Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh - 3 (Thiền Giang, Minh Tâm & Thanh Quang)


Xuống lầu, qua khỏi “Tịnh Tâm Điện” du khách thấy liền 3 cái “Ngai” xây trên bậc. Mỗi bậc dày độ 3 tấc làm bằng đá mài, đánh bóng sáng loang loáng...
Ba cái Ngai nầy như ba chiếc cẩm đôn nhỏ, đúc bằng xi măng sơn màu trắng chấm phá màu xanh và màu hồng như hình thức một bông sen vậy.

Ba cái Ngai nầy được siết liền nhau bởi hình một con rắn khổng lồ, uốn mình quấn lại.
Con rắn nầy có bảy cái đầu, gọi là “Thất đầu Xà”. Nhưng, chỉ có ba đầu đưa lên phía sau dài giữa của Hộ Pháp ngự mà thôi.

3 chiếc Ngai và rắn 7 đầu gọi “Thất đầu Xà” 

TẠI SAO BA ĐẦU ẤY ĐƯA LÊN?
Đó là tượng trưng: Hỉ, Ái, Lạc, tức là ba tình trong thất tình. Bởi, theo Thánh giáo thì người tu phải tự chế ngự để thắng thất tình, chớ không diệt được thì phải nuôi dưỡng Hỉ, Ái, Lạc.
TẠI SAO CÒN BỐN ĐẦU KIA HẠ XUỐNG HAI BÊN TẢ VÀ HỮU CỦA ĐÀI HỘ PHÁP NGỰ?
- Đó là tượng trưng: Nộ, Ố, Ái, Dục, tức bốn tình trong thất tình. Cũng theo Thánh giáo, người tu phải chế ngự được bốn tình nầy mới có thể thắng khổ được.
Phía sau ngai Hộ Pháp, có khắc Hán tự, là một chữ “KHÍ” thật to để thờ, tượng trưng bảo tồn sự sống miên trường của vạn loại, bởi ý nghĩa “Khí sanh Quang” châu lưu khắp Càn Khôn Vũ Trụ.
- Thuở sanh tiền, Đức Hộ Pháp mặc đại phục: bộ giáp, đầu đội kim khôi toàn màu vàng. Trên kim khôi có thể tam sơn (giống như chỉa ba ngạnh) tượng trưng Chưởng quản Tam thiên cõi Tây Phương Cực Lạc. Chơn đia hia trên chót mũi có chữ “PHÁP”. Ngoài giáp thì choàng mão bào. Tay hữu bên Đạo (bên Thượng Phẩm) cầm giáng ma xử (thể hiện sự lấy Đời chế Đạo), nên tả cầm xâu chuổi Bồ Đề (lấy Đạo chế Đời). Ngang lưng cột sợi dây lịnh sắc ngay giữa bụng (thể hiện qui nhứt Bí pháp và Thể pháp).
Bộ đồ nầy chỉ mặc khi cúng Đại Lễ.
Còn Tiểu Lễ thì mặc bộ tiểu phục toàn màu vàng (màu Đạo Phật) đầu đội Hỗn Ngươn Mao màu vàng, bề cao một tấc: ngay trước trán có thêu ba Cổ Pháp Tam Giáo (Cuốn Xuân Thu, Cây Phất Chủ và Bình Bát Du), ngay trên ba Cổ Pháp ấy có chữ ‘PHÁP”. Chơn đi giày vô ưu màu trắng, nơi chót mũi có chữ “PHÁP”. Lưng nịt dây lịnh sắc y như Đại Phục.
Hiện nay chiếc Ngai giữa để trống.
Chiếc Ngai bên tả của Hộ Pháp, hiện nay mỗi khi chầu lễ Chí Tôn, thì Đức Thượng Sanh ngự.
Thượng Sanh mặc Đạo Phục toàn máu trắng, ngoài mặc áo lá màu xanh có viền chỉ tuyến bạc, đầu bịt “Thanh Cân” (nghĩa là một bao đảnh xanh), lưng mang dây Thần Thông (nghĩa là một đường lụa đỏ) và nịt dây lịnh sắc y như của Hộ Pháp, song mối dây thả ngay bên tả.
Nơi lưng giắt Thư Hùng Kiếm, bí pháp tạo thế và chuyển thế; tay hữu cầm Phất Chủ; tay tả nắm xâu chuổi từ bi, bí pháp đem Nhơn Sanh vào cửa Đạo. Chơn đi giày vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ “THẾ” (Hán tự). Hoặc mặc bộ tiểu phục bằng hàng trắng, lưng cốt dây lịnh và thả mối y như Đại Phục; đầu đội mão chính giữa có thêu “Thư Hùng Kiếm” và “Phất Chủ”, trên có đề chữ “THẾ”.
Chiếc Ngai bên hữu hiện nay có đúc pho tượng hình Đức THƯỢNG PHẨM, mặc đại phục toàn màu trắng, ngoài mặc áo lá màu xanh, có viền chỉ kim tuyến bạc, đầu để trần; chơn đi giày vô ưu màu trắng, trước mũi có chữ “ĐẠO”, lưng cũng buộc dây lịnh (y như của HỘ PHÁP) song mối thả bên hữu. Tay cầm cây Long Tu Phiến. Trên đầu Long Tu Phiến, ngay giữa có Cây Phất Chủ, bí pháp đưa các chơn hồn đầy đủ công tu vào Tam thập lục Thiên; tay tả nắm xâu chuổi Từ bi, bí pháp lấy Đạo độ rỗi Nhơn Sanh.
Dưới chiếc ngai này là năm cấp bậc, dùng để 12 vị THỜI QUÂN (Chức sắc HIỆP THIÊN ĐÀI) đứng chầu lễ CHÍ TÔN.
Xem xong sự tôn nghiêm và tìm hiểu vài chi tiết huyền bí của các Ngai kia, rồi du khách sẽ hoa mắt lên, khi nhìn trước mặt thấy những cột đúc hình Rồng, sơn đủ sắc màu chói chang rực rỡ. Hai bên vách Tòa Thánh đúc hình Hoa Sen, Gương Sen và Ngó Sen trong những khuôn hình tam giác, giữa có Thiên Nhãn phản chiếu các tia rẽ quạt một cách linh động.

