Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh Xưa Va Nay - 4 ( Chánh Kiến )


CỬU TRÙNG THIÊN: Tiếp theo là CỬU TRÙNG THIÊN (nơi đặt linh cửu, di cốt của các chức sắc Cao Đài được phong từ bậc Tiên trở lên để hành tang lễ. Cửu Trùng Thiên có hình bát quái với 9 bậc và được sơn ba màu vàngxanhđỏ.

TƯỢNG THÁI TỬ TÌM ĐẠO

CỬU TRÙNG THIÊN

SÂN ĐẠI ĐỒNG XÃ:
Có cấu trúc như một quảng trường với chiều dài 300 mét (tính từ mé ngoài hai con đường trục) và bề rộng bình quân là 81 mét.

Theo bề ngang sân Đại đồng xã, hai con đường hai bên rộng 18 mét, nối với hai con đường trục ở hai đầu làm thành một đường vòng quanh, ôm lấy toàn bộ các công trình kiến trúc nhỏ bố trí trên sân. Đấy chính là con đường đi của đám rước múa cộ, rồng nhang, tứ linh trong hai ngày đại lễ: Vía Đức Chí Tôn và Lễ Hội yến Diêu Trì.

Bên trong là thảm cỏ và sân gạch. Phần sân trong này có bề rộng 45 mét. Cộng với 36 mét hai con đường đi là vừa vặn 81 mét- một con số đẹp.

Hai bên Đại-đồng-xã có hai khán đài. Mỗi khán đài có bề rộng 10,2 m và dài 60 m, chia ra thành 10 gian rộng 5 mét và gian chính giữa rộng 10 mét. Nếu từ Đền Thánh nhìn ra, bên tay phải là Tây khán đài; còn bên tay trái là Đông khán đài.

CÂY BỒ ĐỀ LỊCH SỬ:
do Đại đức Thera Narada, phó Tăng thống Phật giáo Srilanka  tặng cây con chiết từ cây Bồ đề ở Chùa Mahabodhi (Bồ Đề Đạo Tràng), Ấn Độ cho Tòa Thánh ngày 15.5 Quí Tỵ (năm 1953). Hội Thánh làm lễ tiếp nhận long trọng và Đức Hộ Pháp thuyết minh ý nghĩa của Ngọc Xá Lợi Phật, cây Bồ Đề tại Đền Thánh…
Sau lễ vía Đức Quan Thánh Đế Quân nhằm ngày 24–6–Ất Mùi (năm 1955), Đức Hộ Pháp cùng Chức Sắc, tín đồ  ra sân Đại Đồng Xã để trồng cây Bồ Đề.

CỘT PHƯỚN:
Cách cội bồ đề vài thước có cột phướn cao 18m. Trên đỉnh cột là lá phướn dài 12m và rộng 1,2m. Phía trên màu vàng thêu Lưỡng long triều nhựt (Hai con rồng chầu mặt trời). Thân phướn có ba sọc vàng, xanh, đỏ. Ở giữa vùng xanh có hình Thiên Nhãn, Cổ Pháp Tam giáo và sáu chữ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ bằng chữ Hán. Hai bên thân phướn có 12 thẻ vải tượng trưng cho Thập Nhị Khai Thiên, phía dưới thân phướn có 9 thẻ vải tượng trưng cho Cửu Thiên Khai Hóa.

Điều đáng lưu ý là trong sân Đại Đồng Xã từ trụ phướng đến Cội Bồ Đề đã có nền móng của TÒA THÁNH TƯƠNG LAI. Nền móng hầm Bát Quái Đài xây xong vào năm Canh Ngọ (1930) đã lấp lại. Vì buổi Đạo mới phôi thai, Hội Thánh còn nghèo, không thể tạo tác Tổ Đình nổi, nên Đức Chí Tôn dạy cất Tòa Thánh tạm hiện thời. Ngày sau giống dân con cái Đức Chí Tôn mới xây Tổ Đình thiệt thọ, đó là thời kỳ của Hội Thánh đời Giáo Tông tịch Đạo "ĐẠO TÂM". 

