Tập San Ban Thế Đạo. * Số 1 - Ngày 20/2/2021. [11/12]

Tiếp theo phần 2:
Đạo Cao Đài Và Ngày Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn. * QS Nguyễn Thanh Bình.
Ngày 23-8 Bính Dần (dl: 29-9-1926), theo lịnh Ơn Trên, cuộc họp lập tờ Khai Tịch Đạo được tổ chức tại nhà Ông Nguyễn Văn Tường ở hẻm đường Galliéni (nay là số 208 Cô Bắc, Quận 1). Sau buổi họp, Thầy giáng dạy lập danh sách đem vào tờ Khai Đạo, ấn định ngày gởi, đồng thời dạy chư vị cần có ý thức thêm về việc quảng bá mối Đạo Trời. Danh sách đứng tên Khai Tịch Đạo chính thức nộp cho Toàn Quyền Le Fol vào ngày thứ năm 07-10-1926 (al: 01-9 Bính Dần) gồm 28 vị đại diện cho 247 (chính xác 245) vị hiện diện.
Ngay sau khi gởi tờ Khai Tịch Đạo lên Thống Đốc Nam Kỳ, chư Tiền Khai lập tờ “Phổ Cáo Chúng Sanh” để gởi đi khắp nơi.
Ngày mùng 7 tháng 9 Bính Dần (dl: 13-10-1926), Thầy duyệt sửa nội dung tờ “Phổ Cáo Chúng Sanh” và dạy phải cấp lo phổ độ, phải phân nhau mà đi cho khắp. Quý Ngài liền chia nhau làm ba nhóm. Nhóm truyền đạo Cao Đài thứ ba được phân công về Tây Ninh gồm các tiền bối: Lê Bá Trang, Vương Quang Kỳ, Yết Ma Lê Văn Nhung, Sư Kinh Hối, Trần Văn Liêng… Phò loan thì có quý Ngài Cao Quỳnh Diêu và Cao Quỳnh Cư.
 
Điều đặc biệt, nhắc đến chùa Thiền Lâm, Gò Kén, người ta lại nhắc đến đạo Cao Đài bởi một mối quan hệ đặc biệt. Đại đức Thích Thiện Nghĩa cho biết ngôi chùa này là một chùa Phật nhưng tại nơi đây, vào ngày 18-11-1926 tức ngày 15-10 năm Bính Dần, nhà chùa đã cho hai ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc mượn chùa một thời gian để làm nơi khai đạo. Bởi trong thời gian đó Tòa Thánh Cao Đài ở Tây Ninh vẫn chưa được xây dựng.
 
Ngày 16-7 Bính Dần (dl: 23-8-1926), có mặt quý Ngài Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt, Thái Thơ Thanh và Hòa Thượng Như Nhãn (Thích Từ Phong), tục danh là Nguyễn Văn Tường (1874-1938) chủ chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự), Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương, dạy Hòa Thượng Như Nhãn: “… Ta trông công hiền đồ mà lập thành cho nước Nam làm chủ của nền chơn đạo. Nơi đây là Thánh địa, Ta lập Thánh Thất, hiền đồ có lòng giúp Ta chăng?” Hòa Thượng Như Nhãn vâng lệnh hứa thuận lòng chuyển Từ Lâm Tự thành Thánh Thất Cao Đài.
Sau khi có được địa điểm, Ngài Thượng Trung Nhựt làm đơn xin phép lập lễ hội để hành Đại lễ Khai Minh Đại Đạo dự kiến trong ba ngày 14, 15 và 16 tháng 10 năm Bính Dần. Ông Bà Nguyễn Ngọc Thơ hoàn chỉnh thánh thất Gò Kén (Từ Lâm Tự) với các hạng mục như: láng xi măng sân chùa, đào giếng, trồng hoa, làm đường đá ra đến đường cái, v.v…
 
