Năm Ất Sửu (1925), Đức Chí Tôn đã đến
trần gian dùng huyền dịêu cơ bút dạy Đạo. Năm sau, Bình Dần
(1926) Đức Chí Tôn khai mở Tam Kỳ Phổ Độ. Đến nay, mùa Xuân Tân Sửu
(2021) đã đánh dấu 96 năm Đức Chí Tôn đến dạy Đạo cũng như kỷ niệm
95 năm khai mở Đạo Cao Đài.
Đức Chí Tôn có dạy
rằng: "Trong các con, có nhiều đứa lầm tưởng, hể vào Đạo thì phải phế hết
nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ
u nhàn mà ẩn thân luyện đạo. Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ,
nhân sự chưa xong, thì không thể nào các con luyện thành đặng đâu mà mong. Vậy
muốn đắc quả thì chỉ có một điều là Phổ Độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng
thế này thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu
cũng có thể đạt địa vị tối cao".
Khai mở Tam Kỳ
Phổ Độ, thời kỳ Đại Ân Xá Kỳ Ba, Đức Chí Tôn ban ơn huệ lớn lao bằng cách
tha thứ tội lỗi cho những kẻ có tội, miễn cho môn luyện đạo nơi Tịnh Thất, nên
trong thời kỳ nầy, người tín đồ Cao Đài chỉ cần đủ Tam Lập là đắc đạo.
Muốn hưởng được
sự ân xá nầy, mỗi người chúng ta phải biết thành tâm hối lỗi, ăn năn sám hối tội
tình, cải tà qui chánh, lập lời Minh Thệ, nhứt quyết tu hành, lập công bồi đức.
Những tội lỗi đã chồng chất từ nhiều kiếp trước được Ơn Trên cất giữ lại (không
đem ra trừng phạt) và cho chúng ta làm một tân dân (người dân mới) trong cửa Đạo,
nhờ vậy người nhập môn hành đạo rảnh nợ tiền khiên, chỉ lo trau giồi Đạo hạnh,
lập công bồi đức, để sau cùng lấy công đức trừ dứt tội tình, thì có thể đắc đạo
trong một kiếp tu.
Đức Chí Tôn
khai mở Tam Kỳ Phổ Độ ngày 15-10-Bính Dần (1926) là ngày khởi đầu thời
Đại Ân Xá Kỳ Ba và Đức Chí Tôn đã ban cho toàn nhơn loại các đặc ân nầy.
Muốn định Thiên
Vị của mình, quyền Thiêng Liêng đã buộc. Buộc hẳn mà chớ, phải có Tam Lập của
mình mới được, gọi là nhơn luân. Nếu người nào không có Tam Lập thì không có ở
chung với ai được hết, chính mình đối với Thánh Thể hữu vi của Đời, tức nhiên
là Thể Pháp mà không có bằng cớ chi hết thì ai tin rằng có Bí Pháp để đạt
Pháp, đạt Đạo.
Trong kỳ Đại Ân
Xá nầy, Đối với nhơn sanh trong thời Hạ Nguơn Mạt Kiếp, và cũng do sự mơ ước của
nhơn sanh nên Đức Chí Tôn cũng mở ra một con đường tu luyện gọi là con đường thứ
ba của Đại Đạo, bằng cách trao Bí Pháp Luyện Đạo cho Đức Hộ Pháp để Ngài truyền
lại cho những tín đồ nào có đủ Tam Lập trong việc phụng sự chúng sanh. Bí
Pháp luyện đạo được thực hành trong Tịnh Thất.
Vậy thì Tam
Lập là gì? Tam Lập là: Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn, con người khi sanh ra mặt
địa cầu này không có Tam Lập thì giá trị con người không có gì hết. Tam Lập ấy
quyết định cho ta, ta phải có mới sống chung với xã hội nhơn quần được.
Đức Hộ Pháp giảng
về Tam Lập Đạo Cao Đài như sau: "Mình học để biết Đạo là Lập Đức, nói
Đạo cho thân tộc mình biết là Lập Công, độ toàn nhơn loại là Lập Ngôn. Có làm đủ
ba điểm đó mới về được với Đức Chí Tôn bằng con đường Cửu Thiên Khai Hóa".
