Tập San Ban Thế Đạo. * Số 1 - Ngày 20/2/2021. [4/12]

BÀI ĐÓNG GÓP TẬP SAN BAN THẾ ĐẠO XUÂN TÂN SỬU (2021)
I - BÀI SƯU TẦM:
CHỮ  “VẠN” TRONG ĐẠO PHẬT
Chữ VẠN của Phật, màu vàng, thẳng đứng, quay ngược (A) hay quay thuận (B) kim đồng hồ: Svastika hay Evolution (tốt đẹp).
                                               (A)                                (B)
 
Còn Chữ VẠN của Hitler, màu đen, chính giữa xéo: Sauvastika hay Destruction (ý nghĩa xấu xa) 
Chữ VẠN của Hitler
 
Chữ VẠN là một biểu tuợng chứ không phải là chữ viết.
Bốn cánh của chữ VẠN tạo thành như 4 cái bóng của 4 cái đầu của hình chữ Thập + khi quay tròn. Do đó, chữ VẠN nếu có chiều quay ngược chiều kim đồng hồ (gọi là A) thì là chiều quay tự nhiên của các quả địa cầu quanh mặt trời và cũng là chiều tự quay của nó. Nếu nó quay thuận theo chiều kim đồng hồ (gọi là B), tức là theo chiều tương sanh trong Ngũ hành. Có nhiều tranh cãi về chiều quay của chữ VẠN trong Phật giáo. Cáo nào đúng? Cái nào sai?
1 - Theo Hán Việt của Thiều Chửu, trang 68:
Chữ nầy trong kinh truyện không có, chỉ trong nhà Phật mới có thôi. Nhà Phật nói rằng: Khi Phật giáng sinh, trước ngực có hiện ra hình chữ VẠN, người sau mới biết.
Chữ VẠN quay theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ.
Trong bộ Hoa Nghiêm Âm Nghĩa nói rằng: Chữ VẠN nguyên không có, đến niên hiệu Tràng Thọ thứ hai đời nhà Chu mới chế ra âm là VẠN, có nghĩa là muôn đức tốt lành đều hợp cả ở đấy. Lại nữa, nguyên chữ VẠN quay ngược nầy theo nguồn tiếng Phạn tên là Srivatsalaksana. Các Ngài La Thập, Huyền Trang dịch là ĐỨC, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch là VẠN.
Ở bên Ấn Độ, thì tương truyền là cái tướng cát tường thì dịch là ĐỨC để nói về công đức, còn dịch VẠN là nói về công đức đầy đủ.
Song, chữ VẠN (A) nguyên là hình tướng chớ không phải là chữ, cho nên dịch là cát tường hải vân tướng, mà theo cái hình xoay về bên hữu (A) là phải hơn. Vì xem như nhiễu Phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở khoãng long mày phóng ra cũng xoay về bên hữu, thì viết xoay về bên hữu như (A) mới đúng là tướng cát tường, có chỗ để xoay về bên tả (B) là lầm.
Vậy theo Thiều Chửu như trên đây thì chữ VẠN quay theo chiều ngược kim đồng hồ là ĐÚNG.
 
2 - Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn:
* trang 600, Q3.
Chữ VẠN (Svastika) thì chữ quay thuận theo chiều kim đồng hồ (B) cũng gọi là Kiết Tường. Ấy là chữ linh bên Ấn Độ, chữ ấy có sức đưa lại, nêu ra các điểm tốt lành, vui vẻ, phước đức. Vì vậy nên gọi là Kiết tường, Vạn tự, Đức tự. Sức lành của chữ VẠN theo mẫu (B) sâu rộng như biển, cao lớn như mây.
Chư Phật Thế Tôn đều có hình chữ VẠN nổi nơi ngực. Ấy là tướng quí của các Ngài, và tóc của các Ngài cũng có hình chữ VẠN nữa. Chữ VẠN tiêu biểu cho các điều may mắn, phước đức, tốt lành, cho nên ở trước các ngôi chùa Phật, người ta thường thấy vẽ hình chữ VẠN ấy.
Chữ VẠN nơi ngực Đức Phật
 
