Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh Xưa Va Nay - 5 ( Chánh Kiến )


Từ Đền Thánh, đi dài theo trục đại-lộ PHẠM HỘ PHÁP, lần lượt có các dinh thự như Giáo Tông đường,  văn phòng Hiệp Thiên Đài, Hộ-Pháp đường, Báo-Ân-Từ, Nhà Hội Vạn Linh (Viện Đại học Cao Đài), Y viện hành chánh cùng nằm một phía bên phải, tức là tất cả nằm về hướng Tây ngó mặt về Đông.

Nằm một phía bên trái, lần lượt có Nữ Đầu sư đường, Hạnh đường, Bá Huê viên, Nam Đầu sư đường, Tháp Ngài Hiến Pháp. Tất cả nằm về hướng Đông ngó mặt về hướng Tây.

Giáo-Tông Đường là dinh thự dùng làm nơi làm việc của Đức Quyền Giáo-Tông Lê văn Trung (1876_1934). Sở dĩ gọi là “Quyền Giáo Tông” vì Đức Ngài chỉ thay mặt Giáo Tông chánh vị trên phương diện hữu hình. Quyền hành Giáo-Tông chánh vị thuộc về vô vi do Đức Lý Thái Bạch Kim Tinh kiêm nhiệm. Đôi liễn hai bên cổng viết bằng chữ Hán như sau:

-      日中    
-      時重    

- GIÁO hóa nhơn sanh nhựt nhựt trung tâm qui thiện quả.
- TÔNG khai tăng chúng thời thời trọng Đạo hiệp chơn truyền

Giải thích:
Câu 1: Việc Giáo hóa nhơn sanh cho mỗi ngày mỗi giữ được cái tâm trung dung để được trở về ngôi vị nơi cõi thiêng liêng. 
Câu 2: Đạo mở ra cho dân chúng tu hành, luôn luôn tôn trọng đạo đức cùng với chơn truyền. 

LÊ VĂN TRUNG (1876-1934): Ngài sanh ở Mỹ Lâm (Chợ Lớn). Học giỏi, thông minh, mới 17 tuổi Ngài đã được bổ vào ngạch thư ký Soái phủ Sài gòn. Năm 1906, Ngài ra ứng cử Hội đồng quản hạt, Quận Nhì. Ngài chống dự thảo luật "Lục hạng điền" của Thống Đốc Nam Kỳ Outrey.

Năm 1911, Ngài cổ động và đề xướng trường Nữ Học Đường Áo Tím (sau đổi thành trường Gia Long, rồi lại đổi tên thành Trường Nguyễn thị Minh Khai, quận 3). Năm 1925, Ngài đệ đơn từ chức Thượng Nghị viên. Và đến đầu năm 1926 Ngài phế đời hành Đạo. Ba tháng sau được ân phong Đầu Sư, năm 1930 được Đức Chí Tôn ân phong Quyền Giáo Tông.



Hiệp Thiên Đài có thì Cao Đài giáo mới phát sinh. Hiệp Thiên Đài là cơ quan thông công với các Đấng Thiêng Liêng. Toà nhà này toạ lạc trên Bình Dương Đạo (nay đổi là Đại lộ Phạm Hộ Pháp) và được khánh thành vào ngày 8-12-Đinh Hợi (1947).

Câu liễn:
HIỆP nhập Cao Đài bá tánh thập phương qui chánh quả
THIÊN khai huỳnh Đạo ngũ chi Tam giáo hội Long Hoa.

Văn phòng HTĐ là nơi làm việc của chức sắc HTĐ. HIỆP là chung với, THIÊN là Trời;
- Hiệp Thiên Đài là một trong ba Đài: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài, và Cửu Trùng Đài. Hiệp Thiên Đài làm trung gian giữa Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài, tức là làm trung gian giữa Thượng Đế và Nhơn loại hay giữa Trời và Người.
- Hiệp Thiên Đài là cơ quan Tư pháp của Đạo, có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ luật pháp chơn truyền của Đạo, lập các Tòa Đạo để xử trị những người vi phạm luật pháp của Đạo.

