Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh - 5 (Thiền Giang, Minh Tâm & Thanh Quang)


Đây là một thiên sử kiến trúc Tòa Thánh, do Cơ Bút Thiêng Liêng điều khiển, thể hiện những bí ẩn kỳ hoặc sẽ làm cho du khách hồi hộp, khấp khởi tâm hồn khi nghe kể lại...

Trước năm 1926, nơi xây cất Tòa Thánh hiện tại là một khu rừng cấm hoang vu vắng vả mênh mông... Ngày cũng như đêm, cảnh tịch mịch nầy chỉ nghe vang tiếng cọp kêu, vượn hú, voi gầm; không một tiếng người khua động...
Thuở ấy, thành phố Tây Ninh chỉ là một khu chợ nhỏ. Từ tỉnh lỵ Tây Ninh vào đây cách năm cây số ngàn. Dọc đường phần nhiều là rừng hoang, thỉnh thoảng chỉ thấy vài túp lều tranh lác đác bên đường.
Trên con đường rừng hoang nầy, nếu một người, một bóng thì chưa chắc được an toàn bổn mạng... Sự khó khăn ấy nhứt là đối với ác thú... Còn khí hậu rừng thiêng nước độc lại là một điều đáng kể. Ai không hạp, thì bị chói nước, hoặc mắc bệnh sốt rét rừng, dần dà bổn mạng sẽ không còn...
Cảnh tượng kinh hồn như thế vẫn với thời gian âm thầm đi qua năm, tháng...
Bỗng một hôm, có một đoàn người tất tả ngược xuôi; băng mình vào đây, tìm vị trí xây cất Tòa Thánh.
Đoàn người nầy do Đầu Sư Thái Thơ Thanh vâng lịnh Thánh ngôn của Đức Lý Thái Bạch hướng dẫn...
Bài Thánh ngôn ấy cầu tại chùa Gò Kén ngày 21-2-1927 nhằm ngày 20 tháng 1 năm Đinh Mão như sau: . . . . . . . . . . . . . . 
“ Thái Thơ Thanh, Lão cậy hiền hữu một phen nữa. Mai nầy đi lên đường trên, gọi là đường dây thép, nhắm địa thế dài cho tới ngã Ao Hồ, coi hiền hữu thấy đặng chăng cho biết?
“Lão đã nói rằng: mỗi sự chi chi đều bày trước mắt nhơn sanh hết, chư hiền hữu đừng sợ ai hết, hễ sợ thì chối quyền Thiêng Liêng thì còn gì Đạo nghe à!...”.
Bởi trước kia cũng đã đi tìm vị trí nhiều phen, thế mà không được, nên Đức Lý Thái Bạch giảng dạy bài Thánh ngôn trên.
Nhờ Thiêng Liêng chỉ dạy, nên Đầu Sư Thái Thơ Thanh mới dẫn nhóm người đến đường dây thép mà băng vào rừng cấn nầy nhắm hướng gần Ao Hồ làm vị trí....
Cách vài ngày sau, Đầu Sư Thái Thơ Thanh cùng một vài người nhất định lấy vị trí hiện hữu, vì nơi đây có nhiều hiện tượng khác thường.
Khi tìm được trở về cầu cơ Đức Lý Thái Bạch giáng cơ đề ngày 24-12-1927 nhằm ngày 23 tháng 1 năm Đinh Mão dạy rằng: ". . . . . . . . Lão khen Thái Thơ Thanh đó đa! Tưởng chư hiền hữu không thấy nữa. Lão cắt nghĩa vì sao cuộc đất ấy (vị trí xây cất Tòa Thánh hiện giờ) gọi là Thánh địa? Sâu hơn 300 thước như con sông, giữa trung tim đất giáp lại trúng giữa 6 nguồn, làm như 6 con rồng đoanh nhau, nguồn nước ấy chảy trúng ngay đảnh núi (núi Bà Đen) mà gọi là LỤC LONG PHÒ ẤN. Ngay miếng đất đó đặng ba đầu, một đầu ra giếng mạch Ao Hồ, hai đầu nữa bên cụm rừng bên kia. Người Lang Sa (người Pháp – nguyên lúc ấy nước Việt Nam ta bị Pháp đô hộ) chỉ đòi 20.000, nói rồi trả đúng 15 ngàn. Lão dặn thì thành trả 17 ngàn; 18 ngàn thì đặng.