Tòa Thánh hiện tại đẹp lộng lẫy như thế nhưng sau này sẽ xây cất TÒA THÁNH TƯƠNG LAI. Thế mới biết hữu hình thì hữu hoại. Địa cầu sẽ chuyển trục chăng?

19 . ĐỀN THÁNH
Tổng thể Đền Thánh mang hình tượng Long Mã bái sư. Mặt tiền Đền Thánh như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía tây. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu chuông trống là tòa nhà lầu với tầng trệt có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Khu vực này thuộc về Hiệp Thiên Đài. Tầng hai có tên Phi Tưởng Đài, như cái trán với 2 cửa được coi như hai con mắt.

Phần thân Long Mã là khu vực Cửu Trùng Đài, nối tiếp theo Hiệp Thiên Đài.
Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 112 cây cột tròn để chống đỡ mái hiên nơi hành lang. Tính tổng cộng ở tầng trệt Tòa Thánh, cả bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cây cột lớn nhỏ.
Xung quanh vách của Đại điện có những khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình Thiên Nhãn chính giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát ra. Toàn thể vách xung quanh Đại điện Tòa Thánh có tất cả 23 ô hoa sen có hình Thiên Nhãn, cộng với biểu tượng Thiên Nhãn trên Phi Tưởng Đài phía trước Tòa Thánh, tổng cộng 24 Thiên Nhãn. Ngoài lối vào chính qua Tịnh Tâm Điện, có cả thảy 6 lối vào phụ, hai bên có tượng Kim Mao Hẩu.

Hai bên lối vào Đền Thánh là Lầu chuông (bên trái) còn có tên gọi là Bạch Ngọc Chung Đài và Lầu trống (bên phải) có tên là Lôi Âm Cổ Đài. Cả hai lầu đều cao 27 mét, có 6 tầng với chiều cao khác nhau, có mái ngắn phân chia các tầng.
- BẠCH NGỌC CHUNG ĐÀI phía dưới có lắp ô thông gió, tạo hình chữ "CAO" bằng chữ Quốc ngữ  chữ Hán, trên đó có 4 chữ "Bạch Ngọc Chung Đài" bằng chữ Hán. Tầng trên có đắp tượng Quyền Giáo tông Lê Văn Trung mặc Đại phục đứng trên quả địa cầu, tay phải cầm quyển Thiên Thơ. Trong lầu có treo một cái chuông lớn gọi là Bạch Ngọc Chung. Đỉnh lầu dưới cột thu lôi có tạc tượng cái hồ lô, tượng trưng bửu pháp của Lý Thiết Quả, được cho là tiền kiếp của Quyền Giáo tông Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung). Chỉ có Quyền Giáo Tông, còn Giáo Tông (Pope) hữu hình thì chưa ai được phong. 
-  LÔI ÂM CỔ ĐÀI phía dưới có lắp ô thông gió, tạo hình chữ "ĐÀI" bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán, trên đó có 4 chữ "Lôi Âm Cổ Đài" bằng chữ Hán. Tầng trên có đắp tượng Nữ Đầu sư Hương Thanh mặc Đại phục đứng trên quả địa cầu, tay phải cầm nhánh bông, tay trái xách giỏ hoa. Trong lầu có treo một cái trống lớn gọi là Lôi Âm Cổ. Đỉnh lầu dưới cột thu lôi có tạc hình giỏ hoa lam là bửu pháp của Long Nữ, thị giả của Quan Thế Âm, được cho là tiền kiếp của Nữ Đầu sư Hương Thanh.

Khu vực lối vào chính có tên là Bán Nguyệt Đài phía trước có đúc 4 cột trụ gọi là cột Long Hoa. Mỗi bên có hai cột song song, một đắp hình rồng đỏ (LONG), một đắp hình hoa sen (HOA), chạm trổ rất tinh vi, màu sắc rực rỡ, tượng trưng Đại hội Long Hoa, một giai đoạn chuyển kiếp tiến hóa của nhân loại. Để vào Đền Thánh, người ta phải bước qua năm bậc thềm, tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và năm bước tiến hóa của nhân loại theo quan điểm của đạo Cao Đài: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo.

