Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh - 7 (Thiền Giang, Minh Tâm & Thanh Quang)


Viếng Hạnh Đường xong, du khách đi bộ chừng 200 thước, bên hữu đường Bình Dương Đạo có một biệt thự đồ sộ nằm song song với ngôi Giáo Tông Đường. Ấy là cơ quan trung ương của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, hay đúng hơn là cơ quan lập pháp và bảo thủ luật pháp chơn truyền Đại Đạo. Không ai qua luật Đạo mà Hiệp Thiên Đài không biết.

Hội Thánh Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp điều khiển gồm có 3 chi: chi Pháp, chi Đạo và chi Thế. Mỗi chi có nhiệm vụ đặc biệt khác nhau mà liên quan nhau trong việc truyền bá Đạo Cao Đài.
Bài Thánh ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ đề ngày 13/02/1927 nhằm ngày 12 tháng giêng năm Đinh Mão phân quyền hạn hiệu lực Hiệp Thiên Đài như sau:
“Các con! Cả chư môn đệ khá tuân mạng.
“Hiệp Thiên Đài nầy là nơi Thầy ngự cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo. Hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài còn (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ bút dạy Đạo cho chức sắc Hiệp Thiên Đài tại Tòa Thánh).
“THẦY đã nói Ngũ Chi Đại Đạo bị qui phàm là vì khi trước.
Hồi nhứt kỳ và nhị kỳ phổ độ THẦY giao chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo, nên THẦY nhứt định đến chính mình THẦY để dạy dỗ các Con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa.
“THẦY đã nói sở dụng thiêng liêng: THẦY cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.

Ngôi Hiệp Thiên Đài

“Hiệp Thiên Đài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm. THẦY lại chọn Thập Nhị Thời Quân chia làm ba:
1) Phần Hộ Pháp chưởng quyền về Pháp thì:
HẬU (Ô. Nguyễn Trung Hậu) là Bảo Pháp – bảo là giữ gìn.
ĐỨC (Ô. Trương Hữu Đức) là Hiến Pháp – hiến là dâng.
NGHĨA (Ô Trần Duy Nghĩa) là Khai Pháp – khai là mở, bày ra.
TRÀNG (Ô Trương Văn Tràng) là Tiếp Pháp – lo bảo hộ luật đời và luật đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết.
2) Thượng Phẩm thì quyền về phần Đạo. Dưới quyền:
CHƯƠNG là Bảo Đạo.
TƯƠI là Hiến Đạo.
ĐÃI (Ô Phạm Tấn Đãi) là Khai Đạo.
Phẩm Tiếp Đạo (Đức CHÍ TÔN phong sau cho Ô. Cao Đức Trọng tại Thánh thất Nam Vang) lo về Đạo nơi Tịnh Thất đều xem sóc chư môn đệ THẦY, binh vực chẳng cho ai phạm luật đến khắc khổ cho đặng.
3) Thượng Sanh thì lo về phần đời, chưởng quản chi THẾ, dưới quyền:
Bảo Thế thì PHƯỚC (Ô. Lê Thiện Phước).
Hiến Thế: MẠNH (Ô. Nguyễn Văn Mạnh).
Khai Thế: THÂU.
Tiếp Thế: VĨNH (những vị chức sắc chúng tôi không ghi họ, vì không thấy làm việc ở Tòa Thánh hiện nay).
“THẦY khuyên các Con lấy vô tư mà hành Đạo.
“THẦY lại cho các Con biết trước rằng hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt”.
Bài Thánh ngôn trên đây, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phân định quyền hạn và hiệu lực của chức sắc và Hội Thánh Hiệp Thiên Đài. Có một điều quan tâm đến là:

