Tập San Ban Thế Đạo. * Số 1 - Ngày 20/2/2021. [9/12]

Tại Sao Thánh Thất Phú Mỹ Được Mang danh "Khổ Hiền Trang"?
* Sưu Tầm : QS / TS / Nguyễn Thanh Bình.
"... Sáng ngày, Đức Ngài đem ba chữ Nho đã viết hỏi mấy vị thầy Nho là chữ gì. Mấy vị ấy nói là ba chữ “Khổ Hiền Trang”, vậy là đúng rồi, Ngài mừng quá.
Ngài thuật lại chuyện đêm hôm và nói 3 chữ Nho đó là của Phật Mẫu đã cho đó. Vậy thì viết ba chữ này vào một tấm bảng lớn, rồi treo ngay trước cổng Thánh Thất để cho mọi người biết Thánh Thất Phú Mỹ giờ đây có tên là Thánh Thất “Khổ Hiền Trang... ”
 Phú Mỹ có một lần nọ, Đức Hộ Pháp sai ông Giáo hữu Minh xuống nhà ông Ca (Nguyễn Văn Ca) ở Mỹ Tho để xin phép lập đàn ở Phú Mỹ, vì ông Ca là cựu Đốc phủ, nên cậy ông Ca xin phép sẽ dễ dàng hơn. Đàng nầy ông Ca lại không nhận, mà lại trách: Mỹ Tho là Thánh Thất lớn, Phú Mỹ là Thánh Thất nhỏ. Đức Hộ Pháp đến Mỹ Tho sao không xuống Thánh Thất Mỹ Tho, bộ Mỹ Tho không có chỗ cho Ngài thuyết pháp hay sao mà lại đến Phú Mỹ, rồi nhờ đi xin phép! Nghe vậy ông Minh từ giả ra về và trình lại Đức Ngài y như vậy.
Đức Ngài buồn lắm, nhưng chẳng biết nói sao. Đêm hôm đó, Ngài suy nghĩ, trằn trọc không ngủ được, trong lúc mơ màng, nửa thức nửa ngủ, Đức Ngài thấy Phật Mẫu cho 3 chữ bằng chữ Nho, Đức Ngài lại nghe nói “Khổ Hiền Trang”. Ngài giật mình và viết lại liền ba chữ Nho ấy.
Sáng ngày, Đức Ngài đem ba chữ Nho đã viết hỏi mấy vị thầy Nho là chữ gì. Mấy vị ấy nói là ba chữ “Khổ Hiền Trang”, vậy là đúng rồi, Ngài mừng quá.
Ngài thuật lại chuyện đêm hôm và nói 3 chữ Nho đó là của Phật Mẫu đã cho đó. Vậy thì viết ba chữ này vào một tấm bảng lớn, rồi treo ngay trước cổng Thánh Thất để cho mọi người biết Thánh Thất Phú Mỹ giờ đây có tên là Thánh Thất “Khổ Hiền Trang”.
Tích Đức Lão Tử sanh ở huyện Khổ. Nên Khổ Hiền Trang là cái lều của người hiền chịu khổ, nơi đây ngày đầu tiên Đức Ngài vào bái lễ Đức Chí Tôn, đã thấy Đức Lão Tử đi ngang qua. Đức Ngài biết nơi đây có liên quan đến Đức Lão Tử.
Đức Ngài nói: Nơi đây, nơi Thánh Thất “Khổ Hiền Trang” này chỉ cho một chữ thôi cũng đủ làm giàu; khỏi lo đói: Truyền Thần chữ “KHÍ” để chữa bệnh.
Ghi chú: Ông Nguyễn Văn Ca nguyên là Đốc Phủ Sứ, nhập môn vào đạo Cao Đài năm 1926 và được phong phẩm Phối Sư phái Thái. Phái Chơn Lý trước gọi là Minh Chơn Lý do Phối Sư Thái Ca Thanh (Nguyễn Văn Ca), tách ra từ Tòa Thánh Tây Ninh vào năm 1931. Ông được lịnh đi hành đạo tại Cầu VĩMỹ Tho (Tiền Giang) nhưng sau ông nghe theo cơ bút của bác sĩ Trương Kế An nên ở luôn tại Cầu Vỹ, Mỹ Tho, không về Tòa Thánh Tây Ninh, và không tuân mạng lịnh của Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh nữa, lập phái Minh Chơn Lý vào năm 1931.
Khổ Hiền Trang
Ngày 19 tháng sáu, 2020
* Sưu Tầm : QS / TS / Nguyễn Thanh Bình 
*     *     *
NHO TÔNG CHUYỂN THẾ. * Dr. Lê Thị Ngọc Vân
   "... Học thuyết Nho Giáo lấy 3 điều:
1 / Về tín ngưỡng: Tin tưởng Thượng Đế là chủ Càn Khôn Vũ trụ, thống ngự vạn vật, " Hoàng hỷ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám qua tứ phương, cầu dân chi mạc..."
Kính chào Quý Huynh, Tỷ, Đệ, Muội .
Hôm nay tiện muội quay trở lại với Quý Hiền bằng những góp nhặt học hỏi về một Tôn Giáo cách đây hơn 2000 năm, mà ĐỨC ĐẠI TỪ PHỤ của chúng ta người con ĐẠI ĐẠO phải đem Tôn Giáo này về lại thời kỳ này mà NGÀI gọi là "NHO TÔNG CHUYỂN THẾ". Một trách nhiệm lớn lao đối với người con Đại Đạo trước một xã hội, một thế giới nhiều bạo loạn, điên đảo mất nhân tính. Nơi gia đình là nền tảng của xã hội thì luân thường đạo lý bị chà đạp, trường học là nơi giáo dục giúp con người trở nên Chân, Thiện, Mỹ thì đạo đức suy đồi. Nhìn qua các trang mạng xã hội sẽ thấy hình ảnh của thói quen bầy đàn trong những con vật hạ đẳng cùng xúm nhau để săn giết một con mồi. Ôi cả một thời hạ mạt bày ra trước mắt, con người tự diệt lẫn nhau.