Theo Đoàn Trung Còn, hình chữ VẠN (A) là sai, (B) là đúng.
Điều nầy trái ngược với Thiều Chửu (phần1 trên). Nhưng cả hai đều không giải thích được lý do tại sao chữ VẠN quay chiều nầy thì cát tường, theo chiều kia ngược lại thì nguy hại. Cả hai vị đều không đưa ra được cái lý do xác đáng và có sức thuyết phục để người ta không thể bài bác được.
Còn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì sao?
3 - Từ Điển Phật Học của Giáo Hội PGVN:
Theo Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, Chủ biên Kim Cương Tử, Q2-trang 1822:
VẠN TỰ: Svastina hoặc Srivatsalaksana là thuật ngữ.
Theo đó, chữ VẠN theo chiều nghịch (A) là tướng biểu thị sự tốt lành lưu truyền ở Ấn Độ, Phật Giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo đều có sử dụng. Sớm nhất là trên tượng Phật Phạm Thiên, Visnu, Krisna. Âm tiếng Phạn chữ VẠN là Thất-lị-mạt-sa-lạc-sát-nẵng (Srivatsalaksana). Tức là tướng hải vân cát tường.
Các tôn sư Cu-ma-la-thập, Huyền Trang dịch là ĐỨC.
Bồ Đề Lưu Chi đời nhà Ngụy trong Thập Địa Kinh Luận, quyển12, dịch tiếng nầy là VẠN (Vạn tự), trong đó Thất-lị-mạt-sa tức là chữ VẠN (A) dịch là VẠN với ý nghĩa là công đức viên mãn, nên có nghĩa là hải vân cát tường; còn dịch là không có lầm lỗi.
Chỉ có lạt-sát-nẵng dịch là Tự (chữ). Đây là sự lầm lẫn với từ ác-sát-na. Tiếng Phạn lạc-sát-nẵng tức là tướng ác-sát-na là Tự. Nay chữ VẠN (A) là tướng chớ không phải là tự nên có thể dịch là cát tường hải vân, tức là vạn tướng.
Thế nhưng hình dáng nầy vòng bên phải là VẠN (A) tương tự như kính lễ Đức Phật, hoặc vòng về bên phải ba vòng, tương tự như sợi long trắng ở giữa hai lông mày của Đức Phật chuyển vòng bên phải. Tóm lại, chuyển vòng về bên phải (như A) là tốt lành (cát tường). Xưa nay, có khi thấy viết chữ VẠN (B) là nhầm. Cao Ly Bản Tạng Kinh và Tuệ Lâm Âm Nghĩa (Q.21), Hoa Nghiêm Nghĩa đều viết chữ VẠN theo VẠN (A), ngược chiều kim đồng hồ.
Lại nữa, theo thuyết của Kinh Đại Thừa thì điều đó biểu thị tướng cát tường trên ngực của Đức Phật và Thập Địa Bồ Tát. Chữ VẠN là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật và nó nằm ngay trước ngực của Ngài. Tuy nhiên, một số kinh điển khác thì lại nói đây là tướng tốt thứ 80 của Đức Phật Thích Ca. Dầu là tướng tốt thứ mấy đi chăng nữa thì không ai có thể chối cải chữ Vạn chỉ là một ký hiệu chớ không phải là văn tự dùng để thể hiện cho người có công đức vẹn toàn. Có những lúc chúng ta thấy chữ VẠN xoay qua phía mặt và cũng có khi xoay qua phía trái. Từ đó có những lý luận cho rằng chữ vạn của Phật giáo phải xoay hướng nầy thì đúng còn hướng kia thì sai. Đó là một kết luận đầy tính chủ quan phiến diện.