Phía bên phải lối vào là tượng ông Thiện, mình mặc giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm đại đao nhưng gương mặt hiền từ, tượng trưng cho điều thiện (chánh tâm). Phía bên trái lối vào là tượng ông Ác, cũng mặc khôi giáp, nhưng gương mặt dữ dằn, một tay cầm búa, một tay cầm Ngọc ấn tỷ phù, tượng trưng cho điều Ác (vọng tâm).

Đức Phạm Hộ Pháp giảng: Đời thường lầm lạc, làm điều ác cho là thiện và thường lấy điều lành cho là ác. Nên từ đây, năng lực của Thiện Thần sẽ phô bày ra mặt đời, thế nào là chánh, việc nào là thiện, làm thế nào là phước, cho thiên hạ rõ. Còn Ác Thần thì phô bày ra mặt đời, thế nào là tà, việc nào là ác, sao gọi là tội, cho nhơn loại rõ.

Hai Ông Thần nầy rất linh hiển, dùng quyền năng thiêng liêng đưa ra thiệt tướng trong 2 con đường: Phước và Tội, Siêu và Đọa, Sanh và Tử để cho con cái Đức Chí Tôn khỏi lầm lạc, hầu tránh khỏi con đường tự diệt. Đi vào con đường sanh thì nhơn loại mới mong hòa bình được.

Lễ khánh thành Toà Thánh Tây Ninh được tổ chức từ ngày 6 đến 16 tháng 1 năm Ất Mùi (29-1-1955 đến 8-2-1955). Số người dự lễ lên đến một triệu, người Việt và người nước ngoài.

20 . TỊNH TÂM ĐIỆN, PHI TƯỞNG ĐÀI, NGHINH PHONG ĐÀI, BÁT QUÁI ĐÀI
Qua 5 bậc thềm của lối vào chính Tòa thánh là khu vực TỊNH TÂM ĐIỆN. Ý nghĩa là phủi bỏ việc đời đang nhảy múa chộn rộn trong tâm trí, giữ cho thanh tịnh trước khi bước vào đại điện hành lễ. Nơi đây có bức tranh Tam Thánh  đang ký Thiên Nhơn hòa ước (hòa ước giữa loài người và Thượng Đế), do Họa sĩ Lê Minh Tòng vẽ năm 1947.

Tam Thánh là ba vị Thánh, ở đây chỉ ba vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động, đó là:
o   Thanh Sơn Đạo Sĩ, tức là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là người VN, làm Sư Phó, đứng đầu Bạch vân Động.
o   Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tức là văn hào Vịctor Hugo của nước Pháp, làm Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại Giáo.
o   Tôn Trung Sơn Chơn Nhơn, tức là Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, nhà đại cách mạng của nước Trung Hoa.

Tam Thánh ký hòa ước là ba vị Thánh ghi chép bản Thiên Nhơn Hòa Ước lên tấm bảng đá, để công bố cho toàn nhơn loại biết rõ. Bản Hòa ước nầy được gọi là: Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước, tức là bản hòa ước thứ ba giữa Trời và người.

Hòa ước chỉ vỏn vẹn có hai chữ THƯƠNG YÊU & CÔNG CHÁNH (Amour et Justice). Người nào luôn giữ được hai điều này trong đời sống sẽ được khen thưởng của Đức Chí Tôn.

Kể từ ngày 10-7-Mậu Tý (dl 14-8-1948), tượng ảnh Tam Thánh đã đặt lên vách tường HTĐ là biểu hiệu cho chủ nghĩa Đại Đồng của Đạo Cao Đài, mở đầu một giai đoạn tiếp dẫn chúng sanh vạn quốc vào cửa Đại Đạo, mà cũng là ngày khởi đoan sự bành trướng ra ngoại quốc".

Phía trên Tịnh Tâm Điện có một bao lơn xây hình bán nguyệt, có tên là Vinh dự Công Lao Chi đài, còn gọi là Đài Danh dự, Bao Lơn Đài, Bán Nguyệt Đài, hay Lao động Đài, đắp hình tượng 8 nghề trong xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục.