Lập Đức thì phải
nhớ đạo lý. Lập Công thì phụng sự nhơn sanh. Lập Ngôn thì để hết trí óc tìm hiểu
về triết học tinh thần, tìm tòi mọi lẽ cao sâu để thuyết minh Chánh giáo.
Phương pháp Tam
Lập, nói rõ ra là chỉ đem mảnh thân nầy làm tế vật cho hay phục vụ Đức Chí
Tôn đặng phụng sự nhơn loại.
Nói về Thể Pháp
chúng ta may mắn làm sao, muốn cho chúng ta Lập Đức chính mình Đức Chí Tôn đã
cho chúng ta mượn danh thể của Ngài, chúng ta đã làm Thánh Thể của Ngài nơi mặt
thế của Ngài.
Lập Đức: đây là quyền lực về phương pháp Lập Đức
đối lại với cảnh Thiêng Liêng là mua ngôi vị của chúng ta đó vậy. Chúng ta
phải thấu hiểu rỏ các giáo lý, Thánh Ngôn, Thánh Giáo mà Đức Chí
Tôn và các Đấng Thiêng Liêng dạy và theo đó hành Đạo theo Luật Yêu
Thương và Quyền Công Chánh.
Lập Công: là Ngài đã tạo hình thể của Ngài, tức
nhiên Đền Thánh đó là Đền thờ hữu hình của Ngài để tại mặt thế này. Chúng ta phải
Lập Công với sanh chúng tức nhiên Lập Công cùng con cái của Ngài tức phục sự
nhân sanh. Ngài để cho chúng ta Lập Công chớ không phải làm nô lệ cho ai tất cả.
Chúng ta thấy Ngài phụng sự cho con cái của Ngài, chúng ta Lập Công là tạo danh
thể của Ngài, do Lập Công mà ra.
Lập Ngôn: Đức Chí Tôn chính mình Ngài đến, Ngài
phải làm, dùng huyền diệu Cơ, bút, viết dạy chúng ta từ lời nói, việc làm; từ
tánh đức, từ đạo lý. Còn Ngôn, có Ngôn gì hơn Ngài nữa, để cả các Thể
Pháp đặng chúng ta định vị chúng ta hay lập vị ỏ hửu hình, chính tay Ngài
cho chúng ta mượn cả thảy.
Trong cửa Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có ba cách qui hồi cựu vị hay trở về cựu vị (Phản
Bổn Hoàn Nguyên) với Đức Chí Tôn hay là có ba con đường để lập vị mình:
Con đường
thứ nhất là Cửu Trùng Đài: là theo phẩm trật Cửu Thiên Khai Hóa (Cửu Phẩm Thần Tiên),
tức là theo đường Cửu Trùng Đài, dùng tài sức mình Lập Công để lập vị, đoạt
Đạo. Phải Lập Công trong Tam Thừa từ Tiểu Thừa, Trung Thừa đến Thượng Thừa; phải
ăn chay, rồi ăn chay trường khi phế Đời hành Đạo, phải tu thân, phục vụ
nhân sanh. Các tín đồ đi theo phẩm trật Cửu Thiên Khai Hóa còn phải có tự tín
rồi tha tín. Có tự tín rồi tha tín tức là có tự độ mình rồi độ chúng sanh. Đạo
Cao Đài khác với các Tôn Giáo khác là ở chỗ đó, trước hết phải độ mình, độ gia
đình mình rồi độ ngoài thân tộc, tức là độ cả nhơn loại vậy; mình phải học để
mình hiểu Đạo. Hiểu Đạo rồi, nói sao cho thân tộc mình hiểu Đạo, chẳng những
nói Đạo cho thân tộc mình biết mà thôi, mà phải nói Đạo cho toàn nhơn loại nữa
là lập ngôn.
- Mình học để biết
Đạo là Lập Đức,
- Nói Đạo cho
thân tộc mình biết Đạo là Lập Công,
- Độ toàn nhân
loại là Lập Ngôn.
Có làm đủ ba điểm
đó mới về được với Đức Chí Tôn bằng con đường Cửu Thiên Khai Hóa.
