viện
 
Đại học Cao Đài ngay ngày hôm sau 30–09–1971. Đến ngày 24–11–1971, bộ Giáo dục đã bổ túc giấy phép số 9335/GD lập thêm phân khoa Sư phạm gồm 2 ngành: Văn khoa và Khoa học. Ngày 13 tháng 11 năm 1971, Hội Thánh Cửu Trùng Đài ra Thông tri số 271/TCPS-TT kêu gọi toàn đạo chung tâm xây dựng Đại Học Đường, hầu tạo nhơn tài trong tương lai cho đạo.
Ngày 27 tháng 11 năm 1971, ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức - Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài ban hành Thánh lịnh số 19/TL/HP.QCQ thành lập Hội đồng Quản trị Viện Đại học Cao Đài.
 
Ngày 12 tháng 12 năm 1971, ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức - Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài ban hành Thánh lịnh số 1/TL/HP.QCQ thành lập Ban Giám đốc điều khiển viện Đại học Cao Đài.
 
Kỳ thi tuyển sinh viên đầu tiên được tổ chức tại trường Trung - Tiểu học Đạo Đức Học Đường ngày 20–12–1971 với 367 thí sinh dự tuyển, nhập học ngày 28-12- 1971 (đến năm 1974 thì viện đã có trên dưới 1.100 sinh viên). Để kịp khai giảng năm học 1971-1972, Hội Thánh quyết định thiết kế nhà Hội Vạn Linh trong nội ô Toà Thánh Tây Ninh tạm làm Viện Đại học Cao Đài. Lễ đặt viên gạch đầu tiên khởi công xây cất tòa nhà Viện Đại học Cao Đài diễn ra vào ngày 09 tháng 01 năm Nhâm Tý (dl 23–02–1972) với ngân khoảng dự trù 400 triệu đồng, tại khu đất có diện tích 7 mẫu trên đường Ca Bảo Đạo mà Đức Phạm Hộ Pháp đã chỉ định trước đó, trong đó diện tích xây viện là 19.500 mét vuông. Kể từ đây ở Tây Ninh, Cao Đài giáo đã có Viện Đại học Cao Đài gần kề với biên giới Campuchia để mở ra ánh sáng giáo dục cho người dân nghèo ở các tỉnh miền Trung, miền Đông. Hội Thánh hết sức tạo điều kiện cho sinh viên với mức học phí thấp và cấp nhiều suất học bổng cho các sinh viên xuất sắc. Mỗi năm sinh viên chỉ phải đóng học phí là 25.000 đồng. Những sinh viên nghèo có thể ăn cơm miễn phí tại trai đường Tòa Thánh.
 
Khi biến cố 30/4/1975 xảy ra, Viện Đại học Cao Đài cùng chịu chung số phận như các Viện đại học tư thục khác ở miền Nam là bị buộc phải đóng cửa và bàn giao cho chính quyền mới. Ngày 19/5/1975, một buổi lễ bàn giao chưa đầy 10 phút đã diễn ra với sự hiện diện của ngài Bảo Học Quân Nguyễn Văn Lộc - Quyền Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm - Phụ tá Viện trưởng và Tiến sĩ Mai Thanh Truyết - Giám đốc học vụ với đại diện của chính quyền. Trên chuyến xe về lại Sài Gòn ngài Bảo Học Quân Nguyễn Văn Lộc đã bị chặn xe bắt đưa đi cải tạo gần mười năm vì ngài là chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài cũng như là cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà.
Hiện nay, Viện Đại học Cao Đài khi xưa đã trở thành trường THPT Lý Thường Kiệt tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
 
PHỤ LỤC:
TỔ CHỨC VIỆN ĐẠI HỌC CAO ĐÀI
A - HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
I - Thành phần:
Viện đặt dưới sự điều hành của một Viện trưởng, được bổ nhiệm bởi ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức - Quyền Chưởng quản HTĐ theo sự bầu cử của Hội đồng Quản trị, có một ban Cố vấn Bảo trợ giúp ý kiến chuyên môn và bảo trợ về tài chánh.
Thành phần Hội đồng Quản trị chiếu theo Thánh lịnh số 19/TL/HP.QCQ như sau:
- Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi: Chủ tịch.
- Giáo sư Trần Văn Tấn: Phó chủ tịch.
Hội viên gồm có: Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa,
Hiến Đạo Phạm Văn Tươi, Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, Quyền Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tửng Thanh, Thừa Sử Lê Quang Tấn và Viện trưởng Viện Đại học.
 