Phía trên 2 ô cửa đắp nổi 2 chữ Hán là NHÂN (bên phải) và NGHĨA (bên trái).
Phía dưới 2 chữ NHƠN NGHĨA nầy là đôi liễn Hiệp Thiên Đài:
- HIỆP nhập Cao Đài, bá tánh thập phương qui chánh quả,
- THIÊN khai Huỳnh đạo, Ngũ chi Tam giáo hội Long Hoa.

Nghĩa là: 
- Hiệp vào Đạo Cao Đài, nhơn sanh khắp nơi được trở về ngôi Chánh quả,
- Trời mở Đạo Cao Đài, các Đấng trong Ngũ Chi Đại Đạo và trong Tam giáo tham dự Đại Hội Long Hoa.

Đền Thánh có hình thể con Long Mã quì mang hai chữ “Nhơn–Nghĩa” là đạo lý của Khổng giáo. Người nhơn nghĩa mới biết thương yêu, bảo bọc người nghèo khó, bằng ngược lại, sống bất nhân bất nghĩa thì ích kỷ, chỉ biết quyền lợi của bản thân, sống chết mặc kẻ khác. Biết Nhân nghĩa, biết thương yêu vạn linh mới biết làm lành, lánh dữ. Thực hiện đạo lý ấy là chìa khóa mở cửa Bạch Ngọc Kinh. Đạo khai kỳ nầy để tận độ toàn thể nhơn loại, nên Đức Chí Tôn buộc phải thương yêu và công chánh; nếu không đủ sức thương yêu nhau thì không được ganh ghét, hãm hại nhau.

Từng lầu bên trên hết phía trước được gọi là PHI TƯỞNG ĐÀI, cũng gọi là THÔNG THIÊN ĐÀI, xưa gọi là TIÊU DIÊU ĐIỆN, nơi mặt tiền phía trước có đắp hình Thiên Nhãn rất lớn.

Trên nóc của Phi Tưởng Đài có đắp tượng của Đức Phật Di-Lạc (Di-Lạc Vương Phật) ngự trên tòa sen đặt trên lưng một con cọp vàng. Con cọp ấy tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm Khai Đạo Cao Đài. Đức DI-LẠC là một vị Phật cầm quyền làm chủ Hội Long Hoa lần thứ ba. Ngài ngồi trên nóc Hiệp Thiên Đài tượng trưng vai trò Chánh chủ khảo điểm Đạo nơi cõi vô hình.

PHI TƯỞNG ĐÀI

Phía trên phần mái Cửu Trùng Đài có một đài cao 17m, gọi là NGHINH PHONG ĐÀI, phần dưới hình vuông, phần trên hình vòm mang nửa quả địa cầu, trên có tượng Long Mã mang Hà Đồ chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng Đông, hàm nghĩa "Đạo phát ư Đông, di ư Tây, phản hồi ư Đông" (Đạo xuất phát từ phương Đông, truyền qua phương Tây, rồi cũng trở về phương Đông.

NGHINH PHONG ĐÀI

NGHINH PHONG ĐÀI nằm ở chính giữa Cửu Trùng Đài, và phần Cửu Trùng Đài gồm có 9 lồng căn có mái ngói đều sơn màu đỏ, còn phần Bát Quái Đài, mái ngói sơn màu vàng.

Như vậy, Tòa Thánh gồm có 3 phần :
- Phần trước là Hiệp Thiên Đài (HTĐ), 2 bên có 2 tháp vuông rất cao là Lầu chuông và Lầu trống.
- Phần giữa là Cửu Trùng Đài (CTĐ) có tháp tròn là Nghinh Phong Đài.
- Phần cuối là Bát Quái Đài (BQĐ), có tháp cao hình 8 cạnh Bát quái. Đứng trên Bát quái là tượng TAM THẾ PHẬT.