Con đường
thứ hai là Phước Thiện:
là lập vị mình theo Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng tức là theo Hội Thánh Phước
Thiện, nơi đây ngoài việc ăn chay giữ gìn luật Đạo tùng theo chơn pháp của Đức
Chí Tôn còn phải dùng Đức để lập vị mình. Là dùng sự thương yêu để cứu độ chúng
sanh mà Đức Chí Tôn đã dạy "Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc
Kinh". Con đường tu này chủ yếu về phần Lập Đức.
Người đi theo Thập
Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng là dạy người ta thọ khổ để thắng khổ. Muốn dạy người
ta thọ khổ trước hết thì mình phải thọ khổ đã, muốn thọ khổ thì không gì hay bằng
dùng luật Thương Yêu. Cho nên bậc thứ nhất của Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng
là Minh Đức đó vậy. Có thương yêu mới thọ khổ được, ta thương những người cô thế
tật nguyền ta mới tầm phương giúp đỡ họ, mà tầm phương giúp họ là thọ khổ đó vậy.
Thọ khổ rồi mới
thắng khổ, thọ khổ không phải một ngày, một bữa, mà phải thọ khổ cho đến nơi đến
chốn. Hai điều đó còn dễ, đến lo cho thiên hạ hết khổ mới khó. Tiếp tục
phụng sự nhân sanh hết người này đến người khác và cứ như vậy trọn kiếp sanh
mới gọi là thắng khổ. Có thắng khổ mới về được với Đức Chí Tôn bằng con đường
Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng
Con đường
thứ ba là Tu Chơn: là
cách Tu Chơn hay là Tịnh Luyện cũng thế. Những người lập vị trong Cửu Phẩm
Thần Tiên hay trong Thập Nhị Đẳng Cấp Thiêng Liêng, khi mình nhận thấy là đã
đủ Tam Lập tức Lập Đức, Lập Công và Lập Ngôn rồi. Hay là đã thọ khổ và thắng
khổ rồi mà còn sức nữa, thì vào nhà Tịnh để được Tu Chơn. Nơi đây các vị đó sẽ
được học phương pháp luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, tức là Tinh Khí Thần
hiệp nhứt chính là Hườn Hư đó vậy.
Con đường Tinh
Luyện hay Tu Chơn là con đường đi tắt trong kiếp sanh, dĩ nhiên Chơn Thần xuất
ngoại xác thân được thì phải trở về được và sống trọn kiếp người của mình theo
đúng Thiên ý. Nếu như ở con đường thứ nhứt và thứ hai, người ta có thể lầm lạc
chạy theo danh, lợi, quyền trong tôn giáo, nhầm lẫn phương tiện với cứu cánh,
làm biến tướng nền Chơn Giáo thành Tả Đạo Bàn Môn, thì ở con đường thứ ba nầy
nhầm lẫn chính là ảo tưởng và ảo giác rất là tinh vi.
Những tín đồ
muốn đủ Tam Lập thì phải trải qua một thời gian phụng sự vạn linh, tức là phải
làm công quả phổ độ.
Đức Chí Tôn
dạy: "Trong Thánh Ngôn đề trái địa cầu là 68, mà nếu cả Cửu Phẩm Thần
Tiên mỗi kiếp sanh đi có một phẩm, thì cả triệu năm cũng chưa đoạt đến địa vị đặng…
Các con, trong một kiếp sanh đã đoạt pháp là vì các con đi con đường tắt, đó là
Bí Pháp Chơn Truyền của Đạo là Con đường thứ ba Đại Đạo hay Tu Chơn".
Pháp Chánh Truyền
qui định các Tịnh Thất đặt dưới sự trông coi của vị Thượng Phẩm, Chưởng Quản
chi Đạo, Hiệp Thiên Đài. Trong luật của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ các sinh hoạt
về khoa tịnh luyện, thiền định nằm ở Hiệp Thiên Đài nghĩa là vị Chưởng Quản Hiệp
Thiên Đài. Hộ Pháp chịu trách nhiệm tối cao về việc truyền bí pháp hướng dẫn những
sinh hoạt công phu, tịnh luyện, thiền định của người tu tập. Vị chức sắc phải
chịu trách nhiệm trực tiếp là Thượng Phẩm.