Đứng trước muôn ngàn tội lỗi đưa đến thảm họa diệt vong nay mai, người tín đồ Cao Đài không khỏi đau lòng nhìn các bạn đồng sanh, kẻ đang ngụp lặn trong bả lợi danh quyền thế, kẻ thì tự hủy hoại Thiên tánh của mình để trở về thú tánh. Người con của ĐẠI TỪ PHỤ hiểu rằng với trách nhiệm Nhập thế và Dấn thân của đạo Cao Đài để " Tạo đời cải dữ ra hiền" lấy Nho Tông làm căn bản để chuyển thế đưa nhân loại về thời Thánh Đức.
Như câu niệm hàng ngày của bài Kinh cúng Tứ thời: " Nam Mô Khổng Thánh Tiên Sư Hưng Nho Thạnh Thế Thiên Tôn" của người tín đồ Cao Đài đã thể hiện sự cần phải phục hưng Nho học, đưa Nho học vào guồng máy xã hội là điều cần thiết.
Hôm nay tiện muội mạn phép dùng tiêu đề " Nho Tông Chuyển Thế " để chúng ta thử mạn đàm về cách " Tu " trong Nho Giáo, chúng ta cùng hiểu để làm tròn Nhơn Đạo 
Đức Khổng Tử đã từng dạy " Muốn dạy người ta làm điều gì thì thực hành điều đó đã, rồi sau hẵng dạy. Nên nói ít mà làm nhiều" (Kinh Lễ).
NHO theo Hán tự do chữ Nhân và nhu ghép lại, nhân là người, như là cần dùng. NHO là người giúp ích cho xã hội, biết cách ăn ở sao cho hợp với người và Trời. Biết hướng dẫn người cư xử thế nào cho hợp với đạo Trời, với lòng người, có chữ " Thông Thiên định Địa viết Nho ", nghĩa là người biết rõ Thiên văn, Địa lý. Những người Nho học từ xưa đều nhập thế cuộc, gánh vác việc đời, làm ích lợi cho quốc gia, dân chúng.
Nho học là một học thuyết có hệ thống và phương pháp dạy con người sống trong gia đình và xã hội sao cho trật tự ôn hòa, đem lại cảnh thái bình an lạc. Đó là Nhân Đạo. Đức Khổng Tử là người đã đưa học thuyết Nho học đến chỗ hoàn chỉnh để trở thành một Tôn Giáo, xác định Nhân Sinh Quan và Vũ trụ Quan rõ ràng, là những điều căn bản để hiểu rõ mối tương quan giữa người và vũ trụ gọi là Trời Đất (Thiên Địa) Nho Giáo đã đem Nhân Đạo vào Thiên Đạo, nói lên sự tương liên giữa Tâm và Vật, giữa Tri và Hành.
Học thuyết Nho Giáo lấy 3 điều:
1 / Về tín ngưỡng: Tin tưởng Thượng Đế là chủ Càn Khôn Vũ trụ, thống ngự vạn vật, " Hoàng hỷ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám qua tứ phương, cầu dân chi mạc"
Đấng Thượng Đế rất lớn, soi xuống rất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm nỗi thống khổ của dân mà cứu giúp. Thượng Đế chính là Thái Cực, là Đấng Tạo Hóa duy nhất hóa sinh vạn vật. Con người khi sinh ra được hưởng cái Lý và Khí của Trời nên Trời, người tương ứng với nhau " Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể ", hoặc "Thiên Nhân tương dữ".
2 / Về xử thế lấy đạo Trung Dung: 
Trung Hòa là cái tính tự nhiên của Trời Đất, Trung Dung là cái đức hạnh của người. Không thái quá cũng không bất cập giữa người với nhau. Vũ trụ và vạn vật luôn dịch chuyển biến hóa theo lẽ điều hòa nên cứ tùy thời mà hành động.
Theo Ông Trần Trọng Kim trong cuốn Nho Giáo, " Sách Trung Dung nói cái Đạo của Thánh hiền căn bản ở Trời, rồi diễn giải ra hết mọi lẽ khiến người ta phải giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động và cả khi im lặng. Suy cái lý ấy ra cho đến sự Nhân Nghĩa để khiến cho thiên hạ được bình trị, và lại tán dương các công hiệu linh diệu của Đạo ấy cho đến chỗ tinh thần vô thanh vô sắc mới thôi"
Lấy Trung Dung làm căn bản để thích hợp với Trung Hòa của Trời Đất.
3 / Về Lễ:
Nho Giáo trọng Lễ Nghĩa. Lễ gồm những phép tắc xử thế phù hợp với lòng người, thuận theo tự nhiên của Trời. Trong Kinh Lễ dạy: " Lễ giả, Thiên chi tự " nghĩa là Lễ là cái trật tự của Trời.
Thực hành Lễ để tu dưỡng tánh, hợp với đạo Trung Dung " Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động" nghĩa là không lễ thì chớ nhìn, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì đừng nói, không phải lễ thì chớ làm.