Đức Thượng-Phẩm dạy:“Các em cũng dư hiểu rằng các giáo-lý từ xưa đã bị thất-kỳ-truyền là tại Môn-đồ của họ không chịu đặt mình trong khuôn viên Luật-Pháp của giáo-lý ấy. Nếu một thời-kỳ mà một giáo-lý đã thất chơn truyền thì đem đến cho nhơn-sanh biết bao tang thương biến đổi!

Cũng vì lẽ ấy mà nay Đức Chí-Tôn giáng trần lập Đạo, lại chia hình thể của Ngài ra hai phần để có phương kềm-thúc nhau trên bước đường lập vị.
- Phần Cửu-Trùng-Đài chuyên về mặt giáo hóa nhơn-sanh.
- Còn phần của Hiệp-Thiên-Đài thì lo về mặt luật pháp để bảo-thủ chơn-truyền của Đạo. Nhờ đó nền Thánh giáo của Đức Chí-Tôn khỏi phải qui thành phàm-giáo.

Các em đâu hiểu rằng Chí-Tôn giao quyền sửa trị Chức-Sắc, chức việc và toàn Đạo nam, nữ cho bên Hiệp-Thiên-Đài là Thánh-ý Đức Chí-Tôn muốn dùng hình phàm đặng làm cho giảm bớt tội vô hình. Nếu ai chẳng thận trọng để cho phạm vào luật-pháp mà chẳng chịu pháp sửa trị của Hiệp-Thiên-Đài thì rất uổng cho một kiếp tu mà không trọn phận và đến khi rời bỏ xác phàm rồi làm sao có cơ hội lập công nữa! Mà một khi không lập công-quả được nữa thì tội án đã phạm làm sao chuộc được; rồi mãi bị trầm-luân khổ hải cả đời đời.

CÁC CƠ QUAN TRỰC THUỘC HIỆP THIÊN ĐÀI:
Hiệp Thiên Đài có ba Chi: Pháp, Đạo, Thế. Nên HTĐ có lập ra nhiều cơ quan trực thuộc ba Chi ấy, kể ra:
- BỘ PHÁP CHÁNH:Theo Đạo Luật năm Mậu Dần (1938) thì gọi là Tòa Đạo, nhưng đến ngày 15-10-Đinh Hợi (dl 27-11-1947), Ngài Khai Pháp Trần Duy Nghĩa đổi tên lại gọi là Bộ Pháp Chánh. Đây là cơ quan trực thuộc Chi Pháp, do một vị Thời Quân chi Pháp làm Chưởng quản. Bộ Pháp Chánh được xem là Bộ Tư Pháp của Đạo, quản lý luật pháp của Đạo, tổ chức các phiên Tòa để xử trị Chức sắc hay tín đồ vi phạm luật pháp của Đạo.
- CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN: CQPT có nhiệm vụ cứu khổ chúng sanh, với Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng, trực thuộc chi Đạo, do một vị Thời Quân chi Đạo làm Thống Quản.
- TỊNH THẤT: Tịnh Thất được Đức Phạm Hộ Pháp lập ra gồm có ba Cung trong ba Động, trực thuộc chi Đạo, do một vị Thời Quân chi Đạo làm Thống Quản, kể ra có:
- Trí Huệ Cung Thiên Hỷ Động: Nơi tu chơn của Nữ phái.
- Trí Giác Cung Địa Linh Động: Nơi tu chơn của cả tín đồ Nam và Nữ phái.
- Vạn Pháp Cung Nhơn Hòa Động: Nơi tu chơn của các tín đồ Nam phái.
- BAN THẾ ĐẠO: Ban Thế Đạo là cơ quan độ dẫn các trí thức và quan chức đang làm việc nơi các cơ quan của đời đi vào cửa Đạo. Ban Thế Đạo trực thuộc chi Thế, do một Thời Quân chi Thế làm Chưởng quản.
- ĐẠI ĐẠO THANH NIÊN HỘI: Cơ quan nầy để qui tụ và huấn luyện các thanh niên con em trong Đạo. Sự huấn luyện nhằm vào Đức dục, Thể dục và Trí dục, đào tạo một lớp thanh niên có đạo đức và tài năng, hữu dụng cho Đời và cho Đạo mai sau. Cơ quan nầy trực thuộc chi Thế.