Trong nội điện Từ Lâm Tự, ngày 12-8 Bính Dần, Đức Chí tôn dạy Ông Nguyễn Văn Kiệt (1881-1965) mướn thợ làm bảy cái ngai chạm trổ để chưng trước Thiên Bàn: một cái trọng hơn cho Giáo Tông, ba cái cho ba vị Chưởng Pháp, ba cái cho ba vị Đầu Sư. Đức Chí Tôn cũng dạy Ông Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính) làm một trái Càn Khôn bề kính tâm ba thước ba tấc và vẽ tại ngôi sao Bắc Đẩu con mắt Thầy để thờ và dạy Ngài Thái Thơ Thanh lo sắp xếp cách thờ với đủ tượng Tam Giáo Đạo Tổ (Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử và Đức Khổng tử), Tam Trấn Oai Nghiêm (Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Lý Thái Bạch Kim Tinh, Đức Quan Thánh Đế Quân), Đức Chúa Giê Su và Đức Khương Thái Công.
Ngoài sân Từ Lâm Tự, Ngài Thái Thơ Thanh mướn thợ đúc một tượng bằng xi măng cốt sắt hình Thái Tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa trắng, có người hầu trung tín Xa Nặc chạy theo sau, đặt ngay trước cửa chùa, hướng vào chánh môn.
 
Đúng ngày đại lễ Khai Minh Đại Đạo, suốt ngày đêm, hàng chục xe hơi và nhiều loại phương tiên vận chuyển khác chở quan khách đến dự tấp nập. Hàng ngàn, hàng vạn thịện nam tín nữ từ khắp nơi tựu hội về Thánh Thất Gò Kén tỉnh Tây Ninh, tạo nên khung cảnh vô cùng náo nhiệt. Bá tánh thập phương đến tham dự quá đông nên lễ phải kéo dài liên tiếp đến ba tháng.
Đêm 14 rạng rằm tháng 10 Bính Dần (dl: 18 &19-11-1926), lễ Lập Vị Thiên Phong chư chức sắc Hội Thánh.
 
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài được chính thức khai nguyên vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (dl: 19-11-1926).
Thành phần lãnh đạo Hiệp Thiên Đài có các Ngài: Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư, Thượng sanh Cao Hoài Sang.
Bên Cửu Trùng Đài có các Ngài Thượng Chưởng pháp Nguyễn Văn Tương, Thái Chưởng pháp Như Nhãn, Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ, ba vị Đầu sư Thượng Trung Nhựt, Thái Minh Tinh, và Ngọc Lịch Nguyệt, ba vị Chánh Phối sư: Thượng Tương Thanh, Thái Thơ Thanh và Ngọc Trang Thanh.
Tiếp theo là các chức sắc Nam phái khác và nữ Phái.
 
