Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh - 6 (Thiền Giang, Minh Tâm & Thanh Quang)


Khi quan sát từng chi tiết trong Tòa Thánh, am hiểu được tường tận sự huyền bí và nghe thuật lịch sử kiến trúc xong, du khách sẽ đi viếng từ cơ quan trong nội ô Tòa Thánh.
Đi trở về phía sau Tòa Thánh, du khách sẽ thấy một cái tháp hình bát giác cao vượt lên 3 tầng. Mỗi tầng cao lên độ 2 thước và 3 thước.

Tháp nầy dùng để an vị Chức sắc lớn trong nền Đạo.
Hội Thánh Cửu Trùng Đài, thì Chức sắc Nam, Nữ phải từ phẩm Đầu sư trở lên. Nhưng đặc biệt có 3 vị Đầu sư phái Nam và một Đàu sư nữ phái cùng ba vị Chưởng pháp, một vị Giáo Tông được cơ bút Chí Tôn ân phong trong buổi khai Đạo mới được xây tháp mà thôi.
Riêng về Hội Thánh Hiệp Thiên Đài thì Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và 12 vị Thời Quân, Thập nhị Bảo quân cùng các Chức sắc khác như Tiếp lễ Nhạc quân, Hộ đàn Pháp quân thì khi qui vị cũng được xây tháp. Nhưng chỉ một lần thôi. Dù sau nầy có những vị Chức sắc khác kế vị nhưng cũng không được xây cất tháp nữa.
Mỗi Tháp an vị chức sắc nầy, đều được xây hình bát giác.

TẠI SAO THÁP PHẢI XÂY HÌNH BÁT GIÁC?
- Vì khi mỗi Chơn Linh mãn phần nơi cõi thế tức là lúc chết linh hồn phải trở qua: “Ba mươi sáu cõi Thiên Tào, nhập trong Bát Quái mới vào Ngọc Hư”. Nghĩa là linh hồn qua ba mươi sáu cõi Thiên Tào ấy, thì còn phải vào Bát Quái để Thiêng Liêng phán đoán tội lỗi căn cứ theo quá trình sinh hoạt của một kiếp rồi mới được vào ngọc Hư Cung, tức là nơi Chí Tôn ngự, nếu đầy đủ thiện quả, trọn vẹn tâm đức tu hành thì được thăng; còn chưa đầy đủ phải lãnh lịnh trở lại cõi phàm trần. Đạo Phật gọi là “chuyển kiếp luân hồi”.
Vì vậy, xây Tháp an vị Chức sắc, thể thức kiến trúc phải theo hình Bát Quái Đài, tức là một trong ba Đài: HIỆP THIÊN ĐÀI, CỬU TRÙNG ĐÀI và BÁT QUÁI ĐÀI ở Tòa Thánh tượng trưng cho hình thể Đại Đạo để phổ độ chúng sanh (như chúng tôi đã lược thuật rõ rệt nhiệm vụ của mỗi Đài ở những đoạn trước). Vậy cần nhắc lại nhiệm vụ của Bát Quái Đài để đọc giả có thể am tường thêm về thể thức xây Tháp hình Bát Quái Đài.
Bát Quái Đài do các Đấng Thiêng Liêng điều khiển, trực tiếp rước các đẳng chơn hồn để phán xét công đức tu hành và tội phước ở thế gian. Sau khi trải qua cuộc phán xét ấy, chơn hồn mới được vào Ngọc Hư Cung, là nơi Thượng Đế ngự mà chầu. Tùy công nghiệp tu hành, sinh hoạt thiện lương của một kiếp mà Thượng Đế định theo phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật hoặc phải luân hồi lại chốn trần gian.
Tháp an vị Đầu Sư

Vì vậy, nên thể thức Tháp an vị Chcứ sắc phải kiến trúc theo hình Bát Quái Đài và cũng có mục đích tiêu biểu sự mầu nhiệm Tạo Hóa cõi vô hình để nhân thế soi chung vậy...
Khi quan sát Tháp phía sau Tòa Thánh, du khách đều thấy sự kiến trúc đều cùng một thể thức. Nhưng những hìn họa trên các Tháp đều theo sự tích khác nhau, tùy theo phẩm vị, hoặc nam, nữ mà phác họa sự tích thích hợp.
Xem xong các Tháp nầy, du khách sẽ vào hậu Điện Tòa Thánh viếng Đông lang, Tây lang.