Đây là văn phòng của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890- 1959), tức là nơi làm việc và cũng là nơi ở của vị Giáo chủ hữu hình của Đạo Cao Đài. Còn Giáo chủ về vô vi (Thiêng liêng) thì do Đức Chí-Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

* Đôi liễn nơi cổng Hộ Pháp Đường khi xưa, khởi đầu bằng hai chữ HỘ PHÁP:
- HỘ chấp Thiên cơ quản suất Càn Khôn an thế giới,
- PHÁP quyền xử định hòa bình thiên hạ tổng hoàn cầu.

-           
-           

Nghĩa:
- Che chở và gìn giữ Thiên cơ, cai quản Càn Khôn Vũ Trụ, làm cho thế giới an ổn,
- Quyền hành chưởng quản pháp luật, phán đoán sắp đặt hòa bình cho nhơn loại khắp hoàn cầu.

*Đôi liễn nơi cổng Hộ Pháp Đường hiện nay là đôi liễn của Phạm Môn, nên khởi đầu bằng hai chữ PHẠM MÔN:
- PHẠM giáo tùy nguơn cứu thế độ nhơn hành chánh pháp
- MÔN quyền định hội trừ tà diệt mị hộ chơn truyền.

-           
-           

Nghĩa:
- Phật dạy tùy theo thời gian mà cứu độ người đời, thi hành chánh pháp,
- Quyền hành nơi cửa Đạo là định ra khoảng thời gian để diệt trừ tà mị yêu quái, bảo hộ chơn truyền

* Trên lầu Hộ Pháp Đường, trước bàn thờ Đức Phạm Hộ Pháp, quí vị công quả Phạm Môn có làm đôi liễn ghi nhớ công ơn vĩ đại của Đức Phạm Hộ Pháp:
- Đại đức từ bi thủy sáng hoằng cơ chơn pháp tuyên dương truyền chánh giáo,
- Vĩ công cứu thế vĩnh hoài minh huấn chúng sanh sùng bái ngưỡng Tôn sư

-               
-                 

Nghĩa là:
- Đức từ bi lớn, đầu tiên gây dựng nền tảng sâu rộng về giáo lý chơn thật, tuyên dương và truyền bá chánh giáo.
- Công lao to lớn cứu đời, ghi nhớ mãi những lời giáo huấn rõ ràng, chúng sanh kính phục tôn thờ, chiêm ngưỡng Đấng Tôn sư.


Báo Ân Từ (cất bằng vách ván năm 1932) là đền thờ các bậc tiền bối có đại công với Ðạo và các bậc vĩ nhân có công lớn với nhơn loại.

Hội Thánh tạm mượn Báo Ân Từ dùng làm Ðền thờ Ðức Phật Mẫu (1947).
Theo tài liệu của Ban Kiến Trúc, Báo Ân Từ xây theo kiến trúc chúng ta thấy hiện nay được:
- Khởi công xây dựng ngày 16-1-Nhâm Thìn (dl 11-2-1952).
- Ðức Hộ Pháp trấn Thần và An vị cúng Ðức Phật Mẫu ngày 4-8-Quí Tỵ (dl 11-9-1953).
- Khánh thành ngày 9-1-Ất Mùi (1955).

