Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh - 2 (Thiền Giang, Minh Tâm & Thanh Quang)

Tòa Thánh nằm theo hướng Đông Tây. Mặt tiền day về hướng Tây cách “Động Đình Hồ” (Bầu Cà Na) 500 thước.Tòa Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

Hình thể Tòa Thánh thật đồ sộ, nguy nga. Chiều dài 140 thước, chiều ngang 40 thước, phân làm ba đoạn.
Đoạn đầu là khuôn diện, day về phía mặt trời lặn. Trên nóc, bên tả có lầu chuông, bên hữu có lầu trống đều cao 36 thước. Gọi là “Bạch Ngọc Chung Đài” và “Lôi Âm Cỏ Đài”.

Mới trông vào tầng dưới, du khách thấy ngay bốn cây cột đúc hình rồng có quấn hoa sen, sơn màu nâu sậm, chạm trổ khéo léo một cách linh hoạt. Những gạt rồng nhô ra tựa đôi nhánh khô gầy và các hoa sen chạm trổ một cách sắc sảo, tinh vi. Mấy cây cột đúc hình Rồng và Hoa Sen, cũng không ngoài ý nghĩa mục tiêu cứu cánh của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, như chúng tôi đã nói rõ ý nghĩa ở đoạn trước.
Rồi du khách bước lên 5 thềm gạch mà vào Đền Thánh. Mội bậc thềm nầy cao độ 2 tấc rưởi. 5 bậc ở cửa bước vào cũng có ý nghĩa tượng trưng sự hiệp Ngũ chi, nghĩa là 5 chi đạo: Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo. Lên khỏi 5 bậc thềm gạch, du khách nhìn ngay giữa, trên cửa thấy có bàn tay đúc bằng xi măng, sơn màu trắng nắm cán cân, tượng trưng bàn tay Thượng Đế cầm cân công bình đo tội, phước chúng sanh.
Đưa mắt nhìn bên hữu có một pho tượng đúc bằng xi măng, sơn màu nâu mặc giáp, đầu đội kim khôi, oai phong lẫm liệt: tay cầm đại đao, nhưng vẻ mặt hiền lành, đó là ông Thiện. Nhân vật tượng trưng sự thiện. Trông qua bên tả, du khách cũng thấy một pho tượng đứng song song pho tượng ông Thiện. Pho tượng nầy cũng thân mặc giáp, đầu đội kim khôi, nhưng vẻ mặt hung tợn, nhăn răng trợn mắt, tay cầm búa đưa lên và tay nọ cầm Ngọc ấn Tỷ phù. Ấy là nhân vật tượng trưng sự ác. Hai pho tượng này ngụ ý nghĩa: Thiệc Ác đối chiếu.
Đời người chỉ có hai con đường ấy, ai cũng phải đi một.
Muốn tìm hiểu bí ẩn lịch sử của hai pho tượng nầy, du khách hỏi người hướng dẫn xem sẽ được nghe thuật lại mẫu chuyện vô cùng lý thú.


Pho tượng ÔNG THIỆN Tượng trưng cho sự thiện ở đời

Nguyên hai pho tượng ông Thiện và ông Ác nầy là do sự tích con vua Tỳ Kheo. Nhà vua nầy, lịch sử Đạo gọi là ông vua thứ 12 thời kỳ Thượng cổ, có sanh trưởng hai người con trai, đặt tên là Tỳ Văn (ông Thiện) và Tỳ Vũ (ông Ác).
Vua Tỳ Kheo rất mộ đạo đức. Thời kỳ nầy có Đức Nhiên Đăng khai Phật giáo, vua Tỳ Kheo có lập một gnôi chùa để lo tu niệm. Khi nhà vua già, muốn truyền ngôi cho con, nhưng thấy tánh Tỳ Vũ (ông Ác) rất hung tợn, nên vua Tỳ Kheo sợ Tỳ Vũ sẽ gây nhiều tai ác trong xã hội.
Vì vậy, nhà vua ban chiếu, gạt Tỳ Vũ đi chiêu mộ anh tài, ở nhà, vua Tỳ Kheo mới truyền ngôi cho ông Tỳ Văn (ông Thiện) bởi ông nầy bản chất lương thiện.