Từ đây Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nay là Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh đã chính thức hình thành và trình diện trước nhân sanh, với đầy đủ thẩm quyền thị hiện Thánh Thể Đức Chí Tôn tại thế.
Trong ngày Khai Đạo tại Thánh Thất Từ Lâm Tự (Chùa Gò Kén) Tây Ninh, đêm 14-10 Bính Dần (dl: 18-11-1926), Đức Chí Tôn giáng cơ ban cho Tịch Đạo của Chức sắc Cửu Trùng Đài (CTĐ) Nữ Phái:
"Nữ Phái nghe Thầy khai Tịch Đạo: bên Nữ, tịch Đạo là Hương Tâm:
Hương Tâm nhứt phiến cận càn khôn,
Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng,
Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.
Thầy ban ơn cho các con, cứ hành lễ theo lời dặn."
Sau ngày khai Đạo, Đức Chí Tôn ngay lập tức phán dạy: “Thầy đã muốn cho hoàn toàn phải cần có Luật mà hễ có Luật thì cần phải do theo đó mà hành đạo, mới khỏi điều sơ thất đặng”. Thầy lập Pháp Chánh Truyền và Tân Luật thì Thầy giao cho Đức Lý Giáo Tông và Hội Thánh lập.
Thứ hai, ngày 6-12-1926 (âl: 2-11 Bính Dần): Ngọc Hoàng Thượng Đế Viết Cao Đài Giáo Đạo Nam Phương:
Nghe Thầy dạy :
- " Khởi đầu lập Luật tu gọi là Tịnh Thất Luật,
- kế nữa là lập Luật trị, gọi là Đạo Pháp Luật,
- ba là lập Luật đời gọi là Thế Luậ t".
Ngày 18-12-1926 (âl: 14-11 Bính Dần), Đức Lý Thái Bạch giáng cơ dạy:
" Thượng Trung Nhựt, hiền hữu nghe dạy: Buổi lập Luật phải ngưng sự phổ độ lại đôi chút. Lo cho xong Tân Luật thì mới truyền bá Chơn Đạo rõ lý hơn.
Vậy ngày Đại lễ Thánh giáo Giáng sinh, phải có mặt tại đây cho đủ và nạp Luật cho kịp ngày ấy.
Làm lễ xong, qua ngày kế thì chư Thánh mặc Đại phục, vào Đại điện bái, rồi Hiền hữu biểu sắp ghế vòng theo Đại điện. Hiền hữu và Ngọc Lịch Nguyệt lên tọa bửu vị, rồi theo chức phận chư Thánh mà ngồi vòng hai bên như lúc hiền hữu còn tại Thượng Nghị Viện, đặng cãi luật đó vậy.
Hiền hữu chưởng quản làm chủ Hội, mỗi vị Thánh đều đặng quyền cãi lẽ, nghe à ! "
Ngày 24-12-1926 (al: 20-11 Bính Dần) chư vị tiền khai đồng tựu về tại Thánh thất Gò Kén được Đức Lý Thái Bạch giáng dạy rõ thời biểu họp “Cải Luật”, Tân Luật Cao Đài.
Cùng ngày 24-12-1926, Đức Ngọc Hoàng Thượng Ðế Viết Cao Ðài Giáo Ðạo Nam Phương giáng cơ nói về lập Tân Luật:
Từ mười ngàn năm rồi, đã ở dưới quyền tà quái áp chế. Vì vậy mà Thầy phải giáng trần độ rỗi các con, chớ chi Thầy đến mà làm cho giảm sự khổ não cuả các con chẳng đặng nữa thì thôi, lẽ nào còn lập Tân Luật ràng buộc các con thêm nữa... Vì cớ mà Thầy buồn.
 
Thầy tỏ thật, cái luật lệ, Thầy khiến các con hiệp chúng trí mà lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo đức Tiên Phong Phật Sắc cuả các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy; chẳng luật lệ thì trái phép, mà trái phép thì làm thế nào vào Bạch Ngọc Kinh cho đặng.
 
Vậy các con rán làm phận sự cho hoàn toàn, rồi có Thái-Bạch giáng cơ sửa luật”.
Ngày 25-12-1926 (al: 21-11 Bính Đần), Đức Lý Thái Bạch giáng dạy Hội Thánh trong ba tuần nữa phải lập thế nào cho rồi luật.
 
Ngày 17-01-1927 (al: 14-12 Bính Dần), Ðức Thái Bạch và Ðức Chí Tôn dạy Hội Thánh thành lập Tân Luật. Đến ngày 12 tháng Chạp Bính Dần (dl: 15-01-1927), Đức Lý Thái Bạch giáng dạy nghi thức buổi lễ dâng luật.
 
Ngày hôm sau, 13 tháng Chạp Bính Dần, tại chánh điện Thánh thất Gò Kén, lễ dâng trình Tân Luật đã được tiến hành. Khởi đầu từ ba vị Chánh Phối sư dâng cho ba vị Đầu Sư và Ba vị Đầu Sư dâng cho hai vị Chưởng Pháp. Nhị vị Chưởng Pháp tiếp luật rồi lại đưa ngang khỏi đầu dâng cho Đức Khương Thái Công và Thánh Chúa Giê Su, rồi để trước Tiên vị của Đức Lý Thái Bạch một ngày một đêm để được Ngài xét đoán.
 