“Còn xin khai khẩn miếng đất rừng bên kia nữa mới trọn đất nay còn rõ miếng đất chung quanh. Thánh địa ngày sau hóa vàng. Chư hiền hữu biết lo lập ngày sau rất quý báu”. (Chúng tôi xin đọc giả lưu ý: chúng tôi triệt để tôn trọng sự tín ngưỡng cơ bút của Tôn Giáo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nên Lược thuật đúng tinh thần tài liệu của Hội Thánh không hề vẽ vời, hoặc thêm, bớt...).
Thế rồi từ ngày bài Thánh ngôn trên dạy, một nhóm người thọ giáo Cao Đài xông vào đây nỗ lực khai thác rừng hoang bứng gốc, đốn cây cất trại và lưu lại đây làm việc...
Nhiều truyền thuyết rằng sự khổ sở, vất vả của họ không biết bao nhiêu mà kể.
Buổi Đạo chưa nên hình, những người làm công quả không cơm mà ăn, hằng ngày bữa cháo, bữa rau, thế mà nhờ tinh thần sốt sắng và quyền lực Thiêng Liêng hộ trợ nên họ vẫn mạnh mẽ như thường, mặc dù phải nằm sương, gối tuyết.
Công lao chịu nhọc khai thác rừng hoang, đấp bồi cuộc đất nầy, người Tần Nhơn (Miên) và một nhóm dân tộc thiểu số tục gọi là Tân Mum cũng là đáng kể. Họ làm lụng vất vả, đói khát thảm thương, hy sinh ngày tháng bỏ việc gia đình...
Nhờ vậy, chẳng bao lâu vùng đất nầy được hoàn thành và dựng lên túp lều tranh ba gian làm đền thờ tạm.
Thuở sơ khai, đạo Cao Đài thật linh hiển, huyền diệu vô song. Những người làm công quả khai rừng đào đất rất nhọc nhằn nhưng mỗi khi bịnh hoạn thì có thể cầu cơ (phương pháp cầu cơ nầy, hiện nay Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh còn thực hiện trong việc truyền giáo) chỉ vài thứ lá cây làm thuốc, thế mà giúp được những người công quả qua cơn bịnh hoạn.
Nhờ hiệu lực bảo trợ linh thiêng ấy, nên sự phá rừng đào đất, xây nền chẳng bao lâu thì được hoàn thành.
Từ ngày nơi đây dựng lên mái nhà tranh ba gian làm Tòa Thánh tạm, thì những người xa xôi đến viếng, kẻ cúng vài xu, người đôi ba cắc... số tiền nầy Hội Thánh dành dụm lại chờ khi xây cất Tòa Thánh.

Còn những người lo việc Đạo vẫn dầm sương, dãi nắng; ăn thì cháo rau qua bữa.
Tháng, ngày... nơi chốn rừng hoang vắng vẻ nầy,bên cội cây già, hoặc trong cảnh rừng tịch mịch âm u, có những tiếng cưa cây, đào đất, hòa với giọng thơ buồn buồn, ai ngâm vọng lại...
Dù vất vả, hy sinh vì Tôn Giáo...
Sớm: cháo, rau; chiều: dưa muối qua ngày...
Mặc thế nhân còn rộn rực chốn trần ai,
Bao lạc thú, chừ đây vui cửa Đạo!
Thế cuộc đã chuyển vần xoay máy Tạo:
Bến trầm luân: điên đảo chốn phồn hoa;
Kiếp trần gian: sanh, sống, bịnh rồi già!
Ai ôi! Thấu đời ta đâu mấy chốc!...
Thân tôi mọi cho sinh tồn vật chất,
Sống thì buồn đau; thác lại gì đâu?!...
Đời triền miên trong những nỗi ưu sầu!
Thôi gắng bước, đường tu toan lập đức...
Khai Đại Đạo, mê trần nay tỉnh giấc...
Trở về đây kinh kệ: sớm, chiều vui...
Ôi! Thế nhân còn lắm cảnh ngậm ngùi!
Đời bao nã! Chừ đây ôi bao nã!..!..
(Thơ của T.L. Thiền Giang Phan Văn Tân)

Thế rồi, thời gian âm thầm trôi qua... Nơi đây sự hoạt động vẫn triền miên mãi mãi...
Hằng ngày tiếng cưa cây, đẻo cột; tiếng đào đất, xây nền vẫn vang vang như tiếng lòng thời gian chuyển dịch...
Mãi đến năm 1933 mới khởi công tạo tác Tòa Thánh hiện giờ.