Đông lang và Tây lang thể thức kiến trúc đều như nhau hai bên tả hữu Tòa Thánh liên đới với nhà Hậu Điện.
Tuy gọi là Đông lang và Tây lang song bên trong có các phòng làm việc hoặc để Chức sắc, Chức việc hiến thân trọn đời cho Hội Thánh an nghỉ thôi.
Sự liên đới Đông lang và Tây lang với Hậu Điện cùng Tòa Thánh theo cơ bút thì kiến trúc như hình Long Mã vậy...
Từ Đông lang, du khách đưa mắt nhìn về hai ngôi nhà đồ sộ nằm ngang vị trí của Đông lang. Đó là Trai đường, nghĩa là nơi dùng để công quả, chức việc và chức sắc làm việc trong các cơ quan của Hội Thánh Cửu Trùng Đài dùng cơm hằng bữa.
Nơi đây, mỗi ngày có hai bữa cháo cơm cho công quả ăn. Bữa mơi, tiếng trống đổ 11 giờ và một hồi tan sở thì trong các cơ quan Cửu Trùng Đài, chức sắc và nhơn viên lớn, nhỏ... lần lượt đến đây dùng bữa cháo, rau. Bữa chiều khoản độ 5 giờ, cũng sau một hồi trống tan sở, vẫn nhóm người muôn thuở ấy... trở lại đây dùng cơm dưa muối...
Cảnh kham khổ... nhưng tình vẫn thiết tha... Hiện trạng nầy làm cho du khách buồn miên man nghĩ ngợi... Khi người ta ý thức được cuộc sống chỉ là giả tạm; mùi trần ai đày đọa bao người, nên tuy sống khổ... mà họ vẫn vui tươi vì hiểu biết...
Nhận thức cảnh tu hành đạm bạc muối dưa... khiến du khách thấy lòng buồn dười dượi mông lung với trường đời lang bạt...
Khi rời khỏi Đông lang trở lại phía trước Tòa Thánh, du khách sẽ dừng chơn mơ màng đứng ngắm hai thửa rừng hai bên tả, hữu trước Tòa Thánh, gọi là rừng “Thiên Nhiên”...
Từ mặt tiền Tòa Thánh đi ra độ 30 thước, có cột Phướng hình rồng cao độ 30 thước chơ vơ vòi vọi giữa khung trời bát ngát.

Khán đài và phía sau là rừng Thiên Nhiên

Dưới chân cột Phướng rồng có chạm hoa sen và hình bốn con Kim Mao Hẩu. Ý nghĩa rồng với hoa sen tiêu biểu “Hội Long Hoa” là mục đích cứu cánh của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (chúng tôi đã lược thuật đoạn trước...)
Cách cột Phướng chừng 10 thước có cội cây Bồ Đề, sum suê nhành lá, dưới gốc là tượng hình Đức Phạt Thích Ca ngồi tịnh, sau lưng có con rắn 7 đầu đưa lên...
Cội cây Bồ Đề và tượng Phật Thích Ca nầy nguyên của Đức Narada Théra, đại diện Phật giáo Cyelan biếu.