* Khổng Tử
Lễ để phân định lẽ phải trái, trật tự trên dưới phân minh. Nhờ Lễ để phân biệt người lớn kẻ nhỏ mà đối xử với nhau không có hiềm nghi. Có lễ mới định được cái chính danh, mới có tôn ti trật tự luân lý từ gia đình đến xã hội để tạo ra một xã hội thái bình, trên thuận dưới hòa.
Lễ để kềm chế dục vọng, nếu không có lễ để ngăn chặn thì dục vọng thường xúi giục người làm sai quấy, tội lỗi. Lễ là để ngăn ngừa việc xấu không xảy ra, còn pháp luật để trừng trị tội lỗi đã xảy ra rồi. Lễ chú trọng về giáo hóa, dạy người ta nên làm điều thuận với Trời, hợp lòng người gọi là thuận Thiên. ( Không nên làm điều nghịch Thiên).
Từ  Nhứt kỳ phổ độ chưa có nền Tôn Giáo nào dạy cụ thể về Nhân Đạo một cách thực tế kỹ lưỡng và sâu sắc như Nho Giáo.
Dạy về Nhân Đạo, Đức Khổng Tử nêu rõ những điều căn bản mà con người phải gìn giữ để xã hội được an hòa, hợp lòng người cũng là hợp lý Trời. Đó là Tu Thân gồm có Tam cang, Ngũ thường, nữ có tam tùng tứ đức.
* Tu thân: sửa mình cho trong sạch, học hỏi đến " cùng lý tận tính" để tìm cho được phần sâu xa ẩn trong con người gọi là Thiện Tâm, Bản tâm. Lời dạy của Đức Khổng Tử:
" Học bao nhiêu vẫn thiếu
Hiểu bao nhiêu chẳng thừa
Nhân Đức chớ bán mua
Được thua không nản chí."
Học để tự chứng, tự nghiệm là " cách vật trí tri " Học là để thấy lương tâm và tu là để sống theo đúng lương tâm. " Tâm tức là Đạo, Đạo tức là Trời. Biết tâm thì biết đạo biết Trời" (Vương Dương Minh).
* Thành ý: có chí thực tâm tu thân.
" Hiếu học cận hồ Trí
Lực hành cận hồ Nhân
Tri sỉ cận hồ Dũng".
Nghĩa là: Thích học là gần có Trí, cố sức mà làm là gần có Nhân, biết thẹn là gần có Dũng. Có ba điều ấy mới sửa được mình.
* Chính tâm: Noi theo lương tâm gọi là "tồn tâm dưỡng tánh", làm hiển lộ cái Thiên tánh, cải hóa tư tâm, sửa đổi những sai lầm để trở nên chính nhân quân tử.
* Công bình, bác ái: " kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Con người ai ai cũng thọ bẩm cái Lý và Khí của Trời như nhau nên mọi người là anh em, lấy sự thương yêu người như thương thân mình. Đó là sự công bình, nằm trong đức Nhân của Nho Giáo.
* Tề gia: Sắp đặt điều hòa mọi sự việc trong gia đình vào khuôn phép lễ nghĩa.
* Trị quốc: Sau khi gia đình êm ấm thuận hòa, mọi thành viên đều an vui hạnh phúc thì quốc gia được thái hòa, quốc thái dân an trong lễ nghi phép tắc.
* Bình thiên hạ: quốc gia được an vui thái hòa thì thiên hạ đều hạnh phúc, thanh bình thạnh trị.
Theo Nho Giáo trong Tứ thư, Ngũ kinh cũng không thấy Đức Khổng Tử nói về Thiên Đàng hay Cực Lạc Niết bàn. Nhưng các sách của Ngài đều dạy rằng: Con người tu đức để nên Quân tử chính nhân nên Hiền nên Thánh, trở nên hoàn thiện đạt đến Chân, Thiện, Mỹ để phù hợp với Thiên Lý là đã kết hợp với Trời.
Nho Giáo là nền tảng của sự mực thước, trật tự xã hội để ổn định con người. " Đạo chẳng ngoài Tâm, và lương tri tức là Đạo, tức là Trời."
Dạ thưa Quý Hiền, nói về một Tôn Giáo chắc sẽ là cả cuốn sách, muội chỉ góp nhặt những ý tưởng để cùng chia sẻ trong niềm tin Đạo. Muội xin kết thúc bài viết vì đã dài, Quý Hiền đã mất nhiều thời gian quý để xem qua, tiện muội xin gởi lời cảm ơn Quý Hiền và chúc Quý Hiền Huynh, Tỷ, Đệ, Muội, được nhiều Hồng Ân của Đấng Trọn Lành. Và muội gởi đến Quý Hiền một vài dòng thơ cảm.
NHO TÔNG CHUYỂN THẾ.
" Nho Tông Chuyển Thế kỳ ba độ
Đưa quần sanh thoát khổ tệ đoan.
Người ơi mau tỉnh giấc màng.
Sửa mình, trau phận tam cang ngũ thường.
Trung, Hiếu, Nghĩa vẹn toàn hạnh đức.
Đạo nhơn luân hằng giữ bên mình.
Chuyển đời Thánh Đức Thượng Ngươn.
Đẹp lòng Thiên Ý, muôn dân tỏ tường."
* Dr. Lê Thị Ngọc Vân