Sự kiến trúc Tòa Thánh nầy do Đức Chí Tôn và Đức Lý Thái Bạch giáng cơ điều khiển. (hiện nay, theo cơ bút Thiêng Liêng dạythì Đức Lý Thái Bạch là Nhứt Trấn Oai nghiêm kiêm Giáo Tông về phần vô vi của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ).
Lược đồ, Đức Lý Thái Bạch đã giáng cơ chỉ dạy từ năm 1927 như sau.
Ngày 28 Février 1927 . . . . . . . . . . . . . . . 
“Thánh thất tạm phải cất ngay miếng đất trống. Còn Hiệp Thiên Đài tạm phải cất trước Thánh Thất tạm. Đạo hữu lại biểu khai phá đám rừng trước miếng đất ấy. Như vậy, ngay trung tâm rừng cách miếng đất trống chừng 3 tấc rưởi, đóng một cây nọc, đó Hiệp Thiên Đài như vậy. Ngoài Bàu Cà Na (Động Đình Hồ) vô chừng 50m, đóngmột cây nọc ranh phía Ao Hồ trở vô chừng 70m, đóng cây nọc ấy là khuôn viên Tòa Thánh. Lão dặn, từ cây nọc bên phía miếng đất trống phải đo vô Bàu Cà Na 27m. Lang sa nghe à! Từ vuông 27m mỗi góc của đài Bát Quái, bề cao 9m; hình nóc mô lên, chỉ tám góc cho phân minh, trên đầu đài phải để cây đèn màu xanh, kế nữa là Chánh Điện, bề dài 81m, bề ngang 27m. Lão phải vẽ mới đặng. Kế nữa Hiệp Thiên Đài tủ vuông 27m, hai tầng, mỗi tầng 9m, hai bên Hiệp Thiên Đài bên mặt thì có Lôi Âm Cổ Đài, bên tả thì có Bạch Ngọc Chung Đài. Lão phải vẽ mới đặng.
Hộ Pháp, Thượng Phẩm nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu Cơ, lấy một miếng giấy lớn vào Điện phò loan cho Lão vẽ.
“Bính, Thanh phải cho có mặt còn kỳ dư không cho ai vào Điện hết, nghe à! Phải mua miếng đất Bàu Cà Na làm Động Đình Hồ...”
(Sở dĩ chúng tôi trích lục và đăng trọn bài Thánh ngôn trên đây là vì triệt để tôn trọng sự tín ngưỡng Cơ Bút của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và đây cũng là một tài liệu hết sức quý báu trong việc xây cất Tòa Thánh Tây Ninh mà biết bao Tín đồ Cao Đài Giáo hiện nay băn khoăn tìm hiểu).
Thế là sự kiến trúc Tòa Thánh được thực hiện theo căn bản lược đồ do Thiêng Liêng chỉ định.
Từ năm 1933 khởi công, nhưng đến năm 1945 mới hoàn thành. Vì trong khoảng thời gian từ năm 1941 đến năm 1945 bị gián đoạn...
Bởi lúc bấy giờ nước nhà bị Pháp trị...
Hiện nay, mỗi lần nhắc đến thời gian xây cất Tòa Thánh, biết bao nhiêu người trong giới Tín đồ và Chức sắc chứa chan lệ thảm.
Cơn quốc biến, chẳng những giang san bị nhiều thảm họa, nhân dân thống khổ điêu linh thôi, mà đến nỗi nơi thờ phượng cũng chịu ảnh hưởng chung...
Khoảng thời gian 1941-1945 người Pháp lấy Tòa Thánh làm nơi xe đậu!...
Sau những trận đánh, giết hại lê dân, thường cướp giựt của cải và bắt trâu, bò đem về đây giết thịt khao đãi nhau. Làm như thế, người Pháp cố ý phá hoại Đạo Cao Đài , cũng vị sự đe dọa tiêu diệt nền Đạo, mà nhiều người phải băn khoăn lo nghĩ. Trước viễn cảnh đen tối ấy, họ không tìm được giải pháp...
Do đó, giới tín đồ quá căm tức: một vì Tổ quốc Việt Nam, hai vì bảo vệ nền Đạo, mới lập Quân đội để cứu vãn tình thế. Chớ sự thật, tôn chỉ và mục đích Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không hề có can dự việc chính trị, dù là vấn đề hết sức nhỏ nhặt.
