Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh Xưa Va Nay - 2 ( Chánh Kiến )


Phần dưới mái chính, trên tấm tường bắc ngang là 6 chữ đắp nổi, sơn đen bằng Hán tự và cả bằng chữ Việt, là “Đại đạo Tam kỳ phổ độ”. Trên hai trụ chính, có đôi câu đối nêu bật lên ý nghĩa của giáo lý Cao Đài:

Câu liễn I                                Câu liễn II
  "Cao                                    "Đài
  Thượng                               Tiền
  Chí                                      Sùng
  Tôn                                       Bái
  Đại                                       Tam
  Đạo                                      Kỳ
  Hòa                                      Cọng
  Bình                                      Hưởng
  Dân                                      Tự
  Chủ                                       Do
  Mục."                                   Quyền". [2]

Đôi liễn này thường được chạm khắc nơi các cổng Tam quan đi vào nội ô Tòa Thánh, hay các cổng chánh của các Thánh Thất ở khắp mọi nơi.
Nguyên trước đây câu liễn một (1) chữ chót là CHÁNH, đối với chữ QUYỀN của câu liễn hai (2).

Tạm dịch
- Đấng Chí Tôn ở cao hơn hết, đã mở ra nền đạo lớn hoà bình, hướng tới nền dân chủ.
- Tôn thờ Đấng Cao Đài đã mở ra kỳ tôn giáo thứ ba, đem đến quyền tự do cho mọi người chung hưởng.

Cổng Chánh môn được cấu trúc mặt bằng cơ bản theo lối cổng tam quan, nhưng ba khối cổng chính và phụ đã được tách rời ra thành 3 chiếc cổng riêng, nối liền nhau bởi một bức tường rào trang trí hoa gió và những cặp bông sen trên đỉnh. Hai trụ cổng chính có tiết diện vuông, mỗi bề 3 mét và cách nhau 12 mét, làm thành bề rộng thông thuỷ của lối vào cổng chính. Lên đến cao độ 8 mét, bắt đầu có một tấm đà ngang, phía trên là khoảng trống được phân vị bằng các trụ đứng chia ra nhiều ô vuông nhỏ. Trên nữa là mảng tường ngang lớn rộng hình thang, đắp nhiều gờ chỉ phân vị ngang và bố trí khung đặt chữ: ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ (tiếng Việt ở trên, tiếng Hán ở dưới) cùng các chữ và số năm xây dựng: 1965, Ất Tỵ, Toà Thánh, Tây Ninh.

Trên tấm tường hình thang ấy, có một khe lõm vào để làm nổi bật lên một tấm tường cong vuốt lên ở hai đầu, nâng đỡ bên trên những khối hình mây, cặp rồng chầu vào một khối tượng hình Tam bửu, đặt trên một bông sen cực lớn. Hai cổng phụ cũng có rồng chầu Tam bửu, các mảng tường ngang và hai trụ đứng. Kích thước bị thu nhỏ, nên bề rộng thông thuỷ cổng phụ chỉ còn 5,7 mét.

Cổng chính cao và rộng hơn các cửa khác, đắp lưỡng long tranh châu, hoa sen, cùng ba cổ pháp: quyển sách Xuân thu, bình Bát vu và Phất trần. 


1 . Cuốn sách “XUÂN THU”:
Đó là một tác phẩm viết ra bởi Đức Khổng Tử, nêu lên quan điểm về thuyết Chính danh, Nhất quán, Trung dung, Đại đồng dưới dạng Kinh, có nghĩa là sự hoàn thiện luân lý, giảng dạy ngoài các nghi lễ, lời bói toán về tiên tri, văn học, âm nhạc; những luật lệ của Nhơn đạo : bổn phận làm người, làm một công dân, làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm con, làm anh làm chị, làm thầy làm trò, làm quan, làm vua, cả đến những bổn phận đối với thú vật và thảo mộc. Đó là biểu tượng của KHỔNG GIÁO.

Cuốn sách ấy gọi là Xuân Thu, bởi vì tư  tưởng của Đức Khổng Tử  làm nẩy nở luân lý của con người, giống như mùa Xuân và mùa Thu là hai mùa có ngày và đêm dài bằng nhau và dễ chịu.
2 .  PHẤT CHỦ:
Một thứ chổi được trang trí một chùm lông đuôi gọi là Phất chủ (Phất là chuyển động hay xua đuổi, chủ là bụi bặm) hay Phất trần (xua đuổi các thứ ô trược của thế gian), tượng trưng sự luyện tập tinh thần gồm việc tự thanh lọc hằng ngày tất cả các tật xấu, tượng trưng sự thanh lọc lục dục thất tình. Đó là biểu tượng của LÃO GIÁO.