Sau khi được giao cho Nhị vị Chưởng Pháp xem xét lại, Ngày 14 rạng rằm tháng Giêng Đinh Mão, Hội Thánh trình dâng Tân Luật lên Đức Chí Tôn.
Tân Luật được phê duyệt và ban hành ngày mồng 4-2 Đinh Mão (dl: 07-3-1927).
Ngày 1-6-1927 (âl: 2-5 Ðinh Mão), trong Đàn Cơ tại Phước Thọ Đức Chí Tôn giáng cơ và dạy là Thầy sẻ ngưng hết cơ bút Phổ Độ truyền Ðạo. “Ðức Chí Tôn ra lịnh: cuối tháng 6 âl năm Ðinh Mão (1927), Thầy phải ngưng tất cả cơ bút truyền Đạo”. Cơ bút truyền đạo là các đàn cơ phổ độ tổ chức ở các nơi để thâu nhận tín đồ. Bởi vì Ðức Chí Tôn sợ để lâu, Quỉ Vương xâm nhập các đàn cơ nầy khuấy phá làm mất đức tin của bổn đạo. Chỉ ngưng cơ bút phổ độ ở các địa phương, còn cơ bút tại Tòa Thánh thì vẫn duy trì để Ðức Lý Giáo Tông và các Ðấng điều hành nền Ðạo”.
Tân Luật đã được ban hành, việc thâu nhận tín đồ qua cơ bút chánh thức chấm dứt vào đầu tháng 7 Đinh Mão, từ đó theo Tân Luật mà thi hành phổ độ.
 
Đức Chí Tôn đến dạy Đạo ngày mùng 5 tháng 6 Ất Sửu (dl: 25-7-1925), thâu môn dồ năm 1926 (Bính Dần). Để rồi ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (dl: 19-11-1926) chánh thức khai mở Tam Kỳ Phổ Độ tại Chùa Gò Kén, tỉnh Tây Ninh. Không đầy 4 tháng từ ngàu khai Đạo, Thầy đã lập Pháp Chánh Truyền và Tân Luật.
 
Đức Chí-Tôn dạy: “Thầy đã muốn cho hoàn toàn phải cần có Luật mà hễ có Luật cần phải do theo đó mà hành đạo, mới khỏi điều sơ thất đặng”. Pháp Chánh Truyền và Tân Luật coi như Hiến Pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tất cả chi chi phải noi theo đó mà thi hành không được châm chước.
- Đêm Rằm rạng 16 tháng 10 Bính Dần (dl: 19 & 20-11-1926): Đức Chí Tôn ân ban Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nam Phái.
- Ngày 11 tháng Giêng Đinh Mão (dl: 12-02-1927): Đức Lý Thái Bạch ân ban Pháp Chánh Truyền Nữ Phái.
- Ngày 12 tháng Giêng Đinh Mão (dl: 13-02-1927): Đức Chí Tôn ân ban Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài.
Ðức Chí Tôn thiên phong phẩm vị chánh thức cho Thập Nhị Thời Quân mà trước đây Ðức Chí Tôn chỉ tạm phong là Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo Sĩ.
- Ngày 4 tháng 2 năm Đinh Mão (dl: 07-3-1927): Hội Thánh và Đức Lý Giáo Tông dâng Tân Luật và được Đức Chí Tôn phê duyệt và ban hành.
Từ ngày 12 tháng Giêng Đinh Mão (dl: 13-02-1927), Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã ban hành  Pháp Chánh Truyền và Tân Luật, Hội Thánh căn cứ theo đó, nắm quyền pháp điều hành cơ Đạo trên tất cả các phương diện để phổ độ Đạo Thầy đến thất ức niên.
 
IV . Lễ Tế Trời Và Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn Ngày Mùng 9 Tháng Giêng? 
Theo nghi lễ Đạo Cao Đài thì mùng 9 tháng Giêng vào mùa Xuân là ngày được chọn làm Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn, còn gọi là lễ vía Trời hay lễ tế Trời, là một trong những nghi lễ Đạo quan trọng nhất trong năm của người tín đồ Đạo Cao Đài.
 