TẠI SAO GỌI HIỆP THIÊN ĐÀI?
Hiệp Thiên Đài là Đài liên đới với Trời, tương quan trong việc truyền bá Đại Đạo, độ rỗi chúng sanh.
CHÍ TÔN lập Hiệp Thiên Đài cốt yếu tiêu biểu thể pháp vô vi liên quan cơ hữu hình tại thế, mới có hiệu lực điều khiển việc phổ độ chúng sanh trong nền Đạo.
Thể pháp vô vi: Pháp Chánh Truyền Đạo Cao Đài giải: Hiệp Thiên Đài đối với có hiệu lực như tinh thần của vạn loại.
Về thể thức nền Đại Đạo, thì Hiệp Thiên Đài tượng trưng là HỒN.
Cửu Trùng Đài tượng trưng là XÁC Đạo. Hồn điều khiển Xác, Xác mới thanh cao toàn vẹn. Trái lại, Xác điều khiển Hồn thì Hồn bị sa đọa. Do đó ta nhận thấy được hiệu lực yếu nhiệm của Hiệp Thiên Đài.
Ngoài ta, Hiệp Thiên Đài còn là linh hồn Đạo cũng như linh hồn vạn loại chúng sinh trong Càn Khôn thế giái, trường tồn bất tiêu bất biệt. Cửu Trùng Đài là thể xác có tiêu tan song phần hồn vẫn trường tồn linh hoạt vậy.
Khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế lập Hiệp Thiên Đài thể hiện cơ vô vi mầu nhiệm chỗ Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giái, Thất Thập Nhị Địa Cầu và Thập Điện Diêm Cung mà cầu rỗi cho linh hồn chúng sanh được siêu thăng. Và Hiệp Thiên Đài còn là nơi Tòa ngự của Chí Tôn – Giáo Chủ Đạo Cao Đài – để điều khiển cơ phổ độ tam kỳ nầy.
Các qui luật Thiên Điầu do Đài nầy truyền ra ban hành. Đó là đại cương hiệu lực vô vi của Hiệp Thiên Đài. Còn về hữu hình thì Hiệp Thiên Đài là cơ quan lập luật pháp Đạo.
Hành sự cơ quan nầy là một nhóm chức sắc do cơ bút thiêng liêng tuyển phong và ban quyền hành tuyệt đối từ buổi khai đạo. Sự tuyển phong nầy căn cứ nguyên căn tiền kiếp mà định phẩm vị lớn nhỏ khác nhau.
Mỗi vị chức sắc có quyền hạn quan trọng thi hành theo Tân luật Pháp Chánh Truyền ấn định; nền Đạo nghiêng ngữa hay thịnh hành đó là do nơi Hội Thánh Hiệp Thiên Đài cả. Vì quyền hành tuyệt đối quyết định trong mọi thể thức trong việc phổ độ, truyền bá giáo lý Đại Đạo đều do Hội Thánh Hiệp Thiên Đài ấn định. Bởi thế ma 2htha Hiệp Thiên Đài có một trách nhiệm đặc biệt trong nền Đạo Cao Đài về mặt hữu hình.
Đến đây, chúng tôi xin lược thuật đại cương hiệu lực của các Đài quan trọng, điển hình cho Bạch Ngọc Kinh (cõi Thiên Đình) điều khiển nền Đạo Cao Đài tại thế.