Như vậy, theo Kim Cương Tử và các Hòa Thượng soạn giả thì hình chữ VẠN (A) nghĩa là quay ngược kim đồng hồ là đúng, còn thuận kim đồng hồ (B) lại là sai.
3 - Theo Từ Điển Phật Học của Thích Minh Châu - Minh Chi, trang 757: Theo Thượng Tọa Thích Minh Châu, nguyên là Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn thì:
"VẠN: Một trong 32 tướng đẹp của Phật, vị trí trên ngực của Phật. Nó biểu thị công đức vô lượng cửa Phật, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật.
Là phù hiệu, không phải là chữ viết.
Viết xoay bên trái, hay bên phải, đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu nầy.
Nhà độc tài Phát xít Hitler cũng dùng phù hiệu nầy cho Đảng áo nâu của mình, nhưng đặt nghiêng". * Tiến Sĩ /TT.Thích Minh Châu.
Theo như trên đây, Thượng Tọa Thích Minh Châu và nhà Phật học Minh Chi thì chữ VẠN (A) hay (B) đều được cả vì cả hai nhóm bênh vực cho chữ VẠN quay thuận chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ đều không bên nào đạt được lý lẽ thuyết phục.
Một ý kiến khác của Viện Nghiên Cứu Phật Học có viết:         
- Trước đệ nhị thế chiến có Adolf Hitler sanh ngày 20-04-1889 tại Áo quốc gần biên giới nước Đức. Vì nuôi tham vọng thống trị cả thế giới qua chiêu bài Phát xít Đức, Ý, Nhật nên đã chọn chữ VẠN như là biểu tượng của đảng Đức Quốc Xã. Chính chữ VẠN này đã được bác sĩ Fridrich Krohn phát họa. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ thì chữ vạn của Hitler thì màu trắng nằm nghiêng trong một vòng tròn màu đen. Bởi thế chữ vạn của Hitler là tượng trưng cho sự tăm tối và chết chóc. Vì thế cứ mỗi khi nghe đến tên Hitler thì cũng như màn đêm sắp xuống, bóng ma chặp chờn, không khá nỗi.
Đây là chữ VẠN của Đức Quốc Xã (chính giữa xéo góc X). Đó là hai chữ S viết tắt (Social State). Do đó chữ VẠN của Hitler không thể nào có thể đem so sánh với chữ VẠN của Phật giáo cho được. Một bên là trời cao xanh mướt còn một bên thì thăm thẳm mù đen. Một bên thì thanh cao thánh thiện còn bên kia thì tội lỗi đau thương. Cũng vì sự tối tăm đó nên giấc mộng Đồ vương của Hitler biến thành mây khói và đưa đến cái chết cho hàng triệu người vô tội và dĩ nhiên cũng kết liễu cuộc đời của một tên bạo chúa. 
Vào thời nhà Đường, Hoàng hậu Vỏ Tắc Thiên cũng dùng chữ VẠN. Nhưng đây chỉ là biểu tượng cho mặt trời mà thôi. Tóm lại, cho dù chữ VẠN xoay bên trái hay bên phải thì chữ VẠN trong Phật giáo vẫn luôn luôn tượng trưng cho lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Đức Phật. Sự xoay vần có nghĩa là Phật lực phát tỏa khắp bốn phương. Và ánh sáng từ bi của Ngài tỏa ra vô cùng vô tận để cứu giúp chúng sinh còn đang lặn hụp trong bến bờ mê muội.
 