3 . BÁT VU:
Bình bát vu tức là bình bát (patra), dùng đựng thức ăn của các nhà sư (du tăng khất sĩ), dùng để nhận lấy thức ăn cúng dường bởi các tín đồ khi đi khất thực. Tuy Thái tử  Sĩ Đạt Ta là con của vua một Vương quốc  Ấn Độ, Ngài đã can đảm từ bỏ tài sản của thế gian để đi tìm trong cảnh cô tịch sự bình an của tâm hồn  và đi tìm chơn lý. Ngài phải ăn xin để sống, để nuôi dưỡng xác thân với mục đích là truyền bá đức tin mà Ngài đã ngộ được. Bình Bát Vu là biểu tượng của sự dứt bỏ những của cải của thế gian, sự quên mình, lòng từ bi san sẻ khổ đau của người khác. Đó là cổ pháp của PHẬT GIÁO.

Đạo Cao Đài chọn ba cổ pháp trên để nói lên sự đồng nguyên của ba nền tôn giáo lớn của nhân loại trong Đại đạo. Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo chỉ là ba giai đoạn tiến hóa của linh hồn trên con đường trở về hội nhập với Thượng Đế, Đại Linh Hồn của vũ trụ.

Chú thích: Theo giáo lý Cao Đài,
- Bà la môn giáo, Phật giáo, Pythagore giáo cùng nằm trong Phật đạo.
- Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo cùng nằm trong Thánh đạo.

Cửa Chánh Môn Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh nhìn từ hướng Đông


Cổng Chánh Môn theo họa đồ của Đức Hộ Pháp chỉ dẫn

Lưu ý: không có biểu tượng LƯỠNG LONG TRANH CHÂU
Từ Chánh môn đến Đền Thánh, có ba bảo tháp chứa tro cốt của Đức Hộ Pháp (ở giữa), Đức Thượng Phẩm (bên trái) và Đức Thượng Sanh (bên phải). Các Tháp được xây đắp, chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh vi và có hình Bát quái. Trên nóc tháp, có gắn Bửu pháp của ba vị.


Cửu Trùng Đài giữ quyền Hành Pháp, trông coi về hành chánh Đạo, và điều hành cơ phổ truyền giáo hóa chúng sanh. Giáo Tông đứng đầu CTĐ, làm việc tại Giáo Tông Đường.
VĂN PHÒNG CỬU TRÙNG ĐÀI hay còn gọi Tòa Nội Chánh là nơi làm việc của Hội thánh CTĐ. Tòa Nội Chánh nằm giữa cửa 1 và cửa 12, bên phải Đền Thánh nếu nhìn từ trong ra.


Hội Thánh CTĐ do Ba Đầu Sư lãnh đạo, nhưng quyền hành giao cho Ba Chánh Phối Sư. Ba Chánh Phối Sư đứng đầu Toà Nội Chánh, điều hành Chức sắc cả ba phái.

Ba Phái: Tam Thanh
- Phái Thái: mặc áo vàng                      (PHẬT ĐẠO)
- Phái Thượng: mặc áo xanh                (TIÊN ĐẠO)
- Phái Ngọc : mặc áo đỏ                      (THÁNH ĐẠO)

Hai cơ quan: Hành chánh và Phổ tế

Trong Toà Nội Chánh, văn phòng của Cửu Trùng Đài, có các cơ quan trực thuộc dưới quyền của ba Chánh Phối Sư.
- Phái Thái trông coi về Hộ viện (tài chánh), Lương viện (thực phẩm) và Công viện (xây cất, tu bổ)
- Phái Thượng trông coi về Học viện (giáo dục), Y viện (y tế) và Nông viện (sản xuất thực phẩm nuôi người hiến thân trọn đời hành Đạo)
- Phái Ngọc trông coi về Hòa viện (hòa giải xích mích), Lại viện (lo về văn thơ, hồ sơ) và Lễ viện (lo về các cuộc tế lễ).

Chú thích: Năm Quí Mão (1963) chính quyền thay đổi, buộc Đạo phải sửa đổi các danh từ dinh thự, như: “Tòa Nội Chánh đổi lại Cửu Trùng Đường”Vô tình, điều này lại ứng với câu trong Sấm:
ĐÀI phương phúc địa giáng linh,
CỬU TRÙNG thụy ứng LONG THÀNH ngũ vân”.