Ý NGHĨA TƯỢNG PHẬT DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ
Thuở xưa, Đức Phật Thích Ca ngồi thiền định dưới cội bồ đề quán thông được chơn tướng của vạn vật chúng sanh, và tầm được bốn phép thiền định sau, mà hiện nay pháp môn thiền định nầy các bậc tu hành còn thực dụng:
- Một là Ý Thanh Tịnh.
- Hai là Tịnh Tâm Thủ Nhứt; Chuyển Tâm Bất Dịch.
- Ba là thấy rõ chơn tướng vạn vật chúng sanh.
- Bốn là không y thiện; không phụ ác; không khổ, không vui, bình thản, không không.
Ngày nay, nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ qui tam giáo, hiệp ngũ chi đặc biệt quan tâm đến đời sống nhân gian hiện hữu (đó tức là bậc hạ thừa), còn mục đích cứu cách cũng lấy phương thức luyện tịnh mà tồn dưỡng tinh thần để đến giải thoát kiếp trần khổ hạnh.
Vì vậy, đúc tượng Phật tịnh dưới cội bồ đề trước Tòa Thánh là mục đích tiêu biểu đại cương thể thức tu tập. Du khách có thể quan sát những chi tiết mà xác định được phần nào về Đạo CAO ĐÀI.
Sau lưng pho tượng Phật Thích Ca có rắn bảy đầu đưa lên. Bảy đầu đó tượng trưng thất tình: mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn của loài người.
Ngày xưa Phật giáo, thì tu tập luyện tịnh sao cho chơn ngã được sống ngoài vòng tục lụy, trần ai, nghĩa là diệt dục cho lòng bình thản không không mới giải thoát linh hồn ra ngoài vạn khổ ở đời. Vì thế mà thất tình vẫn còn, nhưng được tập trung duy nhứt theo một chiều hướng về cõi thượng giới hư linh. Nên bảy đầu rắn đưa lên tượng trưng thất tình là ý nghĩa đó...
Hình ảnh tượng Phật lặng thầm thiền định dưới cội bồ đề ấy... có hiệu lực gợi niềm rung cảm lâng lâng cõi long du khách.
Từ pho tượng Phật nầy nhìn thẳng phía trước, du khách sẽ thấy hai bên tả hữu có hai khán đài thật to, để quan khách nghỉ mát hoặc trong những ngày lễ lớn để khách thập phương ngồi nghe thuyết đạo.
Khán đài nầy kiến trúc thật to xây trên 12 bậc cao thấp khác nhau.


Ý nghĩa 12 bậc ấy cũng tượng trưng thập nhị khai thiên của Trời.
Vào khoảng thời gian 1955-1956 có cuộc lễ khánh thành, hai khán đài nầy, người người đông nghẹt.
Thoảng phút ấy qua rồi, dòng đời đã chìm dần trong ký ức thế nhân... Giờ đây hai khán đài chỉ âm thầm song song bên cạnh rừng cây rợp bóng...
Chính giữa hai khán đài nầy có kiến trúc một đài nhỏ, hình bát giác gồm 9 bậc cao dần lên gọi là “Cửu Trùng Thiên”.
Du khách mới xem qua hình ảnh Cửu Trùng Thiên không lớn mấy cũng như một gò đất nhỏ mô lên, trong nắng vàng trập trùng ánh sáng.