Khuôn Thiên Nhãn chung quanh vách Tòa Thánh

Ý NGHĨA ĐÚC HÌNH HOA SEN, NGÓ SEN VÀ GƯƠNG SEN CHUNG QUANH THIÊN NHÃN
- THIÊN NHÃN ở giữa các hoa sen, ngó sen và gương sen, bí pháp tiêu biểu ngôi THÁI CỰC. Dưới Thiên Nhãn là bụi sen. Bụi sen trên, bụi sen dưới gọi là “ÂM DƯƠNG” tức LƯỠNG NGHI. Bốn trái sen hai bên gọi là “TỨ TƯỢNG”, tám lá sen là “BÁT QUÁI”. Mỗi bông sen tượng trưng “NIẾT BÀN” (do chữ Cửu Phẩm Liên Hoa của Đức Phật). Có mười phương Phật và 12 ngó sen tượng trưng “THẬP NHỊ KHAI THIÊN”. Số 12 là số của Trời Đất.

Trên bầu trời liên tiếp hai hàng cột Rồng trong chánh điện Tòa Thánh

Như trên đã nói, bông sen là liên hoa, tượng trưng “Niết Bàn”, cõi Phật. (Bởi các đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật trước kia cũng mang xác trần mà không nhiễm trần, lại tìm chơn lý để được đắc Đạo. Còn sen, vật ở gần bùn mà không nhiễm bùn nên tượng trưng là cõi Phật). Có THIÊN NHÃN ở giữa là tiêu biểu đâu đâu cũng có TRỜI soi xét. Đó là bí ẩn của sự đúc hình HOA SEN, GƯƠNG SEN, NGÓ SEN và LÁ SEN chung quanh THIÊN NHÃN vậy.
Đưa mắt nhìn lên trần nhà, giữa hai hàng cột Rồng, du khách sẽ thấy những khung xây hình bầu Trời liên tiếp chín khuôn.
Chính giữa mỗi khuôn có chạm Rồng nhô ra sáu đầu rõ rệt và chung quanh sơn màu sanh da trời, phác họa những vầng mây trắng, nỗi lơ thơ cùng cẩn những ngôi sao bằng kính pha ly nhấp nhóa ánh kim cương.

Ý NGHĨA CHẠM SÁU RỒNG GIỮA CÁC KHUÔN ẤY
- Vì theo Thánh giáo, thì trong Càn khôn Vũ trụ luôn có 6 rồng bay lượn khắp nơi để thông báo “tin tức” về cõi vô hình. Nên trong bài Ngọc Hoàng Kinh có câu:
“Thời thừa lục LONG”
“Du hành bất tức”
Căn cứ kinh điển và sách Thiên văn, thì 6 RỒNG ấy thuộc quẻ Càn về DƯƠNG, như là:
- Hào sơ Cửu, tức RỒNG thứ nhứt gọi là TIỀM LONG.
- Hào cửu Nhị, tức RỒNG thứ hai gọi là HIỆN LONG.
- Hào cửu Tam, tức RỒNG thứ ba gọi là TỊCH DƯƠNG LONG.
- Hào cửu Tứ, tức RỒNG thứ tư gọi là HUYỀN LONG.
- Hào cửu Ngũ, tức RỒNG thứ năm gọi là PHI LONG.
- Hào thượng Cửu, tức RỒNG thứ sáu gọi là CÀN LONG.
Ấy là ý nghĩa của sự chạm 6 RỒNG từng bầu trời lồng căn của Tòa Thánh.
Rồi du khách nhìn thẳng trước mặt, sẽ thấy nền Tòa Thánh là hình tượng của một cái thang có 9 nấc cực to. Mỗi nấc là một bực. Như vậy, đếm đủ 9 bậc gọi là “CỬU TRÙNG ĐÀI”. Lồng căn hai bên các khung nầy, nóc bằng nhôm plafond, nhưng mổi lồng căn đều có đúc khuôn, sơn trắng, chạm hình Lân, Qui, Phụng hiệp với cột Rồng tượng trưng tứ linh hội hiệp.