*   *   *

 Đức Chí Tôn Và Thánh Thi Phổ Độ. * QS Nguyễn Thanh Bình.
Mùa Xuân Tân Sửu (2021) đánh dấu 96 năm Đức Chí Tôn đến dạy Đạo hay kỷ niệm 95 năm khai mở Tam Kỳ Phộ Độ (Đạo Cao Đài).
 
Từ xưa, ngâm thi vịnh phú đã là một lối tiêu khiển thú vị, thanh nhã mà ngày nay các Tiên gia đã lồng vào khuôn khổ đạo đức của tôn giáo. Cho nên nếu nói đến Đạo Cao Đài mà không nói đến thi ca là một điều đáng tiếc. Vả lại, thi ca Đạo Cao Đài có liên hệ chặt chẽ với dân tộc tính của người Việt, tức truyền thống yêu thi ca, nghệ thuật.
 
Có thể nói lịch sử khai Đạo Cao Đài đã được thi vị hóa bởi sự hiện diện của thi ca. Các vị Tiền Khai Đại Đạo đều là những thi gia với hồn thơ lai láng. Chư vị Tiền Khai cũng đã trải qua một quảng thời gian hưởng thú ngâm nga xướng họa thi văn với các Đấng Thiêng Liêng và được nhận lời dạy Đạo của các Đấng.
 
Thi của Đức Chí Tôn dạy trong các Thánh Ngôn thì có bài rất là bình dân, dể hiểu; lại có bài với lời dạy rất là cao thâm ẩn tàn khó hiểu. Chúng ta hiểu ít hay nhiều các bài Thánh Thi tùy vào trình độ hiểu biết nhất là về giáo lý Đạo.
 