Ý NGHĨA XÂY CỬU TRÙNG THIÊN
Tam Kỳ Phổ Độ; Đấng Thượng Đế khai nền Đại Đạo gọi là thời kỳ ân xá. Đức Ngài mở cả Cửu Thiên Khai Hóa mà lập Cửu Trùng Đài điển hình tại thế đặng độ rỗi chúng sanh.
Những người tu công nghiệp đầy đủ sẽ được siêu rỗi qua Cửu Trùng Thiên mà vào Bạch Ngọc Kinh.
Trái lại, ai tu dang dở, công nghiệp còn thiếu kém, cũng được sự độ rỗi, song luật công bình tạo hóa phải căn cứ công đức tu hành phán đoán công minh và lập vị theo Cửu Thiên Khai Hóa.
Cũng như tại thế nầy, khi chầu lễ Chí Tôn, những Chức sắc lớn ấy là công quả đầy đủ và Chức sắc nhỏ ấy là những vị còn thiếu công nghiệp tâm đức tu hành, nên phẩm vị khác nhau. Xây Cửu Trùng Thiên nầy để thiêu xác những vị đại Chức sắc (bên Cửu Trùng Đài thì phầm Đầu sư trở lên cũng như bên Hiệp Thiên Đài thì từ phẩm Thập nhị Thời quân trở lên). Những bậc chức sắc nầy đầy đủ công đức tu hành; hiện kiếp cũng như tiền căn (theo cơ bút Thiêng Liêng chỉ dạy) nên lúc chết thân xác được thượng vị lên Cửu Trùng Thiên.
Đó là tiêu biểu sự giải thoát được kiếp trần ai khổ hạnh của vị ấy đồng thời nhờ công đức tu hành đó mà lập vị thiêng liêng qua khỏi Cử Thiên Khai Hóa. Vì vậy, mới có xây cất Cửu Trùng Thiên.
Xem qua Cửu Trùng Thiên và nhận thức được ý nghĩa, khi nghe tường thuật. Hẳn du khách thấy rõ kiếp con người sanh trưởng tại thế gian nầy không phải cốt để an hưởng kiếp giả tạm và nhờ sự vinh sang, quyền cao, chức trọng mà lúc qui mãn được Thiêng Liêng độ rỗi đâu. Trái lại, đó chỉ là của trần để lại cho trần... mà linh hồn phải nương nhờ nó để tu dưỡng nên chánh thiện, chánh giác mà lập vị đẳng cấp Thiêng Liêng trên cõi vô hình.
Đến đây du khách đã tường lãm sự thực dụng của Cửu Trùng Thiên liên đới đến lập vị thiêng liêng.
Hình ảnh Cửu Trùng Thiêng la đà trên mặt đất trong ánh nắng mơ màng với ý nghĩa luận thuật còn làm du khách nghĩ ngợi vu vơ... Rồi trông về phía trước, du khách thấy liền hai pho tượng; một pho tượng hình người chạy bộ hai tay chấp, đúc bằng xi măng, sơn màu vàng song đã lam mờ phai nhạt...
Và còn một pho nữa thì tượng hình người cỡi ngựa, tay cầm cương, tay che mắt trông về phía mặt trời lặn – xa xôi – với nhiều sự tin tưởng. Hai pho tượng nầy cũa đúc bằng xi măng, chạm trổ sắc sảo, tuyệt vời...
Đó là hai pho tượng XA NẶC chạy bộ theo Đức Thích Ca cỡi ngựa tầm Đạo buổi đầu tiên.
Hình ảnh hai pho tượng nầy thể hiện sự tích tầm đạo của Phật Thích Ca, đồng thời làm tiêu biểu cho thế nhân mục kích và ý thức sự vinh sang, quyền quí ở cõi đời mà ngàn xưa Đức Thích Ca đã nhận thức được...
Nguyên Phật Thích Ca xưa kia là một vị Thái Tử con vua Tịnh Phạn sinh trưởng tại Ấn Độ.
Đời Thái Tử sống trong nhung lụa xa hoa, vật chất đủ điều...
Nếu lấy quyền thì Thái Tử sẽ là vị vua có đủ quyền bính thống trị cả thiên hạ; nếu lấy sự giàu sang phú quí vinh hoa thì đầy đủ biết bao...
Nhưng Thái Tử sớm đã nhận thức được ý nghĩa kiếp sinh con người chỉ là giả tạm, suốt đời khổ não vẫn triền miên trong ngũ trọc mà phải qua những trạng thái: sanh, lão, bịnh, tử...
Hiện trạng đau buồn ấy thúc đẩy Thái Tử tìm phương giải khổ chúng sanh...
Suốt bao năm khổ hạnh tầm đạo, Thái Tử đã tìm được phương pháp giải khổ mà cứu cánh nó là sự giải thoát kiếp luân hồi sanh tử cho chúng sanh; ấy là Đạo Phật vậy...