II - Thẩm quyền:
Hội đồng Quản trị có các thẩm quyền sau:
- Ấn đinh chánh sách và kế hoạch phát triển viện.
- Ấn định tổ chức các cơ quan của viện
- Ấn định quy chế nhân viên giảng huấn của viện
- Đề nghị việc bổ nhiệm hoặc giải nhiệm
Viện trưởng và Ban Cố vấn Bảo trợ:
- Thỏa hiệp việc bổ nhiệm hoặc thăng thưởng các nhân viên của viện.
- Kiểm soát việc quản trị nhân viên của viện.
- Cứu xét dự án ngân sách và chương trình hoạt động hằng năm của viện.
- Kiểm soát việc thi hành ngân sách của viện.
- Tìm tài nguyên và quản trị tài sản của viện.
- Quyết định các việc đầu tư tài chánh
- Thay mặt viện để vay tiền và trả nợ trong khuôn khổ pháp định.
- Nhận các khoản trợ cấp của Hội Thánh, chính quyền hay các cơ quan khác trong nước và ngoại quốc sinh tặng hoặc di tặng.
- Phúc trình hằng năm cho Hội Thánh.
- Ấn định nội quy của viện.
 
B - BAN GIÁM ĐỐC.
I - Thành phần:
Thành phần của Ban giám đốc điều khiển viện gồm:
- Viện trưởng.
- Cố vấn viện trưởng.
- Khoa trưởng Sư phạm.
- Khoa trưởng Nông lâm mục.
- Phụ tá viện trưởng.
- Tổng thơ ký.
 
II - Nhiệm vụ:
a .- Viện trưởng có nhiệm vụ tổ chức viện, điều hành tổng quát và tìm mọi biện pháp hữu hiệu để phát triển cơ sở viện. Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản trị.
b. - Phụ tá viện trưởng giúp viện trưởng trong các vấn đề được giao phó như giao tế,
giảng huấn, sinh viện vụ v.v...
c. - Các Khoa trưởng do viện trưởng bổ nhiệm có phận sự điều khiển trực tiếp Phân khoa liên hệ.
d. - Tổng thơ ký điều hành cơ quan hành chánh của viện. Gồm có hai ban: Giám đốc Hành chánh và Giám đốc Học vụ.
(Phụ tá Viện trưởng, Khoa trưởng và Tổng thơ ký bổ nhiệm bởi Chủ tịch Hội đồng Quản trị chiếu đề nghị của Viện trưởng).
 
C - BAN CỐ VẤN BẢO TRỢ.
I - Thành phần:
Ban Cố vấn Bảo trợ (được bổ nhiệm bởi Hội đồng Quản trị) gồm có các vị Chức sắc Hội Thánh Cao Đài, các thân hào nhân sĩ thuộc đủ mọi giới, có nhiệt tâm thiện chí trong vấn đề phát triển giáo dục cũng như lo lắng đến việc đào tạo các thế hệ tương lai.
Khi mới thành lập Ban Cố vấn Bảo trợ gồm có:
- Quí Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch và Bảo Y Quân Trương Kế An, Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Nhượn Thanh, Quyền Thái Chánh Phối Sư Thái Hiểu Thanh, Chơn Nhơn Lê Văn Trung - Chưởng quản Phước Thiện, Chưởng Ấn Nguyễn Văn Hội, Cải Trạng Nguyễn Văn Kiết, Giáo Hữu Thái Cá Thanh.
- Các vị Dân biểu: Trần Văn Tuyên - cựu Phó thủ tướng VNCH, Hồ Ngọc Cứ.
- Các vị Nghị sĩ: Hồng Sơn Đông, Nguyễn Hữu Lương - nguyên là Ngọc Giáo Hữu,
Võ Văn Truyện - Phó Chủ tịch Thượng viện VNCH, bác sĩ Nguyễn Duy Tài.
- Các vị Kỹ sư: Tôn Thất Trình - cựu Tổng trưởng Canh nông, Lâm Văn Trí - cựu Uỷ viên Canh nông, Trương Canh Thân, Võ Văn Nhung - cựu Thứ trưởng Công Kỹ Nghệ.
- Các vị Giáo sư: Tăng Kim Đông - cựu Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục, Nguyễn Văn Trường - cựu Tổng trưởng Giáo dục, Trần Cửu Chấn - cựu Tổng trưởng Giáo dục.
- Và các vị: Đạo hữu Tam Đức - Chủ nhiệm kiêm chủ bút nhựt báo Tiếng Việt, Đạo hữu Lê Văn Bá - Tổng giám đốc hãng Kyxaco, Đỗ Vạn Lý - cựu Đại sứ tại Hoa Kỳ, cụ Trần Văn Quế - giảng sư Đại học Văn khoa Sài Gòn và Vạn Hạnh, Trần Khắc Tính - Tổng giám đốc liên vận bảo hiểm Hội đồng Kinh tế Xã hội, Bùi Văn Quang - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kiêm Tín hãng, Nguyễn Thị Vui - Luật sư Tòa Thượng thẩm, Hồ Văn Huê - Tổng giám đốc vận tải bảo hiểm Hội đồng Kinh tế Xã hội.
 