Thế thì Thượng Đế hay Ông Trời có từ lúc nào? Dĩ nhiên là không ai có thể trả lời là Trời sinh lúc nào? Vậy tại sao trong Đạo Cao Đài lại lấy ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch làm ngày Đại Lễ Vía Trời (Đức Chí Tôn)?
Đại Nam Quốc Âm Tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (xuất bản tại Sài Gòn năm 1896) giải nghĩa về Lể Trời như sau:
“Ngày vía tức là ngày sinh. Thí dụ: mồng chín Vía Trời, mồng mười vía Đất. Ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng thói tục hay cúng Trời Đất, hiểu là ngày Trời Đất sinh.”
Cuốn tự điển này ra đời trước khi Đạo Cao Đài khai minh 30 năm (1896 -1926). Như vậy, ta có thể hiểu rằng Lễ Vía Trời là một nghi lễ vốn đã có từ lâu đời của người Việt Nam. Hay nói cách khác Lễ Vía Trời của Đạo Cao Đài cũng là nối tiếp truyền thống tín ngưỡng xa xưa của dân tộc Việt Nam (và cả Trung Hoa).
Nhưng tại sao lại chọn ngày mùng 9? Tại sao là tháng Giêng? Và tại sao là mùa Xuân?
 
Trước khi giải đáp, chúng ta cũng cần nhắc lại rằng: dù trong Đạo Cao Đài hay ngoài dân gian cũng đều quan niệm rằng: Trời là Thủy Tổ, là Đấng Sinh thành, là Đấng Tạo hóa sáng tạo ra muôn loài vạn vật, Đấng tạo lập Càn Khôn Vũ Trụ.
Ở Trung Quốc Lễ Tế Trời có từ đời Thượng Cổ và thường được tổ chức vào ngày Đông Chí (ngày Đông Chí luôn nằm trong tháng 11 âm lịch). Trong Khang Hi tự điển mục từ Giao có ghi:
“Đông Chí tự Thiên vu Nam Giao,
Hạ Chí tự Địa vu Bắc Giao,
Cố vi tự Thiên Địa vi Giao”
 
Ý nghỉa là ngày Đông Chí tế Trời ở gò phía Nam, ngày Hạ Chí tế Đất ở gò phía Bắc, cho nên tế Trời Đất gọi là Giao. Theo kinh Lễ, muôn vật được sinh ra bởi Trời (Cha) được dưỡng nuôi bởi Đất (Mẹ), nên lễ tế Trời Đất hay tế Giao là lễ nhớ ơn Trời Đất.
 
Ở Việt Nam, Lễ Tế Trời bắt đầu có từ đời vua Hùng Vương, theo sử sách lưu truyền trong dân gian có ghi: Vào đời vua Hùng Vương thứ 6, người con thứ 18 là Tiết Liệu đã được truyền ngôi vì biết làm bánh dày (hình tròn tượng trưng cho Trời), bánh chưng (hình vuông tượng trưng cho Đất) để cúng Trời Đất trong dịp đầu xuân (quan niệm người xưa Trời tròn Đất vuông: Thiên viên Địa phương). Vậy thì cúng Trời Đất, nhớ ơn Cha Mẹ sinh thành trong dịp đầu năm của cư dân Lạc Việt đã có từ đời Hùng Vương thứ 6 và nó không dành riêng cho ai mà là đạo làm người của mọi người dân trong nước. 
 
Đến thời nhà Lý, nhà Trần thì chỉ có nhà Vua mới được Tế Trời, vì Vua là đấng Thiên Tử thay Trời trị dân, còn người dân thì chỉ được Tế Thành Hoàng ở đình làng. Lễ Tế Trời tại đài Nam Giao do chính Hoàng Đế ngự tế chủ bái ở nước Việt Nam được đặt thành tục lệ từ đời Vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) nhà Vua dựng đàn Viên Khâu phía nam thành Thăng Long để Tế Trời Đất. Đến đời Lê Thái Tổ (1428 - 1433) Lễ Tế Trời trong ở đàn Nam Giao được cử hành vào đầu mùa xuân hàng năm. Lễ Tế Trời trong các triều đại phong kiến được tổ chức rất long trọng, nhà Vua phải thành tâm ăn chay tịnh tâm trong hai ngày để cử hành Đại Lễ.
 