Hình Thái Tử cỡi ngựa tầm đạo

Ngày nay lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế qui nguyên Tam giáo, thực tiễn giáo lý: Phật, Lão, Nho làm phương châm thực dụng, có hiệu lực thích ứng với trào lưu tiến hóa của nhân loại, mục đích thực hiện đời sống thế nhân trên cương lĩnh đạo đức sinh hoạt cho cõi đời được hòa thuận an vui khỏi cảnh chiến tranh tàn khốc, hầu lấy Đạo Phật làm phương giải thoát kiếp sinh.
Nên tượng hình Phật Thích Ca tiêu biểu đại cương quan điểm thực hiện của tôn chỉ và mục đích nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ; đồng thời cảnh giác thế nhân hướng về đạo đức từ bi, quan tâm kiếp trần hiện tại.
Hình ảnh hai pho tượng chơ vơ trong ánh nắng, khích lệ tâm hồn du khách bâng khuâng bao niềm, khi trở bước.
Rời khỏi hai pho tượng nầy, du khách sẽ quay vào Tòa Thánh đề đi con đường Bình Dương Đạo sang viếng các cơ quan.
Khi cất bước lâng lâng và lắng nghe rừng âm u, gió rít lê thê, du khách sẽ chạnh niềm rung cảm... Đâu đây, trong cảnh rừng rợp bóng có kẻ mơ màng ngồi ngắm Tòa Thánh buông tiếng hát vu vơ...
"Đây: muôn thuở Thánh Tòa phơi bóng đẹp...
Bên cạnh rừng heo hút gió đê mê...
Khách trần gian đi đến, lúc đi về...
Tâm hồn vẫn chập chờn bao dư ảnh...
Rồi những lúc u hoài lòng có chạnh,
Nhớ nhung về phong cảnh đẹp nên thơ...
Ngôi Thánh Tòa trong ánh nằng lững lờ...
Vang bóng lại tâm hồn niềm thơ mộng.
Chơi vơi giữa khung trời xanh cao rộng,
Có hai đài: chuông, trống vút song song.
Trời quá cao bát ngát, lại mênh mông,
Mà hình ảnh là đà, e ấp ấy!...
Trời cao quá, buồn tênh nên thấp lại,
Đất đìu hiu, nên vượt mấy tầng cao...
Như cùng nhau liên đới những âm hao...
Cõi trần thế sầu đau còn lắm lắm!!!
Đây lấp lánh muôn vàn màu sắc thắm,
Chói chang niềm rung cảm khách trần gian...
Để ai còn say đắm cảnh trần hoàn...
Tỉnh lại giấc mơ màng trong cõi mộng...
Đây muôn thuở Thánh Tòa còn vang bóng,
Đây cửa thiền mở rộng đón nhân gian.
Hỡi ai đời sống lắm đoạn tràng!...
Giải thoát kiếp lên đàng về tu niệm...
Mượn kinh kệ vui niềm vui mầu nhiệm,
Khoác áo chùa liệm kiếp khổ đau..."
. . . . . . . . . . . . . . . . . .

(Thơ của T.L. Thiền Giang PHAN VĂN TÂN)
Nghe tiếng hát miên man niềm buồn bã, khiến lòng người thổn thức mông lung...
Qua khỏi mặt tiền Tòa Thánh nhìn vào thửa rừng “Thiên Nhiên” phía tả, du khách sẽ trông thấy ngôi nhà nghỉ mát. Ngôi nhà nầy cất trong thửa rừng, dưới những tàn cây xum xuê nhành lá... để du khách viếng Tòa Thánh tạm nghỉ hoặc vào đọc sách nên gọi là “Thơ viện”.
Ngôi nhà nầy không lớn lắm, những đặc biệt thể thức trang trí xem vẻ khác lạ. Bên ngoài vào, du khách sẽ thấy những tấm bản vẽ hình bộ Cổ Pháp Tam giáo (Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Du).
Rời nhà nghỉ mát, du khách sẽ thấy bên lề đường phía tả có một ngôi nhà trơ trẻn trong ánh nắng hiu buồn... Đó là ngôi “Nữ Đầu Sư Đường”, tức cung thự của vị Đầu Sư nữ phái, đồng thời cũng là cơ quan trung ương truyền giáo của phái nữ.
Nơi đây đặc biệt dành riêng cho Chức sắc nữ phái ở tu tập và đặt những cơ quan tổ chức có hệ thống như nam phái mà lo việc phổ độ chúng sanh.