HÌNH THỨC ĐẠO CAO ĐÀI GỒM CÓ:
- BÁT QUÁI ĐÀI do Thiêng Liêng điều khiển, trực tiếp rước các đẳng chơn hồn vào Bạch Ngọc Kinh phán xét tội căn, hoặc tâm đức tu hành mà định vị thiêng liêng. Ngoài ra, Bát Quái Đài còn gián tiếp điều khiển Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài trong việc phổ độ chúng sanh.
- HIỆP THIÊN ĐÀI do một số Chức sắc đầy đủ công đức tu hành theo Cơ Bút Thiêng Liêng căn cứ tiền kiếp mà tuyển phong, dùng để cầm giềng mối Đạo thay Chí Tôn tại thế hay thay mặt Bát Quái Đài cũng vậy mà trực tiếp điều khiển Cửu Trùng Đài trong việc phổ độ chúng sanh.
- CỬU TRÙNG ĐÀI do một số Chức sắc tu tập, làm công quả từ khi thọ giáo tức hàng tín đồ, sau thời gian đầy đủ công nghiệp, tâm đức vẹn toàn mới được Hội Thánh nhóm họp công nhận ân phong – Luật Công cử - hoặc cầu cơ do Thiêng Liêng chỉ định. Tùy theo công đức tu hành mà phẩm vị cao, thấp khác nhau, những chức sắc này mạng danh là “Hội Thánh Cửu Trùng Đài”. Hội Thánh nầy có nhiệm vụ truyền bá giáo lý Đại Đạo và phổ độ hoặc cầu rỗi cho chúgn sanh về phần hữu hình, tùng quyền Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, gọi là cơ quan hành pháp thực hiện sự truyền bá đạo đức trong dân gian.
Đó là thể thức quan trọng của các Đài biểu hiện như thế, hẳn sự nhận thức ai cũng thấy hiệu lực của Hiệp Thiên Đài tại thế nầy.
Lại nữa, về thể pháp luyện đạo, sự mầu nhiệm của Hiệp Thiên Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ nầy nhằm một trong ba yếu tố: Tinh, Khí, Thần của sự đắc đạo.
- Cửu Trùng Đài – thể Đạo ví như TINH.
- Hiệp Thiên Đài – ví như KHÍ.
- Bát Quái Đài – ví như THẦN.
Tinh, Khí, Thần là yếu nhiệm sự tu hành đắc đạo.
Về sự phổ độ chúng sanh, Hiệp Thiên Đài còn có hiệu lực siêu diệt phàm trần.
Thế hệ ngày nay, nhân loại văn minh cực điểm, khoa học đã phụng sự tiện nghi cho nhân loại mọi lãnh vực một cách nhanh chóng. Như khi muốn liên quan về những tin tức vấn đề gì, thì từ nước này đến nước kia cách nhau bằng vạn cây số chỉ dùng vô tuyến điện thoại liên lạc trong chốc lát.
Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, muốn liên lạc sự gì về cõi vô hình hoặc hỏi vấn đề gì trong sự truyền giáo, Hội Thánh cgỉ nhờ Hiệp Thiên Đài vọng bàn cầu cơ trong chốc lát sẽ được các Đấng Thiêng Liêng chỉ dạy rành mạch với kết quả khả quan. Đó là sự mầu nhiệm của Đạo Cao Đài.
Hiệp Thiên Đài, Pháp Chánh Truyền Đại Đạo chú giải còn gọi Cửu Trùng Đài là ĐỜI VÀ Hiệp Thiên Đài là ĐẠO mà nói rằng: Đạo không Đời không sức, Đời không Đạo không quyền, nghĩa là ĐẠO và ĐỜI phải liên quan tương đắc nhau mới trọn cơ dìu dắt nhơn loại trên đường đạo đức thiện chơn.
Trên đây, đại cương hiệu lực Hiệp Thiên Đài về thể thức hữu vi và vô vi.
Ngoài ra, trong cơ phổ độ chúng sanh, Hiệp Thiên Đài còn có cơ quan Pháp Chánh liên lạc.
Sự quan trọng của cơ quan nầy là kiểm soát về hạnh kiểm và hành vi của các chức sắc truyền đạo, mục đích kiện toàn mõi lãnh vực của người tu tập cho được Chân, Thiện hoàn toàn để thực hiện đạo đức cảm hóa lòng người hướng về đạo lý.
Cơ quan nầy cũng như tòa án ngoài đời, có thẩm quyền can thiệp, nghị án trục xuất hoặc sửa chữa cảnh cáo những vị phạm pháp luật đạo.
Nhưng từ ngày Bộ Pháp Chánh ngưng hoạt động, trong Đạo Cao Đài thuộc Tòa thánh Tây Ninh đã có xảy ra lắm điều không hay do những cá nhân lẩm lẫn làm tổn thương thanh danh Đạo.
Trước kia, ở Tòa Thánh cũng như tới các địa phương, mỗi tỉnh đều có văn phòng Bộ Pháp Chánh để trực tiếp kiểm soát những hành vi phạm pháp luật Đạo. Hiện nay thì hoàn toàn không còn.
Xuyên qua trọng điểm đại cương và tìm hiểu các thể thức hữu vi của Hiệp Thiên Đài, hẳn du khách thấy sự hệ trọng của cơ quan nầy trong sự phổ độ tam kỳ là thế nào.
Vì thế, nên vừa đến cửa Hiệp Thiên Đài, du khách thấy liền hai câu đối khắc rõ rệt:
“Hiệp Nhập Cao Đài Bá Tánh Thập Phương Qui Chánh Quả”
“Thiên Khai Huỳnh Đạo Ngũ Chi Tam Giáo Hội Long Hoa”
(Ý nghĩa hai câu đối nầy chúng tôi đã lược giải ở đoạn trước).
Hai câu đối nầy thể hiện hiệu lực khả quan của Hiệp Thiên Đài trong nền Đạo. Ngoài ra, trên của còn có tạc hình bộ Cổ Pháp của Tam giáo: cuốn Xuân Thu, cây Phất Chủ, Bình Bát Du và một cái “Cân” tượng trưng sự công bình giữ gìn luật pháp Đại Đạo.
Sau khi nhận thức ý nghĩa và hiệu lực Hiệp Thiên Đài, du khách sẽ ngạc nhiên với một nền Đạo có hệ thống tổ chức  đặc biệt trong sự phổ độ chúng sanh. Những sự khác biệt nầy càng làm cho nền Đạo có vẻ tôn nghiêm và huyền bí.
Am tường được ý nghĩa Hiệp Thiên Đài, du khách sẽ chạnh lòng với bao ý nghĩ xa xôi của nền Đạo.
... Đường nội ô Tòa Thánh, còn nhiều ngã chạy về nẻo dọc, ngang... Đưa mắt trông chờ du khách sẽ thấy mấy mái nhà san sát bên nhau hoặc lác đác trong những tàn cây rợp bóng.
Đối diện Hiệp Thiên Đài, bên tả Bình Dương Đạo có những ngôi nhà lợp ngói. Hình thức kiến trúc cũng đồ sộ nhưng có vẻ cổ kính. Những ngôi nhà nầy dùng để chức sắc nữ phái ở và đặt văn phòng cơ quan Tương Trợ. Cơ quan này chuyên lo cung cấp những nhu cầu cần thiết về sự ăn uống hoặc chăm sóc các lễ, tiệc, tang, tế v.v... về sự nấu giúp thực phẩm hoặc trang trí những nghi thức hành lễ thuộc về nữ phái.
Vì vậy bên trong ngôi nhà nầy không an bày những gì đặc biệt... những ngôi nhà phần nhiều ngăn thành từng phòng để chức sắc nữ phái nghỉ ngơi tụ tập thế thôi.

Hộ Pháp Đường

Từ những ngôi nhà nầy đi độ vài trăm thước... du khách sẽ thấy một biệt thư nguy nga...
Ngôi nhà nầy hình thức kiến trúc: nóc bằng, dạng khối chữ nhựt. Nhưng phân làm hai tầng: dưới và trên là lầu...
Đây là ngôi Hộ Pháp Đường, tức ngôi nhà của Hộ Pháp.

                                                               [1]  [2] [3]  [4]  [5]  [6]  [7]  [8]  [9]