Và đây là chữ VẠN của Phật Giáo (chính giữa thẳng đứng +).
 
Theo: Tài liệu trích trong “Lịch Sử Phật Giáo.com”.
4 - Nghiên cứu của tiến sĩ Quang Đảo Đốc ở đại học Quốc Sĩ Quán Nhật Bản:
Chữ VẠN vốn không phải là chữ viết (word), mà chỉ là ký hiệu (symbol), và nó đã có từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, và đến thế kỷ thứ ba trước công nguyên mới được dùng trong kinh Phật.
Ngài Bồ Đề Liêu Chi dịch là "Vạn", còn ngài Huyền Trang dịch là "Đức". Tất cả đếu có nghĩa là "phước đức viên mãn, trí tuệ và lòng từ bi vô hạn".
Theo Huệ Lâm Âm Nghĩa quyển 21 và kinh Hoa Nghiêm thì có 17 chỗ nói chữ VẠN viết xoay về phải. Trong các đồ cồ, các bệ Phật cổ, các tượng Phật cổ của Trung quốc, của Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, … cũng đều dùng lối viết A, tức xoay về phải.
Ngôi tháp cổ ở vườn Lộc Dã được xây để kỷ niệm Đức Phật nhập diệt cũng khắc chữ Vạn xoay về phải.
Ba bản Tạng kinh đời Tống, Nguyên, Minh, và Cao Ly Đại Tạng Kinh cũng đều dùng chữ Vạn xoay về phải.
Nhưng tín đồ Lạt Ma giáo, Ấn Độ giáo, và Bổng giáo thì dùng lối viết B, xoay về trái. Có những chùa tại Ấn Độ, và Trung Quốc hiện nay, trước hai cánh cửa chính, một bên thì vẽ kiểu A, một bên lại vẽ kiểu B! Và những hoa văn quanh bệ thờ, cũng xen kẽ lối viết A và B!
 
Cách viết nào đúng?
Như đã nói “VẠN” không phải là một chữ mà là một ký hiệu xuất hiện rất sớm, có thể là từ thời nguyên sơ từ khi con người mới tìm ra lửa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nó ở khắp mọi vùng trên trái đất, nhưng ký hiệu nầy đã không thống nhất (chỗ viết theo lối A, chỗ viết theo lối B).
Từ khi Đức Phật ra đời, trên ngực đã có chữ “VẠN”, biểu tượng tướng mạo phi phàm, có ý nghĩa là đại cát tường, phúc lộc viên mãn,… Thế nhưng từ đó về sau, chữ VẠN trong đạo Phật cũng không thống nhất. Nhưng ta hãy suy những điều sau đây, có thể hiểu được cách viết nào đúng:
- Xoay qua phải, là theo chiều hào quang của Phật phóng ra.
- Ký hiệu âm dương của vũ trụ thu nhỏ lại (xem biểu tượng “thái cực” của Lão giáo). “Chữ S” phân chia vòng thái cực xoay về phải.
- Sợi lông trắng (bạch hào) giữa hai lông mày của Phật uyển chuyển xoay sang phải.
- Trong các kinh điển cổ, phần lớn đều viết chữ VẠN xoay về bên phải.
- Trong các nghi thức sám, nhiễu Phật, nhiễu Pháp đều hướng về phải nhiễu hành.
* Tiến sĩ Quang Đảo Đốc - Nhật Bản.
 
5 - KẾT LUẬN:
" Hình chữ VẠN quay theo chiều ngược kim đồng hồ (mẫu A) hay quay cùng chiều kim đồng hồ (mẫu B) thì đó cũng chỉ là hai cái nhìn khi đứng ở hai vị trí trước mặt hay sau lưng của cùng một chữ VẠN mà thôi.
 
Trên nóc chuông của Báo Ân Từ trong nội ô Tòa Thánh Tây Ninh có gắn hình chữ VẠN. Nếu chúng ta đứng phía trước Báo Ân Từ tại cột phướn nhìn lên, chúng ta sẽ thầy chữ VẠN theo mẫu (A), tức là quay ngược kim đồng hồ. Còn nếu chúng ta bước sang hông của Đền Thờ Báo Ân Từ nhìn lên, tức là nhìn phía sau của chữ VẠN thì sẽ thấy theo hình chữ VẠN (mẫu B), nghĩa là quay thuận theo chiều quay của kim đồng hồ.
Chữ VẠN tượng trưng cho Chơn lý, và Chơn lý nầy chỉ có một. Nhưng tùy theo vị trí, góc độ đứng nhìn mà thấy chơn lý theo kiểu nầy, mang hình thức nầy; còn nếu ở vị trí đứng khác thì sẽ thấy chơn lý theo kiểu khác với hình thức khác. Nhưng chơn lý vẫn chỉ là một. Khi chúng ta hợp lại tất cả nhận thức, hợp lại tất cả kiểu dáng của tất cả sự mô tả chơn lý thì may ra chúng ta mới có thể hiểu được chơn lý một cách toàn vẹn đủ các mặt.
Cho nên, chúng ta không nên lấy quan điểm riêng của mình, ở vị trí của mình với cái nhìn của mình mà phê bình chê bai những nhận thức khác là sai. Thật là không nên.
Chữ VẠN tượng trưng cho điều lành điều tốt đẹp, vì nó hiện ra trên ngực của Đức Phật. Nó là một trong 32 tướng tốt của Phật. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, nếu chữ VẠN quay theo chiều nào đó thì nó thiêu hũy công đức. Công đức của ta, chỉ có những việc làm sai trái của ta mới tiêu hũy được công đức của ta. Cái lữa giận của ta chẳng hạn. Ngoài ra, không có điều gì khác có thể thiêu hũy được công đức của ta.
 