Nhưng trước khi
được vào Tịnh Thất luyện đạo, người tu chơn phải trải qua thời kỳ hành đạo cho
đủ Tam Lập. Nếu không đủ Tam Lập thì không thế nào luyện cho đắc đạo. Đức Hộ
Pháp giảng như sau:
"Ai
không xuất thân hành đạo, nghĩa là không có công phổ độ thì không vào tịnh được,
vì không đủ Tam Lập. Trước khi xin vào Tịnh Thất, phải nạp tất cả giấy tờ hành
đạo, lai lịch từ thuở nhỏ đến trưởng thành, ở ngoài đời và trong cửa Đạo
không có án tiết, trọn tùng luật pháp đạo và trường chay, rồi giao cho Bộ
Pháp Chánh minh tra về thể pháp đủ bằng chứng. Khi minh tra đủ lẽ rồi mới
giao cho Hộ Pháp cân thần. Nếu vị nào đủ Tam Lập thì cho vào Tịnh Thất".
Bên trong Đền
Thánh Tòa Thánh Tây Ninh có 28 cột Rồng tượng trưng cho Nhị Thập Bát Tú. Các cột
Rồng sơn màu xanh, đỏ, trắng là để tượng trưng cho Ba Kỳ Phổ Độ. Tất cả 28 cột
Rồng, các Rồng đều "Hả Miệng", tại sao?
"Rồng Hả
Miệng" là tượng
trưng thời Tam Kỳ Phổ Độ bày truyền Bí Pháp ra. Đức Chí Tôn dùng huyền diệu
cơ bút kêu dạy chúng sanh làm lành, lánh dữ thực hành luật yêu thương, bác
ái công bình cho khỏi bị tội tình trầm luân khổ ải. "Rồng Hả Miệng"
để kêu chúng sanh cảnh tỉnh thế nhân hồi tâm, hướng thiện.
Từ trước đến
nay, Bí Pháp để đắc Đạo đều được giữ kín và còn cho rằng "Thiên Cơ Bất
Khả Lậu". Từ ngày khai mở Tam Kỳ Phổ Độ (Đạo Cao Đài), Đức Chí
Tôn đã dùng cơ bút dạy rõ để cho chúng sanh có thể tu luyện mà tác Tiên tác
Phật tại thế nầy. Các cột "Rồng Há Miệng" cũng còn là ý nghĩa
“Phổ Độ”, phải nói Ðạo cho chúng sanh nghe mà biết Ðạo, biết lẽ chánh lẽ tà,
biết con đường tốt đẹp nên theo. Thánh Ngôn, Thánh Giáo là một "kho
tàng giáo lý vô giá" với các lời dạy cao siêu, ẩn tàn làm "hành
trang" cho con cái Đức Chí Tôn nghiên cứu, học hỏi trên đường
phổ truyền Đạo đến thất ức niên.
Muốn lập vị
ở hửu hình thì phải Lập Đức, Lập Công, Lập Ngôn. Lập Đức thì phải nhớ Đạo
lý, là do đường Đạo lý. Lập Công thì phụng sự nhơn sanh, là do quyền Vạn
Linh định đoạt.
Lập Ngôn thì phải
để hết trí óc tìm hiểu về triết học tinh thần, tìm tòi mọi lẽ cao sâu để thuyết
minh chánh giáo. Học Đường là nơi nhân sanh học hỏi để lập Ngôn.
Chơn pháp của Đức
Chí Tôn không phải dễ dàng hiểu được, nên Ngài đã dạy trong Thiêng Liêng Hằng Sống
như vầy: "Mình phải ráng học, cần mẫn học, ấy là một điều chẳng phải dễ,
nhưng phải làm cho đặng thay thế ngôn ngữ cho Đức Chí Tôn. Đem chơn truyền của
Ngài để vào tinh thần nhân loại. Nếu mình làm không đặng thì thay thế cho Ngài
không đặng, cũng như mình làm cho Đức Chí Tôn câm sao. Mình phải làm đặng thay
thế ngôn ngữ cho Ngài. Nếu mình làm không đặng thì thay thế cho Ngài không đặng".
Nhớ lời dạy của
Đức Hộ Pháp "ta phải nói thiệt, ăn thiệt, làm thiệt. Đã không rõ Chơn
pháp, làm sao thay thế được ngôn ngữ của Chí Tôn mà bảo rằng thiệt".