Nghinh Phong Đài

Mỗi bậc dưới nền Tòa Thánh nầy dày hơn nhau độ ba tấc, bề ngang 10 thước và bề dài độ 40 thước.
Trên mặt các bậc nầy lót gạch hoa đủ các màu sắc, du khách tưởng chừng như đi trên muôn ngàn cánh hoa đủ sắc màu. Thỉnh thoảng làn hương phảng phất ngạt ngào, tâm hòn du khách sẽ bàng hoàng một niềm rung cảm đê mê.
Đi được 4 bậc, du khách sẽ nhìn lên trần nhà. Chính giữa chỗ ấy trổ lên nóc có xây một cái đài hình tròn, cao 24 thước. Đó là “NGHINH PHONG ĐÀI”.
Trên nóc NGHINH PHONG ĐÀI là một nửa địa cầu, vẽ vài địa hình các châu trên thế giới.
Trên nửa địa cầu nầy có con LONG MÃ đang chạy, trên lưng có HÀM ẤN.

Ý NGHĨA HÌNH LONG MàCHẠY TRÊN NÓC NGHINH PHONG ĐÀI
Ấy là tượgn trưng theo tích xưa, hiện nay LONG MÃ lãnh lịnh Đức CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ mà truyền bá giáo lý Đại Đạo CAO ĐÀI trên khắp địa cầu.
Bởi cổ truyền từ buổi thiên địa sơ khai đến giờ LONG MÃ chỉ ra đời có một lần vào thời vua Phục Hy bên Trung Hoa, để dâng HÀM ẤN cho người trị dân trong ngươn Thánh Đức. Và hình Long Mã chạy, day mặt lại sau lưng ngụ ý rằng căn bản của Đạo là nguồn gốc của sự phát khởi.
Nếu phát khởi là Đạo và Đạo mãi còn nguyên thủy thì mới thành Đạo, Đạo phát khởi ư Đông, di chuyển ư Tây, phản hồi ư Đông.