Chúng ta là những tín đồ Cao Đài đang ở trong trường thi công quả do Đức Chí Tôn tạo lập. Chúng ta cứ để mặc cho chữ VẠN quay tự do theo chiều quay của nó mà không cần bàn cãi. Chúng ta cố gắng lo làm tròn nghĩa vụ của mình, lập công bồi đức càng nhiều càng tốt, vì cái đức nầy mới đem chúng ta lên những ngôi vị cao trọng nơi cõi Thiêng liêng ".
* Hồ Xưa sưu tầm và viết lại từ tài liệu:
Cao Đài Tự Điển * HT.Nguyễn văn Hồng Q3.
Học viện Phật giáo.news.
Viện Phật Học của PGVN.
* BuddhaNet.net
 
*   *   *
Thơ:
THƠ LÝ THƯƠNG ẨN
 
Bài 1: Đăng Lạc Du nguyên
Hướng vãn ý bất thích,
Khu xa đăng cổ nguyên.
Tịch dương vô hạn hảo,
Chỉ thị cận hoàng hôn.
* Lạc Du nguyên: tên một khu du lãm nổi tiếng tại Trường An.
HỌA:
Chiều hôm trở gót chẳng gì vui,
Đất cổ xe lăn bánh mệt vùi.
Nắng chiếu bóng tà nâng cảnh đẹp,
Hoàng hôn gần đến sáng dần lui.
* HỒ NGUYỄN
 
Bài 2: Dạ vũ ký bắc
 
Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ,
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đương cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì.
HỌA:
Bạn hỏi ngày về chẳng hẹn đâu,
Mưa đêm phủ kín núi ao sâu.
Bao giờ cửa sổ tây đèn nhóng,
Trò chuyện đêm về ân nghĩa lâu.
* HỒ NGUYỄN
 
HẠT CÁT VỮNG BỀN
Hạt cát bao gi đếm được đâu!
Sao em bận trí để chi sầu.
Bãi tràn sóng biển thân dời đổi,
Cát trụ nơi nào có được lâu.
Đời vốn luân lưu dòng bể khổ,
Tơ lòng rắn chắc nghĩa tình sâu.
Cát bao nhiêu hạt ai nào biết,
Nhưng sắc son kia chẳng nhạt mầu.
* HỒ NGUYỄN
 
LẠC QUAN
Gãy phím kè dây tạo nốt đàn,
Trong lòng nhẹ bt nổi man man.
Niềm tin cố nén không vơi mất,
Hy vọng luôn ghi chẳng vọt tràn.
Tư tưởng sáng trong xua bẩn bụi,
Mộng vàng một thuở trãi âm vang.
Cơn sầu rũ sạch không vươn vấn,
Đời nhẹ phiêu phiêu đẹp ngút ngàn.
* HỒ NGUYỄN
 
