Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh - 9 (Thiền Giang, Minh Tâm & Thanh Quang)

X – CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN
Từ Nhà Hội Vạn Linh, đi chừng 300 thước, thì đến cơ quan Phước Thiện nằm bên lộ Cao Thượng Phẩm.
Đây là cơ quan của Hội Thánh thành lập để thực hiện sự phổ độ chúng sanh trên phương diện tế trợ kẻ nghèo khó, bệnh tật, trẻ con mồ côi và tương trợ mọi phương diện xã hội khi hữu cần...

Sự đặc biệt của cơ quan nầy, mặc dù thực hiện sự tương trợ cứu giúp đồng bào và các tu sĩ khi bịnh hoạn, tật nguyền, già yếu, nhưng cũng có hệ thống tổ chức căn bản đẳng cấp chức sắc phân minh như Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.
Điều thứ 10 Tân Luật Pháp Chánh Truyền Đạo Cao Đài ấn định: “Gầy dựng cơ thể Phước Thiện các nơi và những địa phương là đặng châu cấp cho những kẻ tật nguyền, cô độc”.
Và kỷ luật thập nhị đẳng cấp Thiêng Liêng của các chức sắc Phước Thiện y như dưới đây:
1) Minh Đức; 2) Tân Dân; 3) Thính Thiện;
4) Hành Thiện; 5) Giáo Thiện; 6) Chí Thiện;
7) Đạo Nhơn; 8) Chơn Nhơn; 9) Hiền Nhơn;
10) Thánh Nhơn; 11) Tiên Tử; 12) Phật Tử.
Tùy theo phẩm trật chức sắc mà hành sự thực hiện mục đích đặc biệt tương trợ đồng bào, cứu khốn phò nguy của cơ quan Phước Thiện. Tại cơ quan nầy là trung tâm điểm tổng hợp các hệ thống thực hiện khắp địa phương...
Cũng như cơ quan truyền giáo của Hội Thánh Cửu Trùng Đài có đặt hệ thống tại các địa phương chuyên lo việc phổ độ nhơn sanh, hướng dẫn con đường thiện lương đạo đức, cơ quan Phước Thiện có đặt các cơ sở khắp địa phương mục đích khuếch trương kỹ nghệ, làm thương mãi hay lo tạo tác thêm cơ quan truyền giáo giúp Hội Thánh Cửu Trùng Đài.
Vì thế, tại các tỉnh có một vị Đầu Họ đạo phẩm Chí Thiện, đối chức sắc Cửu Trùng Đài  là Giáo Hữu địa vị Khâm Châu Đạo vậy. Dưới quyền vị nầy có những chức sắc nhỏ hợp tác chặt chẽ nhau trên quan điểm thực hiện mục đích của Phước Thiện.
Tại cơ quan trung ương nầy, Phước Thiện cũng có thành lập các văn phòng làm việc và hợp tác cùng Hội Thánh Cửu Trùng Đài lo việc quan, hôn, tang, tế hay tổ chức mọi nơi trong Tòa Thánh mỗi khi có đại lễ v.v...