II - Nhiệm vụ;
Ban Cố vấn Bảo trợ gồm nhiều nhân vật có tiếng tăm trong các giới, có nhiệm vụ tổng quát:
- Cố vấn chuyên môn về các vấn đề điều hành và phát triển viện.
- Bảo trợ về phượng diện tài chánh, trang bị.
 
* Trích báo:

*   *   *

1 - Vài định nghĩa danh từ:
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa vài từ ngữ liên quan đến đề tài như: Vũ trụ, Càn khôn, thế giới, Càn khôn Vũ trụ,. . .
Vũ trụ là gì ? Lục Cửu Uyên là nhà nho Trung Hoa sống vào khoảng thế kỷ 12 đã định nghĩa vũ trụ như sau:
“Thượng hạ tứ phương viết vũ,
Cổ vãng kim lai viết trụ”
Tức là: Bốn phương trên dưới gọi là vũ, xưa qua nay lại không cùng gọi là trụ.
Chữ bốn phương trên dưới ở đây chúng ta nên hiểu là không gian vô tận, không biết đâu là bờ bến.
Vậy vũ trụ chỉ khoảng không gian vô cùng, vô tận và khoảng thời gian vô thỉ, vô chung.
Càn khôn: là trời đất. Tên hai quẻ trong bát quái đồ chỉ trời và đất. Trên quả Càn khôn tại Tòa thánh, trời chỉ các cõi thanh nhẹ như Tam thập lục thiên, và đất chỉ các cõi hữu hình như Tam thiên thế giới và Thất thập nhị địa. . .
Thế giới: cõi đời nầy, chỉ trái địa cầu mà ta đang sống hoặc những trái địa cầu khác có nhân loại sinh sống dầu hữu hình hay vô hình như: Tam thiên thế giới, Cực lạc thế giới,. . .
Càn Khôn Vũ Trụ: CKVT là khoảng không gian bao la trong đó có nhiều quả tinh cầu, gồm: mặt Trời, mặt trăng, trái đất, tinh tú, chuyển động xoay vần không ngừng, cái qua cái lại, cái lên cái xuống, nhịp nhàng theo một trật tự vô cùng huyền diệu, suốt trong thời gian từ lúc thành lập cho đến vô cùng tận.(Cao Đài Từ Điển)
Vũ trụ quan là quan niệm về sự phát khởi, hình thể, vận động . . .của càn khôn vũ trụ như thế nào.
 