Sau, Tỳ Vũ lo xong phận sự trở về triều bái tung hô, khi dòm lên thì thấy anh mình ngồi trên ngai vàng. Tỳ Vũ bèn nói rằng:
“Anh hiền làm vua, dân không sợ đâu, hãy để ngôi lại cho tôi. Tôi dữ là dữ với kẻ hung ác, bạo tàn vô nhân đạo kia; chớ tôi không dữ với người đạo đức hiền lương đâu!”.
Tỳ Văn nghe nói, sợ phải thất ngôn với vua cha, nên mới cầm Ngọc ấn Tỷ phù mà thoát xác đăng Tiên. Tỳ Vũ chạy đuổi bắt anh, nhưng đến nơi thấy thế hết sức hối hận, ăn năn, quyết phủi hết sự đời rồi cũng được thoát xác đăng Tiên.

Pho tượng ÔNG ÁC Tượng trưng cho sự ác ở đời

Do đó, ngày nay mới còn truyền thuyết “Tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời”.
Hai pho tượng nầy tiêu biểu sự thiện ác, phản chiếu nhau cho nhân thế soi chung; đồng thời ngụ ý rằng “con người ác mà biết ăn năn hối ngộ một cách chơn thật, diệt hết lòng ham muốn sự đời thì cũng được Thiêng Liên cứu rỗi linh hồn.
Câu chuyện còn man mác trong tâm hồn, du khách tiếp tục đi xem.
Liên đới với hai pho tượng ông Thiện và ông Ác là lầu chuông và lầu trống cao vượt lên.
Bên hữu lầu chuông ngang pho tượng ông Thiện có khắc mấy chữ Nho “Bạch Ngọc Chung Đài”, và bên tả ngang pho tượng ông Ác cũng khắc mấy chữ Nho đề “Lôi Âm Cổ Đài”.

Đưa mắt nhìn lên trên, du khách thấy xây hình bán nguyệt, gọi là “Bao Lơn Đài” (xây phân nửa hình tròn).
Trước bề dày của thành bao lơn nầy có đắp tượng hình: Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục tượng trưng sự sinh hoạt thế nhân ý nghĩa: nơi đây là tổ hợp các linh hồn trên cõi thế, dù sinh tiền làm nghề gì cũng vậy, phút cuối cùng phải về đây xem tội phước (vì Tòa Thánh, theo Thánh ngôn dạy là điển hình cho Bạch Ngọc Kinh tại thế).

Ngang bao lơn đài nầy, bên hữu có pho tượng hình Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, thánh danh “Thượng Trung Nhựt” là người có công vĩ đại khai mở nền Đạo. Bên tả là pho tượng hình Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh, cũng là vị chức sắc có công to tát với nền Đạo.
Trên hai pho tượng nầy có hai bó hoa đúc bằng xi măng sơn màu xanh, đỏ sặc sở, thầm chứa chan một niềm thanh thoát tinh vi.

- Hai bó hoa nầy tượng trưng theo tích vua U Vương nhà Châu bên Trung Hoa nằm mộng thấy bó hoa trên không rớt xuống trong lúc mặt trời mọc. Nhà vua đem điềm chiêm bao bàn cùng vị quân sự và bảo đoán xem lành, dữ.
Vị Quân sư đoán rằng:
- Điềm mộng, mặt trời mọc: là một sự siêu linh, tượng trưng như thần Linh Quang soi sáng cõi thế nhân- hay là mối Đạo Trời sắp mở - để hướng dẫn tinh thần nhân loại.
Bó hoa: là một niềm tinh vi, cao khiết, linh hoạt khó tả, thể hiện tinh thần vũ trụ và nhân sinh; và đây cũng là Đạo.