Lập Ngôn thì phải
tìm tòi mọi lẽ cao sâu để thuyết minh chánh giáo, phải nói truyền Đạo cho toàn
nhơn loại hiểu nữa theo đúng nghỉa hai chử "Phổ Độ"
trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Đức Chí Tôn đã
tiên đoán từ lúc lập Đạo: "Cao Đài không chỉ mở ra tại nước Việt Nam nhỏ
bé mà sau này sẽ truyền bá giáo lý Cao Đài ra khắp năm châu để cứu rỗi nhân loại
và tạo sự hòa đồng bác ái cho cả nhân loại".
Ban Thế Đạo có
nhiệm vụ độ Đời nâng Đạo, hành sự trực tiếp với Cửu Trùng Đài về mặt chuyên môn
trong xã hội, thuộc chi Thế Hiệp Thiên Đài về mặt luật pháp chơn truyền. Phần
phần Đời thì lo việc xã hội, phước thiện; phần Đạo tu thân và phổ truyền Đạo,
giương cao Cây Cờ Cứu Thế phát triển và truyền bá nền Đại Đạo đến khắp mọi
nơi trên hoàn cầu đến thất ức niên.
Lập Công thì phụng
sự nhơn sanh, Lập Ngôn thì phải học hỏi, tìm hiểu về tinh thần triết lý,
các lời dạy của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng … rồi thuyết
giảng đến nhân sanh.
Viện Đạo Sử
Cao Đài đã được thành và hoạt động hơn năm nay. Rất nhiều tài liệu,
sách vở, bài viết nguyên thủy, hình ảnh xưa quí giá từ lúc khai
Đạo, … đã được đem vào Viện Đạo Sử để nhân sanh đọc, tham khảo.
Quỷ Khuyến
Học Cao Đài đã được thành lập nhằm phần nào giúp đỡ những con em nhà Đạo,
gặp những khó khăn trên đường học vấn.
Ban Thế Đạo,
trong tinh thần Lập Ngôn, đã phát hành nhiều bài viết rất có giá trị
về giáo lý, triết lý thần học, lịch sử, sự tìm hiểu các lời dạy ẩn
tàn trong các Thánh Ngôn, Thánh Giáo, v.v...
Đạo Cao Đài
trong tương lai, có trình bày được một nền triết lý cao siêu, có tạo được một
Triết Lý Thần Học truyền cho Đại Đạo, nhân loại hay không, điều đó còn tùy thuộc
vào việc làm, vào thiện chí và khả năng của nhiều người đóng góp lại. Như vậy,
công cuộc khảo cứu các triết lý Thần Học đòi hỏi nhiều ở khả năng chuyên
môn và sự hiểu biết sâu rộng của nhiều người về mặt Đạo. Học Viện Cao Đài
sẻ là nơi để cho nhân sanh, đồng Đạo theo đường Lập Ngôn lập vị.
Đạo Cao Đài có sứ
mệnh Thiêng Liêng cao cả, làm trung gian hiệp đồng mọi luồng tư tưởng Đông Tây
nên giáo lý Cao Đài có tính cách bao dung hòa hoãn. Trung Tâm Văn Hóa Cao Đài
(Bỉ) đã được thành lập hơn năm qua với mục đích nầy.
Hàng tuần có
khoảng 15,000 người vào các "websites" Ban Thế Đạo,
Viện Đạo Sử đọc, lấy bài viết. Đọc giả đã ghi lại các lời bình
luận đầy khích lệ cho việc làm trong phần Lập Ngôn Lập Công này.
Đức Chí Tôn có
nói: "Các con đắc đạo cùng chăng là tại phương Phổ Độ, nếu các con
không đến trường Thầy lập mà đoạt phẩm vị của mình thì chẳng đi nơi nào khác mà
đắc đạo bao giờ".