2 - Phân biệt Càn Khôn Vũ Trụ và Càn Khôn Thế Giái:
Qua Thánh giáo của Đức Chí Tôn cùng các Đấng Thiêng Liêng, chúng ta biết được vũ trụ quan Cao Đài thật vô cùng đặc biệt. Ở đây chúng ta không cần dẫn chứng dài dòng mà bắt đầu bằng bài Thánh giáo Đức Chí Tôn dạy ngài Phối Sư Thái Bính Thanh tạo quả Càn khôn để thờ nơi Đền Thánh như sau:
“Bính, Thầy giao cho con lo một trái Càn Khôn, con hiểu nghĩa gì không ? Cười. . . .một trái như trái đất tròn quay hiểu không? Bề kính tâm ba thước ba tấc nghe con, lớn quá mà phải vậy mới đặng vì là cơ mầu nhiệm tạo hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời, cung Bắc đẩu và tinh tú vẽ lên Càn Khôn ấy. Thầy kể Tam Thập Lục Thiên, Tứ Đại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại Thất Thập Nhị Địa và Tam Thiên Thế Giới thì đều là tinh tú.
Tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao, con biểu phải vẽ lên đó cho đủ. Con giở sách thiên văn tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc đẩu con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc đẩu vẽ con mắt Thầy; hiểu chăng ? Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai đúc trong một ngọn đèn cho nó thường sáng, ấy là lời cầu nguyện rất quý báu cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới đó. . .”
Trên quả Càn khôn nầy gồm tất cả các vì tinh tú có hình thể hữu vi là:
Thất Thập Nhị Địa và Tam Thiên Thế Giới, Ngoài ra có thêm hai cõi vô hình là:
Tứ Đại Bộ Châu và Tam Thập Lục Thiên để cho các chơn hồn tấn hóa từ thấp đến cao cư ngụ.
Ngoài ra qua Kinh Thiên Đạo, chúng ta còn biết thêm mười hai tầng Trời tức là Thập Nhị Thiên trong đó có Cửu Trùng Thiên là nơi dành cho Các Đấng Thiêng Liêng làm việc, điều khiển càn khôn thế giới và giúp cho sự tiến hóa của chúng sanh. . .
Tất cả các Thế giới và các Cõi Trời nầy được Đức Chí Tôn gọi là Càn Khôn Thế Giới như đoạn Thánh giáo trên. Hiện nay Càn Khôn Thế Giới nầy đang dưới quyền cai quản của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Theo một bài thi của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn cho Đức Hộ Pháp thì trong vũ trụ nầy có rất nhiều Càn Khôn Thế Giới và có cái lớn và có cái nhỏ nhưng đều có loài vật sinh tồn:
……………………………………
“Theo tôi nghĩ  thế giới mình,
Ngoài ra còn có lắm hình càn khôn.
Nhiều thế khác biệt phân lớn nhỏ,
Sinh tồn loài vật  rõ  y nhau”.
 
Đức Hộ Pháp cũng có thuyết đạo vào ngày 29 tháng 4 năm inh Hợi (1947) có đoạn:
“. . .Ðức Từ Phụ là Phật, Ngài muốn cho con cái cũng thành Phật. Ðặng đạt quyền năng bí mật như Ngài, rồi lập ra một Càn Khôn Thế Giới khác. Luật thiên nhiên một ông Cha tạo nghiệp, thì con theo nghiệp Cha mà tạo ra sự nghiệp khác nữa.
Tuy trong buổi Tam Kỳ Phổ Ðộ, Bần Ðạo biết mở Ðạo Cao Ðài đặng tuyển chọn trong hàng Phật đạt kiếp từ tạo Càn Khôn Thế Giới đến kế vị Ngài. Trong buổi Ðại Từ Phụ mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có treo bảng ở Ngọc Hư Cung, lập một ông Trời kế vị Ngài, nhưng chúng ta thấy trong hàng Phật có ba người:
1-Phật Thích Ca, 2-Phật Di Lặc, 3-Ðức Chúa Christ,
Thử hỏi ba người ai sẽ làm Trời. Ta tưởng ba người sẽ có một người làm được, mà người đó chúng ta biết chắc có, tuy không quyết đoán trước đặng, chúng ta mơ màng ngó thấy nhưng không dám nói. Hễ Ðấng nào đủ quyền năng trị thế, tinh thần cho cao trọng thâu phục cả tâm lý nhơn sanh vào khuôn Ðại Ðạo, gồm tinh thần tư tưởng loài người lại được, thì Ðấng ấy sẽ kế nghiệp Ðức Chí Tôn”.
Như vậy theo lời Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn và Đức Hộ Pháp, ta đã nhận ra rằng trong Càn Khôn Vũ Trụ có rất nhiều Càn Khôn Thế Giới do Đức Chí Tôn cai quản và khi trong một Càn Khôn Thế Giới mà có một chơn linh nào cao trọng, đủ quyền năng trị thế thì Đức Chí Tôn sẽ nhường quyền cho cai trị Càn Khôn Thế Giới đó hoặc vị ấy có thể lập ra một Càn Khôn Thế Giới khác nữa.
Điều lưu ý là Càn Khôn Thế Giới chỉ gồm những địa cầu hay cõi trời có nhân loại hay chư Thần Thánh Tiên Phật cư ngụ còn Càn Khôn Vũ Trụ bao gồm cả những địa cầu không có sự sống, . . .
Trở lại lời thuyết giảng trên của Đức Hộ Pháp, Càn Khôn Thế Giới chúng ta hiện nay có ba vị Phật có thể kế nghiệp Đức Chí Tôn và Đức Ngài còn tiên đoán “Đấng nào có đủ quyền năng trị thế, tinh thần cho cao trọng thâu phục cả tâm lý nhơn sanh vào khuôn Đại Đạo, gồm tinh thần tư tưởng loài người lại được thì Đấng ấy sẽ kế nghiệp Đức Chí Tôn”. . . tức là Đấng nào thực hiện thành công cơ qui nguyên phục nhứt cả loài người vào khuôn Đại Đạo. Đức Ngài hỏi nhưng tức là đã trả lời rồi vì chúng ta đều biết vị Phật nào có sứ mạng “thâu các đạo hữu hình làm một”, “tạo đời cải dữ ra hiền”. . .
 