Cơ quan Phước Thiện

Đối với cơ quan Phước Thiện là Cô Nhi Viện, tức Viện chăm nuôi trẻ em mồ côi. Viện nầy được tổ chức chăm sóc trong một ngôi nhà đồ sộ có đầy đủ các phòng cho trẻ em và tỉ số ấu nhi độ hơn 40 em. Bước vào đây, du khách sẽ thấy hơn 40 mái đầu xanh thơ dại... sống bên nhau trong một ngôi nhà to lớn nhờ sự chăm sóc với tấm lòng đạo đức... của vài bà mẹ hiền.
Nhiều đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏm thế mà vẫn bị đấng sanh thành bỏ, để viện nầy thừa nhận chăm nuôi!... Ôi! Từng tiếng khóc the thé, từng tiếng cười gượng gạo... biểu hiện trên gương mặt của các em bé  sẽ làm du khách ngậm ngùi xúc cảm... nghĩ đến tiền định kiếp người trên cõi thế...
Đi khỏi viện nầy chừng 100 thước, du khách sẽ đến nhà Dưỡng Lão Đường. Dừng chơn đứng ngắm, du khách sẽ thấy đây là một ngôi nhà cũng khá rộng lớn, bên trong phân làm nhiều phòng ngăn nắp để những người già yếu ở... hằng ngày, Hội Thánh phái những người làm công quả đến chăm sóc...
Vào đây xem, du khách sẽ thấy cảnh tượng lão, khổ thể hiện một niềm khích lệ thâm tâm...
Dời chơn, cất bước, du khách sẽ thấy cõi lòng buồn miên man lắm nỗi...
Từ cửa Dưỡng Lão Đường, trông về bên hữu, du khách cũng thấy ngôi nhà to lớn... Đây là Nhà Nữ phái Phước Thiện. Ngôi nhà nầy là cơ quan trung ương của chức sắc Nữ phái Phước Thiện làm việc...
Đạo Cao Đài cũng có cả chức sắc Nữ phái và Nam phái đồng quyền hạn nhau và hành sự như nhau... Trừ ra chức sắc Cửu Trùng Đài, thì nữ phái Giáo Tông và Chưởng Pháp không có. Và Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, hàng phẩm Thập nhị thời quân cùng Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, thì phái nữ cũng không có. Đây là bí pháp cơ âm dương tương hiệp và huyền bí của Đạo Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ...
Tìm hiểu đại cương căn bản chức sắc Đạo Cao Đài liên quan các cơ quan trung ương trong việc phổ độ chúng sanh, du khách sẽ thấy sự khác biệt một nền tôn giáo, thể thức phù hợp với sự tiến hóa của nhân loại và thực hiện sự bình quyền thiêng liêng của hai phái: Nam, Nữ.
Cách ngôi nhà nữ phái Phước Thiện chừng vài mươi thước,du khách sẽ thấy một gian nhà mái lá bên đường Cao Thượng Phẩm. Đó là Bộ Lễ, nghĩa là cơ quan tập dượt cách thức nghi lễ cho các vị Lễ Sĩ.
Sự luyện tập nầy cốt chỉ cho thành thuộc điệu bộ, nhịp bước khoan thai theo tiếng trống, giọng đờn để khi cúng tế thực hành mục đích làm tăng vẻ tôn nghiêm, kính cẩn, để tỏ lòng thành kính với các Đấng Thiêng Liêng Trời Phật.
Hình ảnh các cơ quan còn chơi vơi trước mắt... Bước về hướng chợ Long Hoa, du khách sẽ thấy một ngôi nhà to lớn nằm sừng sững bên đường, đó là “Khách Đình”. Ngôi nhà nầy cũng khá lớn, bên trong có những dụng cụ như Lọng, Tàn để thờ phượng. Đây là nơi để quan tài người qui liễu mà cầu siêu.
Nguyên thể lệ Đạo Cao Đài xây dựng trên quan điểm đoàn kết. Liên quan nhau giữa con người và con người về mọi phương diện khi sống cũng như lúc chết... Bởi vậy, trong giới tín đồ hay người đời biết hướng về đạo đức, lúc chết thân quyến đi cho Hội Thánh hay thì Hội Thánh sẽ phái Ban Nhà Thuyền, đem thuyền Bát Nhã lại tư gia rước linh cửu về Khách Đình nầy, có người thay mặt Hội Thánh và toàn cả tu sĩ tại Tòa Thánh đến đọc kinh cầu nguyện và lo an táng.
TẠI SAO GỌI LÀ KHÁCH ĐÌNH?
Danh từ nầy bao hàm ý nghĩa: cõi trần giả tạm, con người chỉ là lữ khách qua đường... Lúc qui mãn kiếp nhân sinh, thân người và linh hồn được đến nơi đây dừng chơn lại nghe người thế tục cùng thân nhơn tỏ nỗi đau buồn vĩnh biệt qua câu kinh, tiếng kệ nhiệm mầu... rồi nương sự cầu nguyện mà giác mê hồn tiêu diêu về cõi vô hình...
... Những đêm về trong cảnh mông lung, huyền ảo vang tiếng người nhộn nhịp hòa giọng đờn, tiếng nhạc câu kinh trầm bỗng du lăng... Lắng nghe hờ giọng buồn thế tục, du khách sẽ chạnh lòng bao nỗi vu vơ...
Đối diện Khách Đình nầy là cơ quan Nhà Thuyền, nghĩa là nơi để cho những người hiến thân trọn đời cho Hội Thánh ở làm việc. Bước vào du khách sẽ thấy ngay một chiếc thuyền “Bát Nhã”.
Hình tượng chiếc nầy là một con rồng, giữa thân có một khuôn hình chữ nhật trên nóc, hai bên là vách.