Ngày 11-12 Đinh
Hợi (dl: 21-1-1947), Đức Chí Tôn giáng cơ cho bài thi và bảo chép lại bằng
Hán văn để gởi cho vua Bảo Đại lúc Đạo trong thời bị khảo, trong đó có 2 câu
:
Quốc Đạo kim triều thành Đại Đạo,
Nghĩa là nền Quốc
Đạo Cao Đài ngày nay biến thành nền Đại Đạo cho cả hoàn cầu. Nền phong hóa của
nước Việt Nam ngày ấy sẽ biến thành nền phong hóa của nhơn loại. Thi hành chủ
trương Nho tông chuyển thế của Đạo Cao Đài, nền phong hóa của Việt Nam sẽ trở
nên vô cùng tốt đẹp, được dùng làm gương mẫu cho các nước trên toàn thế giới
noi theo.
Trân trọng,
* Quốc Sĩ
Nguyễn Thanh Bình
ĐĐTKPĐ/TTTN
Ban Thế Đạo
* * *
Thuở ấy, Tôi còn là một Đại Đạo Thanh Niên Hội tại Tòa
Thánh Tây Ninh. Mỗi khi nhớ Cha (Lễ Sanh/Ngọc Niên Thanh) đang ngồi tộc Phận Đạo
19 tại Thánh Địa. Tôi thường thăm vào chiều Thứ Sáu (6) cuối tháng, mỗi lần đi
thăm thường thảo luận về Du học sinh, ý tôi muốn từ Tây Ninh đến Phnom Penh, từ
đó làm thủ tục đi Pháp Quốc, nhưng Cha không tán thành.
Một hôm Cha nói: " - Ngày nay, Tòa Thánh cũng muốn đẩy mạnh
chương trình Du học sinh, nhưng rất giới hạn, bởi eo hẹp điều kiện tài chính.
Tuy nhiên cũng có hướng mở Đại Học Cao Đài, đào tạo nhân tài để phụng sự Đạo.
Tuy nhiên có một điều "Thiên cơ bất khả lậu" nhưng cũng đã hé cánh cửa
cho thấy. Ngày sau, trong Đạo của chúng ta sẽ có những ưu tú Tín đồ đi Du học
cùng lúc mấy mươi ngàn người, mà Đạo không phải mất đồng xu nào, cũng không cần
làm thủ tục xuất nhập cảnh, lúc bấy giờ chính con cũng được đi du học, vậy con
không cần vội."
Khi nghe Cha nói về "Thiên cơ bất khả lậu" không thể chấp
nhận được, bởi có nhiều Tín đồ thường dùng cụm từ này đệ tự biện.
Muốn cười nhưng không dám vì
sợ chữ lễ, tất nhiên Cha rất khá về khoa chiêm tinh học, cho nên tôi kể cho Cha
nghe một câu chuyện về "Thiên
cơ bất
khả lậu":
- Xưa kia, có một đạo sĩ biết
coi bói, tự xưng có thể đoán được việc 800 năm trước và 800 năm sau. Một hôm,
có ba thư sinh sắp vào kinh ứng thí đến nhờ xem cho một quẻ. Lão đạo sĩ nhắm mắt
thò ra ba ngón tay, ba tú tài không hiểu, tiểu đồng đứng cạnh giải thích:
"Ba lạng bạc, mỗi người một lạng!". Các cậu thư sinh nọ giao bạc xong
hỏi: "Lần này chúng tôi sẽ đậu mấy người?". Đạo sĩ nhắm mắt bấm đốt
tính toán hồi lâu đưa ra một ngón tay. Ba vị tú tài hỏi tiểu đồng vậy là ý gì.
Tiểu đồng sắp nói thì lão đạo sĩ trừng mắt: "Thiên cơ bất khả lậu!".
Tiểu đồng bèn ngậm miệng. Ba chàng thư sinh hỏi tới hỏi lui nhưng đạo sĩ vẫn
không chịu giải thích đành bỏ về. Đợi họ về xong, tiểu đồng hỏi thầy: "Có
phải chỉ có một người họ đậu không?" Lão đạo sĩ lắc đầu: "Con ngốc lắm!
Nếu thầy không mở mắt kịp lúc thì coi như chén cơm này bị con hất đổ rồi!".
Tiểu đồng thắc mắc: "Ban nãy thầy đưa ra một ngón tay là ý gì?". Lão
đạo sĩ giảng giải: "Họ có ba người tất cả. Nếu một người đậu thì một ngón
tay ngụ ý đậu một người; nếu hai người đậu thì một ngón tay có nghĩa là một người
rớt; nếu ba người đều đậu thì một ngón tay có nghĩa chẳng rớt một ai; nếu ba
người đều rớt thì một ngón tay nghĩa một người cũng không đậu".