Vậy nước của Bệ Hạ sắp có một mối Đạo khai mở.
Quả thật, trong ba ngày sau  có Đức Phật Thích Ca đến mở Đạo Phật.
- Lầu chuông và lầu trống, mỗi lầu đều có sáu tầng riêng biệt giống nhau cao vượt lên khoảng thinh không. Chỉ khác hơn là chót vót của lầu chuông, dưới cây thu lôi có đắp hình một cái hồ lô bằng xi măng với cây gậy. Ấy là bửu pháp của Lý Thiết Quả (một vị Tiên trong Bát Tiên). Và ở bên lầu trống trên nóc cao chót vót cũng có đắp hình giỏ Hoa Lam, ấy là bửu pháp của vị Long Nữ (đồng tử của Đức Quan Thế Âm Nam Hải Phổ Đà Sơn).
Mục đích đắp hai món bửu pháp nầy để tượng trưng cho du khách trông thấy sẽ liên tưởng đến các vị như Lý Thiết Quả trong Bát Tiên và Long Nữ đồng tử là những vị Tiên đang thanh nhàn phiêu diêu, tự tại, vui thú thanh cao; không hề vướng bận.
Ngoài sự tín ngưỡng liên đới đến nền Đạo có tính cách huyền bí còn ngụ thầm cùng du khách rằng: “Phút thư thả nầy du khách có nghĩ gì đến kiếp sinh hiện tại: mình giam mình trong cảnh khổ chăng?
Các bậc thức giả nhận thức những chi tiết nơi Tòa Thánh có thể ý hội được phần nào lạc thú cảnh Tiên sánh với cảnh đời hiện tại.
Chừ đây! Du khách mới thấy rằng hình ảnh một con người chỉ là một sinh vật linh hoạt, cô đơn đang chơ vơ giữa: Tiên cảnh, trần gian.
Phút giây chạnh niềm rung cảm trước cảnh nguy nga, tráng lệ sắc màu... du khách mơ màng theo hình ảnh những chi tiết trên hai lầu Bạch Ngọc Chung và Lôi Âm Cổ... mà sinh bao ý nghĩ miên man, mông lung vời vợi trên nóc lầu heo hút...
Rồi du khách sẽ nhìn đến hình ảnh linh hoạt, phản chiếu sắc màu nằm giữa hai lầu chuông và trống sau bao lơn đài. Đó là Thiên Nhãn (Ocil de Dieu) sơn màu xanh tươi thắm, ngấn sáng, lung linh, sống động, chiếu rực các tia rẽ quạt, một vùng linh hoạt tung ra.
Hai bên Thiên Nhãn nầy có hai câu đối khắc bằng Hán tự như vầy:
“HIỆP NHẬP CAO ĐÀI, BÁ TÁNH THẬP PHƯƠNG QUI CHÁNH QUẢ”
“THIÊN KHAI HUỲNH ĐẠO, NGŨ CHI TAM GIÁO HỘI LONG HOA”
- Là: tựu vào CAO ĐÀI, trăm họ mười phương sùng Chánh lý, Trời khai bí thuyết (Huỳnh Đạo) năm nhành và ba tôn giáo dự Hội LONG HOA.
Đại để, chúng sanh mười phương qui sùng bái Đạo CAO ĐÀI. Trời khai Đạo gồm năm Chi (tức Ngũ chi Đại đạo là: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo) và Tam giáo (Đạo Phật, Đạo Tiên và Đạo Thánh) để dự Hội LONG HOA, mục đích cảnh tỉnh thế nhân hướng về chánh lý tu niệm cho kịp Hội LONG HOA.

