Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh - 4 (Thiền Giang, Minh Tâm & Thanh Quang)

Từ miệng “Hầm Tàng Bửu Khánh” du khách nhìn lên quả Càn Khôn và trổ trên nóc... thì thấy có một cái Đài cao 30 thước. Đó là Bát Quái Đài vượt lên vun vút giữa thành không.
Bát Quái Đài

Đài nầy kiến trúc hình “Bát giác” xây lên ba tầng: tầng dưới từ nóc lên độ 15 thước, tầng giữa độ 10 thước và tầng chót vót lên độ 5 thước...
Trên chót vót, dưới cột thu lôi có 3 tượng Phật day mặt về 3 hướng.
Từ dưới đất, du khách đưa mắt trông lên thấy những pho tượng ấy với thể thức tạc họa rất khéo léo và sơn màu sắc linh hoạt, sống động như ba người thật đứng kề lưng nhau đưa mắt nhìn về hướng xa xôi...
Những ngày nắng đẹp, không gian bát ngát, nền trời xanh biếc bao la, thì hình ảnh 3 pho tượng ấy chơ vơ, vẻ thẩn thờ như thầm lo lắng xa xôi cái cõi đời hiện tại...

Ba pho tượng nầy gọi là Tam Thanh: Thái Thanh, Thượng Thanh và Ngọc Thanh. Ba vị nầy lãnh lịnh Thượng Đế điều khiển ba nguơn:
- Thượng nguơn là nguơn Thánh Đức hay nguơn vô tội.
- Trung nguơn là nguơn Tranh Đấu.
- Hạ nguơn là nguơn Bảo Tồn hay nguơn trở lại thời kỳ Thượng cổ.
Ba nguơn nầy xoay vần nhau cũng như Đạo có ba thời kỳ: Nhứt kỳ, Nhị kỳ và Tam kỳ Phổ Độ vậy, đúng như câu “Thiên Địa tuần huờn châu nhi phục thỉ”. Trời đất xoay giáp vòng cũng trở lại vị trí đầu tiên.
Ba vị Phật trên nóc Bát Quái Đài đối với ba nguơn như sau:
+ Người điều khiển Thượng nguơn hay nguơn vô tội là Phật BRAHMA, tức vị Phật day về phía Tây.
Vị Phật nầy giáng trần trong nguơn Thánh Đức tức là nguơn vô tội, nên đứng trên mình con Huyền Nga bay khắp cả hoàn cầu mà xem cuộc thế.
Hình ảnh vị Phật này nhìn về phía tịch dương như thầm lo lắng cõi đời sẽ dần xế bóng... mất đi những gì nên thơ, tươi đẹp thuở đầu tiên, cũng như Thượng nguơn hầu mãn, thế nhân sẽ hết đi tâm thần đạo đức vậy...
+ Người điều khiển Trung nguơn tức nguơn Tranh Đấu là vị Phật SIVA, giáng trần trong nguơn Tranh Đấu của nhơn loại. Vị Phật này đứng đạp lên mình con rắn bảy đầu, ấy là diệt thất tình cho nhân thế khỏi bị hôn mê trần ai tục lụy mà đấu tranh, hủy diệt nhau. Vị Phật nầy day mặt về phương Bắc, như cầu khẩn Chí Tôn (Thượng Đế) tế độ chúng sanh thoát vòng trầm luân khổ ải... Vì Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự tại ngôi Bắc Đẩu.
Hơn nữa, vị Phật nầy còn khẩn cầu Thượng Đế chế giảm tội nhơn sanh và miệng thổi sáo, ý nghĩa dùng thanh âm trầm bỗng, rung động tâm hồn nhân thế hướng theo giọng du dương mà thức tỉnh kiếp phù sanh hồi tâm, hướng thiện, để cuối cùng được trở về cõi Niết Bàn an vị...
+ Vị Phật điều khiển Hạ nguơn tức là nguơn Bảo Tồn, hay nguơn Tái Tạo. Đó là Đức Phật Christna Vichnou, đứng day mặt về hướng Nam. Vị Phật nầy ra đời về nguơn Tái Tạo, là thời kỷ sẽ trở lại Thượng Cổ, nên ông cỡi con Giao Long.
Khi giải ý nghĩa về Phật Christna Vichnou, Đức Hộ Pháp nói: “Dầu cho những chơn linh nào chết ở chân trời hay góc bể đi nữa, mà đầy đủ công nghiệp, tâm đức thì Phật Christna Vichnou cũng lãnh lịnh Chí Tôn tuần du trên mặt thế mà rước chơn linh ấy về ngay nơi Bạch Ngọc Kinh”.
Như vậy, lẽ công bình tạo hóa được thể hiện một cách phân minh. Không phải vì cầu khẩn long trọng hay tế lễ khấn vái van xin mà được sự cứu rỗi của Thượng Đế đâu. Đời nhiều người lúc chết, tang gia lại tế lễ khẩn cầu thật là long trọng... Đó chỉ là hình thức phô trương với thế gian,chớ thật ra Thiêng Liêng vẫn công bình thưởng phạt căn cứ theo quá trình sinh trưởng thiện, ác của người qui vị...
Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay, tượng trưng như thế mục đích tiêu biểu sự công bình Tạo Hóa; đồng thời cảnh tỉnh thế gian mê tín dị đoan. Nhiều người lúc sống thì hành động hung ác: giết người, cướp của; không lo làm lành, tế nhân độ vật; mà khi chết tang gia lại tuông của ra làm lễ long trọng, khẩn cầu, van vái v.v... thì ôi! Như đã nói trên – đó chỉ là hình thức phô trương tại thế mà thôi.
Tóm lại, tượng hình ba ông Phật nơi Bát Quái Đài, ý nghĩa tiêu biểu hệ thống tổ chức nơi cõi vô vi huyền bí với tuần huờn luân chuyển của Trời Đất và thể hiện sự công bình tạo hóa cho nhân thế soi chung...
Xem xong Bát Quái Đài và tìm hiểu ý nghĩa, du khách sẽ quan tâm đến hình ảnh mỗi cột Rồng trong Tòa Thánh tại sao sơn những màu khác nhau và những đầu Rồng nhô ra đều há miệng.
- Các đấng Thiêng Liêng giáng cơ chỉ dạy: kiến trúc Tòa Thánh đây, là điển hình Bạch Ngọc Kinh vì thế nên thể hiện đại cương những chi tiết có tính cách huyền vi tương quan thể thức nơi cõi Thiêng Liêng.
Bởi vậy, cột Tòa Thánh tượng hình Rồng và sơn nhiều màu là bởi nơi Bạch Ngọc Kinh có đủ Thần, Thánh, Tiên, Phật đứng hai bên tả và hữu, mặc áo mão đủ các sắc đứng theo phái mà chầu Ngọc Đế.
Nhưng xây Tòa Thánh, không lẽ tượng hình Thần, Thánh, Tiên, Phật chầu Thượng Đế thì sợ thất lễ với các Đấng. Vì mỗi khi tế lễ có những người phàm, công đức tu hành chưa đủ mà đến chầu lễ Thượng Đế ngang bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật chầu lệ Thượng Đế vậy.