TAM THẾ PHẬT đứng trên BÁT QUÁI ĐÀI

TAM THẾ PHẬT là ba vị Phật lãnh lịnh Đức Thượng Đế điều khiển ba nguơn của Trời Đất.
Ba vị Phật đó là:
o   Brahma Phật: điều khiển Thượng nguơn Thánh đức.
o   Çiva Phật: điều khiển Trung nguơn Tranh đấu.
o   Christna Phật: điều khiển Hạ nguơn Tái tạo.
Theo đạo Bà La Môn (Brahmanisme), nay là Ấn Độ giáo (Hindouisme), ba vị Phật nầy rất được tôn sung. Theo DI LẠC CHƠN KINH, ba vị Phật nầy ở từng Trời Hỗn Nguơn Thiên, dưới quyền chưởng quản của Đức Di Lạc Vương Phật.

o   Đức Phật Brahma đứng trên lưng con thiên nga, tay mặt bắt ấn khai nguơn, tay trái nắm bửu châu, mặt nhìn hướng Tây. Brahma Phật là ngôi thứ nhứt, tượng trưng ngôi Thánh đức, thuộc về Cơ Sanh hóa. Ấy là Đấng tự hữu hằng hữu, hữu nguyên hữu thỉ của vạn vật.
o   Đức Phật Çiva, day mặt hướng Bắc, đứng trên mình con rắn 7 đầu để chế ngự thất tình, khiến cho nhơn loại khỏi bị thất tình cám dỗ, lục dục khiến sai, thoát khỏi họa tranh đấu tiêu diệt. Ngài cầm ống tiêu đưa lên miệng thổi, như để thức tỉnh nhơn sanh hồi tâm hướng thiện. Ngài có bộ tinh nhũ trước ngực, đứng day mặt về hướng Bắc. Ngài là ngôi thứ hai trong Tam Thế Phật.
o   Đức Phật Christna đứng day mặt hướng Nam, mình trần, tay mặt chống gươm, tay trái chống nạnh, đứng trên mình con giao long, chơn đạp lên đầu giao long như để chế ngự con vật hung dữ. Ngài là ngôi thứ ba của Tam Thế Phật, tượng trưng ngôi bảo tồn.

Đức Phạm Hộ pháp giảng về Tam thế Phật như sau: Bần đạo cũng nên chỉ rõ Đức Phật Mẫu đến tại mặt thế gian nầy đã tượng trưng bên Ấn Độ. Phật giáo Ấn Độ gọi Ngài là Çiva Phật, là cái hình ở trên BQĐ, chúng ta để trên nóc đó, thấy có tinh nhũ nơi ngực Ngài đó.

Hồi buổi Chí Tôn phân định, phân tánh của Ngài, lấy Khí, tức nhiên là Ngài dùng cái linh Pháp của Ngài biến tướng ra Phật Mẫu. Phật Mẫu thuộc về Âm, Chí Tôn thuộc về Dương, Âm Dương hiệp lại mới biến hoá ra Càn Khôn Vũ Trụ và sanh ra vạn vật.

Đức Çiva Phật, Ấn Độ làm một cái hình phân nửa giống đàn bà, còn cái tướng thì đàn ông, bởi hồi đó con người chưa phân rõ chắc chắn nam nữ, Âm Dương. Đức Çiva trong huyết khí, tức là huyết, còn chơn linh đào tạo là do Đức Chí Tôn.

Đức Chí Tôn là Phật, Đức Phật Mẫu là Pháp, Pháp mới sanh ra Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật, vạn vật ấy là do nơi Tinh mà ra, tức là Tăng. Thần tức nhiên là Đức Chí Tôn, Thần phân định Khí, Khí mới sanh ra Tinh. Phật là Chí Tôn, Pháp là Çiva tức Phật Mẫu, Tăng là vật loại trên CKVT nầy.

Ấy vậy, đạo Phật thờ Phật Mẫu mà không biết, dầu không thờ mà Đức Phật Mẫu vẫn ngồi từ tạo Thiên lập Địa tới giờ, tức nhiên là Đấng tạo ra vạn linh đó vậy.