Trong Đền thờ Phật Mẫu có đôi liễn như  sau:
-                 
-                 

- BÁT phẩm chơn hồn tạo thế giới hoá chúng sanh vạn vật hữu hình tùng thử ĐẠO.
- QUÁI hào bác ái định Càn Khôn phân đẳng pháp nhứt Thần  phi tướng trị kỳ TÂM

Đức Phạm Hộ Pháp trong ngày lễ an vị có giảng:

"Từ đây chúng ta rất hân hạnh thờ Phật Mẫu tại Báo Ân Từ. Buổi mới mở Đạo Bần Đạo biết công nghiệp của Phật Mẫu thế nào. Ngài và Cửu Vị Nữ Phật dìu dắt con cái của Đức Chí Tôn từ ban sơ đến ngày đem chúng ta giao lại cho Thầy.

Ngày mở Đạo, vì cái tình cảm ấy, các vị Đại Thiên Phong buổi nọ xin thờ Phật Mẫu ở Đền Thánh, thì Phật Mẫu cho biết rằng: Quyền Chí Tôn là Chúa còn Phật Mẫu là tôi, mà tôi thì làm sao ngang hàng với Chúa, chúng ta thấy Phật Mẫu cung kính Chí Tôn đến dường ấy không gì lường được". 
(TĐHP Q1/15)

Vào năm Nhâm Thìn (1952) nhân dịp sửa lại Báo Ân Từ, Đức Hộ Pháp chỉ vẽ đắp các tượng:
1 - Trên hết, Đức Phật Mẫu cưỡi chim Thanh Loan
2 - Dưới đắp 9 tượng Cửu vị Nữ Phật.
3 - Liên tiếp đắp bốn vị Nữ nhạc
4 - Tượng Đông Phương Sóc, nhà văn hoá đời Hán
5 - Tượng Đức Cao Thượng Phẩm

Việc tạc hình Đức Cao Thượng Phẩm thay cho Hán Võ Đế, Đức Hộ Pháp giải thích:
"Nguyên căn Hớn Võ Đế là Hớn Chung Ly giáng sanh thành lập nước. Kỳ hạ nguơn này, Đức Cao Thượng Phẩm cũng là ngươn linh của Hớn Chung Ly tái thế lập thành Quốc Đạo, nên tạc hình Đức Cao Thượng Phẩm".

Đức Hộ Pháp dạy đắp chơn dung Đức Phật Mẫu:
"Hình của Đức Phật Mẫu đắp theo hình chưng cộ bông Cửu Nương lần đầu tiên, vào ngày 15-8-Đinh Hợi. Hồi đó mượn của bà Phối Sư Hương Hiếu.

Đức Phật Mẫu có từ thuở khai thiên do khí âm dương tạo thành, có quyền năng vô đối cũng như Đức Chí Tôn, hữu hữu vô vô, nắm trọn mầu nhiệm của Càn khôn vũ trụ. Chớ không phải bí pháp biến thành thể pháp do hiện tượng sự tích đời Hán Võ Đế có nghĩa là chỉ mượn ý tạc hình đã có, chớ Phật Mẫu vốn vô vi."

Ðức Hộ Pháp giảng:
"Báo Ân Từ là Panthéon của Ðạo, Ðức Chí Tôn gọi nó là Vân Ðài." Panthéon là Công Thần Miếu hay Vĩ Nhân Miếu ở tại Paris của nước Pháp, nơi đây dùng làm nơi chôn cất thi hài các bực vĩ nhân của nước Pháp, có Ðền thờ trang nghiêm to lớn. Mộ của văn hào Victor Hugo ở trong Panthéon. Mấy em lễ sĩ nhớ, khi cúng Ðức Phật Mẫu, phải xướng câu: "NAM NỮ NHẬP ÐÀN". 