KỶ NIỆM HỘI YẾN DIÊU TRÌ
Điện Thờ Phật Mẫu sáng lung linh,
Rực rỡ đèn hoa vọng tiếng kinh.
Trắng toát đạo y màu tịnh khiết,
Vàng tươi Lễ sĩ dáng đi xinh.
Trống khua đờn đối tâm thành nguyện,
Nhịp khắc hòa minh Thượng Sớ trình.
Phật Mẫu Cửu Nương linh hiển chứng,
Ban ân Thế giới Đại đồng vinh.
* HỒ NGUYỄN
 
SỐNG CHẾT
1 - Sống không nhân đức sống làm chi,
Sống chỉ tham sân sống ích gì?
Sống nghĩ công danh không nghĩ phúc,
Sống lo phú quý chối từ bi.
Sống gần kẻ xấu xa hiền đức,
Sống thích đua tranh phải khổ trì.
Sống hại thế gian không nghĩa đạo,
Sống vô ích thế sống mà chi!
 
2 - Chết vì nghĩa cả sử còn ghi,
Chết chẳng gìn ân hậu.. có gì?
Chết xng nam nhi lưu hậu thế,
Chết nêu chí khí núi sông ghi.
Chết cần chi lắm mâm đưa tiễn,
Chết chẳng cầu than khóc thét bi.
Chết dấu chấm câu đời tạm nghỉ,
Chết sao xng đáng dễ ai bì?
* HỒ NGUYỄN
 
CHỮ AN ĐÁNG QUÝ
An vui nhân loại mới thanh bình,
An phận cho đời trọn kiếp sinh.
An trú sống yên tu tập tánh,
An hòa tiếp xúc giữ niềm tin.
An nhiên tự toại tâm nhàn nhã,
An lạc trì kiên tự xét mình.
Đáng quý chữ AN lo trọn tín,
Sống cho yên phận gitâm minh.
* HỒ NGUYỄN
Ngày 14-02-2021
Người viết: HT. Hồ văn Xưa
*    *    *

NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI CẦN XÉT LẠI DANH XƯNG HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG HAY HỘI YẾN DIÊU TRÌ. * Cố Hiền Tài Phạm Văn Khảm.

LTS: Kính xin trình bày với Quý Hiền, về Cố Hiền Huynh, HT/ Phạm Văn Khảm, nguyên là một trong những thành viên của VSCĐ.
Ngày 20 tháng 6 năm 2020. Toàn BBT thảo luận ra mắt Tập San số 1. Huynh Khảm liền viết bài "NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI CẦN XÉT LẠI DANH XƯNG HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG HAY HỘI YẾN DIÊU TRÌ ", gửi đến BBT/TS số 1 để loan tải. Xem như bài viết cuối cùng của Hiền Tài Phạm Văn Khảm, như một thay lời tạm biệt tập thể HT/BTĐ.
Rằm tháng 8 Âm lịch, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Cao Đài. Vớingày lễ lớn nầy, hiện nay có hai tên gọi khác nhau : 
Hội Yến Diêu Trì Cung và Hội Yến Diêu Trì. Tại sao như vậy ? Chắc chắn tự nó không mang hai tên và cũng không thể để mặc ai muốn gọi sao cũng được vì trong cửa Đạo nhất thiết cần tôn trọng sự chánh danh. Chánh danh là một trong những yếu tố bảo thủ Chơn Truyền.

Do đó người viết bài nầy không có ý tạo ra sự tranh luận đúng sai, mà chỉ mong nêu rõ những dữ kiện đã lưu trong các kinh sách để tự mình suy nghĩ và lưa chọn:Cái nào đúng thì dùng còn sai thì sửa lại.

Xin đọc trích các đoạn sau đây để tham khảo:
" Theo cổ luật, người tu khi đắc đạo, chơn hồn được về DiêuTrì Cung hưởng Hội Yến Bàn Đào.Tiệc nầy được gọi là Hội Yến Diêu Trì Cung, vì tiệc được đặt tại Cung Điện  bên cạnh ao Diêu Trì, nơi Đức Phật Mẫu ngự ở tầng trời thứ 9 . Nơi đây,  chơn hồn được ăn quả Đào Tiên và uống Tiên Tửu mới được nhập vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, gọi là Nhập Tịch. Đó là Bí Pháp.