Giảng đài Tòa Thánh để các Chức sắc thuyết đạo sau khi tế lễ

Vì thế, nên tượng hình Long Mã chạy day mặt lại sau lưng tiêu biểu cho Chức sắc truyền đạo phải nhớ căn bản của Đạo. Như vậy, Đạo mới khỏi sai lạc chơn truyền và trường tồn mãi...
Hơn nữa, hình Long Mã còn có nghĩa tượng trưng cơ Âm Dương tương hiệp mới phát khởi càn khôn sanh thành vạn loại. Vì Long là Rồng thuộc Dương và Mã là Ngựa thuộc Âm... Âm Dương tương hiệp là cơ sanh hóa của muôn loài vạn vật... trong thế giới vạn hữu nầy...
Ở bậc giữa, ngay nóc NGHINH PHONG ĐÀI nầy, du khách thấy hai cột Rồng hai bên tả và hữu có xây hai cái Đài hình khuôn ốc. Đó là Giảng Đài, để Chức sắc cao cấp thuyết đạo sau khi tế lễ.
Kiến trúc Giảng Đài nầy uốn theo hình khuôn ốc có đúc hình Rồng há miệng, 6 chia đưa ra đỡ dưới Giảng Đài, ý nghĩa như sau:
- Hồi Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức KHỔNG PHU TỬ giáng thế chấn hưng Đạo Nho ở Trung Hoa.
Khi Ngài truyền đạo đến nước của vua Phò Dư thì bị nhà vua bắt giam hai năm. Khi thả Đức KHỔNG PHU TỬ, vua Phò Dư cấm ngặt không cho đến lần thứ hai.
Sự ác độc và tàn bạo của vua Phù Dư đối với lương dân làm động lòng Trời. Vì vậy, Trời phạt nước vua Phò Dư phải chịu hạn hán và con cháu quần thần của nhà vua phải bệnh chướng trong ba năm để đền lại tội.
Lúc ấy, trong nước nhân dân vô cùng thống khổ, đói rách tang thương, bệnh hoạn lan tràn. Vua Phò Dư thấy vậy mới ra lịnh cùng quần thần và dân chúng ăn chay, nằm đất; đặt bàn hương án cầu Trời, khẩn Phật, đặng xin giải tai ách cho nhân dân.
Trời thấy thế, mới sai Đức Văn Xương Đế Quân giáng trần khuyên vua hồi tâm, hướng thiện, phục hồi chánh đạo để cứu vãn tình thế nhân dân thống khổ.
Đức Văn Xương Đế Quân mới hạ tần thấy tướng tính vua Phò Dư là Rồng Xanh. Ngài mới hóa thành một con Rồng, miệng phun sáu chia mà cỡi và đạp trên sáu chia ấy, bay đi khắp nước của vua Phò Dư.
Đức Văn Xương Đế Quân đạp 6 chia trong miệng RỒNG ngụ ý tượng trưng kiềm hãm và chế ngự Lục căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn, bởi:
+ Mắt vua Phò Dư không ngó điều đạo đức.
+ Miệng vua Phò Dư không nói lời nhân nghĩa.
+ Lưỡi vua Phò Dư khắc bạc, hiểm sâu.
+ Thân vua Phò Dư không hiến cho tôn giáo hay hy sinh vì đạo nghĩa.
+ Ý vua Phò Dư không nhớ đến đạo đức.
+ Tai vua Phò Dư không nghe những điều đạo đức, thiện lương mà làm việc nghĩa.
Đây là những điều vua Phò Dư làm trái với Đạo Thánh dạy nên Đức Văn Xương Đế Quân giáng trần để cảnh tỉnh vua Phò Dư; đồng thời khắc phục lục căn dấy loạn khiến nhà vua hôn mê điều trần tục, làm thống khổ nhơn sanh.
Đến trào gặp vua Phò Dư, Đức Văn Xương Đế Quân nói rằng: “Bệ hạ không cần ăn chay, nằm đất mà khẩn cầu chi hết. Muốn nước nhà hết nạn bịnh tật, đói nghèo vất vưỡng, bệ hạ phải rước Đức Khổng Phu Tử về nước mà lập đạo qui y theo, thì tai qua nạn khỏi”.
Nói xong, Đức Văn Xương và Rồng biến mất. Bấy giờ, vua Phò Dư mới ăn năn hối ngộ, sai người tìm Đức Khổng Phu Tử về nước mà lập bàn hương án thọ giáo. Rồi chính nhà vua truyền bá đạo lý trong nước và khuyên dân chúng phải hết lòng tu hành theo lời Thánh dạy. Nhờ vậy, mà trong nước tai ương và bịnh tật hết dần, nhiểu nhương không còn. Cảnh đời thanh bình an vui trở lại.
Thuở xưa, Đức Văn Xương Đế Quân đạp trên 6 chia Rồng mà khuyên vua Phò Dư trở lại đường Thánh đức.

Cửa lên hai bên vách Tòa Thánh có hai con “Kim Mao Hẩu”

Ngày nay, cả nhơn sanh đua chen trên con đường tranh danh, đoạt lợi, khuynh hướng theo văn minh vật chất thực tại; khát vọng những mùi tục lụy phù du, làm xã hội loài người quay cuồng đảo lộn.
Vì vậy, Đức Chí Tôn không nỡ để nhơn tình lầm lạc để rồi tận diệt một cách vô lý, mới sai Hộ Pháp cùng chư Chức sắc Thiên phong xuống đạp 6 chia ấy mà diệt lục dục đặng kêu gọi nhơn sanh hồi tâm, hướng thiện mà đưa nhau về đường đạo đức để chúng sanh thoát vòng trầm luân, thống khổ, tội lỗi ngục hình.
Đó là ý nghĩa đúc Rồng há miệng phun 6 chia đỡ dưới Giảng Đài vậy.
Ngang Giảng Đài nầy, du khách thấy hai bên hông vách Tòa Thánh, mỗi bên đều có 6 cửa ra, vào.
Các bậc lên của mỗi cửa nầy hình thức kiến trúc như bậc thang lầu, song hai bên có hai con thú giống như con sư tử. Đó là tượng hình hai con Kim Mao Hẩu.
Đi qua khỏi Giảng Đài hai cửa hông Tòa Thánh, du khách sẽ hoa mắt lên khi nhìn các Ngai trước Bửu điện thờ CHÍ TÔN.