Tiểu đồng cười ha hả vỗ tay: "Thưa thầy, thầy đúng là thần cơ diệu
toán. Thầy hãy dạy cho con đi. Con quyết không tiết lộ...!"
Sau câu chuyện trên, Cha cũng cười, và tha thứ, biết rằng tôi không thể tin
chuyện trên trời dưới đất.
Cha ngồi tộc tại Phận Đạo 19 được hai năm về lại Trung Tông Đạo và sau đó
làm cận vệ cho Tướng Nguyễn Văn Thành. Tôi cũng đến thăm, gặp vài vị Giáo Hữu,
xã giao đôi điều rất thân thiện, cuối cùng vị Giáo Hữu, cũng nói những lời như
Cha đã nói về mấy mươi ngàn du học sinh. Về sau tôi đến Nam Tông Đạo, Bắc Tông
Đạo cũng có người kể về câu chuyện như trên.
Riêng tôi không thể tin được vì mấy vị Chức sắc già thường mê Đạo trở thành
mê tín.
Trung Tông Đạo
Ngày tháng trôi qua câu chuyện du học xem như mộng mơ không thành, đến tuổi
phải lập gia đình, sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Câu chuyện Du học cũng
không còn nhớ đến, bởi tôi đã làm nhiều ngành nghề Nông Lâm Súc, Kinh tế và Y
khoa, mở trường Bách Khoa Bình Dân tại Phú Nhuận.
Mãi đến năm 1969. Anh Chị Em Đại Đạo Thanh Niên Hội cho biết tin, vào năm
1970 Hội Thánh chuẩn bị mở Viện Đại Học Cao Đài, khởi đầu tạm lấy Đạo sở Hội
Thánh Ngoại Giáo.
1970, Viện Đại Học Cao Đài,
trong nội ô Tòa Thánh (Hội Thánh Ngoại Giáo) [1]
Cũng cùng năm Hội Thánh xây
dựng Viện Đại Học tại khu đất mà trước đây Đức Hộ Pháp đã
chỉ định, rộng
7 mẫu nằm trên đường Ca Bảo Đạo, gần Ngả Ba Ao Hồ. (ngoại ô Tòa Thánh Tây Ninh) để xây cất ngôi
trường giảng dạy bậc đại học với tên gọi buổi
đầu "Đạo
Đức Đại Học Đường", Từ đó làm phương tiện cho tiến trình tiếp theo hình thành Viện Đại Học
Cao Đài sau này.
Ngày
8 tháng 8 năm 1970, phiên nhóm của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tại Giáo Tông đường
dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Sanh thảo luận việc xây cất ngôi Đại Học Đường.
Ngày 14 tháng 9 năm 1970, tại Đại hội Hạ Bán Niên của Hội Thánh Cửu Trùng Đài.
1972. Chính thức xây dựng Viện Đại Học Cao Đài, ngoại ô
Tòa Thánh.
Viện Đại học Cao Đài chính thức thành lập theo giấy phép số: 7999/GD/VP ngày 29-09-1971 của bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa với hai phân khoa: Nông lâm mục và Thần học Cao Đài giáo, đích thân Tổng trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh lên Tòa Thánh Tây Ninh để trao văn kiện thành lập Viện
Cho đến nay tôi hoàn toàn hối
hận không tin lời dạy của Cha và quý Chức Sắc, nếu có đôi lời xin lỗi thì đã muộn
màng, bởi quý Chức Sắc và Cha đã qua đời, chỉ còn những nén hương lòng dâng lên
cầu nguyện quý Chức Sắc an nhàn ở cùng cõi Đức Chí Tôn và Phật Mẫu.
Đến nay, tôi mới thấu hiểu
được lời Đức Chí Tôn đã tiên tri Đạo Cao Đài hợp với mọi thời đại vì "Tân luật
trong một thời gian nữa sẽ phải thay đổi cho phù hợp với dân trí".
(Pháp Chánh Truyền chú giải, Paris Gasnier 1952, tr.25), sinh động với mọi thời
đại, với mọi cuộc sống và mọi xứ sở.