Ngày nay, thời Tam Kỳ Phổ Độ, thời Hạ Nguơn Mạt Pháp, với đặc ân Đại Ân Xá kỳ III, Đức Chí Tôn quyết định tận độ con cái của Ngài, thay vì đặt Bí Pháp ấy cao tận DIêu Trì Cung, Ngài buộc Phật Mẫu phải đến thế gian để Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì ( không kèm theo chữ CUNG ) tại cửa Đạo nầy cho con cái của Ngài giải thoát. Ấy là Bí Pháp Thiêng Liêng, duy chỉ có tay Ngài định Pháp ấy mới đặng." ( Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 15-8- Kỷ Sửu- 1949 ).

Cũng trong bài thuyết đạo nầy, Đức Hộ Pháp kể lại rằng: Đức Chí Tôn  dạy sắp đặt cái tiệc ấy để đãi 10 Đấng vô hình: Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương. Phần hữu hình có 3 vị : Thượng Sanh, Thượng Phẩm và Hộ Pháp.

Bần Đạo mới hỏi: Tiệc nầy là tiệc gì ?
Đức Chí Tôn đáp: HỘI YẾN DIÊU TRÌ ( không có chữ CUNG kèm theo)
Ngoài ra, tại Cửu Long Đài chiều ngày 15-8- Tân Mão- 1951, Đức Hộ Pháp cũng đã giảng:
 “ Chính Đức Chí Tôn biểu Đức Phật Mẫu, tức Mẹ Sanh của chúng ta, cầm cả quyền năng giải thoát trong tay đến lập HỘI YẾN DIÊU TRÌ ( không có chữ CUNG theo sau ) tại mặt thế nầy cho cả con cái của Ngài, nhứt là 92 ức nguyên nhân, nếu nhập vào cửa Đạo, tùng theo Chơn Pháp thì được hồng ân của Đức Chí Tôn cho hưởng Bí Pháp HỘI YẾN DIÊU TRÌ tại thế nầy.”

​Ngoài ra trong quyển ĐẠO SỬ TOÀN TẬP của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, nơi trang 25 khi viết về lịch sử của ngày Đại Lễ nầy, Bà vẫn đề tựa là:TÍCH HỘI YẾN DIÊU TRÌ ( không có chữ CUNG)

Tóm lại, dựa các theo tài liệu nêu trên để tham khảo, chúng ta đủ minh định rằng:Tiệc Hội Yến Bàn Đào nếu đặt trên tầng trời thứ 9 (Tầng trời Tạo Hóa Thiên) ngay Diêu Trì Cung, nơi Đức Diêu Trì Kim Mẫu ngự thì tiệc nầy được mang tên là: HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG và khi được tổ chức ở thế gian nơi Điện Thờ Phật Mẫu ( Báo Ân Từ), đối diện với Bá Huê Viên và không ở trong Cung Điện của Đức Phật Mẫu thì không thể nào gán ghép chữ CUNG vào đây được.Gọichính danh là lễ HỘI YẾN DIÊU TRÌ.

Vậy, Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung và Lễ Hội Yến Diêu Trì hoàn toàn khác nhau về không gian. Một đàng ở trên tầng trời thứ 9 và một đàn ở trần gian, hai nơi cách biệt quá xa thì làm sao có sự nhầm lẫn được !

Thiết nghĩ, người tín đồ Cao Đài cần thận trọng từ việc nhỏ cho đến việc lớn trong vấn đề chính danh để gìn giữ chơn truyền của Đạo mãi đến thất ức niên.
​Trân trọng xin góp ý.
* Hiền Tài Phạm văn Khảm