Tượng Đức Phật Di Lạc

Trên hai câu đối nầy có hai chữ nho, bên hữu là chữ NHÂN, và bên tả là chữ NGHĨA; mục đích tiêu chuẩn nguồn cội nhân sinh thuận thảo; xã hội thanh bình đều do NHÂN, NGHĨA phát huy tự căn bản đạo lý mà ra vậy.
Trên hai chữ NHÂN và NGHĨA có khắc hai hàng chữ Hán, Việt như vầy: “ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ”.
Ngay giữa mấy chữ nầy có đắp bộ Cổ pháp: Cuốn Xuân Thu, Cây Phất Chủ và Bình Bát Du tượng trưng sự qui hiệp Tam giáo như chúng tôi đã nói ở đoạn vừa qua.
Trên hàng chữ nầy có pho tượng ngồi trên lưng cọp, đó là tượng Đức Phật DI LẠC.

TẠI SAO TƯỢNG HÌNH PHẬT DI LẠC NGỒI TRÊN LƯNG CỌP?
- Vì nền ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ khai năm Bính Dần (1926) nên tượng hình Ngài ngồi trên lưng cọp để kỷ niệm năm khai đạo. Theo cơ bút Thiêng Liêng giáng dạy thì cứu cánh của Tam Kỳ Phổ Độ nầy là đưa nhơn loại đến Hội LONG HOA, do Đức PHẬT DI LẠC chấp chưởng, nên tượng trưng Đức Ngài ngồi trên lưng cọp trên nóc HIỆP THIÊN ĐÀI(Đài Trời và Người hiệp nhau khi phò cơ chấp bút), để quan sát chấm công điểm đạo vào Bạch Ngọc Kinh mà dự hội.
Những chi tiết khuôn diện Tòa Thánh, đã xem qua tỉ mĩ và tìm hiểu hẳn du khách cũng nhận thức được rõ mục đích ngụ ý; tiêu biểu đại cương cứu cánh và phương thức thực hiện của nền Đại Đạo CAO ĐÀI.
Rồi du khách lần bước vào trong, cách thềm độ 2 thước là đến “TỊNH TÂM ĐIỆN”. Chỗ nầy rộng hơn căn nhà, dùng để tín đồ, chức việc và chức sắc ngồi tịnh tâm, dưỡng tĩnh tinh thần trước khi vào chầu lễ.
Ngay trước mặt, trên vách điện nầy có bức họa hình Tam Thánh:
1/- Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thánh danh Thanh Sơn Đạo Nhơn;
2/- Victor Hugo, Thánh danh Nguyệt Tâm Chơn Nhơn;
3/- Tôn Dật Tiên, Thánh danh Tôn Trung Sơn.
Ba vị nầy giáng cơ xưng là Tam Thánh ở Bạch Vân Động (Loge Blanche) cõi Thiêng Liêng.
Họa hình đứng, cầm nghiêng bút ký Thiên Nhơn Đệ Tam Hòa Ước, nghĩa là: ký Hòa ước minh chứng sự thỏa thuận của nhân loại với Trời về sự mở ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. Nếu người biết thờ Trời thì Trời sẽ độ lại người, bằng chẳng vậy thì Thiên Nhơn Đệ Tam Hòa Ước ấy minh chứng không thể chối được.
Hai bên tả hữu “Tịnh Tâm Điện” ấy đều có đường lên lầu hai. Đi hai đường nầy theo từng bậc thang làm bằng đá mài. Lên độ chừng vài chục bậc, du khách đến Hiệp Thiên Đài.
Chỗ nầy chu vi độ 5 thước dài, 4 thước ngang, có đặt bàn thờ vài vị Chức sắc Hiệp Thiên Đài đã qui đạo. Đặc biệt chỗ nầy dùng để Chức sắc Hiệp Thiên Đài hoặc các Chức sắc lớn Cửu Trùng Đài ngồi tham thiền nhập định hay vọng bàn phò cơ, chấp bút cầu Đức CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ.
Hai bên tả hữu Hiệp Thiên Đài có hai đường lên lầu. Đó là lầu “Chuông” và lầu “Trống”. Trong lầu chuông có treo cái “Đại Đồng Chung” dùng để đánh lên trong khi cúng, tế.