Tóm lại, tượng Tam Thế Phật nên nóc BQĐ Tòa Thánh là để biểu thị sự tuần hoàn trong định luật tiến hoá của CKVT theo thời gian, từ Thượng nguơn đi dần qua Trung nguơn và Hạ nguơn, để rồi bước sang Thượng nguơn của Chuyển tiếp theo. Ba vị Phật ấy luân phiên điều khiển ba nguơn, làm cho Càn Khôn Vũ Trụ  luôn luôn tiến hóa.

Toàn bộ khu nội ô Tòa Thánh có hàng rào bao bọc xung quanh, có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhỏ khác nhau. Nếu kể từ cửa Hòa viện là cửa số 1 đi vào, ta có:

- VĂN PHÒNG CỬU TRÙNG ĐÀI hay còn gọi là TÒA NỘI CHÁNH.
- TÒA THÁNH, phía sau là Đông lang làm văn phòng Lễ viện, Tây lang dành cho phái nữ; văn phòng bảo thể, những người giữ trật tự trong nội ô Tòa thánh.  
- Bửu tháp ĐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG LÊ VĂN TRUNG, ở liền phía sau Đền Thánh.
- THÁP CỦA BA NAM ĐẦU SƯ nằm kế cận Đông lang.
- THÁP CỦA BA NỮ ĐẦU SƯ nằm kế cận Tây lang.

Nơi bao lơn trước Tòa Thánh, trong những ngày Lễ của Đạo đều có treo lá cờ Đạo rất lớn. Lá cờ có ba màu gọi là cờ Tam thanh. Treo theo chiều dọc, từ trên xuống dưới gồm ba màu: Vàng (Phật), Xanh (Tiên), Đỏ (Nho).

Phần màu vàng trên cùng, thêu 6 chữ Nho       "ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ", phần giữa màu xanh thêu hình Thiên Nhãn và Cổ Pháp Tam Giáo (kinh Xuân Thu, cây Phất Chủ, bình Bát Vu), phần dưới màu đỏ và để trơn.

Ý nghĩa của cờ Đạo Cao Đài được Đức Phạm Hộ Pháp giải thích như sau:
- Màu vàng là của phái Thái, tượng trưng Phật giáo.
- Màu xanh là của phái Thượng, tượng trưng Tiên giáo.
- Màu đỏ là của phái Ngọc, tượng Thánh giáo (Nho giáo).
                                            
Ghép 3 màu lại trong một khuôn hình chữ nhựt, với 3 phần đều bằng nhau, tượng trưng Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là Tam Giáo Qui Nguyên. Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập ra trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ Tam Giáo Qui Nguyên, nghĩa là đem BA nền Tôn giáo lớn ở Á Đông qui về một gốc Đại-Đạo do Đức Chí Tôn làm chủ.”

Vì sao thờ THIÊN NHÃN?
Chính Đức Chí Tôn dạy:
“Nhãn thị chủ tâm, lưỡng quang chủ tể, quang thị Thần, Thần thị thiên, thiên giả ngã dã”
Con mắt ấy là chủ linh tâm, hai điển quang của con mắt là chủ tể (thể trên trời là Nhật Nguyệt, thể nơi người là Lưỡng Mục). Điển quang ấy thuộc Thần, Thần thuộc trời, trời ấy là TA vậy.

Mặt khác, Thiên Nhãn tượng trưng sự công bình thiêng liêng và cũng tiêu biểu mầm móng cho sự Đại Đồng nhơn loại. Thời xưa các vị Giáo Chủ Tam giáo giáng trần lập Đạo mang hình hài xác thịt: phương Tây thì lấy hình thể người Âu, phương Đông thì lấy hình thể người Á…

Nguơn hội này  Đức Chí Tôn giáng cơ khai Tam Kỳ Phổ Độ dạy thờ Thiên Nhãn tất nhiên Ngài muốn con cái của Ngài không phân biệt màu da sắc tóc, hoà ái hiệp tâm với nhau để đi đến chỗ Đại-Đồng Thế Giới…
 VềCội NguồnVề Cội Nguồn                                                                              
                                                                                         [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7]