Nữ Đầu Sư Đường

Tất cả những hoạt động về truyền giáo đều đặt dưới quyền vị Nữ Đầu Sư, nếu Đầu Sư khuyết thì vị Nữ Chánh Phối Sư điều khiển.
Ngôi nhà nầy khuôn diện chữ nhựt, có hai tầng: dưới và trên lầu. Hiện nay hệ thống tổ chức truyền giáo của Hội Thánh Cửu Trùng Đài nữ phái các cơ quan đều đặt tại đây.
Ngày ngày êm đềm qua đi năm, tháng... Nơi đây có những vị tu sĩ nữ phái lớn, nhỏ... sớm, chiều:
Mượn kinh kệ tiêu dao cửa Phật.
Bền trầm luân tỉnh giấc mơ màng...
... mà phôi pha đi niềm tục lụy trần ai... quên điều trần thế...
Mỗi chiều, khi tiếng trống điểm giờ tan sở, trước ngôi nhà nầy là biết bao tà áo trắng phơi phới tung bay trong ánh ngày hiu hiu tạnh nắng...
Dòng đời âm thầm hờ hững qua đi... Tâm hồn họ vẫn trẻ trung trong lạc thú nên thơ mầu nhiệm...
Nơi đây, bao đêm về trăng mờ khắc khoải. Tiếng thời gian điểm hờ; trống dội vu vơ... họ cất tiếng ngâm thơ gởi niềm rung cảm...
... Thế sự: thăng, trầm; ai biết đâu!...
Thân người một kiếp có là bao?.!...
Cõi trần: thấp thoáng thoi đưa bóng...
Cảnh thế: ngùi trông thỏ ác sầu!
- Lặng lẽ phôi pha niềm tục lụy;
Âm thầm thêm lắng nỗi thương đau.
Huyền vi tạo hóa ai ơi thấu!
- Gởi kiếp phù sinh với đạo mầu.
(Thơ của T.L. Thiền Giang PHAN VĂN TÂN)
... Đêm đêm, thường có thế... Ngày, ngày vẫn vui niềm đạo đức tu thân. Đến đây tìm hiểu, du khách sẽ chạnh lòng kiếp sống vì đâu?
Rồi dời chơn đăng bước, du khách sẽ thấy liền bên hữu đường Bình Dương Đạo có một ngôi nhà đồ sộ nằm chênh vênh trong lòng khu đất rào.
Chung quanh ngôi nhà nầy là những tàng cây sữa xum xuê nhành lá, chen lẫn vài cây cổ thụ vút lên cao... Đó là ngôi “Giáo Tông Đường”, tức là dinh thự của vị Giáo Tông.
Trong nền đạo Cao Đài, Đức Giáo Tông do cơ bút Thiêng Liêng tuyển chọn hay do toàn cả Hội Thánh, Tín đồ và quyền nhơn sanh bầu cử mới được công nhận.
Quyền hạn Giáo Tông là anh cả nhơn sanh, có quyền thay mặt cho Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế tức Giáo Chủ Đạo CAO ĐÀI.