Bảy chiếc Ngai

Hình thức những chiếc Ngai nầy sơn mạ vàng, chạm trổ hình Long, Lân, Phụng nhấp nhóa muôn vàn thể thức chói chang lấp lánh...
Trước những chiếc Ngai nầy, có bức bình phong chạm hình Rồng mạ vàng điểm vài chấm thật linh động... Hai bên bức bình phong và bảy chiếc Ngai ấy có hai hàng lọng tàn để thờ cùng hai hàng lỗ bộ bửu pháp hình tượng như những cổ khí: đao, kiếm, chĩa v.v... ngày xưa vậy.
Bảy chiếc Ngai nầy theo thứ tự như sau:
1) Ngai Giáo Tông (Chiếc Ngai dùng để Giáo Tông ngự khi tế lễ Chí Tôn).
2) Ngai Thái Chưởng Pháp.
3) Ngai Thượng Chưởng Pháp.
4) Ngai Ngọc Chưởng Pháp.
(Ba chiếc Ngai dùng để 3 vị Chưởng Pháp thuộc ba phái Thái, Thượng và Ngọc ngự mỗi khi chầu lễ Chí Tôn).
5) Ngai Thái Đầu Sư.
6) Ngai Thượng Đầu Sư.
7) Ngai Ngọc Đầu Sư.
(Ba chiếc Ngai dùng để 3 vị Đầu Sư ba phái ngự mỗi khi chầu lễ Chí Tôn).
Hình thức kiến trúc bảy chiếc Ngai nầy:
- Thánh giáo Đức CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ giáng cơ ngày 2 thàng 8 năm Bính Dần dạy rằng:
“KIỆT! (Tên của một vị chức sắc hồi mới khai đạo) con phải giúp thợ trong việc lập Thánh Thất. Thầy giao cho con phải săn sóc, mướn thợ làm bảy cái Ngai: 1 cái trọng hơn cho Giáo Tông, 3 cái cho 3 vị Chưởng Pháp, 3 cái cho 3 vị Đầu Sư, nhứt là cái Ngai của Giáo Tông phải làm cho kỷ lưỡng, chạm trổ tứ linh, nhưng chỗ hai tay dựa phải chạm hai con Rồng, của Chưởng Pháp chạm hai con Phụng, của Đầu Sư chạm hai con Lân.
Như vậy, thể thức kiến trúc 7 cái Ngai nầy theo Thánh ý của Chí Tôn. Sự linh hoạt thể hiện một cách tuyệt vời, nhìn đến du khách sẽ cảm tưởng chừng như đứng trước trào vua thời cổ kính, xa xưa...
Qua khỏi 7 chiếc Ngai nầy, tức du khách đã qua khỏi 9 bậc của Cửu Trùng Đài.
Chín bậc ấy kiến trúc theo ý nghĩa Cửu Trùng Thiên hay Cửu Thiên Khai Hóa. Thánh ngôn của Đức CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ giáng cơ dạy rằng: “THẦY có Cửu Trùng Thiên để mà lập vị cho cửu phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật. Phật Mẫu thì có Bát Cảnh Cung để mà ung đúc cho bát hồn vận chuyển”. Đó là ý nghĩa huyền vi của 9 bậc vậy.