Bức họa hình Tam Thánh

* Tại sao gọi Bạch Ngọc Chung Đài?
- Vì theo cơ bút Thiêng Liêng dạy là kiến trúc như hình tượng ở Bạch Ngọc Kinh (đạo Phật gọi Niết Bàn) nên mới gọi “Bạch Ngọc Chung Đài” là vậy.
Bên lầu trống cũng thế, có treo một cái trống thật to, dùng để đánh trong khi cúng tế.
* Tại sao gọi “Lôi Âm Cổ Đài”?
- Lôi Âm Cổ Đài là cái Đài có trống sấm. Nhưng hai chữ “Lôi Âm” đây có lẽ theo Lôi Âm Tự, tên một ngôi chùa của Đức Phật Thích Ca ở Tây phương.

HIỆU LỰC CỦA TIẾNG CHUÔNG VÀ TIẾNG TRỐNG
Mỗi khi cúng, lễ nếu là lớn thì dộng ba hồi chuông, mỗi hồi 12 chập, mỗi chập 12 dùi. Tính chung 432 dùi.
Những tiếng chuông ấy ngân nga âm thành vang dội thấu đến Bạch Ngọc Kinh (cõi Thiêng Liêng) và chốn Phong Đô (Địa Ngục) mười cửa ngục, để chư Thần, Thánh, Tiên, Phật biết giờ nhân loại chầu Thượng Đế và các đẳng chơn hồn nơi Địa Ngục nghe thức tỉnh vô minh, hồi tâm hướng thiện mà giải thoát khổ hình.
Cũng vậy, mỗi lần lễ lớn, đánh trông vang lên đủ ba hồi. Mỗi hồi 12 chập, mỗi chập 12 dùi, tính chung tất cả 432 dùi. Những thanh âm vang tận tầng không thấu cùng địa cảnh báo hiệu giờ chầu Ngọc Đế. Đó là hiệu lực của tiếng chuông và tiếng trống đối với các chơn hồn hay các đấng Thiêng Liêng trong mỗi nền tôn giáo.
Ngoài ra, tiếng chuông mà ngân nga trổi giọng, tiếng trống mà khởi điểm “Thùng! Thùng!”... dư âm có sức rung cảm mãnh liệt, vang vang tận cõi lòng lữ khách trần gian; cảnh tỉnh được con người hôn mê cõi tục.
Quan sát hai tầng lầu để chuông và trống của hai đài, du khách có thể theo các nấc thang lên tận chót vót của hai lầu nầy. Đến đây, du khách nhìn xuống mặt đất, cách tầm mắt 36 thước. Sự xa xôi ấy với vẻ tráng lệ nguy nga, sắc màu sặc sỡ linh hoạt của ngôi Tòa Thánh đồ sộ nằm phơi bóng, du khách sẽ cảm tưởng lạc loài trong cõi Thần Tiên...
Hướng mắt về Sàigòn thì thăm thẳm vời vợi một màu heo hút; nhìn sang phương Bắc du khách thấy núi Bà Đen ẩn hiện, vách đá chênh vênh và đỉnh cao xanh biếc... Xa xa hơn nữa, có vài quả núi soi dáng mập mờ trong màn nắng nhạt lê thê...
Hình ảnh non xanh phơi mình trong nắng. Từng cánh đồng bát ngát lơ thơ mấy khóm nhà gần xa với bốn phương trời vời vợi, mênh mông...
Khi bước xuống lầu, nó sẽ vang lại trong tâm hồn du khách, khơi niềm thiết tha luyến mến.

                                                               [1]  [2] [3]  [4]  [5]  [6]  [7]  [8]  [9]