TẠI SAO TÒA THÁNH CÓ HAI MƯƠI TÁM CỘT RỒNG?
- Đó là ý nghĩa tượng trưng và thay thế cho “Nhị Thập Bát Tú” tức các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật chầu Thượng Đế nơi Bạch Ngọc Kinh.
Sự sơn đủ các màu sắc còn có ý nghĩa tượng trưng đủ 3 thời kỳ phổ độ chúng sanh.
Hồi Nhứt kỳ Phổ Độ: có Thanh Dương đại hội, là một hội để phán đoán công nghiệp tu hành và tâm đức của nhơn sanh một cách công bình do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật điều khiển.
Nhị kỳ Phổ Độ: có Hồng Dương đại hội, cũng là một cuộc hội các đẳng chơn hồn chúng sanh để căn cứ quá trình Đức sinh hoạt một kiếp mà phán đoán tội lỗi một cách công bình do Di Đà điều khiển.
Còn Tam kỳ Phổ Độ này là Bạch Dương đại hội, mục đích cũng phán đoán tội lỗi chúng sanh như Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ, do Đức Phật Di Lạc điều khiển. Vì vậy tượng Rồng sơn trắng ở Bát Quái Đài dưới quả Càn Khôn, đó là tiêu biểu thời kỳ Bạch Dương đại hội. Còn tượng cột hình Rồng sơn vàng chung quanh Bát Quái Đài là ý nghĩa tượng trưng và thay thế chư Phật chứng Hội Long Hoa (chúng tôi đã giải ý nghĩa hội Long Hoa ở đoạn trước).