Cung Đạo

Qua khỏi 9 bậc, du khách đến một bậc nữa là bậc thứ 10. Bậc nầy hẹp hơn các bậc kia, cũng có hai cột Rồng gọi là “Cung Đạo”.
Trên nóc cũng theo lồng căn của bậc nầy mà đúc hình bầu trời, nhưng những chi tiết khác hẳn các nóc khác. Thay vì hình ảnh những ngôi sao và 6 con rồng trong giữa khung, thì lại tượng bằng tất cả bửu pháp của các vị Đạo Tổ như Đại Ngọc Cơ của Ngọc Hoàng Thượng Đế; Thánh Thơ quyển Xuân Thu của Đức Khổng Phu Tử; cây Phất Chủ của Tiên Giáo v.v... và tượng hình Đức Cao Thượng Phẩm (có thuyết gọi là Đức Hồng Quân Lão Tổ nhưng chúng tôi nghiên cứu kỷ theo tài liệu của Hội Thánh giảng giải và thực tế được vài vị đại chức sắc cho biết thì sai). Ánh hào quang làm bằng kính pha ly, phản chiếu hình rẽ quạt một cách linh động.
Trông vào những hình ảnh tuyệt vời, hào quang sáng chói, lấp lánh ánh kim cương, du khách tưởng chừng như một cõi vô hình chói chang trước mắt...
Trước Cung Đạo nầy có bức màn đúc bằng xi măng, dạng chữ “M”. Trên bức màn nầy có tượng hình Giáo chủ Tam giáo (Nho, Đạo, Thích) Tam Trấn và Ngũ Chi Đại Đạo như sau:
Hình LÃO TỬ - hình THÍCH CA – hình KHỔNG TỬ.
Đó là ba vị Giáo chủ Tam giáo (Đạo Tiên, Đạo Phật, Đạo Nho).
Kế hàng dưới:
Hình QUAN ÂM – hình LÝ THÁI BẠCH – hình QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN.
Đó là Tam Trấn Oai nghiêm trong nền ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
Dưới hình Lý Thái Bạch có:
Hình Chúa JÉSUS CRHIST – hình KHƯƠNG THÁI CÔNG.
Kể từ Đức Thích Ca trở xuống đó là Ngũ Chi Đại Đạo. Sự tượng trưng như sau:
Phật Thích Ca tượng trưng PHẬT ĐẠO.
Lý Thái Bạch tượng trưng TIÊN ĐẠO.
Chúa Jésus Crhist tượng trưng THÁNH ĐẠO.
Khương Thái Công tượng trưng THẦN ĐẠO.
Và ngôi GiáoTông dưới tượng trưng NHƠN ĐẠO.
Đó tức là Ngũ Chi Đại Đạo vậy.
Như đã nói trên, Cung Đạo nầy nằm ở bậc giữa, tức lồng căn giữa của Tòa Thánh. Còn hai lồng căn hai bên tả và hữu, ngang với tấm màn giữa chữ M ấy cũng có hai tấm màn hai bên. Những tấm màn nầy cũng có tượng hình các bậc Tiên Thánh như sau:
a) Bức màn bên tả đủ các hình Bát Tiên.
1- Lý Thiết Quả; 2- Hà Tiên Cô; 3- Tào Quốc Cựu; 4- Lâm Thể Hòa; 5- Hàn Tương Tử; 6- Hớn Chung Ly; 7- Lữ Đồng Tân; 8- Trương Quả Lão.
b) Bức màn bên hữu có đủ hình Thất Thánh.
1- Vương Tiễn; 2- Na Tra; 3- Vi Hộ; 4- Lý Tịnh; 5- Kim Tra; 6- Lôi Chấn Tử; 7- Mộc Tra.
Thuở tạo lập Tòa Thánh xong, Đức Hộ Pháp không biết phải để Thất Hiền (7 ông Hiền) hay Thất Thánh, bèn cầu Đức Thái Bạch chỉ giáo.
Lý Thái Bạch giáng cơ dạy:
“Đáng lẽ để Thất Hiền: 1- Kế Khan; 2- Nguyễn Tính; 3- Sơn Đào; 4- Hương Lữ; 5- Lưu Linh; 6- Nguyễn Bình; 7- Vương Nhan. Vì khi trời đất chưa mở mang, khí Hư vô còn hỗn độn, kịp kỳ ÂM DƯƠNG đã định khai khán LƯỠNG NGHI: khí nhẹ nổi lên làm TRỜI, khí nặng chìm xuống thành ĐẤT; rồi từ đó mới biến sanh ra trên mặt địa cầu có CHÍ TÔN, PHẬT MẪU; rồi tới 96 ức Nguyên Nhân xuống tại thế. Trong khi bình địa lấy chi mà sống, thì có 7 ông Hiền: Ông đào sông, Ông xây núi, Ông bắt cầu, Ông lấp đường, Ông lập rừng, Ông trồng hoa quả. Bảy ông ấy tạo cơ nghiệp hoàn đồ trên mặt Thế. Nhờ vậy 96 ức Nguyên Nhân xuống mặt Thế mới tồn tại đến ngày nay. Đáng lẽ để 7 Ông Hiền ấy nối đời Bàn Cổ sơ khai, nhưng lâu quá phải để 7 Ông Thánh” (như đã nói trên).
“Ý nghĩa để Ông Thánh”:
Bởi vì 7 Ông Thánh đứng trong đời mạt Trụ, hưng Châu. Trong lúc lập bảng Phong Thần, 7 ông nầy đầy đủ công nghiệp tâm đức; vượt khỏi bảng Phong Thần vào trường Phong Thánh; cả nhơn sanh ngày nay gắng làm sao cho đầy đủ công nghiệp tâm đức để vượt khỏi trường Phong Thánh, bước vào địa vị tối cao để chẳng uổng kiếp sanh của chúng ta trong vòng CHÍ TÔN hoằng khai Đại Đạo, mới không hổ mặt với các bậc tiền bối.
Đó là ý nghĩa tượng hình Thất Thánh trên bức màn bên hữu vậy. (Chúng tôi trịêt để tôn trọng sự tín ngưỡng cơ bút của tôn giáo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nên giảng giải lược thuật đi đúng tinh thần tài liệu của Hội Thánh, không hề vẽ vời, sửa cãi, thêm bớt...)

TẠI SAO TRONG “CUNG ĐẠO” THỜ NHỮNG BỬU PHÁP VÀ NHẤT LÀ CÂY ĐẠI NGỌC CƠ
Bởi các tôn giáo ngày trước nhờ XUÂN THU, PHẤT CHỦ, BÁT DU mà Thần, Thánh, Tiên, Phật thông đồng đến cả nhơn loại giáo đạo, tạo đời, dạy điều chánh thiện.
Đạo CAO ĐÀI ngày hôm nay nhờ ĐẠI NGỌC CƠ Và các ĐẤNG THIÊNG LIÊNG giáng cơ khai sáng nền đạo, truyền khắp năm châu, dìu dắt nhơn sanh trở về con đường chánh thiện. Đó là ý nghĩa sự thờ những bửu pháp vậy.