Bài viết nầy trích, và ghi lại một vài bài Thánh Thi, trong các Thánh Ngôn dạy Đạo của Đức Chí Tôn, từ lúc Ngài giáng cơ dạy Đạo rồi khai mở Tam Kỳ Phổ Độ, để Vinh Danh ngày Đai Lễ Vía Đức Chí Tôn vào mùa Xuân Tân Sửu (2021).
 
Đức Chí Tôn giáng trần khai minh nền Tam Kỳ Phổ Độ năm Bính Dần (1926), Đại Ân Xá nhân loại, để chấn hưng đạo đức, đưa con người trở lại cuộc sống thuần lương tốt đẹp.
 
Đức Chí Tôn giáng trần, dùng cơ bút dạy Đạo trong kế hoạch thâu nhận các vị Tông Đồ vào cửa Đạo trong thời kỳ tiền khai Đạo. Thầy đã nhắm đúng sở thích và tâm lý của các Ngài Tiền Khai Đạo là ưa xướng họa thi văn nên đã cho Thất Nương Diêu Trì Cung đến trước để làm những công tác sơ khởi liên lạc. Quả thật, sự xuất hiện thường xuyên của Thất Nương đã làm cho quí vị ngày càng thích thú hăng say trong mối giao tiếp với cõi vô hình, mà không hề nghĩ rằng đó là một vị Tiên Nữ ở Diêu Trì Cung giáng phàm.
Như vậy, cùng với cơ bút, thi văn đã làm trung gian nối liền nhịp cầu giao cảm giữa hai cõi “Sắc Không”, giữa “người Tiên kẻ Tục”. Thi đã dìu dắt chư vị Tiền Khai bước vào sứ mạng trọng đại của quí Ngài. Thi đã hiện diện ngay trong những giây phút đầu tiên của công cuộc khai sáng Tam Kỳ Phổ Độ của Đức Chí Tôn và tiếp tục trong công cuộc phổ độ đến thất ức niên.
 
Trung tuần tháng 7 năm Ất Sửu (10-7-Ất Sửu, dl: 28-8-1925), ba ông (Cư, Tắc, Sang) thỉnh bàn ra, có một Ông giáng cơ, xưng là AĂÂ, gõ bàn cho một bài thi dưới đây :
                                                                                            “Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai”.
 
Ba Ông không hiểu gì hết. Sau Đức Chí Tôn cho biết, bấy lâu Thầy vẫn tá danh AĂÂ là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra tay giúp Thầy mà khai Đạo. Các con có thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa?
Các con nên bắt chước Thầy trong mảy mún thì mới xứng đáng là người đạo đức.
 
Có một lần, ông Nguyễn Trung Hậu (được Đức Chí Tôn thâu nhận là môn đồ và sau thiên phong Bảo Pháp Đạo Cao Đài) bạch cùng Đức AĂÂ rằng :
"Tôi còn nhớ hai câu đối thuở nay chưa ai đối được xin đem ra nhờ Ngài đối chơi cho vui ". Đức AĂÂ khiêm nhượng đáp rằng: "Bần Đạo xin hầu đối, nếu đối ra không chỉnh, quí vị chớ cười và niệm tình Bần Đạo mà chấn chỉnh lại cho".
Câu đối ấy là : "Ngồi trên ngựa đừng bò con nghé".
Câu đối ấy là : "Ngồi trên ngựa đừng bò con nghé".
Câu đối ấy là : "Ngồi trên ngựa đừng bò con nghé".
Đức AĂÂ đối lại : "Cởi lưng trâu chớ khỉ thằng tê"
Giai thoại này đã được truyền tụng xưa nay trong lãnh vực văn học thi ca của Đạo Cao Đài.
Sau đó Đấng AĂÂ cho biết Thầy là “Ngọc Hoàng Giáng Thế Giáo Đạo Nam Phương”:
                                                                                            Ngọc ẩn thạch kỳ ngọc tự cao,
Hoàng Thiên bất phụ chí anh hào.
Giáng ban phúc hạnh nhơn đồng lạc,
Thế tạo lương phương thế cộng giao.
Giáo hóa nhơn sanh cầu triết lý,
Ðạo truyền thiên hạ ái đồng bào.
Nam nhơn tỉnh cảm sanh cao khí,
Phương tiện tu tâm kế diệt lao.
 