Theo những liên hệ về lịch sử và văn hóa dân tộc cho chúng ta thấy rằng việc Đạo Cao Đài đưa Lễ Vía Trời trong giờ Tý ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm vào nghi lễ của Đạo và truyền bá rộng dãi trong quảng đại quần chúng tín đồ để thực hành rất phù hợp với truyền thống văn hóa lâu đời của con người Việt Nam. Sự chọn lựa ấy hoàn toàn có căn bản trong tư tưởng của triết lý huyền vi đạo học sâu sắc.
Việc chọn ngày Lễ Vía Trời vào mùa Xuân ứng với phương Đông là mặt trời mọc hàm ý rằng Thượng Đế là nguồn sáng của đạo pháp cứu độ thế gian (Ánh thái dương rọi trước phương Đông).
Khi hành Lễ Vía Trời vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm, người tín đồ Đạo Cao Đài đã nhắc bản thân mình gắng Lập Ngôn và tu hành, hãy cố gắng học Đạo cho thông suốt, rồi đem Đạo Lý ấy của Thầy ra tích cực công cuộc phổ độ.
 
Mùa Xuân cũng là mùa cỏ cây đâm chồi nảy lộc, vạn vật tràn trề sức sống. Chọn ngày Vía Trời vào mùa Xuân cũng hàm ý Thượng đế là nguồn sống, là đức hiếu sinh đã sinh thành và nuôi dưỡng vạn vật. Vì vậy, khi hành Lễ Vía Trời vào ngày mùng 9 tháng Giêng, một lần nữa người tín đồ Đạo Cao Đài phải luôn nhắc nhở mình hãy học và hành theo đức hiếu sinh của Thượng đế.
 
Đặc biệt, hành Lễ Vía Trời vào ngày mùng 9 tháng Giêng, người Đạo Cao Đài cũng tự nhắc nhở mình hãy học và hành theo luật Yêu Thương của Đấng Thượng Đế, Đấng Chí Tôn. Chỉ có tình thương mới là lễ phẩm xứng đáng nhất để dâng lên Đức Chí Tôn.
 
Ngoài ra, việc chọn ngày Lễ Vía Trời vào mùa Xuân người tín đồ Cao Đài còn quan niệm rằng mùa Xuân ứng với Đức Nguyên có ý nghĩa Thượng Đế là Đấng tạo lập Càn Khôn Vũ Trụ, chở che và bảo tồn vạn vật. Tháng Giêng ứng với con người có ý nghĩa Thượng Đế và con người có tương quan hay “thuận Nhân ắt thuận Thiên” theo ý Đạo là “Thiên Nhân Hiệp Nhất”.
 
Đạo Cao Đài chọn ngày mồng 9 tháng Giêng làm Lễ Tế Trời nhằm mục đích là cầu tu học đạt chứng Lý Tam Tài (Thiên Địa Nhân) hay Tam Bửu (Tinh Khi Thần), cảm thông sâu xa sự thông hội giữa Trời Đất và Người và vạn vật trong một bản thể duy nhất trong Đạo như Đức Chí Tôn dạy “các Con là Một”.
Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng vào mùa Xuân hàng năm, chúng ta có thể cảm nhận được ở người tín đồ Đạo Cao Đài có một niềm tin sâu sắc vào Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ngự ở ngoài thế giới hửu vi của con người.
 
Ngày Vía Đức Chí Tôn là ngày hạnh phúc lớn của đại gia đình nhà Đạo, không phân biệt sang hèn, màu Đạo sắc tộc, mọi tín hữu khắp mọi nơi, trên mọi nẻo đường, hướng về Tòa Thánh mừng lễ Đấng Chí Tôn là Đấng Cha Lành. Người Đạo Cao Đài luôn luôn tâm niệm và thực hành lời Đức Đại Từ Phụ dạy: Tất cả nhơn loại là con một Cha. Tất cả mọi tôn giáo có cùng một gốc. Các Đấng Giáo Chủ của các Tôn Giáo đều do Đức Chí Tôn phân tánh giáng sanh nên chịu dưới quyền điều khiển của Ngài.
Người tín đồ nào cũng thuộc làu câu: “Cùng nhau một Đạo tức một cha”. Thế nên, họ không kỳ thị tôn giáo và không kỳ thị chủng tộc, coi tất cả mọi sắc tộc trên thế giới dù khác màu da sắc tóc, ngôn ngữ hoặc chánh kiến đều cùng chung huyết mạch.
 