" Ngày kia, Đạo sẽ xuất dương ra ngoại quốc thì sẽ có nhiều dân tộc chẳng
có thể thờ phượng như Việt Nam" (PCT, Sđd, trang 52) thì sẽ thể hiện một Đạo Cao
Đài kiểu Pháp, kiểu Mỹ…nhưng có cùng chung một giáo lý là nhìn nhận chỉ một Đấng
Cha Chung, một cộng đồng huynh đệ cùng nguồn gốc.
Từ khi Đức Chí Tôn mở Đạo đã dành cho dân tộc Việt Nam nhiều ân sủng, và ưu
ái, chỉ mới 49 năm (1926-1975) mà Cộng đồng Tín đồ Cao Đài đã hiện diện khắp
nơi trên thế giới. Đức Chí Tôn đã trao cho Cộng đồng Cao Đài một sứ mệnh trên
giá trị và điểm đứng trong không
gian tự do truyền Đạo, với những đặc thù được cấu trúc hình thành
nhân cách riêng của Cộng đồng Tín đồ Cao Đài, bởi có nhiều điểm tương đồng quyện
vào nhau cùng một giá trị, như đồng chủng tộc, đồng đức tin, cùng lịch sử hội
nhập xứ người, cùng hoàn cảnh xa quê hương, đồng hướng về Đạo-Đời tại quê
hương, ý thức hành thiện cao, tương quan giữa ân sủng và tự nhiên như "tiền
định".
Tuy nhiên chỉ còn một điểm chưa đồng thuận đó là tạo điều kiện, triển khai
một dự án truyền Đạo qua chương trình giáo dục, và đào tạo Hiền Tài, Chức việc,
v.v...
Cộng đồng Tín đồ Cao Đài hiệu hữu chưa có tiếng nói chung, bởi những sáng tạo
dự án chưa minh bạch hay tình hình liên đới chưa đảo ngược được chính lòng trắc ẩn nặng nề do những công quả
thiếu lòng tin, đôi khi bị chấn động tâm lý vì thiếu thảo luận để lấy
một quyết định chung.
Hy vọng đầu Xuân Tân Sửu 2021, bối cảnh tình đồng đạo cần vươn lên. Dù những
vấn nạn thụ động, tiêu cực cũng phải bỏ xuống hướng đến mai sau.
Những sự kiện năm cũ, dù có chua chát cũng không cần quan tâm, vẫn xem đó
là vị ngọt nuốt trôi đi quá khứ, bởi chúng ta cần mở rộng luật yêu thương của Đức
Chí Tôn và Phật Mẫu.
Cộng đồng cần chứng tỏ không sợ hãi, và tiếp tục vai trò hành Đạo của mình.
Cần tạo ra một cộng đồng mở rộng thông tin, hoạt động một cách mạnh mẽ, càng
nhiều sinh lực càng tốt, và
tôn trọng những giá trị Công quả, Công đức, Công ngôn theo cơ bản truyền thống
của Đại Đạo.
Nội bộ cộng đồng Tín đồ Cao
Đài ở Hải ngoại cần xây dựng một nền tảng vững chắc, cùng thực hiện
một dự án, kế hoạch (hành động)
mạnh mẽ, và đúng đắn sẽ loại trừ được những mưu toan "mượn
danh Đạo tạo danh Đời", dù đó là những thách thức lớn cũng không có khả
năng làm chao đảo được cộng đồng, nhờ sức mạnh hữu hiệu của cộng đồng biết đề
kháng.
Kính chúc đồng Đạo ân hưởng năm Tân Sửu, suy tư nhiều dự phóng thành công,
hy vọng và lạc quan đó là nguồn lực sinh tồn của Đại Đạo.
* HT/Huỳnh Tâm
Chú thích:
[1]
Khu nhà Hội Thánh Ngoại Giáo được tạm dùng làm văn
phòng Quản thủ Thánh địa, và văn phòng Bộ Pháp Chánh.
Sau đó VP Quản thủ Thánh địa dời đi, chỉ còn lại VP/BPC.
Khi lập Viện Đại Học Cao Đài, Hội Thánh lấy khu nhà này làm cơ sở, dời VP/BPC về cơ sở VP/HTĐ.....