Ý Nghỉa:
Ngọc ẩn trong đá núi, ngọc ấy tự nó có giá trị cao,
Trời không phụ ý chí của người anh hùng hào kiệt.Giáng trần để ban hạnh phúc cho loài người cùng vui vẻ.
Ðời tạo phương hay, đời giao hòa cùng chung với nhau.
Giáo hóa nhơn sanh cầu cái triết lý cao siêu của Ðạo,
Ðem Ðạo truyền cho dân chúng biết thương yêu đồng bào.
Người Việt Nam tỉnh ra cảm ứng sanh chí khí cao thượng.
Phương tiện tu tâm là kế tiêu diệt các nỗi khổ đau
 
Đêm trừ tịch 30-12 Ất Sửu - Bính Dần (dl: 12-2-1926), sự kiện hiệp nhất lịch sử giữa những vị môn đồ đầu tiên (12 người) được Đức Chí Tôn đánh dấu bằng một Thánh Lịnh ban trao sứ mạng của Đạo Cao Đài để phổ độ chúng sanh. 
 
Đức Chí Tôn cho biết “Thầy là Chúa Tể Càn Khôn Thế Giới, vì tình thương chúng sanh vô minh đắm chìm trong bể khổ, đã hạ mình chỉ làm một vị Bồ Tát đem Đạo phổ độ nhân sanh, chúng ta hãy noi gương khiêm tốn, tập hạnh vị tha của Thầy để gần gũi, thương mến, dung thứ cho nhau”:
                                                                                      “Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên”.
 
Đêm nay phải vui mừng vì là ngày Ta đã xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.
 
Qua Tết, đến ngày mồng 9 tháng Giêng Bính Dần (20-2-1926), mười hai vị Tông Đồ họp mặt dâng lễ Vía Trời (sau gọi là Lễ Vía Đức Chí Tôn), được Đức Chí Tôn giáng cơ dạy:
                                                                                         "Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắc đến cùng Ta".
 
“Nguồn Tiên tầm Ðạo dễ gì đâu?
Quyền phép Càn Khôn một túi thâu.
Thoát xác xưa tầng tu vạn kiếp,
Ðộ hồn nay gội khắp năm châu.
Tìm hiền lắm lúc gieo nguồn Ðạo,
Cải dữ đòi phen cổi mạch sầu,
Trần khổ dầu ai chơn muốn lánh,
Ngày thành chánh quả có bao lâu!”
 
Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.
Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy. Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy, phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe! Thầy muốn, ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy:
                                                                                “Vào vòng huynh đệ khá thương nhau,
Một đức trổi hơn một phẩm cao.
Quyết chí Thiên Ðường men bước tới,
Phải nhiều máu thịt mới đồng bào”.
 
Các con phải hiểu rằng: Thầy là huyền diệu thế nào? Cách dạy, Thầy buộc tùy thông minh của mỗi đứa mà dạy. Dầu cho thầy phàm tục cũng phải vậy, nếu đứa nào dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu mà hiểu đặng.
 
Thầy cấm không cho dị nghị việc người, nhứt là đạo hữu của các con thì đừng phạm đến kẻo tội nghiệp. Chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó:
                                                                                “Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Ðạo tức cùng Cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn nhau cho đặng chữ Hòa”.
 
Thầy dặn các con một điều, nhứt nhứt đều đợi lịnh Thầy chẳng nên lấy tứ riêng mà phán đoán chi hết. Phận sự và trách nhiệm các con, Thầy đã định trước, song giờ ngày chưa đến; phải tuân theo lời Thầy nghe!
Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng.
Từ đây Thầy khởi sự dạy Ðạo cho.
 
Thầy nói một lần từ đây nhớ lấy, dầu cho đá, sắt, cây cỏ, mà nghe đến Thánh Ngôn nơi Thầy mà con nói ra, cũng hoan nghinh, huống lựa là người, con nhớ và an lòng:
                                                                                         “Ðã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Ðạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sau ra vạn dặm trường”.
 
Thầy đã hằng ngày nói với con rằng: Muôn việc chi Thầy đã bố hóa vào lòng con. Như con tính điều chi, tức Thầy đã định rồi. Con không cần nặng lòng lo lắng. Ðạo cốt để cho kẻ hữu duyên. Những kẻ nào đã làm môn đệ của "Tà Thần" thì không thế gì làm môn đệ Thầy đặng:
                                                                                             “Lẽ Chánh tự nhiên có lẽ Tà,
Chánh Tà hai lẽ đoán sao ra.
Sao ra Tiên Phật người trần tục,
Trần tục muốn thành phải đến Ta”.
 