Nơi nầy về MẸ, ai cũng là con, không ai dám xưng Chức sắc, dầu Hộ Pháp cũng là con.
Từ đây, Lễ Viện Phước Thiện, Hành Chánh, phải tuân y lịnh dạy, đừng sửa đổi. Vào những ngày Sóc Vọng cùng các ngày Lễ, Vía, phải thiết lễ cúng Ðức Chí Tôn vào thời Tý, còn cúng Ðức Phật Mẫu vào thời Ngọ.

Từ đây về sau, nơi nào muốn lập Ðền Thờ Phật Mẫu thì phải lập Thánh Thất trước, rồi mới lập Ðền Thờ Phật Mẫu sau. Phải coi cách thức hành lễ nơi Ðền Thánh và nơi Báo Ân Từ đây mà bắt chước làm y theo một khuôn mẫu, chẳng nên canh cải trái Pháp mà sanh biến, loạn hàng thất thứ."
(Viết theo bài Tường thuật của  Ông Truyền Trạng Phạm Ngọc Trấn).

Tại xóm Tà Mum hiện nay là Phận Đạo 17, cập Đại lộ Bình Dương có 4 mẫu đất mà Đức Hộ Pháp dành để sau nầy cất Đền Thờ Phật Mẫu chánh thức, có đắp hình Nam Bình Vương Phật, theo lời Đức Hộ Pháp dạy: “Qua nói thiệt! Chừng nào cả con cái Phật Mẫu xúm nhau sùng bái để gọi chút hiếu thảo đền ơn Đức Mẹ, thì ngày ấy sẽ có Đền Thờ Phật Mẫu chánh thức theo lòng từ bi của Đức Mẹ đã định.

Hằng năm, Lễ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG được tổ chức nơi đây vào ngày rằm tháng tám Âm lịch.

27. NHÀ VẠN LINH/ VIỆN ĐẠI HỌC CAO ĐÀI/TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN/ NHÀ KHÁCH


Từ trái sang phải là ngài Bảo Đạo, ngài Hiến Pháp, ngài Khai Đạo và Viện trưởng Viện Đại học Cao Đài, cựu Thủ tướng Nguyễn văn Lộc.

Nhà hội Vạn Linh được khánh thành vào ngày mồng 4 tháng giêng Quí Mão (dl 2-2-1963).
Thuở còn sinh tiền, hoài bão của Đức Phạm Hộ Pháp thật cao vời nhưng vì hoàn cảnh Ngài phải ra đi, sống và mất ở xứ người. Tiếp nối chí cả, Ngài Hiến Pháp lần lượt thi hành những đồ bản di chúc mà Đức Hộ Pháp để lại. Nhất là việc xây cất và thành lập Viện Đại Học Cao Đài trên phần đất mà Đức Hộ Pháp qui định nơi đường đi Ao Hồ. Khu đất có diện tích 7 mẫu 82 sào, khu xây viện chiếm 19.500 mét vuông, cửa chánh quay ra đường Ca Bảo Đạo, cửa phụ ở đường Phạm Ngọc Trấn. Khởi công xây cất ngày 9-1-Nhâm Tý (dl 23-2-1972).
Để kịp khai giảng năm học 1971-1972, Hội Thánh quyết định thiết kế nhà Hội Vạn Linh tạm làm Viện Đại Học Cao Đài.

Ngày 30-9-1971, ông Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục lên Tòa Thánh Tây Ninh trao nghị định thành lập Viện Đại Học Cao Đài, giấy phép số 7999/GD/VP ngày 29-9-1971 của Bộ Giáo Dục. Trong giai đoạn đầu chỉ có 2 phân khoa: Nông Lâm Mục và Thần Học Cao Đài Giáo; sau lập thêm phân khoa Sư phạm gồm 2 ngành: Văn khoa và Khoa học.