Thuyền Bát Nhã

Hai tấm vách nầy tạc họa những hình ảnh Thiên Nhãn và lư hương, hình rồng hoặc các bông cây... Mới trông vào như một bức tranh điêu khắc, màu sắc linh động...
Đây, cũng là một sự lạ nhất, cổ kim hy hữu...
Lập Tam Kỳ Phổ Độ, những sự siêu hình cõi Thượng Giới đều được khái quát tại trần gian. Chiếc thuyền Bát Nhã xưa nay kinh Phật thường gọi, nhưng ít ai được thấy. Hiện nay khai Đại Đạo, được cơ bút thiêng liêng chỉ dạy nên mới thiết kế đúng thể thức.
Trước thuyền Bát Nhã có những câu đối:
“Vạn sự viết vô nhục thể thổ sanh hườn tại thổ;
“Thiên niên tự hữu linh hồn Thiên tứ phản hồi Thiên.
“Sanh tiền bổn vọng, phú quí công danh kim hà tại;
“Chơn linh thê sở công hầu cực phẩm bất đương nhiên.
“Hữu thế sanh nhi tùng tứ khổ,
“Vô hình tử giã hóa tam đồ...”
Những câu đối nầy biểu hiện kiếp nhân sinh con người rồi muôn sự để lại cho đời...
Xem xong thuyền Bát Nhã, du khách sẽ lần lượt vào cơ quan Nhà Thuyền xem. Nơi đây là những người hiến thân trọn đời cho Hội Thánh phục vụ nhơn sanh...
Mỗi khi, nơi nào có người qui vị, họ sẵn sàng hy sinh sự nhọc nhằn mà đẩy thuyền chở quan tài về Khách Đình rồi đưa đến tận huyệt và chôn cất... Gặp những khi trời mua đường lầy lội, những lúc nắng cháy da, thế mà họ vẫn vui làm việc...
Dù vất vả như thế, song họ cảm thấy cần phải tranh đấu mà thực hiện sự lập công bồi đức trên đường giải thoát kiếp người... Nhiều khách lạ đến đây, thấy sự hy sinh thế ấy, nếu hiểu lầm cũng mỉa mai: “-Vì tiền!”. Nhưng sự thật họ chỉ hy sinh làm công quả, thế thôi...
Qua dáng người hiền từ trong bộ đồ đạo tỳ màu đen viền trắng tượng trưng sự để tang mọi người, du khách sẽ cảm động nếp sống âm thầm của kiếp người chỉ lo vun công bồi đức...
Rời khỏi cơ quan Nhà Thuyền, du khách sẽ hướng về phía Trung Tông Đạo.
Đây là một cơ quan, có những gian nhà rộng rãi, bên trong chia rất nhiều phòng, đặc biệt để cho những người miền Trung (Việt Nam) ở tu hành.
Bước vào của tam quan, du khách sẽ thấy những Cổ Pháp: Cuốn Xuân Thu, Cây Phất Chủ, Bình Bát Du mà chúng tôi đã lược giải qua rồi.
Cơ quan nầy, hiện nay có nhiều vị chức sắc cao cấp, người miền Trung điều khiển... Vào đây, du khách sẽ được tiếp đãi một cách nồng nhiệt... thể hiện một tình cảm đạo đức hoàn toàn.
TẠI SAO CÓ TRUNG TÔNG ĐẠO?
Thể thức kiến tạo nầy cũng do Thánh ngôn chỉ dạy từ buổi khai Đại Đạo CAO ĐÀI và tiên tri rằng:
“Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà...
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền chơn đạo một mình ta”
(Thánh Ngôn hiệp tuyển)
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, thì Hội Thánh sẽ thành lập Bắc Tông Đạo nữa...
Từ Trung Tông Đạo nầy, du khách đi bộ vài trăm thước, sẽ thấy một ngôi nhà đồ sộ nằm trơ vơ trong khung cảnh quạnh hờ... Đây là cơ quan Lễ Nhạc Đường, nghĩa là nơi dùng để các nhạc sĩ tu hành ở tập dượt điệu nhạc, giọng đờn và trống phách cho đúng lễ nghi để cúng tế.
Qua khỏi cơ quan này, du khách sẽ đến văn phòng của chức sắc Đường Nhơn, đây là nơi ở tụ tập và làm việc của những chức sắc người Trung Hoa.
Bởi quan điểm mục đích của Đạo Cao Đài thành lập trong Tam Kỳ Phổ Độ nầy là thực hiện sự thương yêu đồng loại trên thế gianvà tạo cảnh chung sống bằng đạo đức.
Ngày nào, nhân loại biết nhìn nhận là anh em, dù nhiều giống khác nhau, nhưng nguồn sanh thành về phần hồn vẫn do một Đấng TẠO HÓA... Như thế, nhân loại mới khỏi cảnh hủy diệt, tàn sát lẫn nhau và trên trái đất nầy sẽ không còn cảnh chiến tranh, tàn khốc, đau thương...
Vì quan điểm ấy, Đạo CAO ĐÀI mới thực hiện sự phổ độ chúng sanh để đưa đến cảnh đại đồng cực lạc thế giới hòa thuận an vui.
Thế nên, Hội Thánh mới thành lập các cơ quan trung ương của các nước như: Trung Hoa, tần Nhơn (Người Cambodge) và sau nầy nước nào cũng được tạo dựng một cơ quan trong phạm vi Tòa Thánh CAO ĐÀI.