2. Tại Sao Đạo Cao Đài Chọn Ngày 9 Tháng Giêng Lễ Vía Đức Chí Tôn?
1. Nếu hiểu một cách giản đơn thì Lễ Vía Trời hay Lễ Vía Đức Chí Tôn phải chọn vào đầu Xuân tức tháng Giêng âm lịch thôi. Nhưng nếu muốn hiểu cho sâu sắc hơn thì theo lịch đời vua Vũ nhà Hạ, tháng Giêng âm lịch còn được gọi là tháng Dần. Trong Đạo Cao Đài Ơn Trên có dạy rằng: “Thiên khai ư Tý, Địa khai ư Sửu, Nhân sinh ư Dần”. Vía Trời chọn vào tháng Dần tức là tháng của con người ngụ ý rằng: Trời người hiệp nhứt để hoằng khai đạo Trời, hay cũng có thể hiểu rằng: tôn kính Trời vào tháng Dần tức tháng của con người có nghĩa rằng: học đạo Trời, tôn kính Trời là phải phục vụ nhân sanh, hành Đạo theo luật Yêu Thương mà Đức Chí Tôn dạy.
 
Theo tục lệ, mùng 7 hạ nêu để chấm dứt Tết Nguyên Đán thì nhân sanh mở ngay ngày Tết Khai hạ. Theo Dịch lý, ngày mùng 7 ứng vào “con ngựa” trong Thập Nhị Chi, ngày mùng 8 ứng vào lúa, ngày mùng 9 ứng vào Trời. Cho nên lấy ngày 9 tháng Giêng làm lễ Vía Trời là ngày Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn.
2 . Chúng ta cũng cũng có thể giải thích theo Dịch Lý Cao Đài như sau:
Trên hai bàn tay có 10 ngón tay, Thánh nhân chia thành hai loại là số Âm và số Dương.
 
Theo Dịch Lý Cao Đài, những con số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10 được gọi là số Âm, hay số Ngẫu hay Địa số. Những con số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9 được gọi là số Dương hay số Cơ hay Thiên số. Số 5 là gốc (Ngũ Trung ở trong Bát Quái), số 10 làm số con, 4 số kia là số sinh (1, 2, 3 và 4), ở 4 hướng xung quanh.
Nếu lấy 5 cộng lần lượt với 1, 2, 3, 4 chúng ta sẽ có 6, 7, 8, 9.
 
Bốn số 6, 7, 8, 9 được gọi là số thành. Số 9 là số thành lớn nhứt lại là số Dương, vì thế Dịch gọi số 9 là số Lão Dương, cực mạnh, sáng soi khắp cùng vũ trụ. Số này được coi là số hoàn hảo nhứt, được dùng để chỉ ngôi cao tột bậc, người thế gian gọi là vua Đấng Cửu Trùng hay Đấng Thượng Đế.
 
Theo Kinh Dịch, số 9 là số huyền diệu nhiệm mầu hơn hết. Số 9 là cơ chuyển biến đến mực độ tận thiện, tận mỹ, toàn tri, toàn năng. Số 9 bằng 3x3 là số Tham Thiên hằng số, tức là cấp bực Tam ngôi biến hóa, vận hành suốt thông trời đất. Đến số 9 là đến chỗ tột cùng vận động để hợp về cơ qui nhất. Cùng cực cái động tức nhiên phải trở về trạng thái tịnh nguyên thủy.
Số 3 là cơ quan hữu tướng cùng vô tướng hiện có ở trong Càn Khôn Vũ Trụ. Số 3 cũng nằm trong qui luật: Tý, Sửu, Dần, đứng đầu trong Thập Nhị Địa Chi (12 Chi).
Ở Hy Lạp, nhà toán học kiêm triết gia Pythagore cũng công nhận: “Chín (9) là số hoàn hảo, là bình phương của ba (3), tam hợp hài hòa trọn vẹn”. 
Thế thì qua cách dạy trong Dịch Lý Cao Đài, chúng ta có thể hiểu rằng chọn ngày mùng 9 là vì số 9 là số Lão Dương lại là số huyền vi bí diệu, có thể biểu tượng cho ngôi Thượng Đế, Chúa Tể muôn loài vạn vật, thì chính là Đức Chí Tôn, chưởng quản Càn Khôn Vũ Trụ.
 