Ngay từ những ngày đầu dạy Đạo, có người hỏi hình dạng của Đức Chí Tôn (Thầy) như thế nào, Thầy trả lời không những tự vịnh phong cách của mình mà còn tiên tri việc Đạo như sau:
                                                                             “Tròi trọi một mình không mới thiệt bần,
Một nhành sen trắng náo nương chân.
Ở nhà mượn đám mây xanh kịt,
Đỡ gót nhờ con hạc trắng ngần.
Bố hóa người đời gây mối Đạo,
Gia ân đồ đệ dựng nền nhân.
Chừng nào đất dậy Trời thay xác,
Chư Phật Thánh Tiên xuống ở trần”.

Có người lại hỏi Bạch Ngọc Kinh như thế nào? Thầy liền "Tân Tả Bạch Ngọc Kinh":
                                                                                     “Một tòa Thiên các ngọc làu làu
Liền bắc cầu qua nhấp nhóa sao.
Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu,
Muôn trùng nhiếp khảm hiệp Nam Tào.
Chư Thần chóa mắt màu thường đổi,
Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao.
Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi,
Vững bền vạn kiếp chẳng hề xao”.
 
Ngoài Bạch Ngọc Kinh, Đức Chí Tôn còn ngự tại Linh Tiêu Điện ở Ngọc Hư Cung để chủ tọa Đại Hội Ngự Triều:
                                                                                        “Linh Tiêu nhứt tháp thị Cao Đài,
Đại Hội Quần Tiên thử ngọc giai.
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất,
Cổ danh bửu cảnh lạc Thiên Thai”.
 
Thầy dạy “Có Đạo có công thì tự mình vượt qua được”, ngược lại thì tất cả không được gì hết:
                                                                “Thanh thanh nhựt nguyệt Cửu Trùng Thiên,
Hiện xuất cao nhơn tại nhãn tiền.
Bất quản hổ tranh thâu Bắc Cực,
Chỉ nguy long đấu đoạt Nam Uyên.
Sanh tồn cụ pháp vô công trác,
Tử hậu cùng đồ uổng lộ diên.
Hữu đạo, hữu công du tự khả,
Vô công, vô đạo tổng đồ nhiên”.
 
Đức Ngọc Đế đã thật sự giáng trần dạy Đạo ở Nam Bang thì ách dân nạn nước sắp mãn:
                                                                                      “Hảo Nam bang ! Hảo Nam bang !
Tiểu quốc tảo khai Hội Niết Bàn.
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.
Thi ân tế chúng thiên tai tận.
Nhược thiệt nhược hư vạn đại an.
Chí bửu nhơn sanh vô giá định,
Năng tri giác thế trí cao ban”.
 
Thầy có lần hỏi: “Thầy những mong ở một cõi trong sạch nhất nơi trần gian, Thầy ngự vào đó để cứu rỗi con cái của Thầy trong kỳ mạt kiếp. Cái cõi tịnh khiết đó ở đâu hởi các con? Thầy dạy:
                                                                                            “Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi.
Sang hèn trối kệ Tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi”.
 
Đức Chí Tôn thương yêu tất cả con cái của Ngài một cách bình đẳng Ngài chỉ quan tâm đến tấm lòng thành tín và hiếu kỉnh của họ mà thôi: 
                                                                                  "Trong lòng Thầy ngự động Thầy hay.
Ngặt nỗi từ xưa chẳng thế bày.
Đạo hạnh khuyên con gìn tánh đức,
Cửa cung Bạch Ngọc đã gần khai”.
 
Thầy dạy người tu hành mà biết trau giồi Tâm Đức, thì mới đặng thành công đắc Đạo:
                                                                                               “Tâm ấy là Trời chớ dễ Tâm,
Phải trau cho sạch điểm lương Tâm.
Ngôi Trời Tâm ấy là nơi dựa,
Mình biết Tâm, Tâm mới biết Tâm”.
 
Thầy dạy “Ðặng một việc chi chớ vội mừng, thất một việc chi chớ vội buồn, vì sự mừng vui và buồn tủi thường pha lẫn kế cận nhau”. Hãy xem dò theo đây mà day trở trong bước đường Đạo:
                                                                                                “Mối đạo từ đây rán vẹn gìn,
Tu là khổ hạnh khá đinh ninh.
Lòng thành một tấm Trời soi xét,
Gương rạng nghìn thu nguyệt chiếu minh.
Gai gốc lần đường công trước gắng,
Thảnh thơi có lúc buổi sau dành.
Vòng trần chìm nổi từ đây dứt,
Công quả tua bền độ chúng sinh”.
 