3 - Đấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế là Đấng duy nhứt cai quản cả Càn Khôn Vũ Trụ:
Thánh giáo Đức Chí Tôn:
"Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn Khôn Thế Giới. Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là chúng sanh." (TNHT. II. Trg 62)
Đoạn Thánh giáo trên xác nhận Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế là Đấng duy nhứt chưởng quản ngôi Thái Cực duy nhứt.
Bài Ngọc Hoàng Kinh bắt đầu bằng 2 câu:
“Đại La Thiên Đế,
Thái Cực Thánh Hoàng”
Đại La là tấm lưới lớn, tức là Càn Khôn Vũ Trụ như một tấm lưới vĩ đại, mỗi mắt lưới là một Càn Khôn Thế Giới liên kết vận hành nhịp nhàng với nhau. Tất cả mạng lưới vũ trụ do một Đấng Vua Trời Chí Tôn cai quản. Thái Cực Thánh Hoàng là chỉ vị Vua Trời duy nhứt mà thôi.
Đức Hộ Pháp cũng thuyết nhân dịp Vía Đức Chí Tôn năm Nhâm Thìn (1952):
“…Ðức Chí Tôn chúng ta đã gọi là Ngọc Hoàng Thượng Ðế; Ðấng Thượng Ðế dầu cho các nước, các sắc dân tộc trên mặt địa cầu nầy có đặt tên của Ngài khác nhau nhưng Ðấng làm chủ quyền Tạo Ðoan Càn khôn Vũ trụ, tạo đoan thi hài và hồn phách của ta”.
Trong TNHT, Đức Chí Tôn cũng có dạy rằng “Dầu một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm mà không tu cũng khó trở lại địa vị đặng”. Đại La Thiên Đế trong trường hợp nầy chỉ một vị Thiên Đế cai quản một mạng lưới nhiều địa cầu thí dụ như Thất Thập Nhị Địa,. . .
Phần Kết: Đạo Cao Đài là một tôn giáo Nhất Thần, tôn thờ Đấng Thượng Đế toàn năng, Ngài ban cho sự sống của cả chúng sanh, muôn loài vạn vật và là chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật trong muôn ngàn Càn Khôn Thế Giới được vận hành nhịp nhàng, huyền diệu trong vũ trụ bao la không bờ không bến.
Bài viết ngắn nầy chỉ là một góc nhìn vào vũ trụ quan Cao Đài. Còn nhiều vấn đề ta chưa thể hiểu hết thí dụ như câu Thánh giáo sau:
“Thầy đã nói đạo đức cũng như một cái thang vô ngằn bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao, tối trọng là ngang bực cùng Thầy hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa”.(TNHT, Q1, trang 61).
Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa là sao ?
Tại sao trên Quả Càn Khôn Thầy dạy vẽ hình Thiên Nhãn trên sao Bắc Đẩu ?
Chúng ta chưa có câu trả lời nào chính xác cả.
Những điều chúng ta học hỏi được từ Thánh giáo và Lời thuyết đạo Đức Hộ Pháp, nhưng có khi sự suy luận của chúng ta còn khiếm khuyết, cần phải được bổ túc qua thời gian cũng như cần sự góp ý của nhiều người để nền tảng giáo lý ngày được hoàn chỉnh hơn./.
* HT Mai Văn Tìm
(Sưu khảo, 2-2020)
 Home          Mục Lục [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9]