Số 1 là số đầu tiên sau số 0, tức là cái nguồn sanh hoạt trước nhất để biến vi hữu tướng có ở Càn Khôn Vũ Trụ. Số 1 chỉ về Thái Cực tức Dương, người mang số này có tánh chuyên nhất và cầm quyền vi chủ. Số 1 là số động, nó vốn là lý Thái Cực suy ra nên nó huyền diệu, nhiệm mầu, hiện biến nên Đạo gia nói “Thiên đắc nhứt linh, địa đắc nhứt minh, nhơn đắc nhứt thành” là vậy. Ngôi số 1 thuộc về ngôi Phật (Phật Pháp Tăng) chủ quyền cai trị và giáo hóa vạn linh, chính là Đức Chí Tôn.
Hai con số Khảm 1 và Ly 9 nằm trên trục Bắc Nam tức nhiên là cái dụng của Dịch Lý, 1 là Thái Dương và 9 là Lão Dương. Thế nên hai con số 9 và 1 này đều là số Dương cả để chỉ vào quyền uy tối thượng là Thượng Đế, Ngài là Đấng tự hữu, hằng hữu; tức là không sanh cũng không diệt. Do đó Đạo Cao Đài chọn ngày Đại Lể Vía Đức Chí Tôn là ngày 9 tháng Giêng, thuần Dương là vậy.
Trong Thánh Ngôn, Đức Chí Tôn có dạy:
“ Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giới, Khí Hư Vô sinh có một Thầy và ngôi Thầy là ngôi Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn Khôn Thế Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là khoáng sản, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, loài người ...”
Qua đoạn Thánh giáo trên chúng ta hiểu rằng: Từ ngôi Thái Cực của Thượng Đế biến hóa ra chín (số 9) Tầng Trời gọi là Cửu Trùng Thiên, chín Đấng Cửu Thiên Khai Hóa, mỗi vị cai quản một (số 1) Tầng Trời 
Vì lý do kể trên mà hằng năm đến mùa Xuân, ngày mùng 9 tháng Giêng, tín đồ Đạo Cao Đài, các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Đông phương xem là ngày kỷ niệm Đức Thượng Đế hay Đức Chí Tôn tạo lập Càn Khôn Vũ Trụ là ngày Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn.
 
Mùa Xuân Tân Sửu, ngày Đại Lễ Vía Đức Chí Tôn, xin trích gởi đến quí vị bài thi của Đức Chí Tôn trong Thi Văn Dạy Đạo (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển):
" Lần lừa ngày tháng cảnh đưa Xuân,
Ướm chổi huỳnh lương tỉnh dậy lần.
Rạng nẻo chung soi đèn Bạch Ngọc,
Dò đường xúm núp bóng Hồng Quân.
Hồi chuông cảnh tỉnh vang rừng Thánh,
Tiếng trống giác mê nhặt đỉnh Thần.
Biết Đạo khá lo trau hạnh đức,
Dữ lành đợi buổi cũng cân phân."
 
Trân Trọng,
Mùa Xuân Tân Sửu
Midland MI USA, ngày 14-02-2021
Quốc Sĩ Nguyễn Thanh Bình
 
ĐĐTKPĐ/TTTN
Ban Thế Đạo
Tài Liệu Tham Khảo.
1 . Các tài liệu về “Lễ Tế Trời” đã phát hành trên “internet”. Thành thật cám ơn các tác giả đã viết các bài rất có giá trị.
2 . Tân Luật Pháp Chánh Truyền và Pháp Chánh Truyền Chú Giải (1972)
3 . Thánh Ngôn Sưu Tập, Quyển I-IV, Nguyễn Văn Hồng.
4 . Đại Đạo Sử Cương, Quyển I-IV, Trần Văn Rạng.
5 . Đạo Sử, Quyển I và II, Hương Hiếu.
6 . Lời Thuyết Đạo Đức Hộ Pháp Quyển I-VI
7 . Đại Đạo Căn Nguyên, Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu.
8 . Dịch Lý Cao Đài, Nguyên Thủy (2009)
9 . Đức Chí Tôn - Huyền Khung Cao Thượng Đế, QS Nguyễn Thanh Bình (2021)
 Home   Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11[12]