Hiện trạng đó còn bắt chúng ta nghĩ rằng sự tín ngưỡng quả thật có hiệu lực tiềm tàng tự bản ngã con người nó âm thầm như không có gì đáng kể... nhưng sức mạnh của nó là sức mạnh bất khả bại. Vì sự tín ngưỡng đã xây dựng bằng nhiều lý tưởng căn bản, chuyển mạch lòng người tạo một đức tin mãnh liệt.
Xuyên qua thời cuộc để tìm hiểu vài yếu điểm có liên quan đến Đạo Cao Đài, cũng như lịch sử kiến trúc Tòa Thánh; tưởng cũng có thể đáp ứng được nguyện vọng sưu tầm và nghiên cứu của những ai muốn tìm hiểu về Đạo Cao Đài và sự tích Tòa Thánh.
Đến đây, có lẽ du khách sẽ thắc mắc tại sao Tòa Thánh phải cất tại vị trí hiện hữu và ở nơi tỉnh Tây Ninh?
Vì cơ huyền bí đã định: Tòa Thánh phải cất tại tỉnh Tây Ninh để gần núi Điện Bà sẽ có liên quan đến những phương pháp tịnh luyện của người tu sau nầy. Đó là bí pháp liên đới đến Hội Long Hoa, chúng tôi không được am tường...
Có điều chứng tỏ rằng hiện giờ Đạo Cao Đài có thành lập VẠN PHÁP CUNG tại chân Núi Bà... Và xây cất tại vị trí hiện hữu cũng vì Đức Cao Đài Ngọc Đế giáng cơ dạy ngày 20-2-1927nhằm ngày 19-1 năm Bính Dần, như sau:
“Các con nghe...,
“Nơi nào Thầy ngự, thì nơi ấy là Thánh địa . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
Nếu Tòa Thánh xây cất tại:
“Cẩm Giang thì các con phải chịu khổ về phần ăn uống.
“Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
“Suối Vàng thì đặng nhưng phương tiện chở chuyên không tiện, song phong thổ tốt đẹp .  .  .”
Như vậy chỉ có vị trí hiện hữu là thích ứng mọi phương tiện.
Về sự bí pháp vô vi... Đức Chí Tôn dạy nhiều... Nhưng chúng tôi xin trích đại khái như sau: ". . . . . . . . . . . . . . . . . . .  “Các con phải hiệp chung nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi. Các con đã hiểu Thánh ý Thầy...”
Khi sửa soạn xây cất Tòa Thánh thì những vị Chức sắc định kiến trúc cho thật đồ sộ và nguy nga...
Chính Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy những bậc nền Tòa Thánh phải hơn kém nhau 6 tấc và bề cao 9 thước. Nhưng Đức Chí Tôn không cho, giáng cơ bảo sửa lại 3 tấc mà thôi... Vì sợ tốn hao của nhơn sanh... Trong bài Thánh giáo tại chùa Gò Kén dạy như vầy:
“Thời kỳ mạt kiếp nầy khiến mới có Tam Kỳ Phổ Độ.Các sự hữu hình phải hủy phá tiêu diệt. Thầy đến chuyển Đạo lập lại vô vi,các con coi thử bên nào chánh lý. Hữu hình phải bị diệt chớ Vô vi chẳng thế nào diệt đặng... Thơ! Thầy đã khiến con đi coi Đế Thiên, Đế Thích đặng xem cho tạng mặt một sự hữu hình nội thế gian ngày nay, ai cũng nhìn nhận cho là tối đại, mà con đã thấy nó còn bền vững đặng chăng”.
Bài Thánh giáo trên đây thể hiện lòng từ bi, triệt thấu sự khan hiếm phương tiện xây cất của Hội Thánh, đồng thời quan tâm đến đạo đức không phải ở chỗ nguy nga, đồ sộ đâu... đó chỉ là hình thức tiêu biểu, có thể bị thời gian tàn phá như đền Đế Thiên, Đế Thích tại Cambodge vậy. Cương lĩnh của Đạo là ở chỗ vô vi mà thôi.
Đây là cả một công trình vĩ đại, Thiên khiển Nhơn tạo một sự mới mẽ, tuyệt xảo; bao hàm những bí ẩn vô vi...
Tóm lại, Tòa Thánh Tây Ninh hoàn thành được là do cơ bút Thiêng Liêng điều khiển... Ngoài ra, sự tạo tác thì kẻ công người của chung họp nhau lo, ngày nay mới thành thể diện Đạo CAO ĐÀI mà muôn đời công khó vẫn còn ghi...

                                                               [1]  [2] [3]  [4]  [5]  [6]  [7]  [8]  [9]