Vùng Thánh địa, xưa thuộc về xã Long Thành, quận Phú khương, tỉnh Tây ninh.
Hoà Viện vốn được coi là cổng đầu tiên, nó được xây vào năm 1961.
Từ cổng số 1 này, cứ đi vòng quanh theo tường rào ngược chiều kim đồng hồ là sẽ tới các cổng số 2, Chính môn, cổng số 3, cổng số 4 v.v…

Nhìn chung, trừ cổng Chính môn ra, thì có thể phân ra hai loại cổng của Toà thánh Cao Đài. Loại có mái và loại không có mái. Dù loại nào, thì cấu trúc mặt bằng cũng khá giống nhau, theo kiểu tam quan ở các đình, chùa truyền thống. Nghĩa là, bao giờ cũng có 4 trụ xây, chia ra thành 3 lối ra vào. Hai trụ giữa lớn và cao hơn, cách khoảng rộng hơn 6 mét làm cổng chính. Hai bên là cổng phụ rộng chỉ khoảng 2,5 mét.

Từ cửa Hòa Viện số I chánh Bắc (Thủy), du khách đi vào Tòa thánh với khoảng cách gần nhất.

Cửa 1 hay là cửa Hoà Viện , được xây năm 1961

Từ cửa này đi theo lộ Bình Dương thẳng về hướng Bắc ta sẽ đến núi Bà. Còn đường chạy ngang qua cổng là Liên Tỉnh Lộ 13. Sau 1975, đường này đổi tên là đường Cách Mạng Tháng 8.

Đi từ ngoài vào, bên trái hàng rào có 06 bông sen và bên phải có 07 bông sen. Hai bên cổng có bố trí 02 căn nhà nhỏ. Căn nhà nhỏ ở hướng Tây có trống báo giờ cho cả Nội Ô. Trống báo giờ ở đây khởi trước rồi trống báo giờ ở Báo Ân Từ mới được khởi sau. Nóc cả hai căn nhà đều có bố trí đồng hồ bằng xi măng. Căn nhà nhỏ bên phía Đông (phía có Tòa Nội Chánh Cửu Trùng Đài) đã bị đập bỏ. 
                                
Gần căn nhà bị đập bỏ, cái giếng đầu tiên của ĐĐTKPĐ (bên hông Tòa Thánh- phía Nữ Phái) cũng bị lấp.

Đạo Sử viết rằng khi xây dựng Tòa Thánh người công quả bị bịnh rất nhiều. Đức Chí Tôn dạy Đức Cao Thượng Phẩm lấy nước ở giếng đó đem lên Thiên Bàn cầu nguyện rồi cho người bịnh uống rất hiệu nghiệm. Một di sản hiếm quý đến vậy mà HĐCQ lấp bỏ!. Thật đáng tiếc vô cùng!!!.

 
Hình 2 căn nhà phụ hướng Đông và Tây đối nhau qua cổng 1

Hình cái giếng lịch sử được lợp ngói nằm kế gốc cây, bên phải Tòa Thánh (từ trong TT nhìn ra).
Tín đồ đi cúng thường ghé lại đây để uống nước, rửa mặt.

Cổng số 2 không có mái che, đề năm xây là 1925

Trước đây người đạo đã thỉnh giáo Ngài Hiến Pháp Chưởng Quản Bộ Pháp Chánh về việc vì sao cửa số 2 đề năm 1925 trong khi năm 1927 mới mua đất xâyTòa Thánh tạm....Ngài Hiến Pháp trả lời do ý của Đức Hộ Pháp, Ngài không rõ và đề nghị tìm hiểu thêm. Các bậc tiền bối không dám thay đổi thể pháp của Đức Hộ Pháp vì các Ngài biết rằng có bí pháp ẩn tàng trong đó. Cửa số 02 không ghi năm tạo lập cổng. Đây là điều khác biệt so với các cổng khác.

Sau 1975, Hội Đồng Chưởng Quản cho 04 cây cột ở cửa số 2 mọc thêm 04 bông sen. thành ra Cửa số 2 ngày nay (năm 2013) có 10 bông sen.

Chú thích:
Năm 1925 có bốn dấu ấn rất quan trọng:

25-7-1925
       Quí Ông Cư ,Tắc, Sang xây Bàn lần đầu tiên
1-9-1925
        Hội Yến Diêu Trì Cung đầu tiên
16-12-1925
        Lập Đàn Cầu Đạo (Vọng Thiên Cầu Đạo)
25-12-1925
        Đức Cao Đài nhận ba ông Cư, Tắc, Sang làm môn đệ


Cổng số 12 , được xây năm Giáp Dần 1974.

Nhìn vào trong, ta thấy dãy Tây lang.
Phía sau dãy Tây lang là khu nhà vệ sinh, tắm rửa rộng rãi.
Từ cửa 12 có đường chạy đến cửa 8, đó là lộ CAO HOÀI SANG.


Cổng số 3, đựơc xây năm Bính Ngọ 1966.

Ngôi nhà bên phải, trong cổng xưa là Viện cô nhi, sau có xây sở may Linh Đức để may đạo phục cho tín đồ và chức sắc..

Cổng số 4  được xây năm Canh Tý 1960
 VềCội NguồnVề Cội Nguồn                                                                              
                                                                                         [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7]