Bửu điện thờ Đức Chí Tôn

Qua khỏi CUNG ĐẠO, du khách sẽ nhìn thấy một bàn thờ có để quả Càn Khôn vẽ “CON MẮT” và tượng hình những con RỒNG sơn màu sắc cũng chói chang, rực rỡ. Hương trầm phảng phất ngạt ngào, làm cho tâm hồn du khách khoan khoái vui tươi...
Giờ đây, du khách sẽ quan tâm đến phương thức thờ phượng tôn kính nầy... Thật là một nền tôn giáo có thể thức thờ phượng kỳ diệu, huyền bí, ý nghĩa uyên thâm.
Từ CUNG ĐẠO bước thêm một bực nữa, có một cái đài xây bằng đá mài, hình BÁT GIÁC. Đặc biệt cái đài nầy xây lên 12 bậc.
Ý NGHĨA 12 BẬC ẤY:
- 12 bậc nầy tượng trưng cho THẬP NHỊ KHAI THIÊN. Con số 12 là con số riêng của Trời Đất.

TẠI SAO GHẾ THỜ PHẢI HÌNH BÁT GIÁC?
- Ấy là do nơi Âm Dương tương hiệp tức LƯỠNG NGHI; rồi LƯỠNG NGHI sanh TỨ TƯỢNG; TỨ TƯỢNG biến BÁT QUÁI; BÁT QUÁI biến hóa vô cùng mới sanh ra CÀN KHÔN VŨ TRỤ và muôn loài, vạn vật... Lập ĐỀN THỜ hình BÁT QUÁI tượng trưng cơ huyền vi hóa dục, sanh thành vạn loại; đồng thời cũng là nơi qui tựu các đẳng chơn hồn vạn loại vậy.
Còn những lẽ cao siêu theo bí pháp chơn truyền, chúng tôi không được phép để cập.

Tại sao thờ QUẢ CÀN KHÔN có vẽ CON MẮT?
- Ý nghĩa sự thờ phượng nầy phù hợp mọi lãnh vực và tiêu biểu đại cương thể thức nền ĐẠI ĐẠO, chúng tôi xin sơ lược sau đây:
Thờ QUẢ CÀN KHÔN, ý nghĩa tượng trưng sự thống nhứt các tôn giáo nhơn loại về cùng một mối đạo.
Bởi vậy, mới có sự qui Tam giáo, hiệp Ngũ chi v.v...
Con mắt vẽ trên QUẢ CÀN KHÔN, tức là THIÊN NHÃN.
Thờ THIÊN NHÃN tượng trưng thờ THƯỢNG ĐẾ.
- Tại sao vậy?
- Vì theo Thánh ngôn Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ giáng cơ dạy thì:
“NHÃN thị chủ TÂM.
“Lưỡng QUANG chủ TỂ.
“THẦN thị THIÊN.
“THIÊN giã, NGÃ dã.
Nghĩa là:
“MẮT làm chủ TÂM LINH con người.
“Hai yến sáng trong mắt là THẦN.
“THẦN là TRỜI.
“TRỜI là TA vậy.
Như vậy, thờ con mắt tượng trưng thờ TRỜI. Vả lại, TRỜI là đấng TẠO HÓA,một bậc vô cùng CHÍ THƯỢNG, sắc sắc, không không... mà lại giáng cơ lập Đạo, chứ không giáng phàm như hai kỳ trước, thì hình thể cũng khó mà biết được.
Hơn nữa, thờ con mắt lại là mục đích để phổ thông nền Đạo. Vì ai cũng có thể hiểu được theo ý nghĩa trên.
Cũng có bài Thánh giáo của Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ cắt nghĩa về sự thờ THIÊN NHÃN ấy phù hợp với bí pháp luyện đạo như sau:
“Thần là khiếm khuyết của cơ MẦU NHIỆM từ ngày Đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, duy THẦY cho THẦN hiệp TINH KHÍ đặng hiệp đủ TAM BỬU là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.
“Các con nhớ nói vì cớ nào thờ con mắt THẦY cho chư đạo hữu nghe...”
Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật từ ngày bị bế Đạo, luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song THIÊN ĐÌNH mỗi phen đánh tản THẦN không cho hiệp cùng TINH KHÍ.
“THẦY đến đặng hườn nguyên chơn thần cho các con đặng đắc ĐẠO. Con hiểu THẦN cư tại NHÃN bố trí cho chư đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội TIÊN PHẬT do yếu nhiệm là tại đó. Thầy khuyên các con mỗi phen nói Đạo, hằng nhớ đến danh THẦY”.