*   *   *
" ... Đặc San BTĐ thể hiện những khát vọng, suy tư, sáng tạo tìm kiếm con đường thẳng cùng đồng đạo nhận chân thực đâu là đúng-sai, dở dang, và thiện-ác, chủ yếu xây dựng cộng đồng Cao Đài yêu thương và đoàn kết không khác biệt, không chia rẽ, và không ngừng hướng thượng, hầu tạo điều kiện phát triển Đại Đạo đến Thất Ức Niên, theo Luật Yêu Thương mà Đức Chí Tôn & Phật Mẫu đã dạy cho con cái của Người ở cõi hữu hình nầy an lạc, hạnh phúc... "
Đôi Lời Suy Tư
Kính gởi:
- Quý Chức Sắc Ban Thế Đạo.
- Quý Chức Sắc, Chức Việc BTS trong các Thánh Thất, các Cơ Sở Hành Chánh Đạo.
- Quý Chức Sắc, Chức việc trong các Ban Quản Tộc Điện Thờ Phật Mẫu, các Cơ Sở Phước Thiện.
- Quý Huynh Tỷ Đệ Muội trong Đại Đạo Thanh Niên Hội Hải Ngoại.
- Quý Đồng Đạo và Thân hữu,

Thưa quý vị,
Ban Thế Đạo hiện hành xin kính gửi đến quý đồng Đạo tin vui. Chúng tôi công bố sẽ ra mắt Đặc San Ban Thế Đạo số 01, bắt đầu từ 1 tháng 7, 2020, và phát hành mỗi tháng một lần.
Mục đích của Đặc San là mang tiếng nói trung kiên, toàn thiện, minh bạch, và đạo đức Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức Đạo Cao Đài, để chuyển tải đến quý đồng đạo những thông tin về Đại Đạo, kinh sách Giáo Lý, Thơ Văn Đại Đạo, tìm hiểu, phân tích Thánh Ngôn Thánh Giáo, về Đạo Sự, v.v…ngõ hầu phục vụ cho đồng đạo, con cái Đức Chí Tôn.

Chủ trương của Đặc San Ban Thế Đạo sẽ bao gồm truyền thông, thông tri, những sự kiện của Đạo Cao Đài nơi Hải Ngoại, loan tải những tin mừng về văn hóa và kiến thức thế kỷ 21 của Đạo Cao Đài và của nhân loại đang sống trên Quả Địa Cầu 68 nầy, ngõ hầu giúp đồng đạo mở rộng kiến thức.

Đặc San BTĐ thể hiện những khát vọng, suy tư, sáng tạo tìm kiếm con đường thẳng cùng đồng đạo nhận chân thực đâu là đúng-sai, dở dang, và thiện-ác, chủ yếu xây dựng cộng đồng Cao Đài yêu thương và đoàn kết không khác biệt, không chia rẽ, và không ngừng hướng thượng, hầu tạo điều kiện phát triển Đại Đạo đến Thất Ức Niên, theo Luật Yêu Thương mà Đức Chí Tôn & Phật Mẫu đã dạy cho con cái của Người ở cõi hữu hình nầy an lạc, hạnh phúc.

Ban Biên Tập chân thành mời gọi quý Chức Sắc, đồng đạo, và quý thân hữu cùng tham gia gửi bài viết, các bài tham khảo, các tác phẩm Thơ Văn, lịch sử… về Đại Đạo Cao Đài, để chúng ta cùng làm nên lịch sử. Hy vọng mỗi tín đồ Cao Đài đều tỏa hương hoa Đại Đạo thơm ngát khắp cả môi trường tu tập, mở rộng lòng tin chào đón tình thương yêu, sáng tạo, xây dựng, để phục vụ đồng sinh và dâng hiến phụng sự cho Đại Đạo. Tiếng nói của mọi Tín đồ Cao Đài sẽ là pho kinh điển giá trị như một Tàng Kinh Viện. Xin hãy làm cho điểm đứng của mỗi Tín đồ Cao Đài vượt trội không gian hiện hữu.

Ban Biên Tập thành tâm kính chúc toàn Đạo tiếp nhận Hồng Ân của Đức Chí Tôn & Phật Mẫu chan rưới khắp cùng nhân sinh, bình an, hạnh phúc, và cùng nhau phát triển nền Đại Đạo nơi Hải Ngoại đi đến thành công.
" NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT "
* HT/ Huỳnh Tâm
 Home   Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11[12]