Ngài Khai Đạo xin Hội Thánh mời Bác Sĩ Lê Văn Họach từ Cần Thơ về Tòa Thánh đảm nhận chức Viện Trưởng vào ngày 17-4-1973. Ngài Bảo Sanh Quân phát biểu:

"Trên phương tiện cứu nhơn độ thế, Đại Đạo chủ trương tận lực giáo dân qui thiện, chuyển đọa vi thăng, tiêu trừ nghiệp chướng. Nhờ đó, Đạo phát triển mạnh không ngừng. Trong toàn quốc tỉnh nào cũng có Thánh Thất và hiện nay có trên 2 triệu tín đồ....

Viện Đại Học Cao Đài cũng là môi trường huấn luyện giáo đồ trở nên Chức sắc Thiên phong hầu thực hiện mối Đạo cho Đời noi theo.

Thành lập Viện Đại Học Cao Đài là việc khó, mời giáo sư hữu danh tham gia công tác là một việc khó, chọn lọc sinh viên có tinh thần đạo đức lại càng khó; nhưng tất cả cái khó đó Hội Thánh đã vượt qua, sau nhiều năm cố gắng không ngừng. Còn một cái khó rất tế nhị là làm sao giữ được Viện Đại Học Cao Đài miên trường với nền Đại Đạo. Trong miên trường thanh danh của Đại Đạo, uy tín của Viện Đại học phải càng ngày thêm sáng chói". (TT 75, tr.8-11)

Giữ chức vụ Viện Trưởng khoảng hai tháng thì Ngài Bảo Sanh Quân bị bệnh phải nhường cho Giáo Sư Nguyễn Văn Trường (cựu Tổng Trưởng Giáo Dục) làm Viện Trưởng.

Đến ngày 25-7-Giáp Dần (11-9-1974), Bộ Giáo Dục chịu ký nhận cho Bảo Học Quân Nguyễn Văn Lộc làm Viện Trưởng, nên Giáo sư Nguyễn Văn Trường bàn giao lại cho người có Giáo phẩm trong Đạo. Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu sở dĩ trù trừ trong việc cấp giấy phép vì người đứng tên Viện trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lộc, Bảo Học Quân HTĐ vốn là cựu Thủ tướng của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đối nghịch.

Sau 1975, Viện Đại học bị đóng cửa và trở thành Trung tâm giáo dục thường xuyên. Hiện nay cơ sở này được làm Nhà khách.

Y viện là cơ quan trông nom về việc chữa bịnh, hay là toà nhà lớn dùng làm nơi chữa bịnh.
Y viện là một trong Cửu Viện, có nhiệm vụ nghiên cứu cách chữa bịnh và thuốc trị bịnh, để săn sóc sức khỏe cho các Chức sắc và các nhân viên công quả trong Đạo.

Trong Nội Ô Tòa Thánh có mở ra hai Y Viện: một của Hội Thánh Cửu Trùng Đài và một của Hội Thánh Phước Thiện. Đứng đầu Y Viện là một vị Thượng Thống phẩm Phối Sư, có các Phụ Thống, Quản Văn phòng và Thơ ký giúp việc. Phần chuyên môn có các Bác sĩ, Y sĩ, Y tá, điều dưỡng, Lương y, chăm sóc bệnh nhân theo hai ngành: Tây y và Đông y.

Từ Đền Thánh, đi dọc theo đường Phạm Hộ Pháp ra cửa 7, có các công trình kiến trúc sau: Nữ Đầu sư đường, Hạnh đường, Bá Huê viên, Nam Đầu sư đường, Tháp Ngài Hiến Pháp.


Nữ Đầu Sư Đường là tòa nhà dành làm Văn phòng làm việc của quí vị nữ Đầu Sư.   Nữ Đầu Sư Đường được khánh thành ngày 15-08 năm Tân-Mão (1951) 

Từ ngày Khai Ðạo năm 1926 đến năm 1975, Ðạo Cao Ðài có ba vị Nữ Ðầu Sư  đứng đầu Hội-Thánh Nữ-phái.
 VềCội NguồnVề Cội Nguồn                                                                              
                                                                                         [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7]