SỰ KIẾN TRÚC QUẢ CÀN KHÔN
Thể thức kiến trúc quả Càn Khôn theo Thánh giáo của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ dạy ngày 2 tháng 8 năn Bính Dần như sau:
“BÍNH! (tên của một vị đại Chức sắc buổi khai đạo). Thầy giao cho con làm một trái Càn Khôn; con hiểu nghĩa gì không? – Một trái đất tròn quây, hiểu không? Bề kính tâm là 3 thước; 3 tấc nghe con. Lớn quá! Mà phải vậy mới đặng vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời CUNG BẮC ĐẨU và các VÌ TINH TÚ vẽ lên quả Càn Khôn ấy. THẦY kể TAM THẬP LỤC THIÊN, TỨ ĐẠI BỘ CHÂU ở không không trên không khí, tức là không phải TINH TÚ. Tính lại có 3.072 ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con dở sách Thiên văn Tây ra coi mà bắt chước. Tại NGÔI BẮC ĐẨU con phải vẽ 2 bánh lái và SAO BẮC ĐẨU cho rõ ràng. Trên vì sao BẮC ĐẨU vẽ CON MẮT THẦY, hiểu chăng? Đáng lẽ trái đất ấy phải bằng chai, đúc trong một ngọn đèn đốt cho nó thường sáng; ấy là lời cầu nguyện quí báu cho cả nhơn laọi trong Càn Khôn Thế Giái đó, nhưng mà làm chẳng kịp thì tùy tiện.

TẠI SAO QUẢ CÀN KHÔN ĐỂ TRÊN NÓC BÁT QUÁI?
Bởi NHỨT KHÍ HƯ VÔ biến thành LƯỠNG NGHI. LƯỠNG NGHI lập ra TỨ TƯỢNG, có TỨ TƯỢNG rồi mới sanh BÁT QUÁI. Vì thế, Quả Càn Khôn pphải để trên nóc BÁT QUÁI.
Dưới quả Càn Khôn là những khuôn LINH VỊ viết bằng HÁN TỰ, sơn son, thếp vàng, thờ các vì giáo chủ thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
Ngoài ra, phía trước hai bên tả và hữu còn để cặp Hạc đứng trên lưng Qui.
Hình ảnh đôi Hạc nghiêm trang, ngay cổ cao vút, hai mắt đen huyền, lấp lánh nhỡn quang như mơ màng phiêu diêu cõi Phật, khiến du khách chạnh niềm tư tưởng vu vơ với cõi Trần gió bụi...
Cũng như đôi Hạc ấy, phía sau quanh quả Càn Khôn có tượng hình những Rồng sơn trắng, tiêu biểu BẠCH DƯƠNG đại hội ở thời kỳ hạ ngươn gần mãn nầy.
Ngoài ra, phía trước quả Càn Khôn, trên bàn BÁT QUÁI còn đặt những dụng cụ để cúng, tế v.v...
Dưới Bát Quái Đài, ở nền gạch có một cái hầm sâu thẳm.
Du khách có thể nương ánh đèn đi thong thả... Cái hầm nầy gọi là “HẦM TÀNG BỬU KHÁNH”.
Bởi mục đích căn bản của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là qui hiệp các Tôn giáo hiện hữu, thực tiễn Giáo lý làm phương thức thích ứng áp dụng trào lưu tiến hóa của nhơn loại một cách hợp thời mà cảm hóa nhơn loại đặng độ rỗi trên đường thiện lương Thánh Đức...
Vì vậy, nên mỗi chi tiết hay hệ thống tổ chức trong các cơ quan cũng như sự kiến trúc Tòa Thánh cũng đều phát huy từ căn bản các Tôn giáo xưa nay mà làm hiện thân; ý nghĩa đại cương của mỗi Tôn giáo.
Ngày xưa, đền thờ nào cũng có Hầm Tàng Bửu Khánh cả. Nước ý thì đền thờ La Mã. Nước Pháp thì có đền thờ Reims.
Những hầm này dùng để chứa tiền của, ngọc ngà, châu báu của các vị hảo tâm đến viếng đền thờ cúng hiến, đặng phòng khi nhân gian gặp nạn đao binh, đói khổ mới khai ra bố thí tương trợ lúc lâm nguy.
Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay, đặc biệt quan tâm đến đời sống nhân gian, mục đích cứu khốn, phò nguy, những cơn thống khổ; tương trợ đồng bào trong lúc đau thương... Nên mới xây cất có đủ thể thức làm phương tiện phục vụ sinh tồn nhân loại... Đó là mục đích xây cất “Hầm Tàng Bửu Khánh” vậy.

                                                               [1]  [2] [3]  [4]  [5]  [6]  [7]  [8]  [9]