V.P. Hội Thánh Tần Nhơn

Hiện giờ, tại Tòa Thánh có người Trung Hoa tu hành khá đông, ngoài ra còn có số tín đồ và chức việc khắp các tỉnh.
Từ Hội Thánh Đường Nhơn, du khách quá bộ non một trăm thước sẽ đến văn phòng Hội Thánh Tần Nhơn (Người Cambodge).
Cơ quan nầy trực thuộc dưới quyền của một chức sắc cao cấp người Cambodge điều khiển, lo việc tu hành và lo sự phổ độ chúng sanh...

V.P Hội Thánh Đường Nhơn

Quan điểm thực hiện của tôn chỉ và mục đích Đạo CAO ĐÀI, hẳn đọc giả hiểu đại cương qua phần nào và các cơ quan trong phạm vi Nội ô Tòa Thánh. Ngoài ra du khách còn có thể đi viếng những thành tích do Hội Thánh CAO ĐÀI tạo lập có liên quan đến phương pháp tu tập và phục vụ nhơn sanh như: Long Hoa Thị (cách Tòa Thánh độ 2 cây số), Trí Giác Cung (cách Tòa Thánh độ 6 cây số), Trí Huệ Cung (cách Tòa Thánh độ 9 cây số)...
Những tòa nhà trơ bóng nên thơ với muôn vàn màu sắc chói chang... đến đây vời trông trở lại, du khách sẽ thấy bao hình ảnh soi hờ bóng dáng xa xa... mập mờ ẩn hiện bên ngàn cây rũ bóng...
Viết xong ngày 4-1-1963
(Thiền Giang, Minh Tâm & Thanh Quang)
                                                               [1]  [2] [3]  [4]  [5]  [6]  [7]  [8]  [9]