Giáo Tông Đường

Hiện nay, Giáo Tông Đường nầy là nơi đặt để cơ quan tối cao điều khiển nền Đạo, do Đức Thượng Sanh CAO HOÀI SANG chưởng quản.
Thượng Sanh đặt văn phòng tại đây là có tính cách tạm. Căn bản Pháp Chánh Truyền Đại Đạo ấn định, thì Thượng Sanh phải có văn phòng riêng cũng như Hộ Pháp thì có Hộ Pháp Đường; Giáo Tông thì có Giáo Tông Đường và Thượng Phẩm thì có Thảo Xá Hiền Cung vậy.
Có lẽ hiện giờ Hội Thánh chưa đủ phương tiện cất dinh thự văn phòng Đức Thượng Sanh. Nhưng chắc dù sao cũng được thực hiện, vì đây là thể pháp hữu vi liên đới vô vi trong cơ phổ độ tam kỳ của nền Đại Đạo.
Đối diện với ngôi Giáo Tông Đường, bên tả lề lộ Bình Dương Đạo là Hạnh Đường, tức là ngôi trường để Hội Thánh đào luyện các chức sắc về khả năng phổ độ chúng sanh.
Những chức sắc vào hàng Lễ Sanh, Giáo Hữu... trước khi hành quyền Giáo Sĩ, phải trải qua một thời gian học tập, thực hiện theo phương thức Đại Đạo phù hợp nhu cầu tiến bộ nhơn loại trên mọi lãnh vực.
Hạnh Đường

Ngôi Hạnh Đường này cũng kiến trúc theo thể thức: trên nóc, dưới nền, gọi Lưỡng nghi. Vách dừng bốn bên là Tứ Tượng. Trên nóc hình Bát Quái (bát giác). Thể thức kiến trúc nầy biểu hiện theo căn bản phát huy Trời Đất hóa sanh muôn loài vậy.
Hình thức ngôi Hạnh Đường nầy cũng khá rộng, vuông vức độ hai chục thước. Bên trong bàn ghế thật nhiều để y như một lớp học. Trên các cột và chung quanh vách có treo những tấm bảng cây độ 4 tấc vuông vẽ bộ Cổ Pháp của Tam giáo (Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Du).
Về bộ Cổ Pháp Tam giáo nầy còn có ý nghĩa tiêu biểu sự qui Tam giáo cho khách bàng quan nhận thức rằng nơi đây nghiên cứu giáo lý Tam giáo, thực tiễn những quan điểm có hiệu nghiệm thực dụng, thích hợp nhu cầu nhân loại trong sự tấn hóa hiện đại mà cải tổ nếp sanh hoạt thế nhân: chân, thiện... đạo đức cao vọng thực hiện đời sống nhân gian trở nên hòa thuận, an vui...
Kiến trúc ngôi Hạnh Đường nầy hẳn Hội Thánh cũng thể theo tích xưa... Khi xưa, Đức Khổng Phu Tử chu du liệt quốc để truyền bá Đạo Nho. Thấy công việc truyền giáo ấy bất thành Ngài bèn về ngụ tại nơi gọi “Hạnh Đường” để đào luyện đạo đức cho tam thiên đồ đệ (dường như vùng nầy xưa kia có rất nhiều cây hạnh). Về sau trong số đồ đệ của Ngài, chỉ còn có bảy mươi hai người, nên gọi “Thất Thập Nhị Hiền”, truyền bá mối Đạo đến ngày nay...
Đại cương hai chữ Hạnh Đường nầy có thể nói để tiêu biểu sự đào luyện “đạo hạnh” và khả năng vạch rõ đường lối đạo đức cho người truyền giáo.
    Tóm lại, quan điểm hai chữ Hạnh Duong thể hiện căn bản đào luyện khả năng giáo sĩ Đạo Cao Đài trên phương diện hạnh đức. Vì người truyền giáo phải có đầy đủ hạnh đức vẹn toàn, mới cảm hóa được lòng người khuynh hướng về đạo lý. Đó là phưong thức thực hiện ý nghĩa “HẠNH ĐƯỜNG” vậy

                                                               [1]  [2] [3]  [4]  [5]  [6]  [7]  [8]  [9]