TẠI SAO TƯỢNG HÌNH CỘT RỒNG HÁ MIỆNG?
Vì từ trước về Bí pháp để được đắc đạo đều được giữ kín và còn cho rằng “Thiên Cơ Bất Khả Lậu”. Từ ngày Đại Đạo Cao Đài khai mở đến nay thì các Đấng Thiêng Liêng đã giáng cơ bút dạy rõ để cho nhơn loại có thể tu luyện mà tác Tiên tác Phật tại thế nầy.
Hơn nữa, Đạo nào cũng căn cứ khẩu xuất ngôn mà hình dung đạo đức và sự chơn dã, nên tượng hình cột Rồng há miệng cũng còn là ý nghĩa dùng “Khẩu Phát Ngôn” cảnh tỉnh thế nhân hồi tâm, hướng thiện, bãi bỏ mê tín dị đoan.
Quan sát nghệ thuật kiến trúc nội dung Tòa Thánh xong và nghe thuật lại ý nghĩa từng chi tiết bao hàm những bí ẩn huyền vi làm cho du khách cảm thấy lâng lâng cõi lòng khi trở bước...
Ra khỏi mấy lồng căn Tòa Thánh, du khách nhìn lên mái hiên chung quanh Tòa Thánh sẽ thấy có đúc những khuôn hình tròn, đường kính độ ba tấc. Trong khuôn ấy có chạm đôi hạc bay trước ánh mặt trời,ý nghĩa như sau:
Phác họa hình ảnh nầy theo câu của Đức Thánh: “Lung kê, hữu mể, than hỏa cận; giả hạc vô lương thiên địa khoan”, nghĩa là: con gà ăn no mặc lòng, nhưng nồi nước và bếp lửa sẵn kề; hạc nọ dầu thiếu thức ăn chớ trời đất mênh mông mặc tình thong thả...
Ấy là tiêu biểu cho thế nhân thức tỉnh. Người đời chớ vì “ăn” mà hôn mê đến đỗi giam mình trong vòng lao lý, sự chết chóc sẵn kề bên cũng không hay.
Hãy xem kìa hạc nọ ví như kẻ hiền thức thời, hiểu thế dẫu khan hiếm vật thực, song vẫn được tự do, thong thả...
Hình ảnh đôi hạc vỗ cánh, bay cao trước ánh mặt trời, du khách đang còn nghĩ ngợi vu vơ... Nhưng du khách sẽ để ý những dây nho, trái nho và lá nho quanh hiên Tòa Thánh, ý nghĩa như sau:
- Cũng như ở đoạn trước, tại cửa đi vào, chúng tôi có thuật đại cương ý nghĩa tượng trưng thời kỳ Nho Tông chuyển thế.
Song, tại Tòa Thánh, dây nho, trái nho và lá nho lại tượng trưng “Tam Bửu”: Tinh, Khí, Thần như sau:
Dây nho tượng trưng TINH;
Rượu nho tượng trưng KHÍ;
Trái nho tượng trưng THẦN.
Tinh, Khí, Thần nầy gọi là “TAM BỬU”. Bởi nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mỗi khi cúng tế đều có dâng Tam Bửu là:
- Hoa tượng trưng TINH;
- Rượu tượng trưng KHÍ;
- Trà tượng trưng THẦN.
Tam Bửu nầy dâng lên Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng để tỏ lòng thành kính. Vả lại, cơ huyền vi đã định: TINH, KHÍ, THẦN là yếu nhiệm sự đắc đạo. Đức Chí Tôn giáng cơ về sự mầu nhiệm ấy như sau:
“Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, duy Thầy cho THẦN hiệp TINH, KHÍ; hiệp đủ TAM BỬU là cơ mầu nhiệm, siêu phàm, nhập thánh . . . . . .. . . Nguồn cội Tiên, Phật yếu nhiệm là tại đó.
Vì vậy, phác họa trên hiên chung quanh Tòa Thánh, những dây Nho, trái Nho và lá Nho ý nghĩa Tam Bửu hiệp nhứt, thể hiện sự mầu nhiệm cho kẻ chơn tu siêu phàm, nhập Thánh.
Ngoài ra, dưới những dây nho nầy chung quanh vách Tòa Thánh có các khuôn hình tam giác trong Thiên Nhãn phản chiếu trên chín chia, dưới bảy chia, ý nghĩa như sau:

Khuôn Thiên Nhãn chung quanh vách Tòa Thánh

Khuôn hình tam giác: ba cạnh liền với nhau ấy tượng trưng Tam Giáo (Đạo Nho, Đạo Tiện, Đạo Phật) qui nguyên; Thiên Nhãn giữa tượng trưng Đức Thượng Đế - nguồn cội Tam Giáo – Vì mục đích thực hiện của Tam Giáo là hướng về Đức Thượng Đế tối cao tối trọng trên cõi vô hình. Dầu cho Đạo nào cũng vậy, mục đích của sự Phổ Dộ chúng sanh là để trở về nguồn sanh hóa của mình tức là Trời vậy.

Chín chia trên tượng trưng Cửu Thiên Khai Hóa nghĩa là 9 tầng trời được Thượng Đế mở rộng rước chúng sanh đầy đủ tâm đức, tu hành. Bảy chia dưới ý nghĩa dìm thất tình nhân loại ấy là kềm hãm đi thất tình, tức bảy tình: mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn của nhơn sanh để bớt sự dục vọng si mê cõi trần tục lụy, mà gắng bước trở về cõi Bồng Lai, Tiên Cảnh.
Ngoài ra, ý nghĩa khuôn Thiên Nhãn ấy còn là tiêu biểu qui cũ chuẩn thằng của Tôn Giáo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, mục đích tiêu biểu cho chức sắc, chức việc truyền bá Đạo hiểu rằng: Đạo vốn căn bản mực thước, qui cũ, nhứt định không ai được sửa cãi.
Đến đây, đã thể hiện những điều bí ẩn trong Tòa Thánh Tây Ninh. Nhưng còn vấn đề bí pháp liên quan đến cơ huyền vi chúng tôi không được bàn đến...
Quan sát xong sự kiến trúc với thể thức kỳ diệu nầy, thấy thể hiện một công trình vĩ đại phi thường, khiến du khách sẽ bâng khuâng muốn tìm hiểu nguyên nhân xây cất Tòa Thánh, tức là lịch sử kiến trúc Tòa Thánh vậy.

                                                               [1]  [2] [3]  [4]  [5]  [6]  [7]  [8]  [9]