Dạy môn đồ, Thầy dạy “Lòng đạo đức của con Thầy đã thấu rõ, nhưng gương khổ hạnh ráng giồi thêm, hầu dìu dắt sanh linh vào nẻo Chánh giáo mà lánh khỏi đọa luân hồi”:
                                                                                        “Màu thu cảnh ướm trở về Đông,
Ðạo đức soi gương đã vẹn lòng.
Non xế nhành thung oanh nhặt thúc,
Rừng tà đảnh hạc khách trông mong.
Ðường trần dù muốn dừng chơn tục,
Nguồn suối tìm nơi rửa bụi hồng.
Thìn dạ bước dìu sanh chúng độ,
Nương thuyền mới trọn thoát qua song”.
 
Thầy dạy rán giồi Thánh đức, lấy đạo hạnh mà giáo hóa nhân sanh. Thầy trông mong nơi con, khá cải sửa chút ít phàm tâm, thì đức tánh mới đặng trọn vẹn:
“Thanh nhàn muốn vẹn buổi chung qui,
                     Giáo hóa nhân sanh đức phải vì.
Bước thế chịu đày khơi bạch phát,
Nguồn Tiên ráng lướt rạng thanh mi.
Nâu sồng tánh gội dành trăm tuổi,
Chung đỉnh đường qua trót một thì.
Gương sáng phước Trời soi hậu tấn,
Chờ xuân khải chiết đắc mai chi”.
 
Ðời thắm thoát, thế gay go, trăm năm thoát qua điều dâu bể, khách trần, hỏi có bao nhiêu kẻ lấy danh phận đem vào cảnh tuyền đài, để nâng mình lên địa vị cao thượng đặng chăng? Thầy dạy:
                                                                            “Thuyền khơi gặp gió cánh buồm trương,
Dìu dắt đạo mầu nẻo chánh nương.
Mùi thế xưa còn lằn bụi trược,
Mạch sầu nay rửa bến sông hương.
Chiều xuân sương tỏa lồng sân hoạn,
Dặm liễu trăng soi rạng bước đường.
Trăm hạnh để lần sanh chúng dẫn,
Non Thần vẹt ngút tới tìm phương”.
 
Trên đây chỉ là một số nhỏ các bài Thánh Thi mà Đức Chí Tôn dùng cơ bút dạy Đạo trong các bài Thánh Ngôn. Ghi lại các bài Thánh Thi nầy đề Trân Trọng Vinh Danh Thầy trong ngày Đai Lễ Vía Đức Chí Tôn, ngày mùng 9 tháng Giêng mùa Xuân Tân Sửu (2021).
 
Ngàn năm xưa, các văn gia cũng đã có quan niệm "Văn dĩ tải đạo", nghĩa là văn để chở Đạo, truyền Đạo. Người xưa từng cho rằng thi cốt nói lên lòng người, thì thi Tiên Thánh cốt nói lên ý chỉ của Tiên gia muốn truyền Đạo cho thế nhân. Thi ca là một trong những cách dùng lời để diễn tả ý tưởng.
 
Bạch Cư Dị, Bạch Cư Dị (772-846), tự là Lạc Thiên, là nhà thi Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ngôn từ trong thi ca của ông dễ hiểu, mạch lạc và trôi chảy. Ông đã nói : "Thi gốc nó là Tình, Ngọn nó là Lời, Hoa nó là Tiếng, Trái nó là Nghĩa" cho nên ông chủ trương rằng văn thi không phải để đùa giỡn với hoa cỏ gió mây mà phải có mục đích "phụng sự nhân sanh". 
 
Tinh thần Đạo Cao Đài rất cởi mở, trọng "chất" nhưng cũng không xem nhẹ "văn", dung thông mọi quan niệm về thi văn, mọi hình thức diễn đạt tư tưởng. Do đó, chúng ta có thể thấy thi ca Đạo Cao Đài có nhiều vai trò. Trước hết là vai trò truyền đạt Đạo Lý, kế đến là bảo vệ và phát triển văn hóa và sau đó là vai trò phụ làm thú tiêu khiển thanh tao.
 
Vấn đề "Văn Dĩ Tải Đạo" nghĩa là Văn để chở Đạo, truyền Đạo, Đức Diêu Trì Kim Mẫu đã dạy:
                                                                                             "Lời Thánh Dụ phú thi còn đó,
Bao thi văn dạy dỗ khuyên răn;
Mong cho thế sự ăn năn,
Tự tu tự tỉnh lần phăng đường về". 

Trân Trọng,

Mùa Xuân Tân Sửu

Midland MI USA, ngày 16-02-2021

Quốc Sĩ Nguyễn Thanh Bình

 Home   Mục Lục: [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] [11[12]